Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Vụ chết 2 năm vẫn ký nguồn gốc nhà đất

Vụ chết 2 năm vẫn ký nguồn gốc nhà đất
ĐBQH đề nghị làm rõ có 'bảo kê' không?
Copy từ "https://www.tienphong.vn/dia-oc/vu-chet-2-nam-van-ky-nguon-goc-nha-dat-dbqh-de-nghi-lam-ro-co-bao-ke-khong-1421797.tpo", tác giả: Ninh Phan- Trường Vi , đã đăng ngày 30/05/2019 07:35.
TPO - Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nghi ngờ việc có sự 'bảo kê' trong vụ cấp sổ đỏ tại 27A Đê La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội) là “có cơ sở”, bởi yêu cầu chính đáng của người dân không được giải quyết đến nơi đến chốn, trong khi hồ sơ cấp sổ đỏ lại có dấu hiệu làm không đúng quy định.

Lo ngại giống vụ 146 Quán Thánh và có bảo kê?
Liên quan việc người chết 2 năm đã có giấy chứng tử nhưng vẫn ký tên trong biên bản xác định mốc giới nhà đất hộ liền kề để cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội), gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài về hệ thống thoát nước chung, các hộ dân ở đây đã gửi đơn trực tiếp tới đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tố cáo nhiều hành vi vi phạm pháp luật của nhiều cán bộ.
Trong đó, người dân tố cáo ông Phạm Văn Viên-Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, người trước đây là cán bộ địa chính của phường đã ký xác nhận trong Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất (theo hiện trạng sử dụng) được lập ngày 22/2/2006 làm cơ sở đề nghị UBND quận Đống Đa cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành…
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ có sự bảo kê hay không trong vụ cấp sổ đỏ tại 27A Đê La Thành đang được dư luận quan tâm.
Trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh vụ việc này, ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá “sự việc này cũng lập lại tình trạng giống như trường hợp ở 146 Quán Thánh (quận Ba Đình), xây dựng trên công trình công cộng của người dân mà dư luận đã từng phản ánh. Đồng thời, cũng là vi phạm về việc cấp sổ đỏ và cấp giấy phép xây dựng. "Qua xem xét bước đầu hồ sơ mà người dân cung cấp, tố cáo thì 2 trường hợp này đều nằm trong vi phạm về quản lý hoạt động xây dựng cũng như quản lý đất đai. Đặc biệt, vụ việc đều liên quan đến nhiều hộ dân, rất bức xúc”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Theo Phó trưởng Ban dân nguyện, người dân nghi ngờ về việc có sự bảo kê. Ông cho rằng, nghi ngờ này “có cơ sở”, bởi yêu cầu chính đáng của họ không được giải quyết đến nơi đến chốn. Trong khi đó, vi phạm này có thể còn có nguồn gốc xâu xa hơn, chứ không chỉ là vi phạm thông thường.
“Từ diện tích được cấp cho đến vị trí được cấp, đến những vấn đề có liên quan đến đời sống dân cư đã không được những cán bộ, cơ quan chính quyền trực tiếp ở cơ sở xem xét thấu đáo, hợp lý hợp tình, đến nơi đến chốn, để giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay.
Từ đánh giá trên, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, vấn đề này cơ quan cấp trên của TP Hà Nội cần xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc hệ thống quản lý của mình. Đồng thời, cần làm rõ và xử lý dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Một điểm đáng lưu ý khác mà người dân phản ánh, trong vụ việc này là sự việc người chết 2 năm đã có giấy chứng tử nhưng vẫn ký tên trong Biên bản xác định mốc giới nhà đất hộ liền kề để làm cơ sở cho quận Đống Đa cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài, qua các tài liệu, hồ sơ lưu lại cho thấy nhiều điểm mập mờ, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, sự việc này có nhiều vấn đề được đặt ra: Trước tiên, có thể do sự quan liêu của cán bộ địa phương. Thứ hai, theo ông Nhưỡng, điều đáng “sợ nhất là vấn đề giả mạo, làm sai lệch và hợp thức hóa hồ sơ cấp sổ đỏ không đúng quy định”.

Dù người chết 2 năm đã có giấy chứng tử nhưng hộ liền kề vẫn ký tên trong Biên bản xác định mốc giới nhà đất hộ liền kề để làm cơ sở cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành gây tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Ảnh: Ninh Phan.
“Người dân đặt ra câu hỏi, tại sao lại xảy ra sự việc như thế? Có thể là thiếu tinh thần trách nhiệm, còn không thì là cố ý làm trái. Trường hợp đúng như hồ sơ người dân phản ánh là vi phạm trắng trợn, không phải vi phạm thông thường mà là làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức, đi trái các quy định của nhà nước và pháp luật”, ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Cần làm rõ nhiều khuất tất và không nên để dây dưa kéo dài
Cũng theo quan điểm của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, sự việc không chỉ dừng lại ở hai trường hợp 27A Đê La Thành và 146 Quán Thánh này, mà Hà Nội có thể “còn nhiều trường hợp tương tự kiểu như thế này, chỉ có điều nó chưa bung ra thôi”. Do vậy, phải chỉ đạo rà soát tất cả trên địa bàn, xem có vướng vào những trường hợp tương tự thế này không.
“Nếu một mặt dính cả vào vấn đề công cộng, mặt khác lại dính cả vào đời sống của bà con nhân dân thì sau này rất khó giải quyết. Đặc biệt khi đã cấp giấy phép, mà nhiệm kỳ này đi qua, thì nhiệm kỳ sau càng rắc rối, người tiếp quản sẽ gặp nhiều khó khăn trong xử lý. Cho nên từ hai trường hợp ở Đê La Thành và Quán Thánh, phải rà soát trên khắp Hà Nội để có phương án xử lý kịp thời, không để dây dưa kéo dài”, ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng đề nghị chính quyền Thành phố Hà Nội cần phải có một văn bản chỉ đạo toàn thành phố, “đừng để quá tam ba bận”, phải rà soát toàn bộ, xem xét lại những vấn đề này. Trong trường hợp phát hiện ra vi phạm, phải xử lý theo đúng quy định pháp luật: Nếu vi phạm trong lĩnh vực xây dựng thì phải xử lý theo Luật Xây dựng; vi phạm trong đất đai thì phải xử lý theo Luật Đất đai; còn nếu vi phạm xâm phạm tài sản thì phải thực hiện quy định xử lý về mặt tài sản; nếu vi phạm về đường lối chính sách, vi phạm trong việc làm sai lệch hồ sơ tài liệu thì phải xử lý nghiêm.
“Tùy từng tính chất, từng mức độ và đối tượng vi phạm, phải phân loại ra để xử lý cho hợp lý, chứ không phải hòa cả làng, hoặc đưa vào cùng một rọ để xử lý”, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất lập năm 2006 trong hồ sơ mà gia đình ông Hùng được chính quyền sở tại xác nhận để làm cơ sở cho UBND quận Đống Đa cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành được bê nguyên từ Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất (theo hiện trạng sử dụng) năm 1997.
Trước đấy, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cùng các phòng ban chuyên môn đã có buổi tiếp công dân là đại diện 12 hộ dân của 84 nhân khẩu cư trú ở Tổ 18 (cụm dân cư số 5, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội). Sau đó, đã chuyển đơn của công dân đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội để chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết, trả lời công dân. Đồng thời đề nghị thông báo kết quả đến Ban Tiếp công dân Trung ương về phản ánh của các hộ dân về những sai phạm trong việc cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành.
Cụ thể, nguồn gốc đất mà gia đình ông Lê Hữu Tiến, bà Nguyễn Thị Nhạc (bố mẹ đẻ của ông Lê Hữu Hùng và các đồng sở hữu hiện nay-PV) tại số 27A Đê La Thành chỉ có diện tích là 86m2 đất, kê khai đóng thuế ổn định từ năm 1962 cho đến thời điểm được cấp sổ đỏ năm 2006. Còn phần đất tăng thêm so với diện tích kê khai ban đầu là 26,6m2 thuộc đất lưu không liền kề. Đây cũng là hệ thống cống thoát nước thải và nước mưa của khu dân cư có từ hàng chục năm trước của khu dân cư...
Ninh Phan- Trường Vi

Không có nhận xét nào: