(TBKTSG) - Mỗi khi những người lớn gặp nhau là than phiền về nhiều chuyện liên quan đến gia đình, kinh tế khó khăn, xã hội bất an, nhưng sẽ chúc mừng nhau nếu con cháu trong nhà chưa dính vào ma túy, coi đó là một phúc lớn.
Ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong câu chuyện cửa miệng của người dân từ thành phố đến nông thôn cũng nói đến chuyện ma túy. Nói đến ma túy, lúc đầu mới nghe thấy sợ hãi, nhưng riết rồi thấy quen vì nó đang hiện diện quanh ta.
Chiều ngày 4-2-2019 (30 Tết) tại tỉnh Điện Biên, một nữ sinh ở Thái Nguyên bị năm thanh niên hiếp dâm và giết chết một cách thương tâm, cả năm đều là những con nghiện nặng. Mới đây thôi, ngày 3-5, ở quận Bình Tân (TPHCM), một thanh niên giết cùng lúc ba người gần gũi nhất là mẹ đẻ, bà ngoại, dì ruột vì lên cơn ngáo đá. Còn nữa không, còn nhiều lắm. Chuyện những người ngáo đá leo lên cột điện cao thế khiến cho cả khu phố nháo nhào, chuyện cha ném con từ nóc nhà xuống đất, chuyện cướp của, hiếp dâm vì ma túy trở thành chuyện thường ngày, tệ hơn nữa là những người lên cơn nghiện giết chết những người gần gũi nhất như vợ con, bố mẹ, hàng xóm, người yêu xuất hiện ngày một nhiều hơn. Ma túy đang từng ngày, từng giờ tàn phá mỗi gia đình, mỗi làng xóm và đời sống yên lành của toàn xã hội.
Nếu vẽ bản đồ mô tả tình hình sản xuất, tàng trữ, sử dụng ma túy sẽ thấy trước đây con nghiện tập trung chủ yếu ở vùng cao phía Bắc - nơi giáp ranh với vùng Vân Nam (Trung Quốc), sau đó lan dần đến các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM và những năm gần đây lan ra khắp nông thôn, thành phố, thị xã nhỏ. Còn đối tượng sử dụng ma túy lúc trước thường chỉ khoanh lại ở một vài đối tượng cá biệt thì nay có thể thấy ở khắp các thành phần xã hội. Có kẻ vật vờ ngoài đường, nhưng cũng có không ít người nghiện ở trong các biệt thự sang trọng, công sở hoành tráng.
Ở đây có một vài chuyện chúng ta phải làm thật rõ về nhận thức, nếu không sẽ lúng túng trong cách thức ứng xử. Thứ nhất, Việt Nam là địa bàn trung chuyển hay là một trong số các trung tâm sử dụng ma túy lớn; thứ hai, nguồn ma túy đến từ ngoài lãnh thổ Việt Nam hay còn nơi nào nữa? Và cuối cùng là cách ứng xử với ma túy như thế nào?
Cách nay 15 năm, người viết bài này tranh luận với ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã và lãnh đạo công an TPHCM, trên quan điểm rằng Việt Nam và TPHCM là thị trường tiêu thụ ma túy và sẽ nhanh chóng trở thành một cái chợ của khu vực Đông Nam Á, trong khi cơ quan chức năng khăng khăng cho rằng Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy qua các nước khác, có tiêu thụ nhưng không nhiều, chủ yếu là ở một bộ phận thanh niên hư hỏng. Trên nhận thức và quan điểm như thế, việc chống ma túy được đưa lên hàng đầu, đặc biệt là tập trung ngăn chặn ma túy xâm nhập vào nội địa từ biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Những năm trước đây ma túy xâm nhập vào Việt Nam thường tính bằng ki lô gam, nhưng bắt đầu từ năm 2018 đến nay tính bằng trăm ki lô gam, bằng tấn (theo Tiền Phong ngày 22-4-2019). Hàng tấn ma túy xổng ra ngoài xã hội cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn gia đình tan nát, hàng ngàn người thân tàn ma dại. |
Có thể nói các lực lượng chống ma túy đã thành công rất lớn trong việc chống xâm nhập, nhưng tiếc thay, việc phòng và chống trong nội địa chưa đủ độ cho nên tình hình diễn ra ngày càng phức tạp. Trong khi lực lượng chức năng hướng mắt lên biên giới thì bọn tội phạm ở các thành phố đã kịp sản xuất ra hàng trăm sản phẩm gây nghiện từ chính những loại thuốc trong danh mục được lưu hành của Bộ Y tế và bày bán công khai trong các nhà thuốc. Năm 2017, công an TPHCM phá một vụ án sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay do Văn Kính Dương cầm đầu, nhóm này đã sản xuất ra hàng trăm ki lô gam thuốc lắc, ma túy dạng bột, hàng ngàn viên ma túy nén từ thuốc thú y. Việc sản xuất, tiêu thụ này diễn ra hơn một năm mới bị phát hiện.
Nếu trước đây ma túy xâm nhập từ biên giới trên bộ, trên biển vào Việt Nam thì nay được vận chuyển qua rất nhiều con đường khác nhau, qua đường bưu điện dưới dạng bưu kiện, quà biếu; đường hàng không theo hình thức hành lý xách tay... Những năm trước đây ma túy xâm nhập vào Việt Nam thường tính bằng ki lô gam, nhưng bắt đầu từ năm 2018 đến nay tính bằng trăm ki lô gam, bằng tấn. Hàng tấn ma túy xổng ra ngoài xã hội cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn gia đình tan nát, hàng ngàn người thân tàn ma dại.
Càng ngày việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối ma túy càng tinh vi, biến hóa khôn lường. Những loại mới xuất hiện từng ngày dưới dạng viên nén, keo, khí, chất lỏng, bột mịn, miếng dán, cỏ, lá cây... với các hình thức không chỉ hấp dẫn, bắt mắt mà còn biến hóa rất khó nhận ra bằng mắt thường. Ngay đến những chuyên gia nghiên cứu về ma túy cũng không hay biết sự tồn tại của một loại ma túy mới, cỏ Mỹ, hay bóng cười là một ví dụ.
Cho đến nay, chúng ta chưa có một thống kê nào đầy đủ về bức tranh ma túy ở Việt Nam. Ở TPHCM, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ Công an thành phố, có khoảng 23.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, nhưng Bộ Công an cho rằng con số thực lớn hơn thế rất nhiều, có thể gấp 10 lần. Có một sự thực, đó là các thành phố lớn không chỉ là trạm trung chuyển ma túy đi nơi khác mà còn là một thị trường tiêu thụ rất lớn.
Đã đến lúc cần tập trung sức mạnh của bộ máy thông tin đại chúng, các trường học từ tiểu học đến đại học, huy động các tổ chức chính trị - xã hội, các tôn giáo tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là giới trẻ, hiểu biết về tác hại của ma túy, làm sao cho mỗi người tự ý thức hình thành nên sự phản kháng tự thân để nói “không” với ma túy.
Tất cả giải pháp về luật, các hình thức chế tài, biện pháp về kinh tế và tổ chức xã hội cần phải được nghiên cứu ban hành và thực thi triệt để. Không thể nhân nhượng với ma túy được nữa, chậm ngày nào xã hội đau thương thêm ngày ấy. Có vị lãnh đạo nói, chống ma túy khó lắm, nó như quái vật trăm đầu, chặt đầu này mọc đầu khác.
Nhưng trên thế giới có nhiều nước thành công trong việc chống ma túy, và cả tệ nạn rượu bia, thuốc lá. Nếu chùn tay, nó sẽ tàn phá đất nước này, hủy hoại thể chất và tinh thần các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, nhiều hơn bất cứ tai họa nào như tai nạn giao thông, thiên tai, thậm chí là cả khủng bố.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét