Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Đối mặt với 'ngáo đá'

Đối mặt với 'ngáo đá'

Copy từ https://tuoitre.vn/doi-mat-voi-ngao-da-20190505074515648.htm , tác giả: Sơn Bình Thái An, đã đăng ngày
05/05/2019 09:03.
TTO - Người dân đang bất an khi liên tục xảy ra những vụ án, thậm chí là trọng án, thảm sát do "ngáo đá" là thủ phạm. Đã đến lúc phải có những biện pháp mạnh kiểm soát người nghiện để nạn "ngáo đá" không đe dọa cuộc sống an lành của cộng đồng.
Đối mặt với ngáo đá - Ảnh 1.
Số liệu thống kê cho thấy tại TP.HCM có hơn 23.000 người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. Nhưng có đến 80-90% người dương tính với các chất ma túy được cơ quan chức năng phát hiện lại không có trong danh sách quản lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định: "Con số thực phải gấp 10 lần!". Trong khi thời gian qua liên tục xuất hiện các vụ thảm sát, đặc biệt là thảm sát người thân do nghi phạm bị "ngáo đá" gây ra khiến dư luận bức xúc.
Thực trạng câu chuyện quản lý người nghiện ma túy đang là dấu hỏi nhức nhối hiện nay.
Bất an vì người nghiện
Bà T.T.Thủy (phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM) có con trai 40 tuổi vừa cai nghiện xong và hết các biểu hiện thần kinh. Bà Thủy cho hay con trai bà tên Khương, nghiện ma túy được bà đưa đi cai nghiện tự nguyện ở cơ sở Thanh Đa (quận Bình Thạnh) hàng chục năm. Bình thường Khương rất hiền lành. 
Bất ngờ sáng 15-5-2017, Công an phường 3, quận 5 gọi điện cho bà lên đón Khương về vì có biểu hiện bất thường. Khi đó Khương chạy vào trụ sở Công an phường 3 để trốn, miệng luôn lẩm bẩm có kẻ truy sát. Lúc đón về nhà Khương lại có biểu hiện bất thường, hung hãn, dọa tấn công chống trả mọi người trong nhà vì cho rằng "đang bị truy sát".
Khi gia đình lo lắng thì Khương nói với bà Thủy chỉ tin tưởng khi có công an bảo vệ mình. Thấy tình hình Khương không ổn, chỉ tin tưởng khi tiếp xúc công an nên bà Thủy đi mời công an đến nhờ đưa con bà đi cai nghiện tự nguyện ở Nhị Xuân. 
Được một thời gian, bà Thủy đón Khương về lại phát hiện Khương có biểu hiện thần kinh không bình thường. "Tôi kiên trì đưa Khương đi điều trị vừa tâm thần vừa cai nghiện, đến nay Khương đã hết bệnh, trở về sống với gia đình, tôi rất mừng" - bà Thủy nói.
Một cán bộ Công an phường 2 (quận Tân Bình) cho hay không ít gia đình khổ sở vì con cái bị nghiện ma túy đá. Tuy nhiên khi con nghiện có hành động quậy phá, hung hãn, tấn công... mà "hết chịu đựng nổi" họ mới nhờ đến cơ quan công an xử lý đưa đi cai nghiện. 
"Trên địa bàn có trường hợp gia đình có hai con trai nghiện, gia đình vất vả nhờ công an phường đưa đi cai nghiện luân phiên nhau đến 4, 5 lần" - cán bộ này nói.
Bức xúc hơn, anh N.T.A. (36 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết sợ con nghiện gây hại cho gia đình nên anh rao bán nhà ở quận Bình Thạnh đi nơi khác thuê nhà sinh sống. Cụ thể, năm 2016 vợ chồng anh có một đứa con. Nhà cạnh bên có hai anh em chơi ma túy và hay "lên cơn" hành xử nguy hiểm, khiến gia đình anh và nhiều gia đình xung quanh bức xúc. Có hôm vợ anh đang nấu ăn dưới bếp, một thanh niên lên cơn nghiện cầm dao tông cửa xông vào nhà, vợ anh hốt hoảng ôm bụng bầu chạy lên gác.
Rồi một ngày đi làm về, anh T.A. bị hai anh em nghiện ma túy chặn lại hỏi: "Tại sao mày đi báo công an, đòi đưa tụi tao đi cai nghiện?". Anh T.A. trả lời là hiểu nhầm bởi anh không có đi báo công an. Lúc này hai anh em nghiện ma túy cười bí hiểm rồi nhìn anh T.A. bỏ đi. 
Những ngày sau anh luôn lo sợ, cuối cùng để bảo vệ vợ con an toàn, anh phải dọn nhà đi thuê nhà khác sinh sống và rao bán căn nhà mới mua. "Ai cũng biết hai anh em nhà này nghiện nhiều năm, nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng không có biện pháp gì, để họ tự do ngoài cộng đồng, đe dọa nhiều người" - anh T.A. nói.
Đối mặt với ngáo đá - Ảnh 2.
Đồ họa: VĨ CƯỜNG
80-90% người nghiện "lọt sổ"
Ngày 4-5, Công an quận Gò Vấp đang điều tra vụ Nguyễn Đức An (38 tuổi, sống với gia đình tại căn nhà trên đường số 5, phường 16, quận Gò Vấp) lên cơn "ngáo đá" quậy phá đốt nhà và có hành vi chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích. Khoảng 12h trưa 1-5, người nhà hốt hoảng trình báo cơ quan chức năng về việc An quậy phá, gây ra hỏa hoạn, đốt cháy nhiều đồ đạc trong nhà.
Nhận tin báo, cơ quan chức năng có mặt xử lý và khống chế An. Trong quá trình khống chế, anh Trịnh Bảo Chương (43 tuổi, bảo vệ dân phố) bị An dùng dao đâm trọng thương ở lưng, bụng. Sau khi gây án, An bỏ trốn. Cơ quan chức năng đưa anh Trịnh Bảo Chương đi bệnh viện cấp cứu và truy bắt An. 
Theo điều tra ban đầu, trưa cùng ngày, An lên cơn nghiện ma túy nên gây sức ép với gia đình để có tiền mua "hàng" sử dụng. Khi gia đình không cho tiền, An đập phá, đốt nhà.
Một cán bộ điều tra cho biết khi xem qua sổ quản lý người nghiện ở địa phương thì An lại không có trong danh sách quản lý. Sở dĩ bất ngờ vì qua tìm hiểu, người dân xung quanh và gia đình đều biết An bị "nghiện nặng" thời gian qua nhưng không hiểu sao "lọt sổ"? 
"Đã có bao nhiêu gia đình, cộng đồng sống chung với người nghiện luôn đối mặt với nguy hiểm. Cũng may hôm đó đám cháy được dập tắt và anh bảo vệ dân phố đã qua cơn nguy hiểm" - cán bộ điều tra nói.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, số người sử dụng ma túy ngoài xã hội vẫn còn nhiều, tỉ lệ sót lọt quản lý rất cao (có đến 80-90% người dương tính với các chất ma túy được phát hiện không có trong danh sách quản lý) và là nguyên nhân của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm với tính chất man rợ. 
Người nghiện và người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý đến thời điểm hiện tại hơn 23.000 người, chiếm hơn 10% so với người nghiện cả nước. Trong số này có trên 70% là người có sử dụng ma túy tổng hợp.
Quan điểm, chủ trương của Chính phủ là tăng cường biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tuy nhiên đến thời điểm này việc cai nghiện tại gia đình chưa thật sự đạt được hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân, do chậm phát hiện người nghiện hoặc là người nghiện và gia đình chưa tự nguyện, hoặc do cơ sở vật chất chưa đáp ứng, dẫn đến số người nghiện đang sinh sống trên địa bàn TP rất cao nhưng chưa có mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả. 
Bên cạnh đó việc xác định, tổ chức cai nghiện cho người nghiện, nhất là người nghiện ma túy tổng hợp vẫn còn nhiều khó khăn do hiện nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quả.
Ma túy ngày càng thể hiện tính nguy hại, đặc biệt là ma túy tổng hợp, là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm như các vụ trọng án xảy ra thời gian qua. Nó gây ra hậu quả cho cá nhân ngay từ khi mới bắt đầu sử dụng, hậu quả ngày càng tăng, gây nguy hại cho gia đình, người thân và xã hội, không đơn thuần chỉ thiệt hại về kinh tế. 
Công an TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị đến các ngành chức năng, xem xét những vướng mắc trong việc phát hiện và quản lý người nghiện ma túy, nhất là ma túy tổng hợp. Đồng thời phải có những biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách cai nghiện tại cộng đồng...
"Ngáo đá" liên tục thảm sát
Nghi phạm Trương Tín
Nghi phạm Trương Tín tại cơ quan công an - Ảnh: CTV
Ngày 4-5, Công an quận Bình Tân đã củng cố hồ sơ, bàn giao nghi phạm Trương Tín (29 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng, tạm trú quận Bình Tân) cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM điều tra xử lý theo thẩm quyền. Tín là nghi phạm sát hại bà Lê Thị Điểu (77 tuổi, bà ngoại), bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (56 tuổi, mẹ) và bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều (54 tuổi, dì) tại một căn nhà ở đường Chiến Lược (phường Bình Trị Đông) tối 2-5. Tại cơ quan điều tra, Tín khai đã sử dụng ma túy đá (kiểm tra cũng ra kết quả dương tính) và cho biết đã dùng dao đâm chém sát hại bà ngoại, mẹ và dì.
Nhiều người dân sinh sống lân cận bàng hoàng trước vụ thảm án. Nhiều người cho biết trước đó biết Tín nghiện ma túy và có khuyên bà Thúy có biện pháp với con nhưng có lẽ thương con nên gia đình không đưa con đi cai nghiện (Tín đã từng đi cai nghiện). Đặc biệt, trước khi gây án, Tín không ít lần "lên cơn" dọa giết người.
Một số người làm chung trong công trường với Tín chia sẻ biết Tín từng đi cai nghiện nhưng vẫn sử dụng ma túy. Dù nhiều người khuyên bỏ ma túy, lo làm ăn nhưng Tín không nghe. Trước khi về nhà gây án, ở công trường xây dựng Tín đã có biểu hiện "ngáo đá" khi "nói xàm" chẳng ai hiểu Tín nói gì...
Nghi phạm Nguyễn Hoàng Nam
Nghi phạm Nguyễn Hoàng Nam - Ảnh: Công an cung cấp
Trước đó ngày 11-3, nghi phạm Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã dùng nhiều loại hung khí sát hại bà Bùi Thị Nết (58 tuổi, ngụ tỉnh Long An) và 3 người thân trong gia đình gồm: ông Nguyễn Văn Đức (50 tuổi, cha), bà Trịnh Thị Bé Hai (54 tuổi, mẹ) và bà Nguyễn Thị Liêng (82 tuổi, bà nội). Khi bị bắt, Nam có những biểu hiện tâm lý không bình thường, kích động mạnh không thể lấy lời khai. Điều tra ban đầu xác định Nam lạm dụng chất kích thích dẫn đến "ngáo đá".
Ngày 23-4, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn (34 tuổi, ngụ TP.HCM) về tội giết người. Theo đó, từ năm 2014, Tuấn và chị Nguyễn Mai Thủy Tiên quen nhau và thuê nhà trọ ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh chung sống như vợ chồng. Ngày 6-9-2017, Tuấn mua ma túy tổng hợp mang về phòng trọ sử dụng chung với chị Tiên. Tối hôm đó, do bị ảo giác ma túy, Tuấn nhìn chị Tiên biến thành yêu quái. Sợ bị yêu quái nhe răng tấn công, Tuấn dùng búa, kéo sát hại dã man chị Tiên...
Cứu người "ngáo đá", ngắt điện toàn TP.HCM
ngáo đá
Giải cứu thanh niên ngáo đá phải ngắt điện toàn TP - Ảnh: CTV
Theo cơ quan chức năng, chưa nói đến mất mát đau đớn về người, rất nhiều vụ giải cứu người "ngáo đá" tốn kém, thiệt hại về kinh tế. Như vụ giải cứu nam thanh niên leo lên trụ điện cao thế 30m trên đường Kinh Dương Vương, quậnBình Tân sáng 8-1-2018.
Nạn nhân 38 tuổi "ngáo đá" leo lên trụ điện đòi tự tử, la hét từ lúc 3h sáng. Cơ quan chức năng phải đưa nệm hơi đặt bên dưới, đã xảy ra ùn ứ giao thông. Lúc đó, nếu không ngắt điện, nhiều khả năng nạn nhân mất mạng, còn ngắt điện sẽ ảnh hưởng toàn TP. Phương án đưa ra là ngắt điện nhưng cố gắng xử lý nhanh nhất để giảm thiệt hại.
Sau khi ngắt điện, phải huy động thêm hai đơn vị, 3 nệm hơi dưới đất, triển khai xe thang 32m. Khi lính cứu hộ leo xe thang tiếp cận thuyết phục, thanh niên này la hét chống trả đồng thời một mực yêu cầu gặp một lãnh đạo TP.HCM, nếu không sẽ nhảy xuống đất tự tử.
Chiến sĩ cứu hộ giả gọi điện thoại và đáp ứng yêu cầu của thanh niên này. Khoảng 15 phút thuyết phục, chiến sĩ cứu hộ chỉ xuống dưới đất nơi có người dáng giống lãnh đạo TP và nói: "Ông đến rồi, ông yêu cầu xuống gặp để nói chuyện". Khi đó nam thanh niên mới chịu cho tiếp cận và đưa xuống đất an toàn.
Đối mặt với ngáo đá - Ảnh 8.
Số liệu từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Nỗi đau ‘ngáo đá’ Nỗi đau ‘ngáo đá’
TTO - Chừng 4 năm trước, hai chữ "ngáo đá" đối với tôi và nhiều người còn chưa thật sự đáng sợ. Nhưng bây giờ, không ít vụ giết người dã man có nguyên nhân "do hung thủ ngáo đá" khiến đời sống thêm bất an.
SƠN BÌNH - THÁI AN

Không có nhận xét nào: