ĐÀ LẠT: LỮ QUÁN THƠ MỘNG DƯỚI THUNG LŨNG
So với những điểm du lịch quen thuộc của Đà Lạt như hồ Hồ Xuân Hương, Thung lũng Tình Yêu, Vườn Hoa TP…, Ma Rừng Lữ Quán, ở cách trung tâm thành phố chừng hơn 20km, là một điểm tham quan khá mới cho du khách. Thật hiếm có nơi đâu, giữa chốn thâm u cùng cốc là đáy một thung lũng kín ẩn lại mở ra một khung cảnh thần tiên đến vậy.
Để đi đến đây, du khách cần đi về hướng Thung lũng Vàng, đến ngã ba Suối Vàng thì rẽ phía trái là gặp bảng chỉ đường cho thấy một con đường đất dẫn xuống lữ quán. Con đường này khá nhỏ, quanh co chạy giữa rừng, có nhiều sỏi, đá dăm, dài khoảng 7km với đoạn cuối là đường đèo dài khoảng 2,5km, thỉnh thoảng có những con suối nhỏ chảy băng qua đường. Với các đôi tình nhân trẻ, còn gì thú vị hơn khi dừng lại giữa đường, dựng xe rồi cùng ngước nhìn từng tán lá rừng, hít một hơi căng tràn lồng ngực cái không khí lành lạnh, ẩm ướt chốn rừng sâu, hay thử nhún chân xuống làn nước suối mát lạnh.
Bước chân đến cổng, bạn sẽ thấy tấm bảng gỗ giản dị đề dòng chữ “Ma Rừng Lữ Quán”, cách đó vài bước chân là bức tượng Di Lặc lớn bằng gỗ đang cười viên mãn. Cũng có giá vé vào tham quan là 10,000 đồng/người nhưng khách có thể tùy hỉ mà bỏ vào một thùng quyên góp giúp trẻ em nghèo đặt gần cổng.
Kìa, khách chợt lặng thinh, ngẩn ngơ vì chợt nhận ra giữa chốn rừng núi thâm u cùng cốc này lại hiện ra một cảnh quan quá đỗi nên thơ, càng phiêu lãng hơn là tiếng đàn dương cầm – hình như từ căn nhà nhỏ gần cổng – chợt thánh thót vang lên, nhẹ nhàng tỏa lan khắp thung lũng.
Để tăng thêm chất thơ, tăng thêm sự tinh tế, ngọt ngào cho khung cảnh hư hư thực thực này, một cây cầu treo nho nhỏ được bắc qua con suối ngăn đôi hai cái hồ nước xanh thẫm với vài chú vịt trời thư thả lướt nhẹ trên mặt nước.
Khách qua cầu là đến một căn nhà có màu tím biếc, nhỏ xinh nằm cạnh dòng suối mát. Dọc theo lối vào nhà cũng là những hàng hoa tím. Trên bờ hồ dựng rải rác những chiếc dù bạt cũng màu tím. Bên ngoài đã ngan ngát các sắc độ của màu tím như thế, nội thất bên trong nhà lại sử dụng loại gỗ tự nhiên toàn màu nâu trầm.
Tòa nhà lớn nhất ở đây là nhà trung tâm của lữ quán. Với nhiều cửa thông ra các hướng, căn nhà này tạo không gian mở như để cả thiên nhiên ùa vào, chạm đến từng bức vách gỗ màu nâu trầm. Trong nhà hay ở hàng hiên, những phiến gỗ to cùng màu được sử dụng làm bàn ghế để khách ngồi nghỉ, nhấm nháp tách trà, cốc cà phê mà nhìn ngắm quanh quất. Trên mái nhà, phía hiên trông ra rừng có treo lủng lẳng những trái bắp vàng ươm. Từ sân trước nhà nhìn xuống hồ, khi thấy một chiếc sàn gỗ ráp theo hình chiếc đàn ghi-ta được thả bềnh bồng trên mặt nước thì khách chỉ muốn bước ngay ra cầu để ghi vài pô ảnh kỷ niệm chốn này…
Khách muốn lưu lại qua đêm có thể ngủ lều hay thuê nhà gỗ. Có 3 căn nhà gỗ đều có điểm chung là mặt lưng nhà tựa núi, có hồ nước hoặc suối nhỏ bao quanh, cây cối phủ kín xanh tươi, tiếng nước gõ róc rách êm êm. Với sức chứa tối đa khoảng 70 khách/nhà, giá thuê hơn 1 triệu đồng cho một nhóm 6 người và cần phone đặt trước.
Nhìn chung, ngoài lữ quán Ma Rừng, chắc hiếm có địa điểm đẹp nào ở Đà Lạt lại có thể dung hợp được công trình nhân tạo với cơ đồ thiên nhiên một cách tinh tế, cầu kỳ đến vậy.
Ma Rừng Lữ Quán còn là một trong một số ít những địa điểm đẹp ở Đà Lạt làm hài lòng các “phượt” thủ. Ngoài việc leo lên đỉnh Langbiang thì ít có địa điểm nào tại thành phố Ngàn Hoa lại có thể mang cho các “phượt” thủ cảm giác chinh phục mạnh mẽ như ngôi quán trọ dưới thung lũng này. Các bạn sẽ được thử tay lái với một cung đường lắt léo, để rồi thật sung sướng khi lần ra đích đến, ngỡ ngàng, vỡ òa hạnh phúc khi phần thưởng là một khung cảnh thơ mộng, đẹp ngoài sức tưởng tượng…
Đã lên Đà Lạt, nếu có cơ hội đến Ma Rừng Lữ Quán, bạn hãy đốt lên một búp hương trầm nhỏ, nghe tiếng cafe phin nhỏ lách tách trong ly sứ; bạn hãy ngã lưng êm ả vào ghế bành, nhắm mắt lại để cảm nhận hơi đá núi thung lũng lành lạnh mơn trớn làn da, thoáng nghe tiếng suối reo, thông hát…
PhamNga ghi
(Có data mượn của Vntrip.vn)
dvnien copy từ https://dotchuoinon.com/2019/05/22/da-lat-lu-quan-tho-mong-duoi-thung-lung/ , tác giả: Phạm Nga , đã đăng ngày 22-05-19.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét