Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

Trượng phu đâu mất cả rồi?

Trượng phu đâu mất cả rồi?
Copy từ https://www.thesaigontimes.vn/288005/truong-phu-dau-mat-ca-roi-.html, tác giả: Danh Đức, đã đăng ngày 29-04-19 09:51.
(TBKTSG) - Cuối thập niên 1990, nữ ca sĩ Paula Cole đã gây sốc với bài hát Where Have All The Cowboys Gone?, than vãn chẳng còn thấy mấy đấng trượng phu nay còn biết trả hóa đơn (tiền nhà, tiền điện, tiền gas, tiền nước...)
Hình ảnh camara quay lại được nhưng người đàn ông trong ảnh cho là mình chỉ "nựng" cháu bé gái. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Định nghĩa “cowboys” của cô khá đơn giản khi chỉ còn bao gồm có mớ hóa đơn phải “share” (chia sẻ). Dạo ấy, câu hỏi đó của Paula Cole đã được nêu ra lại ở Việt Nam khi cũng đang có một số đấng ông chồng ít thích cùng vợ chi trả các thứ, thậm chí tự miễn đồng chi trả luôn! Sau này, xã hội có những thay đổi quá sâu sắc, nên người viết cũng đành thắc mắc tiếp: Trượng phu đâu hết cả rồi?
Chuyện cánh mày râu nói chung “cô đọng” trong hai hạng mục: “thuận tình ăn phở” hoặc “cưỡng ép”, và “ăn bánh trả... cục vàng”. Mới đây, báo Tiền Phong thuật lại chuyện ông X và bà Y là giáo viên đồng nghiệp đã lâu. Sáng hôm ấy, do có việc nên ông X và bà Y có mặt tại thành phố Z. Bỗng nhiên ông X bị ngộ độc thực phẩm, sau đó “miệng nôn trôn tháo” rồi lên cơn sốt rét. Cũng trên báo này, ông X giãi bày: “Bà Y vội nói với tôi vào nhà nghỉ rồi bảo tôi cởi bỏ quần áo ra để bà ôm cho khỏi rét. Nghĩ đơn giản nên tôi làm theo. Sau đó thì chồng bà Y đột ngột mở cửa phòng, bật điện sáng, quay clip”.
Những chuyện chối bai bải như vậy, nói cho ngay, làm xốn xang những người đàn ông khác và nhất là những người phụ nữ trong cuộc. Nhớ lại một bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-6-2018, bạn đọc của báo này đã “sơ kết”: “Có lẽ chưa bao giờ nhà nghỉ ở xứ mình làm đúng chức năng, phận sự như hiện nay: nhà để nghỉ ngơi! Chả thế mà gần đây rất nhiều cán bộ, nam có, nữ có vào nhà nghỉ dưỡng sức bằng cách “nằm nghỉ mệt”” (Cán bộ vào nhà nghỉ... nằm nghỉ mệt, tin được không? (1)).
Cách giải thích này thiệt là “à la mode” (thời thượng) do dễ tuôn ra khi đang ấp úng. Song, các gã đàn ông đó có bao giờ nghĩ rằng người phụ nữ cũng đang bị bắt quả tó kia lúc đó cảm nhận cái thực tế đó như thế nào? Nếu như vì đã tin vào lời đường mật của gã đàn ông mà người phụ nữ đưa chân, thì cái sự chối cho bằng được ấy chỉ đem lại bẽ bàng cho người phụ nữ khi không hàm chứa một sự nhìn nhận tối thiểu nào! Chẳng hề có tới một gam tình yêu như đã được “thuốc”! Nếu quả thực hắn “ngon”, hắn đã thừa nhận rồi cả hai “tới luôn bác tài”, chớ đáo hồi “Kim Trọng” gì nữa. Không, gã đã không làm như vậy, sợ vợ hắn một, sợ mất ghế mười!
Song, đó vẫn chưa phải là dấu chấm hết! Câu hỏi đặt ra là làm sao cái sự chối bai bải đó đã trở thành nạn dịch? Cũng bài viết trên của báo Tuổi Trẻ nhắc lại câu chuyện sau: “Còn nhớ đầu năm nay, một nhà nghỉ ở xã H (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bỗng thành ân nhân, cứu chủ tịch xã Thuần Lộc “thoát chết” vì khi ông đang đi việc gia đình thì mắc phải cơn đau bụng dữ dội. Tình thế cấp bách nên buộc ông chủ tịch phải vào nhà nghỉ để nhờ một người phụ nữ “ôm ấp” cho chóng khỏe. Hai tháng sau cuộc “nằm nghỉ mệt” đó, ông được thăng “đúng quy trình” làm phó bí thư thường trực thị trấn Hậu Lộc”.
Hơn một năm trước đó, dư luận tại Cà Mau xôn xao về hình ảnh từ clip về một ông phó giám đốc sở, một tay cho vào túi quần, tay còn lại choàng tay qua đùi nữ tạp vụ. Trang VOV ngày 8-10-2016 chạy tít: “Phó giám đốc sở sàm sỡ nữ tạp vụ xin tự nhận hình thức kỷ luật” và tường thuật: “Nguồn tin của phóng viên cho biết, Sở... Cà Mau đã chuyển hồ sơ kiểm điểm phó giám đốc sở này là ông XXX cho Đảng ủy khối Dân chính Đảng tỉnh xem xét xử lý theo quy trình. Trước đó, khi họp kiểm điểm tại Chi bộ, ông XXX tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Đảng ủy sở này sau đó tổ chức họp và đa số bỏ phiếu đề nghị kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông này”. Trong vụ đó, ông XXX đã giải thích rằng do cô tạp vụ khoe chiếc điện thoại nên ông chồm coi.
Những lời chối bai bải, phủ định cuộc tình và “đạp” xuống sình người tình, hay những lời khai và kết luận “đúng quy trình”, đã không ngăn chặn làn sóng “heo hầm” trong giới gọi là cán bộ mà còn trở thành “quy trình” tự biện hộ như đã thấy trong vụ ở chung cư tại quận 4, TPHCM: “chỉ nựng thôi”. Nói thiệt, chẳng đáng mặt “đàn ông” chút nào, khi mà lẽ ra với “thâm niên trong nghề”, đã có thể dự kiến những gì sẽ ập đến từ sau vụ “hai trăm ngàn”, để có thể “xin lỗi, xin phải” cho ra giống đàn ông! Người dân, nghe giải thích “nựng chút mà”, không lý sẽ đáp lại “vậy, tụi này nựng vợ, con gái anh lại nhé”!
Sao lại ngày càng hiếm trượng phu? Có phải do cái “quy trình” kỷ luật gồm mấy nấc, chớ đâu đơn giản dựa theo pháp luật? Có phải do kẹt cái “quy trình” đó mà đến “giờ thứ 23” của thời hạn khởi tố (20 ngày), mới có quyết định khởi tố?
Danh Đức

Không có nhận xét nào: