Ngăn con thành 'nạn nhân' đánh bạn
Copy từ https://tuoitre.vn/ngan-con-thanh-nan-nhan-danh-ban-20190504210530456.htm , tác giả: Huỳnh Thanh Bình (Hội quán Nếp Nhà) , đã đăng ngày 05/05/2019 07:29.
TTO - Trong một khoảnh khắc nào đó của tuổi mới lớn, con trẻ có thể 'xuống tay' với bạn, cha mẹ khó mà vô can nếu chưa từng trang bị cho con 'chiếc khiên phòng vệ'.
Người lớn có lý do để "chĩa mũi dùi" về nhóm học sinh đánh bạn, nhưng không chừng hậu quả thủ phạm nhận lãnh đôi khi còn nặng nề hơn cả nạn nhân.
Những "mũi dùi" đáng sợ
Trước hết, gia đình các em vì bị "ê mặt" và phiền phức đủ chuyện sau sự việc nên có xu hướng "đánh cho chừa" (bạo lực thể chất), la mắng kéo dài (bạo lực tinh thần) khiến trẻ không còn cảm thấy nơi đó là chỗ dựa tin cậy, từ đó dễ va vấp trên đường đời sau này.
Tiếp theo là các em sẽ bị kỷ luật, thường là buộc nghỉ học trong khoảng thời gian nhất định. Chưa hết, thời nay các em còn có thể bị cộng đồng mạng đồng loạt lên án, mắng mỏ, đe dọa...
Ngoài ra, nếu đánh bạn dã man, các em còn có thể bị đưa vô trường giáo dưỡng và "cọ xát" với những cá nhân có hành vi bạo lực thậm chí hơn mình.
"Chết" vì áp lực nhóm bạn
Vì sao lại là "đánh hội đồng, quay clip, tung lên mạng"? Trong từng vụ việc có chi tiết cụ thể khác nhau, nhưng nhìn chung có thể nhận diện 2 nhóm nguyên nhân.
Thứ nhất, và biểu hiện rõ nét nhất, là nhu cầu khẳng định bản thân trong nhóm bạn. Bước vào tuổi dậy thì, trẻ phát triển "đại nhảy vọt" mọi mặt, đặc biệt là về thể chất và trí tuệ, nên trẻ cảm giác mình là người lớn và muốn khẳng định điều đó. Nhưng do thực tế trẻ chỉ đang "quá độ" chứ vẫn chưa là người lớn, nên chỉ "đủ sức" khẳng định bản thân trong nhóm bạn cùng trang lứa.
Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, nhóm bạn là "xã hội thu nhỏ" giúp trẻ học cách giao tiếp, cư xử với nhau, vừa là nơi tâm sự chia sẻ những băn khoăn của tuổi mới lớn, vừa là nơi giúp trẻ định hình cái tôi, và nếu bị bạn bè tẩy chay là hình phạt đáng sợ nhất.
Do nhóm bạn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nên trẻ có xu hướng dễ a dua, thỏa hiệp, sẵn sàng "hết mình", thậm chí biết sai nhưng vẫn làm dưới áp lực nhóm bạn.
Với các em, quay clip khi "đánh hội đồng" không chỉ để "dìm sâu" nạn nhân mà còn khẳng định "dám làm, dám chịu", và khi clip được tung lên mạng xã hội cho nhiều người biết thì sự khẳng định đó càng thêm "hoành tráng".
Thứ hai là do trẻ còn thiếu kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng giải quyết mâu thuẫn; và vì thiếu khả năng giải quyết ổn thỏa nên trẻ chọn bạo lực.
Sự lựa chọn này có thể đến từ sự bắt chước của nhan nhản những "hình mẫu" và "người mẫu" ngoài đời. Sự lựa chọn ấy cũng có thể đến từ sự tổn thương do quá trình trẻ lớn lên từng chứng kiến hành vi bạo lực hoặc bị bạo hành ngay trong gia đình mình, nên giờ đây trẻ dùng chính cách đó để đạt mục tiêu như lẽ bình thường.
Ngăn con khỏi "xuống tay"
Theo các chuyên viên giáo dục gia đình, cha mẹ không nên thụ động chờ đợi những giải pháp nào đó thật sự hiệu quả từ bên ngoài mà cần chủ động "tự cứu" con mình.
Trước tiên là sự quan tâm phù hợp dành cho con trẻ. Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa gợi ý quan tâm con đơn giản là cha mẹ cần dành thời gian "thật sự chất lượng" bên con. Cần là cái phễu đón nhận tất cả những gì con chia sẻ, khơi gợi trẻ tự sáng tạo những giải pháp cho những chuyện liên quan bản thân, kể cả những câu chuyện có thể là mầm mống bạo lực trong nhóm bạn của trẻ.
Bà Hoa lưu ý: "Cùng với việc chủ động từ bỏ vị thế giao tiếp theo kiểu trên - dưới với con, cha mẹ mới có thể trở thành người bạn của trẻ".
Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn học sinh đánh bạn, TS Khắc Hiếu cho rằng cha mẹ cần trang bị cho trẻ "chiếc khiên tự phòng vệ" bằng cách dạy trẻ biết phân biệt tốt - xấu ngay từ nhỏ, biết cách nói "không" với người khác một cách chân thành, dạy trẻ tìm đến sự can thiệp của bên thứ ba khi bị bạn bè đưa vào tình huống khó xử.
Theo TS Khắc Hiếu, việc cha mẹ khuyến khích con "quảng giao", chơi với nhiều bạn bè cũng là cách phòng ngừa con có thể gây ra bạo lực dưới áp lực của nhóm bạn duy nhất.
Ở góc độ khác, các nhà giáo dục cho rằng gia đình cần tạo môi trường thuận lợi cho trẻ khẳng định bản thân. Cha mẹ tự thay đổi chính mình để có cách quan tâm và tác động cho phù hợp với độ tuổi đang dần trưởng thành của trẻ.
Cha mẹ hãy "nới vòng tay cho con lớn", tin tưởng giao việc, hướng dẫn và động viên con tự làm những việc từ dễ đến khó.
TS Nguyễn Thị Bích Hồng cũng lưu ý, con trẻ sẽ học kỹ năng qua hành động của cha mẹ trong thực tế cuộc sống: "Cha mẹ muốn dạy gì cho con thì nên làm mẫu, còn bản thân phải ý thức làm... mẫu người chuẩn mực để con noi theo". Vì vậy, nếu cha mẹ là những "người mẫu" không giải quyết vấn đề bằng bạo lực thì ý nghĩ sử dụng bạo lực nơi con trẻ có thể đã bị tiêu diệt ngay trong nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét