Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Phái viên bộ tổng-1

Phái viên bộ tổng-1
Tác giả :Tô Đức Chiêu
Copy từ http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,21074.0.html ,đăng ngày 17/04/11 , mục Dựng nước- Giũ nước > Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam > Văn học chiến tranh.
Chiến sĩ Nga là người đầu tiên phát hiện ra tổ trinh sát năm người bị hổ cấu chết bên bờ khe Trai Nai. Họ gồm một tiểu đội trưởng, một chiến sĩ đo đạc, một chiến sĩ phụ trách pháo đối kính, một kế toán pháo binh, một thông tin vô tuyến..
Họ hết lương thực. Nhiệm vụ vẫn đang khẩn trương. Chiến sĩ Nga trẻ tuổi, được phái tới tiếp tế và truyền đạt chỉ thị của đại đội trưởng. Rừng Quảng Trị những ngày đầu mặt trận chưa mở ra, u tịch và hùng vĩ. Theo dấu đường mòn Nga phải tới chân điểm cao 333 gặp tổ trinh sát. Anh hăm hở. Nhưng bồn chồn. Truyền đơn chúng rải trắng rừng. Nào là Thiếu úy đại đội phó Mai Hiền Nhi đã về với chính nghĩa quốc gia. Nào là cha mẹ và vợ con đang trông chờ các bạn từng ngày. Nào là vì sao cụ Phan Nho vui mừng. Rồi vì sao ông Hồ Hữu Ngân hăng hái hoạt động?...
Nga hồi hộp. Mỗi đoạn đường đi về phía trước hun hút như rừng tự nhiên khép lại mà chẳng bao giờ chịu mở lối ra. Bom tọa độ rít rợn người. Rồi bom B52. Bom lửa. Bom phá. Pháo bắn cầm canh. Pháo bầy. Trên bầu trời lúc nào cũng có những tốp L.19 lượn lờ chỉ điểm. Nga không thể ngập ngừng. Như người sợ ma bao giờ cũng sẽ bị ma hù dọa. Anh lên đường lúc ấy còn sớm mà giờ này bóng chiều đã lởn vởn trần ai trên những tán cây rừng. Chỗ này tối sầm lại. Chỗ kia nở phình ra. Chập chờn. Ảo ảnh! Sao lại không sợ được nhỉ? Bỗng có tiếng hót vang đồng loạt từ chân bên kia động Be Lao vọng tới. Vượn! Có khi tới hàng trăm con vượn. Rừng Quảng Trị ngày ấy vượn từng đàn, to như con bê, ào ào chuyền từ cành này sang cành khác, rung động cả rừng cây bạt ngàn. Một con, chắc là đầu đàn, hót lên cao vút, hàng chục hàng trăm con khác hót theo, tạo thành dàn hợp xướng hoang sơ hùng vũ, của rừng mà chỉ ở khung cảnh này con người mới được thưởng thức.
Gần chân điểm cao 333 khi bóng mờ sương khói hun hút đuổi theo bờ suối Nga mới tìm được tới khu vực tổ trinh sát trú quân thì thật lạ... dấu chân hổ chi chít. Mới lắm! Anh chờn chợn. Thằng dịch mình còn bắn nó được chứ hổ thì... Nga đưa đạn lên nòng mà tay anh run run. Hổ đuổi qua khe thằng què cũng phải nhẩy. Ở đây phải gọi là tót. Tót sao cho nhanh trước khi con hổ với những móng vuốt kinh khủng và sức mạnh của phi đoàn B.52 lao tới. Và cũng phải chọn cây to để nó không thể nào húc đổ. Mỗi bước đi là một nhận định, một ngó nhìn, một hồi hộp, một lo âu.
Nga nép mình dưới gốc cây to, sẵn sàng bật lên, và hú làm hiệu.
- Tróc! Tróc! Tróc!
Vách núi ngập ngừng trả lại những âm thanh ấy:
- Tróc! Tróc! Tróc!
Anh vòm hai lòng bàn tay che miệng làm loa thổi vào thinh không rờn rợn những tiếng gọi bầy kêu cứu:
- Tắc kè! Tắc kè! Tắc Kè!
Vách núi vẫn trả lại đúng ba tiếng như vậy:
- Tắc kè! Tắc kè! Tắc Kè!
Quái lạ! Chẳng lẽ họ đã di chuyển? Chẳng lẽ họ quá mệt và ngủ khì trên những ngọn cây đề phòng hổ tới? Nhưng phải có người thức cảnh giới chứ? Bỗng anh giật thót mình. Trời ơi! Cành cây rơi chứ đâu có phải tiếng động phát ra từ bước chân của hổ. Vạt rừng trống cháy đỏ hoàng hôn sườn núi bên kia chẳng khác nào nụ cười giễu cợt. Những loạt bom tọa độ nổ vang bên lèn đá Hi Gia cắt ngang mọi suy tưởng khiến Nga vội vã bước đi. Anh hú gọi. Rừng núi vẫn từ chối đáp trả lại tiếng hú gọi của anh rền vang hút theo triền dốc chạy dài. Càng đi càng thấy dấu chân loài dã thú ấy líu ríu với nhau thành từng cặp, từng cụm, như những cái hình bình hành chồng xếp khéo léo. Anh bủn rủn muốn khuỵu hai gối xuống và cô đơn chết lặng giữa rừng đại ngàn.
Trời ơi kìa! Các vị này chắc quá mệt không còn nghe thấy tiếng hú. Lại còn không cử người cảnh giới. Mất cảnh giác thật! Đồng loạt ngủ ngon thế kia giữa chốn bom rơi đạn réo và bộ binh địch có thể từ trên trời bổ xuống bất cứ lúc nào có chết cha người ta không cơ chứ! Năm cái võng thành hình ngũ giác như trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đung đưa giữa những thân cây. Nga hý hóp mừng thầm trong bụng và giận sôi người. Anh tính sẽ thu hết súng lại và hô biệt kích.
Nhưng tới gần thì anh choáng váng. Bên cạnh chiếc võng đang tòng teo rúm ró chao đi chao lại là chiến sĩ có lẽ được phân công cảnh giới chết ngồi bên một gốc cây. Người anh rũ xuống. Thân đã tím lại. Súng tiểu liên vẫn dựa bên vai. Hai mắt lồi ra. Mặt rách toác. Quần áo tả tơi. Vết chân hổ cào cấu trên đất quanh chỗ anh ngồi. Chúng đã làm anh chết khiếp và hành hạ thân thể anh. Bốn người còn lại vẫn nằm im trên võng và chết trên võng. Thân thể nát nhừ. Có anh còn bị vặn ngoéo đầu lại phía sau. Ba lô nguyên vẹn. Súng đạn nguyên vẹn. Nga sững sờ. Trái tim như ngừng đập. Rừng sập bóng đen trĩu nặng. Đất trời bỗng dính chặt vào nhau tạo ra tiếng nổ khủng khiếp như thời tiền sử.
Anh muốn gào mà không dám gào. Anh muốn khóc mà không dám khóc. Cuối cùng anh hét lên và trân trân chĩa súng bắn hết băng đạn ba mươi viên mà chẳng biết để làm gì. Thế rồi anh co cẳng chạy. Đâm vào cây vào cối cũng cứ chạy. Vừa thở dốc vừa chạy. Đêm ụp xuống cũng cứ chạy. Theo lối mòn đã dẫn anh tới đây mà chạy. Rừng già vô tận. Đêm tối không cùng. Phút chốc anh tưởng thế gian bỗng tan ra để rồi biến mất. Chính những loạt bom tọa độ đã thức tỉnh anh. Lần đầu tiên bom đạn kẻ thù không làm anh sợ mà còn háo hức cho biết anh là sinh linh đang tồn tại. Vậy thì anh phải hành động để thoát khỏi cái chết và về với sự sống.
Tin cả tổ trinh sát pháo binh bị hổ cấu bay vù về mặt trận rồi ngấm ngầm lan tỏa khắp các đơn vị. Những bộ đội làm nhiệm vụ lẻ tẻ trong rừng lo âu. Một phái viên Bộ Tổng tham mưu còn rất trẻ tên là Trang được phái xuống đơn vị pháo. Anh quê Thanh Hóa bên con sông nước phi như ngựa và sống gần bà con dân tộc mường. Nghe chuyện, anh không bình luận gì mà chỉ lẩm nhẩm trong miệng - Đàn hổ ít nhất phải năm con. Có khả năng nhiều hơn. Và chúng phải đồng lọat hành sự vào năm mục tiêu là các chiến sĩ trinh sát. Anh gặp đại đội trưởng. Rồi gặp chính trị viên đại đội. Rồi chiến sĩ Nga được gọi tới kể lại tỉ mỉ những điều mắt thấy.
- Chú mày! - Phái viên Bộ Tổng xưng hô với Nga thân mật - Có phát hiện ra dấu tích của sự vật lộn giữa người và hổ không?
Nga ngửa cổ lên trời ngẩn ngơ như rơi vào thinh không bao la:
- Em không để ý. Lúc ấy đã nhá nhem tối. Và anh bỏ qua em mới dám nói, thú thực em có phần nào mất bình tĩnh.
Phái viên xoa xoa hai bàn tay vào nhau:
- Không sao! Không sao! Cái sự đột ngột thế này có khi ai gặp cũng dễ mất bình tĩnh. Chính anh cũng đang rất lấy làm băn khoăn.
Rồi đột nhiên anh hất mặt lên và chớp mắt loang loáng nhìn Nga hỏi tiếp:
- Chú mày nhớ đường chứ?
Cái miệng Nga vắt vẻo chỉ kịp nhếch có một bên mép:
- Chắc là em nhớ. Nhưng để làm gì ạ?
Hàng mi phái viên cụp xuống. Anh nhìn vào một điểm vô hình thăm thẳm trong rừng đại ngàn:
- Để làm gì thì chú mày sẽ biết sau. Ngay bây giờ, đeo súng AK vào, đưa anh đi. Chúng ta sẽ tới nơi năm chiến sĩ hy sinh do hổ là kẻ thù gây ra tội ác.
Nga hơi ngán. Anh đã quay lại đây cùng tổ làm chính sách đưa thi hài liệt sĩ về phía sau chôn cất. Lần này là thứ ba. Mà bộ đội vào chiến trường đánh nhau với Mỹ hay đánh nhau với hổ đây? Dường như ngay chính trị viên đại đội cũng không khoái cử Nga đi theo phái viên. Hay là vị này muốn xa phía trước và gần phía sau hơn? - Anh lầm lũi đi trước dẫn đường, đôi mắt soi mói và cảnh giác. Phái viên đi phía sau chẳng nói chẳng ràng, thỉnh thoảng dừng lại nhìn đây đó làm chiến sĩ phải đợi. Nhiều lúc sốt ruột, nét mặt Nga trở nên nhăn nhó:
- Anh tìm gì ạ. Chẳng có mìn đâu.
Phái viên Bộ Tổng khoát tay ra chiều khẳng định:
- Đừng có tò mò quá, chú mày.
- Nhưng anh tìm dấu chân hổ à?
- Cũng có thể là như vậy.
Chiếc L19 sà xuống cánh rừng và tiếng loa rõ to bật vang. Cái giọng trọ trẹ nhát gừng từ phía trên rọi xuống: Hỡi các bạn cán binh bộ đội Bắc Việt... Hãy noi gương thiếu úy Mai Hiền Nhi... Vị phái viên chẳng để ý đến tiếng loa mà mải miết với những dấu chân trên đất còn Nga thì sốt ruột và chăm chú cảnh giới. Đến nơi tổ trinh sát pháo binh đi vào giấc ngủ vĩnh hằng phái viên quan sát từng dấu chân xem độ nhỏ to giống nhau hay khác nhau và từng cụm dấu chân như đếm sạn trong ra gạo. Rồi kéo Nga đi rộng tới những nơi bỗng dưng biên mất hẳn dấu chân hổ.
Họ ngồi ngủ dưới chân cây lim già. Phái viên Trang trầm tư lặng lẽ một lát rồi đứng lên, chậm rãi đi đi lại lại và dầu cây gậy chống cầm tay gõ nhịp vào bất cứ chỗ nào thuận tiện. Giọng anh dí dỏm và khêu gợi:
- Hổ ấy mà! - Vừa rồi đã xài hai con lợn quý giá của bếp anh nuôi mặt trận. Đêm đầu nó lùa tay vào chuồng bắt một con. Anh nuôi không hiểu sao cứ kiểm điểm hoài. Đêm hôm sau nó lại tới xài con nữa. Mình nghe tin xuống xem và làm cho một cái bẫy. Trò này mình học hồi nhỏ từ một ông già người Mường vùng Ngọc Lạc. Hổ lại tới. Quen mui lùa tay trước vào chuồng. Đàn lợn hồn xiêu phách lạc im thin thít như thịt nấu đông. Lập tức dây bẫy bị tay hổ quờ phải kéo theo cò súng làm toàn bộ băng đạn bay ra khỏi nòng. Có tới bảy viên găm vào anh chàng trộm lợn tới mức siêu việt này.
Nga còn chưa hiểu ý định của phái viên thì anh Trang đưa ra câu hỏi:
- Hả? Chú mày đọc sách báo đã thấy nói hổ dữ đi hàng đàn tìm mồi bao giờ chưa? Ta có đầy đủ cơ sở khả nghi đây không phải là hổ. Ta cho rằng bãi tranh đang cháy đỏ hoàng hôn sườn núi bên kia trực thăng đã hạ cánh.
Nga nhìn theo ngón chỉ của phái viên trong lòng rộn rã bao ý nghĩ mới mẻ. Và điều bất ngờ hơn đối với anh là đúng nơi ấy có dấu trực thăng đỗ xuống. Không thể khác được rồi! - Vị phái viên Bộ Tổng nói ngay - Máy bay trực thăng đã chở tiểu đội thám báo tới đây. Chúng tiếp cận mục tiêu tấn công và thay lốt người bằng lốt hổ. Ý đồ tâm lý của hành động đã có hiệu quả. Ghê thật! Mỹ có khác - Anh hạ một câu như vậy để kết luận cuộc khảo cứu của mình.
Những cánh quân trùng trùng ngấp nghé các cửa rừng. Gần chục tiểu đoàn mỹ và ngụy đã nhảy xuống vùng Cù Đinh - Baze ngăn chặn. Chúng tràn ngập trên các điểm cao quanh những bãi trống. Chúng chiếm khu vực Phù Tân ấp, suối La La, lèn 216, lèn Hi Gia, làng Tre, điểm ba trăm đất, điểm ba trăm đá. Rồi bộ binh ta áp sát các mục tiêu đã được chuẩn bị. Pháo cối một trăm hai mươi ly không tập trung đánh tiểu đoàn mà phân ra từng trận địa đại đội sẵn sàng chi viện cho bộ binh tiêu diệt địch ngoài công sự. Sở trường của bộ đội ta là đánh đêm! - Nghe tuyên bố như vậy phái viên Trang chỉ im lặng. Anh xin phép mặt trận cho tập kích hỏa lực vài trận thí điểm. Có trận nổ súng vào lúc gần sáng và sau đó trinh sát tiếp cận kiểm tra kết quả trận đánh. Không thấy xác địch. Cũng không thấy dấu tích thương vong. Chỉ có những điểm đạn nổ rất chụm, chuẩn xác và đồ hộp đủ các loại.
flower-row
Chẳng hiểu Nga thấy mến vị phái viên Bộ Tổng này từ lúc nào tuy rằng có phần e dè anh. Chính Nga đã chứng kiến phút gặp gỡ khi phái viên từ chân điểm 333 trở về. Chính trị viên đại đội nhếch mép cười rất ý vị: Sao! Ông bắt được hổ chứ? - Anh Trang biết mình bị giễu nhưng vẫn điểm tĩnh coi như chẳng có gì phải để ý. Anh từ tốn giải thích: Làm gì có hổ? Biệt kích Mỹ đội lốt hổ đó ông ạ. Xem ra bọn này cũng quỷ quái thật! - Chính trị viên lờ chuyện hổ đi mà xen vào- Bom pháo đủ loại đánh nát cánh rừng như ông đã thấy đấy. Nhưng bộ đội ta kinh hơn nhiều. Họ rất vững vàng ông ạ.
Còn tiếp - Xem phần 2/3 tại đây: http://dvnien.blogspot.com/2015/08/phai-vien-bo-tong-2.html

Không có nhận xét nào: