Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-3

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-3
Copy từ http://diendan.nuocnga.net/archive/index.php/t-3071.html; phần của bạn Siren, đăng ngày 30-06 và 01-07-2010, mục Nước Nga trong tôi > Văn hóa Xô viết và Nga > Văn học.
Lời giới thiệu
"Những bức thư không gửi" là cuốn truyện của nhà văn Xô viết Tác-ta A-đen Cu-tui. Ông sinh năm 1903. Từ ngày còn ngồi trên ghế trường trung học, ông đã tham gia nhóm văn học do nhà văn Xô viết Nga nổi tiếng I. Nê-vê-rốp lãnh đạo. Từ đấy ông đã bắt đầu sáng tác thơ ca và học tập được rất nhiều ở Mai-a-cốp-xki.
A đen Cu-tui làm rất nhiều thơ, ngụ ngôn, viết khá nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết.
"Những bức thư không gửi" là một trong những tác phẩm thành công và có giá trị nhất của ông. Nó đã được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng Nga và một vài thứ tiếng khác như tiếng Pháp và tiếng Trung quốc.
Tác phẩm này được dịch từ bản tiếng Nga xuất bản năm 1955, do Victor Va-giơ-đa-ép dịch từ nguyên văn tiếng Tác-ta và cuốn "Những bức thư không gửi" ấn phẩm tiếng Việt được xuất bản với sự hợp tác giữa Hội nhà báo Bình Trị Thiên và Nhà xuất bản Thanh niên năm 1987, do dịch giả Trọng Thanh dịch.
Có một truyện ngắn có tên tương tự: "Những bức thư không gửi", tác giả là Валерий Осипов (Valeri Oxipov), được in trong 1 tập truyện ngắn cùng tên, do nhà xuất bản Lao Động in vào năm 1987, dịch giả Đoàn Tử Huyến. Do đó với tác phẩm này, tôi bạo gan đổi thành: Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui. Trên blog này, tôi chia truyện thành 10 phần, đây là phần thứ 3.
Kính mời các bạn vào xem phần 3.
Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-3
Anh I-sken-đe, tôi vẫn thắc mắc và thường tự hỏi: “ Tại sao trên đất nước chúng ta vẫn còn có những gia đình không tốt?”
Tôi đã đọc những tập truyện hồi ký về Các Mác của con gái ông viết.
Trong những phút khó khăn nhất, cả cái lần người ta đuổi ông ra khỏi thành phố trong 24 tiếng đồng hồ, gia đình ông vẫn vui vẻ. Trong đời ông, ông đã gặp biết bao nhiêu khó khăn như thế.
Hai ông bà yêu nhau tha thiết. Ông hãnh diện với sắc đẹp của vợ. Các Mác,người đã viết quyển “Tư bản”, người đã đem lại cho loài người một khoa học mới, đã dành được thời gian để thu thập cho vợ, cho người bạn của mình, những bài ca dân tộc bất hủ. Chiều chiều ông đọc cho các con nghe những tác phẩm của Nhi-bê-lun-gôp và Sêc-spia.
Bà đã giúp chồng làm việc. Bà chép lại những tập bản thảo của ông, giúp ông xuất bản những quyển sách đó. Hai ông bà đã cảm nghĩ chung một tâm hồn.
Anh I-sken-đe!
Đã hai hôm nay bức thư của tôi bỏ dở. Tôi đang nói chuyện gì nhỉ?
Phải, cũng có những gia đình đầm ấm. Tôi biết rất nhiều những gia đình ấy. nhưng tôi muốn tất cả mọi gia đình đều như thế. hiềm vì vẫn còn những người nông nổi. Họ lấy vợ, lấy chồng quá sớm, rồi sau, cũng với tính nông nổi ấy, họ hấp tấp chia lìa nhau. Có thể vì tính tình không hợp, nhưng sự đổ vỡ ấy đã gây ra cho con cái nhiều đau khổ.
Đây tôi chép cho anh lá thư của Môi-kin-na, một thiếu nữ mười hai tuổi.
“Cháu tha thiết yêu cầu các cô, các bác và đọc giả tờ hoạ báo “Người nữ công nhân” tìm giúp cháu ông Môi-kin-na Ivan Pê-trô-vích, bố của cháu.
Bố của cháu bỏ nhà đi từ khi cháu mới lọt lòng mẹ, nhưng người ta đã tìm được bố cháu. Bố cháu ở nhà với mẹ cháu được hai năm rồi lại trốn mất. Đến nay đã mười năm rồi, không biết bố cháu ở đâu nữa.
Môi-kin-na”
Thật là một tài liệu đáng ghê sợ đã tố cáo tội lỗi của người cha. Anh đừng nghĩ rằng Ca-đri-a, con gái anh, không thể viết cho anh những bức thư như thế.
Viết cho anh, tôi nhớ lại lúc đứng trên cầu: dăm phút sau, một đôi nam nữ tiến về phía tôi. Giờ đây, nhắm mắt lại, tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh đó.
Còn gì hạnh phúc bằng đi với người yêu. Họ đi sát bên nhau thì thầm nói chuyện.Chắc họ đang nói đến yêu đương.
Người con trai nói gì không rõ, người con gái ghé sát vào anh ta. Ồ! Quái lạ! Thế là thế nào? Không, không! Tôi không tin đôi mắt của tôi. Không có lẽ!
Người đó chính là anh. Dù không muốn tin đi nữa, người đó vẫn là anh, vâng, chính là anh.
Nghi ngờ đôi mắt của mình, tôi bèn đi theo anh và người con gái. Những ý nghĩ ghê sợ day dứt tôi. Đôi môi của tôi đã được sưởi ấm bằng cái hôn của anh, vẫn chưa lạnh, mà anh đã vội ôm hôn người con gái khác, đang đi õng ẹo bên anh. Những lời nói của anh còn văng vẳng bên tai tôi, mà giờ đây anh đang nhắc lại với người con gái thứ hai. Ôi! Tầm thường quá!
Anh I-sken-đe, tôi đã yêu anh.Tôi muốn yêu anh và chỉ có anh thôi. Nhưng nếu chỉ là đồ chơi trong tay anh, chỉ là trò tiêu khiển trong giây lát...
Tiếng anh cười vui vẻ, chiếc hôn vội vàng tặng người con gái lúc chia tay, bây giờ với tôi là một chứng cớ quá rõ ràng để lên án tính nhẹ dạ, nông nổi và sự thay lòng đổi dạ của anh, nhưng khi đó, đần độn quá, tôi không có kinh nghiệm và ngớ ngẩn đến nỗi không hiểu được anh.
Một tuần sau, chúng ta không gặp nhau. Anh I-sken-đe, có cần phải nói với anh trong những ngày đó tôi đau khổ như thế nào không?
Cuộc đời nhỏ bé đầy những thiệt thòi, bất hạnh của tôi đã gặp biết bao câu chuyện không hay. Tôi mồ côi từ khi lên tám. Chín tuổi đầu tôi đã đi ở giữ trẻ. Tôi sống với một người trong họ, một người quỷ quyệt, không có tâm hồn.
Đối với tôi thời thơ ấu không có. Đến năm mười ba tuổi, người ta cho tôi lên chiếc xe trượt tuyết một người là mặt đưa tôi đi rất xa. Mãi sau tôi mới hiểu người ta đã ngầm bán tôi đi. Bây giờ hẳn anh đã rõ tại sao tôi thích hát bài ca “Da-ly-pha”
Tôi rất hài lòng thấy anh chăm chú nghe tôi hát.Chiều chiều ngồi bên cửa sổ, tôi vẫn hát bài ca đó. Bên ngoài cánh cửa sổ mở rộng, đêm khuya tĩnh mịch bao trùm lấy không gian. Xa xa mặt hồ lấp lánh như muôn ngàn ánh bạc. Anh bảo tôi: “ Ga-li-a, em có nỗi buồn của Da-ly-pha..”
Anh I-sken-đe, anh hãy nhắm mắt vào nhớ lại đi. Tôi hát đây. Nếu anh chưa quên hẳn giọng hát của tôi, thì bài ca sẽ dội đến tai anh.
Phong ba tàn phá xứ U-ran
Sấm sét gào theo với gió ngàn
Não nuột Ly-pha tình uất hận
Lâm ly giọt lệ cảnh dần tan
Ly-pha em hỡi nhớ chăng là
Em đã vun trồng những khóm hoa
Hoa phải xa người, hoa tủi phận
Tham tiền anh nỡ bán Ly-pha
Số phận của Da-ly-pha đã chờ tôi. Cứ nghĩ lại lúc bị bán cho người lạ mặt mà tôi rùng mình. Nhưng tôi đã trốn khỏi con người ấy. Trốn đi thật đáng sợ, song ở lại còn đáng sợ hơn. Từ đấy được tự do hơn, tôi đi lang thang như người có tội, mặc dầu chẳng làm gì nên tội. Nhưng anh hãy tin rằng chịu đựng tất cả những cái đó còn đỡ khổ hơn là chịu sự lừa lọc của anh.
Sự lừa dối của người yêu ghê sợ hơn tất cả. Có nhiều người không hiểu như vậy. Họ rất nông nổi và hời hợt nhìn sự việc như người ngoài cuộc. Những đau khổ cùng cực ấy xa lạ với họ. Nếu được đọc bức thư này họ sẽ chế nhoạ tôi. Họ bảo: “ Hừ, tình cảm gì mà quái lạ. Rõ là tình yêu tiẻu tư sản. Thích thì ở, không thích thì bước, có thế thôi việc gì mà đau khổ”.
Tôi đã nghĩ đến Héc-xen ( một nhà văn tiến bộ Nga, vì chế độ hà khắc của sa hoàng ông đã lánh sang Luân đôn. Ở đây ông vẫn viết bài gửi đăng báo “ Tiếng chuông” lên án chế độ Nga hoàng. Vợ ông, người đàn bà hư hỏng đã phụ bạc ông sau khi hai vợ chồng ở với nhau được bốn năm tháng-ND), con người thật thông minh. Con người hoàn toàn không mang tính chất tiểu tư sản. Con người mà toàn thế giới được nghe giọng nói ấy đã do dự tham gia làng báo giữa lúc gia đình ông tan vỡ. Trong các cuộc toạ đàm với bạn bè, ông đã thẳng thắn kể lại tình cảnh của mình và cùng các bạn xét xem ông hay thi sĩ lường gạt trong số các nhà thơ Đức đã phụ tình, rẻ rúng vợ con.
Lần thứ hai gặp nhau, tôi hỏi người con gái ấy là ai. Anh bảo đấy chỉ là người bạn quen biết, và anh tiếp:
- Ồ! Em thân yêu, có thế mà em cũng ghen à? Ghen làm gì, vô ích.Trong quan hệ giữa anh và người con gái ấy chẳng có gì đáng để em phải nghi ngờ và giảm lòng tin yêu anh.
Tôi tin anh. Tôi muốn tin anh hơn cả tin mình. Tôi đã lừa dối tôi.
Những người như anh cả trong lúc dối trá cũng làm cho kẻ khác tin. Những con người truỵ lạc ấycùng một lúc mà đã nói khôn nói khéo với nhiều người con gái mấy chữ “Anh yêu em”, có những người đàn ông tin ở sự lừa lọc của mình. Họ không phân biệt được sự thực thà và giả dối. Khi những con người không có tình cảm và đồi bại ấy nói rằng: “Anh yêu em”, thì họ cũng đã biết trước, tình yêu đó không trung thực.
Họ sống trong địa vị, quyền thế. Họ nhỏ nhen quá nên không thể hiểu được tình yêu chân chính, tình cảm chân thực. Họ mù quáng nên đã không nhìn được đúng đắn cuộc đời tươi đẹp này.
Tại sao thế? Tại sao các anh lại thô bỉ, giả dối như vậy? Nhiều nguyên nhân lắm. Phụ nữ là đồ chơi, là một thứ để tiêu khiển trong lúc nhàn rỗi, trong lúc buồn bực. Cái quan niệm cũ còn rơi rớt lại:
“Hãy ngắt lấy những bông hoa khi hoa vừa chớm nở...”
Tận hưởng đi kẻo nhuỵ rữa, hoa tàn. Không, đấy không phải là tình yêu. Đó là sự lừa lọc, xấu xa như một bản nhạc mầu vàng. Tình yêu chân thành và ngay thật chỉ có ở đâu có lao động, ở đâu mà nam nữ thanh niên cùng chung sống, cùng làm việc. Chỉ có những người con gái thà chết chứ không chịu sống với người mình không yêu, ở với vợ con của người Tháng Chạp (những người dự cuộc âm mưu lật đổ Nga hoàng Nhi-cô-lai ngày 14-12-1825-ND), những người đã đạp lên đau khổ, hoạn nạn để đi theo chồng đến tận vùng Xi-bê-ri xa tắp.
Khi còn ở đại học, tôi thường đến dạy bình dân học vụ cho bác Ga-li-ắc-be ở khu nhà máy Ca-dan. Gia đình bác thật là một gia đình Xô-viết chân chính.
Lần đầu quen biết nhau, bác bảo tôi: “Mình nuôi các con đứa nào cũng trở thành cán bộ chuyên môn, mà chính mình lại dốt đặc”.
Trước Cách mạng, bác Ga-li-ắc-be làm việc ở nhà máy Bôn-đu-giơ-ski, sau chuyển đến làm ở A-la-phu-dốp. Mỗi ngày làm việc từ mười đến mười hai tiếng, mà bác vẫn không nuôi nổi gia đình bác lúc đó đang sống đói rách. Ba đứa con bác chết trong năm đói. Nhưng bây giờ? Bây giờ bác không muốn rời bỏ chỗ ở ấm cúng và sang trọng của bác: ba căn phòng sáng sủa, có phòng tắm, có bếp riêng. Con cả bác là người chỉ huy trong quân đội Xô-viết, con trai thứ hai là kỹ sư, một người con gái là kỹ sư hoá chất, còn cô con gái út là nữ sinh trường trung cấp âm nhạc.
Một lần, đang ngồi đọc sách, bác bảo tôi:
- Nào, cháu dạy bác đi. Có thể rồi bác cũng giỏi được.
Thỉnh thoảng, chúng tôi lại kể cho nhau nghe về cuộc đời đói khổ của mình.
Bác mỉm cuời bảo tôi:
- Hai chúng ta là hai quả táo của một cành.
Sau ba tháng học tập, bác đã biết đọc, biết viết. Bác còn dịu dàng khuyên vợ học. Ồ! Giá anh thấy được niềm vui sướng của vợ chồng bác Ga-li-ắc-be, những con người đã trẻ lại và thương yêu nhau rất mực.
Tôi trở nên quen thân và gắn bó với gia đình bác. Thấy tôi sống có một mình, vợ chồng bác coi tôi như con đẻ.
Hết phần 3 - Kính mời xem tiếp phần 4 - cũng là nội dung "Bức thư thứ hai".

Không có nhận xét nào: