Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-2 |
Copy từ http://diendan.nuocnga.net/archive/index.php/t-3071.html; phần của bạn Siren, đăng ngày 30-06 và 01-07-2010, mục Nước Nga trong tôi > Văn hóa Xô viết và Nga > Văn học. |
Lời giới thiệu |
"Những bức thư không gửi" là cuốn truyện của nhà văn Xô viết Tác-ta A-đen Cu-tui. Ông sinh năm 1903. Từ ngày còn ngồi trên ghế trường trung học, ông đã tham gia nhóm văn học do nhà văn Xô viết Nga nổi tiếng I. Nê-vê-rốp lãnh đạo. Từ đấy ông đã bắt đầu sáng tác thơ ca và học tập được rất nhiều ở Mai-a-cốp-xki. |
A đen Cu-tui làm rất nhiều thơ, ngụ ngôn, viết khá nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. |
"Những bức thư không gửi" là một trong những tác phẩm thành công và có giá trị nhất của ông. Nó đã được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng Nga và một vài thứ tiếng khác như tiếng Pháp và tiếng Trung quốc. |
Tác phẩm này được dịch từ bản tiếng Nga xuất bản năm 1955, do Victor Va-giơ-đa-ép dịch từ nguyên văn tiếng Tác-ta và cuốn "Những bức thư không gửi" ấn phẩm tiếng Việt được xuất bản với sự hợp tác giữa Hội nhà báo Bình Trị Thiên và Nhà xuất bản Thanh niên năm 1987, do dịch giả Trọng Thanh dịch. |
Có một truyện ngắn có tên tương tự: "Những bức thư không gửi", tác giả là Валерий Осипов (Valeri Oxipov), được in trong 1 tập truyện ngắn cùng tên, do nhà xuất bản Lao Động in vào năm 1987, dịch giả Đoàn Tử Huyến. Do đó với tác phẩm này, tôi bạo gan đổi thành: Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui. Trên blog này, tôi chia truyện thành 10 phần, đây là phần thứ 2. |
Kính mời các bạn vào xem phần 2. |
Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-2 |
Tôi rất thích hát, rất yêu văn học và âm nhạc. Tôi vẫn thắc mắc tại sao ở xứ Tác-ta chúng tôi nghệ thuật lại kém phát triển và rồi tôi cũng đã tìm được một trong nhiều nguyên nhân của sự chậm phát triển đó. Ngày xưa người ta nói với ông cha chúng tôi: |
-Quăng bút đi, đừng có vẽ, vì khi vẽ, linh hồn nhà ngươi nhập vào bức hoạ, bức hoạ sẽ mang linh hồn nhà ngươi đi. Còn nhà ngươi sống không có linh hồn, sẽ bị thiêu đốt trong lửa ngục. |
Người ta lại bảo: |
- Không được hát! Bài hát của mi làm dơ bẩn hết! Đừng có nhảy! Điệu nhảy của các ngươi sẽ làm cho các thiên thần kinh hãi... |
Nhưng ngày nay chúng tôi sẽ chẳng còn lo sẽ làm ai kinh hãi. Vừa được tin sắp có liên hoan, cả phòng chúng tôi nhất loạt ghi tên vào danh sách những người tham dự. |
Cuộc diễn tập đầu tiên tổ chức tại ký túc xá trường Đại học Cộng sản tác-ta. Khi chúng tôi đến nơi, anh đã có mặt ở đó. Chúng tôi xì xào với nhau về anh. Tôi hỏi các bạn: |
- Ai đấy? |
- Nghệ sĩ I-sken-đe, nhà đạo diễn của chúng ta đấy!. |
Anh I-sken-đe, thú thực với anh, các bạn gái của tôi rất mến anh. Li-đa, cô gái vui tính và hấp dẫn mà chúng tôi vẫn gọi đùa là cái “hàn thử biểu” đã mạnh dạn tuyên bố: |
- Sao, chúng ta phải làm gì chứ? Phải hôn anh ấy một cái chứ? |
Nói xong nó đi đến chỗ anh. Chúng tôi ngạc nhiên trước thái độ quá mạnh dạn của Li-đa. |
Khi trở lại, Li-đa kể cho chúng tôi về đôi mắt, giọng nói và nụ cười của anh. Nó kể lại tất cả những gì đã kịp thấy ở anh. |
Thực tế anh đã đẹp lắm, nhưng trí tưởng tượng của chúng tôi còn tô điểm cho anh lộng lẫy hơn nhiều. |
Chúng tôi nhìn anh với lòng khâm phục. Anh là con người đẹp trai điển hình. Anh tỏ ra thông minh và có tài. Anh là một nghệ sĩ. Hai tiếng nghệ sĩ không những đã vang lên trong lòng chúng tôi, mà còn có giá trị như một lời hiệu triệu, một bài thơ, một ước mơ. Chính vì thế mà trong các buổi diễn tập do anh phụ trách luôn luôn có mặt đông đủ các nữ sinh và trong những ngày nghỉ diễn tập, chúng tôi góp nhau từng xu, chạy đến nhà hát để được trông thấy anh. Ôi! Những lúc đó tôi lại càng bị lôi cuốn đến với anh. |
Tình yêu đem đến cho con người niềm vui và sức mạnh. Thực thế, trong những ngày đó, nhiều đêm mất ngủ mà tôi vẫn không thấy mệt mỏi. Tôi sung sướng được gặp anh hàng ngày. Tôi mong đợi tới cuộc liên hoan của chúng ta. Tôi chuẩn bị sẽ hát bài “bài ca cuộc sống”. Từ lâu tôi đã có ý định đó, nhưng chưa có dịp. Trong thời gian chuẩn bị liên hoan, tôi như người chờ đợi một dịp may sắp đến. Nó sẽ đến, sẽ hiện ra như một chữ vừa thoáng quên, một cái tên ta đương cố nhớ lại. |
Nụ cười của anh, giọng nói âu yếm và đôi mắt xanh biếc ấy đã cổ vũ tôi. Tất cả những cái đó đã mang lại nhạc điệu cho bài ca của tôi. Tôi gửi vào bài hát tất cả sự dịu dàng, tất cả tình cảm chan chứa của tôi với anh. Ngồi hàng buổi chiều tôi lựa chọn từng câu văn, nắn nót từng âm điệu. Tôi muốn hát lên những lời đẹp đẽ nhất, giản dị và trung thành nhất. Tôi muốn nó sẽ là bài ca của tự do, của sắc đẹp, bài hát về đồng ruộng, thảo nguyên bao la, về tình yêu. |
Chính vì thế, vì suy nghĩ nhiều đến nó, nên bài ca đã lôi cuốn cả tâm hồn tôi, vang lên trong lòng tôi. Bất cứ ở đâu: ở thành phố, nơi rừng sâu, trong giờ học, bài ca vẫn vang lên và tôi còn thấy nó hay hơn nữa, như nó đã được sưởi ấm ánh nắng ban mai và đượm hương thơm của muôn ngàn hoa cỏ, như đã được thêm tươi mát trước luồng gió dịu buổi chiều tà... |
Cuối cùng, cuộc liên hoan của chúng ta đã đến. Những cố gắng của tôi thật không phải vô ích. Bài ca vang lên, lan ra từng âm thanh như một tia nước phun lên từ đám cỏ xanh và chảy thành dòng sông lớn... |
Người ta đề nghị hát lại, nhưng xấu hổ quá, không biết làm gì, tôi chạy lại nấp sau bức màn ở hậu trường. Chợt có tiếng chân bước lại rồi hai bàn tay đặt nhẹ lên má tôi, vuốt lên tóc tôi. Tôi nín thở vì nghe giọng nói quen quen. Người đó chính là anh! |
Không trả lời anh, tôi im lặng nhìn anh trong khoé mắt. Cảm động quá, tôi không nói nên lời. Suốt đời tôi còn nhớ mãi lúc đứng nhìn anh say đắm. Tôi cảm thấy lúc ấy mặt đỏ như gấc, và khi biết mình xấu hổ, mặt tôi lại càng đỏ hơn. |
Anh đến với tôi lúc ấy sao mà gần gũi quá... Ý muốn bỏ chạy thúc giục tôi: chạy vì sung sướng, vì hạnh phúc. Nhưng tôi sợ không dám rời khỏi chỗ. Bây giờ nhớ lại mà buồn cười: chiếc tất bên trái của tôi có một lỗ thủng ở gót chân. trưứoc khi ra sân khấu, tôi đã có ý giấu nó vào trong giày, nhưng lúc đứng bên cạnh anh, cái lỗ thủng phản bội kia lại lòi ra ngoài. Tôi trách mình sao cẩu thả, không kịp mạng lại. Tôi không dám cử động, sợ anh trông thấy. |
Anh mỉm cười. |
Sau phần hoà nhạc, cuộc khiêu vũ bắt đầu. Anh mời tôi nhảy. Trong khi nhảy anh bảo tôi: |
Ga-li-a, Ga-li-a là người của sân khấu. Ga-li-a không biết giá trị của điều đó mà muốn đem chôn vùi tài năng của mình trong y học, trong nhà thương. Ga-li-a có thể trở thành một danh ca. Khắp đất nước sẽ nghe tiếng hát của Ga-li-a. Tôi muốn chỉ cho Ga-li-a thấy trước tương lai xán lạn ấy. |
Anh I-ssken-đe, khi đó anh nói nhiều lắm. Anh còn bảo: |
- Ga-li-a, tôi yêu đôi mắt của Ga-li-a. Tôi nhìn thấy mình trong đôi mắt ấy. |
Anh lại bảo anh sẵn sàng là người bạn, người thầy dạy nhạc của tôi. Lúc ra về anh ngỏ ý muốn tiễn chân tôi. |
Tôi sung sướng đi bên anh. |
Nhiều người nhìn theo chúng ta. Trong số đó tôi còn nhớ mãi đôi mắt đen láy của Vê-li Xa-phi-u-lin, một sinh viên của trường mà trong thư viết cho tôi anh có nói đến cuộc gặp gỡ giữa anh với anh ấy. Vê-li đã yêu tôi. Thực đấy, Vê-li không bao giờ đả động đến chuyện yêu đương, nhưng vẻ mặt đăm chiêu, tính e thẹn của anh ấy qua các cuộc gặp gỡ với tôi, đôi mắt nhìn theo chăm chú khi chúng ta ra về đã nói rõ hơn lời. |
Anh I-sken-đe, trong lòng tôi lúc đó lại hướng về Vê-li. Tôi cũng chẳng tự hỏi xem thế là thế nào. Đấy là tình bạn hay cái gì khác cao hơn tình bạn. Nhưng đến nay, qua bao năm tháng, chúng ta đã trở thành những con người cứng rắn , từng trải thì tôi mới hiểu. Vê-li đối với tôi không phải chỉ là bạn. Tôi nghĩ rằng chính Vê-li đã làm thức dậy trong tôi xúc cảm đầu tiên của tình yêu. Khi đó tuy tôi còn ngây thơ, chưa hiểu biết nhiều , nhưng đã hồi hộp dõi theo đôi mắt của Vê-li. Tôi còn nhớ, có lúc tôi sốt ruột chờ Vê-li đến và sẽ nói với tôi những lời dịu dàng...nhưng Vê-li không đến. Tôi bỗng thấy trống trải. Tôi co scảm giác như một cái gì thân thiết vừa lướt qua rồi biến mất. Tôi sinh ra giận dữ và cho rằng không thể hiểu được con người ấy. Tôi bắt đầu chê cười chế diễu Vê-li, con người hiền lành tử tế và đáng thương. Tôi tự an ủi: trông chnàg thanh niên thông minh, tuấn tú, nhưng nghiêm nghị ấykhông có gì đáng để các cô gái phải chú ý; Vê-li thiếu dũng cảm, không có lòng cương nghị, thật là một anh chàng mơ ngủ, một thanh niên chậm chạp yếu đuối. và trong buổi liên hoan ấy, khi Vê-li nhìn theo chúng ta ra khỏi hội trường, tôi nghĩ thầm: |
“Vê-li cứ nhìn mình làm gì? Còn hy vọng gì nữa!” |
Anh I-sken-đe, trong buổi liên hoan ấy anh đã tỏ ra săn sóc tôi và dịu dàng hết mực. Giọng anh êm ái, lời anh thấm thía lạ lùng. |
Những bông tuyết đầu mùa đã rụng. Dưới ánh trăng, tuyết lấp lánh như muôn ngàn hạt kim cương. Anh ví những bông tuyết như những đoá hoa. Anh bắt đầu nói đến những người nah dũng, vĩ đại sống khác thường bằng tình cảm sâu sắc, những tâm hồn dễ xúc động trước đau khổ. Anh còn nói đến văn học, đến thiên tài. |
Tôi yên lặng nghe anh. Những lời nói của anh đã cổ vũ tôi. Tôi có cảm giác như được nâng bổng lên tận các vì sao. |
Tối hôm ấy đi bên anh, tôi sung suớng nắm tay anh, tôi tự nhủ: |
“ Hãy trọn đời yêu I-sken-đe. Hãy là người bạn, ngưòi vợ trung thành của I-sken-đe”. |
Anh tiễn chân tôi về đến ký túc xá. |
Tôi đã sẵn sàng đi chơi với anh suốt đêm, song không hiểu sao tôi lại nói: |
- Anh I-sken-đe, muộn lắm rồi, em phải về đây. |
Nhưng sau tôi lại không thể tha thứ cho mình vì đã ra về quá sớm. |
Anh gọi tôi, giọng thì thầm: |
- Ga-li-a, anh muốn đêm nay không bao giờ hết. |
Nói xong, hai cánh tay anh ôm lấy tôi. Khong hiểu từ lúc nào hai đôi môi đã gặp nhau, nhưng có bao giờ tôi quên được cái hôn đầu tiên nồng nàn và say đắm ấy. |
- Thôi anh, đừng làm thế, không nên- Nói với anh như vậy nhưng thực ra tôi lại muốn anh âu yếm nữa. |
Bước lên thang gác, tôi như người mất hồn. Vào phòng, tôi ngắm mình trong gương. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy bằng lòng với mình. Tình yêu đã tô điểm con người. Đôi bạn trẻ yêu nhau lúc nào cũng xinh tươi. Hai má tôi hồng đẹp hơn mọi ngày. Đôi mắt sáng lên. Cặp đuôi sam nặng trĩu buông xuống hai vai... |
Ảnh trang trí |
Tôi reo lên sung sướng : ” Trà-la-la. Trà-la-la”. |
Anh I-sken-đe, anh còn nhớ không. P.In-skai-a (Một nghệ sĩ nhân dân người Tác-ta- ND) hiện ra trên sân khấu trong vai kịch của mình như một cơn gió lốc, cũng đã reo lên đầy nhiệt tình và sung sướng: |
” Trà -la-la. Trà-la-la”. |
Tôi tự hỏi : |
- Ga-li-a, mày vui sướng phải chăng chính vì I-sken-đe?- và tôi quả quyết trả lời- Ừ thì đã sao? Có vì I-sken-đe đi nữa thì sao? ” Trà -la-la. Trà-la-la”... |
Chộp lấy chiếc ghế, tôi sung sướng nhảy một mình trong phòng. Nhảy mệt, tôi đến ngồi sau chiếc bàn và bắt đầu suy nghĩ đến tương lai, nghĩ đến lúc chúng ta sẽ sinh sống. Anh là nghệ sĩ, tôi là bác sĩ. Chúng ta sẽ lấy nhau. Cùng nhau làm việc vui vẻ và hạnh phúc... |
Hai giờ đêm, mấy cô bạn tôi đi chơi về. Họ nhìn thấy trên bàn mảnh giấy tôi đã viết đầy những chữ “I-sken-đe”trong lúc say sưa với giấc mộng ngọt ngào, xinh đẹp. Tôi định thu lại nhưng không kịp. Được dịp họ trêu tôi: |
- Ái chà! Xem chừng đã cắn câu rồi. |
- Không sao. Không sao, một anh chàng cũng khá đấy |
Thế là đêm hôm đó tôi quyết định yêu anh chung thuỷ.Tình yêu của tôi đói với anh sẽ đời đời bền vững. Nhưng lê-da, một cô gái không bao giờ yêu ai thật sự, hay đúng hơn không thừa nhận có tình yêu chân chính, lúc ấy, đọc mấy câu thơ của Gây-nhi-ê: |
Câu chuyện một mối tình ai oán, |
Ngàn đời sau ta thán khôn nguôi. |
Trót sinh làm kiếp con người |
Yêu đương xa lánh, nụ cười nở hoa. |
Tình yêu làm khổ thân ta! |
Ồ ! Tôi không thể nào đồng ý với mấy câu sau của thi sĩ : |
Yêu đương xa lánh, nụ cười nở hoa |
Tình yêu làm khổ thân ta! |
Không, không, không! Một ngàn lần không, Gây-nhi-ê nói không đúng. Tôi không xét về hoàn cảnh thời gian của thi sĩ,nhưng bây giờ, trong thời đại chúng ta, chúng tqa không sợ tình yêu, chúng ta tìm đến yêu đương, chúng ta chờ đợi nó.Chúng ta yêu say đắm và chung thuỷ,hiền hậu và trung thành hơn ai hết, hơn bao giờ hết. |
Hôm sau là ngày nghỉ nên tôi và Pha-tư-ma thức suốt đêm. Anh còn nhớ Pha-tư-ma không? Chị ấy mãi sau này vẫn không quên tôi, đến chơi với tôi luôn và khi đi xa vẫn thường gửi thư về thăm hỏi. |
Đêm ấy, nói về anh, Pha-tư-ma rất thận trọng, hình như cô không muốn dùng những lời lẽ quá mạnh để khỏi làm mất lòng bạn. |
Pha-tư-ma bảo tôi: |
- Ga-li-a, hãy nghĩ cẩn thận đi. I-sken-đe có thật sự yêu cậu không ? Đã thật phải lòng chưa ? |
Tôi ngạc nhiên, chưa kịp trả lời thì cô đã nói tiếp: |
- Có thể I-sken-đe bằng lòng với kết quả của cậu, mê bài hát và tuổi trẻ của cậu. Tuổi trẻ người ta dễ coi như một trò chơi. |
Ồ ! Tôi không trả lời Pha-tư-ma, mà biết trả lời thế nào, khi anh là người yêu đầu tiên của tôi, khi tôi tìm thấy ở anh tất cả, tất cả đều tốt đẹp nhất, thân yêu nhất. |
Chúng ta không hẹn gặp nhau, những tối diễn tập cũng không còn nữa, nhưng tôi mong được gặp anh. Sáng hôm sau tôi dậy sớm. Mặc quần áo xong , chẳng nói với ai, tôi đi ra phố. |
Dưới mái hiên, đêm qua lần đầu tiên anh đã hôn tôi, sao bây giờ nó khác lạ và đáng yêu biết bao nhiêu! |
Tôi đi trên bờ sông. Đi đâu? Làm gì? Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ tình cờ anh bảo tôi, anh ở phố này. Vâng, vâng...có lẽ, chỉ có lẽ thôi. Nhưng phố dài quá, nhiều nhà quá!. |
Tôi đi rất lâu. Vừa đi, vừa nhìn lên những khung cửa sổ với một nguồn hy vọng. |
“I-sken-đe, niềm sung sướng của tôi, hạnh phúc của tôi không ở đây ư? Anh ấy đang làm gì? Có nghĩ đến tôi không?” |
Từ đằng xa hiện lên một chiếc cầu. Tiết trời hôm ấy ấm áp. Tôi đứng đếm rất lâu những người qua lại trên cầu. Cũng chẳng biết để làm gì. Đếm đến một trăm, tôi có cảm giác như mọi người đang nhìn tôi, đoán biết được ý định của tôi đến đây. Có hai người đang đi tới. Có lẽ là hai vợ chồng. Người đàn ông đi trước, người đàn bà vội vã theo sau. Họ vừa đi, vừa nói với nhau những câu nói vội vàng, đứt quãng như đang bực tức lẩm bẩm một mình. Nào ai biết, có lẽ khi còn trẻ, họ cũng đã từng thức suốt đêm, mong đợi cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay và đến sáng họ sốt ruột nhìn chiếc đồng hồ như thúc giục nó. Nhưng giờ đây... |
Anh I-sken-đe, tôi vẫn thắc mắc và thường tự hỏi: “ Tại sao trên đất nước chúng ta vẫn còn có những gia đình không tốt?” |
Hết phần 2 - Kính mời xem tiếp phần 3. |
Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015
Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-2
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét