Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Tiến sĩ, Đại tá không quân Đoàn Văn Quảng

Tiến sĩ, Đại tá không quân Đoàn Văn Quảng
Copy từ http://www.thuvienhaiphu.com.vn/tvso/library.exe?e=d-000-00---0phynknim--00-0-0phynknim--0prompt-10---4--0-0---0-1l--1prompt-zh-50--4-20-help---00031-001-1-0gbk-00-11-fr-50---20-home---00-3-1-00-0-0-11-1-0utfZz-8-10&cl=CL2.1.4&d=HASH012706e8817bc671ebfe572c&x=1 ,đăng ngày , mục .
Sau 54 năm sống, chiến đấu trong quân đội, tiến sĩ - đại tá Không quân Đoàn Văn Quảng khi về hưu thì làm dịch vụ hàng không cổ phần. Hiện, tiến sĩ - đại tá Đoàn Văn Quảng là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Sài Gòn, ông vừa về thăm quê và mang theo nhiều dự định đầu tư phát triển kinh tế cũng như những ước vọng về sự phồn thịnh ở nơi chôn nhau cắt rốn.
Tiến sĩ - đại tá không quân Đoàn Văn Quảng - Ảnh: Văn Giáo
Là người con sinh ra tại thôn Chánh Lộc xã Xuân Lộc huyện Sông Cầu, ông sớm đi theo cuộc trường chinh của dân tộc khi 12 tuổi đi học tại Quy Nhơn, 16 tuổi tham gia cách mạng, làm phó chủ nhiệm Việt Minh tại xã, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, làm Quyền chủ nhiệm chính trị Cục Quân khí khi mới 24 tuổi. Khi đường công danh rạng rỡ, ông lại nhất quyết xin đi học kỹ thuật hàng không. Mọi người bảo ông đang ở hạng nhất lại xin xuống hạng bét (nhất chính – nhì tham – tam cần - tứ kỹ; tức nhất chính trị, nhì tham mưu, ba hậu cần, thứ tư mới là kỹ thuật). Ông thành kỹ sư kỹ thuật hàng không, rồi tiến sĩ, rồi Viện trưởng Viện Kỹ thuật hàng không. Về hưu, ông vẫn không muốn phí đi sức lực, nhiệt huyết còn tràn trề và trí tuệ còn viên mãng, ông lại lao vào con đường trường chinh khác của đất nước: phát triển kinh tế. Đã vào tuổi 80, ông vẫn nhất quyết phải làm được nhiều việc hơn nữa cho đất nước, đặc biệt là cho quê hương Phú Yên.
* Thưa tiến sĩ - đại tá, được biết Công ty CP Hàng không Sài Gòn là công ty ngoài nhà nước đầu tiên của Việt Nam kinh doanh lĩnh vực hàng không, trên khía cạnh là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty này, tiến sĩ kỳ vọng gì khi xin mở đường bay tại Phú Yên?
- Sau rất nhiều năm xa quê, được trở lại vào những ngày cuối tháng bảy này và được nghe lãnh đạo tỉnh nói về những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội của quê nhà, tôi thật sự vui mừng. Phú Yên đón được làn sóng đầu tư mới nhiều triển vọng, cơ sở hạ tầng phát triển vượt bậc.
Công ty chúng tôi đã có dự án đăng ký hoạt động vận tải hàng không cả hành khách và hàng hóa. Nếu nhanh chóng, chúng tôi sẽ bay ngay trong tháng 8 hoặc tháng 9 này. Trong kế hoạch của công ty, sân bay Đông Tác (Cảng hàng không Tuy Hòa) là một trong những sân bay thuộc hệ thống sân bay được Công ty CP Hàng không Sài Gòn hoạt động. Ngoài khía cạnh mở rộng phạm vi hoạt động, đầu tư của công ty, về phần bản thân tôi, tôi biết sân bay Đông Tác là một trong những sân bay lớn nhất cả nước. Trước đây, quân Mỹ làm sân bay này có mục đích làm điểm tập kết cho loại máy bay ném bom B52. Họ đã có những đánh giá đúng về vị trí, điều kiện thuận lợi khi xây dựng sân bay cỡ lớn này. Bây giờ, chúng ta, nhất là chính quyền tỉnh Phú Yên, cần khai thác tối đa năng lực của sân bay nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Từ trước đến nay, cho dù ở đâu, làm việc gì tôi cũng luôn nghĩ về Phú Yên. Bây giờ, làm kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, tôi cũng muốn hoạt động tại Phú Yên.
Thực tế, dự án kinh doanh dịch vụ bay đã được tôi thai nghén từ năm 1984, cho đến năm 1994 những chữ đầu tiên trong bản thảo dự án được tôi bắt đầu viết cho đến tận bây giờ. Chúng tôi tin rằng, chẳng bao lâu nữa, kinh tế Phú Yên sẽ phát triển mạnh và dĩ nhiên, Công ty CP Hàng không Sài Gòn cũng phát triển và đạt được thành tựu tại đây cùng với nhiều vùng khác trên cả nước.
* Với tình hình tại Phú Yên hiện nay, việc tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hàng không chưa hẳn sẽ sớm có những thành tựu trong kinh doanh. Hẳn Công ty CP Hàng không Sài Gòn đã có những dự án khác kế tiếp?
- Ai cũng biết rằng Phú Yên không có khách để một công ty cổ phần làm vận tải hành khách hàng không. Điều đầu tiên tôi muốn là tôi sẽ bán đàn bò của Phú Yên ra bên ngoài bằng đường hàng không. Vì vậy, thời gian đầu, chúng tôi sẽ hoạt động vận tải hàng hóa.
Hàng không là dự án đầu tiên tạo bước đệm cho những dự định mới của công ty chúng tôi hướng đến quá trình hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau khi máy bay của chúng tôi được phép hoạt động, chúng tôi sẽ triển khai ngay các dự án khác như nuôi và vỗ béo đàn bò; thu mua, chế biến các mặt hàng nông thủy sản như thịt bò, cá bò gù, gà tre, tôm hùm, tôm sú, các sản phẩm làm từ tre… Và chúng tôi sẽ vận chuyển chúng bằng máy bay tắc xi (Air Taxi).
Về các lĩnh vực kể trên, chúng tôi có bạn hàng, có nơi tiêu thụ, đối tác kinh doanh ở nhiều nước trên thế giới cả châu Á, Âu, Mỹ. Một số dự án trong số này đã được đệ trình các ngành chức năng của Phú Yên, vốn đầu tư của mỗi dự án đều không dưới 100 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, chúng tôi còn dự định hoạt động trong lĩnh vực xử lý, tái chế rác thải. Nếu điều kiện thuận lợi, chúng tôi cũng sẽ triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng cho người già tại Phú Yên với kinh phí xây dựng dự kiến khoảng 600 triệu đô la Mỹ. Những dự án này chỉ được thực hiện khi dự án hàng không đã hoạt động.
Tuy Phú Yên đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế, nhưng hơn 76% dân số là nông dân vẫn còn nghèo, khó khăn vô vàn, cuộc sống lạc hậu. Trong các quá trình chuyển đổi hoặc phát triển sẽ có nhiều thứ được, mất, nhưng cuối cùng cái mất luôn thuộc về người nông dân nhiều hơn. Vì vậy, chúng tôi vẫn ưu tiên cho các dự án phát triển lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Là người con của Phú Yên, tôi biết rõ gì Phú Yên có thế mạnh. Đó là đàn bò vàng có chất lượng hàng đầu từ bảy, tám mươi năm trước; là lượng tôm hùm hàng đầu cả nước, tôm sú, tôm thẻ chân trắng; cá bò gù cũng được xếp hàng đầu cả nước… Chúng tôi cũng sẽ đưa về loại tre bình tông để cùng với nông dân trồng và sản xuất những sản phẩm từ loại tre này.
* Tiến sĩ hy vọng rằng với những sản phẩm nông nghiệp của mình, nông dân Phú Yên có thể đi lại, vận chuyển nông sản bằng máy bay, liệu có phải xa xỉ?
- Nhiều người bảo tôi rằng máy bay của tôi sẽ chở toàn những “người chân đất”. Tôi khẳng định, hãng hàng không chúng tôi cấm những “hành khách chân đất”. Vấn đề là chúng tôi sẽ giúp cho người nông dân từ chân trần thành nông dân mang giày. Điều này chẳng có gì ghê gớm. Đây cũng là nỗ lực chung của cả nước, toàn dân hiện nay.
Khi được triển khai các dự án phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chúng tôi sẽ nỗ lực tạo ra hàng hóa cho công ty tôi hoạt động và cũng chính điều đó giúp cho nông dân có thể phát triển, tiến bộ. Khi chúng tôi có lãi, tiền có được, chúng tôi lại quay trở lại đầu tư, hướng dẫn cho người nông dân và chúng tôi cùng với nông dân di chuyển và vận chuyển hàng hóa bằng Air Taxi.
Và thế hệ con cháu của những nông dân này sẽ là thế hệ của kinh tế tri thức. Chúng ta đang nỗ lực phát triển giáo dục để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng thử hỏi, mấy ai là con nông dân dễ dàng bước vào giảng đường, vào những trung tâm đào tạo về nền kinh tế tri thức?!
* Với tuổi 80, tiến sĩ - đại tá vẫn còn muốn đóng góp nhiều cho nên kinh tế chung và quê hương đến như vậy qua biết bao nhiêu dự án đang muốn triển khai, hẳn tiến sĩ vẫn chưa nghĩ đến việc nghỉ ngơi?
- Đất nước mình thật sự còn nghèo lắm, nông dân mình còn khó khăn lắm. Ai cũng mong muốn rằng đến 60 tuổi phải được nghỉ ngơi. Điều đó chỉ nên thực hiện khi chúng ta đã có đủ điều kiện. Bây giờ, bản thân những người lính chúng tôi, khi nào sức khỏe vẫn còn, nhiệt huyết, mong muốn cống hiến vẫn còn thì khi ấy chúng tôi vẫn còn làm việc.
- Mọi người bảo rằng, chúng tôi đã trả xong khoản nợ dân, nợ nước. Nhưng hãy nhìn anh em tôi, bà con tôi, quê hương tôi… đã được thụ hưởng những gì?! Chưa có gì nhiều! Vì vậy, tôi quan niệm rằng, chính thế hệ chúng tôi phải làm tròn trách nhiệm đặt nền móng cho sự phát triển ở những thế hệ tiếp sau. Có như vậy, những thế hệ kế tiếp mới được nghỉ ngơi, an dưỡng khi tuổi về già mà đất nước, con cháu vẫn phồn thịnh.
* Xin cảm ơn tiến sĩ - đại tá!
Ly Kha (thanhnien online)

Không có nhận xét nào: