Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Dốc Giời ơi

.
Dốc Giời ơi
Truyện ngắn của Đoàn Lê
Copy từ http://vanthoviet.com/news/n/495/6911/doc-gioi-oi-truyen-ngan-doan-le.html?l=vn ,đăng ngày 02/10/12 .
Mụ mua cái nhà nhỏ ở chốn sơn khê này đã dăm năm. Ngôi nhà cấp bốn được sửa sang lại thêm phần khang trang, tiện nghi đầy đủ. Đối với cảnh người già sống độc thân, thế cũng tươm lắm rồi, mụ chẳng mong gì hơn. Mảnh vườn sát chân núi đã được quy hoạch lại. Những cây cối mọc hoang dại mất trật tự giờ thay bằng cây lưu niên, bằng lối đi lát gạch, đặt thêm một vài chậu cảnh để ra cái điều tay chơi. Trông cảnh vật bỗng thay đổi hẳn. Chỉ riêng bụi tre vầu trồng góc hàng rào phía sau nhà phải để nguyên đó, giữ hơi hướng Chốn sơn khê. Không thể hình dung cái xóm núi nhà mụ lại không có bóng bụi tre vầu lả lướt xào xạc trong gió!
Xóm núi kề liền bãi biển du lịch, thật lý tưởng. Về đây dăm năm, mụ kịp thân thiết gắn bó với mọi xó xỉnh xóm núi, thân thiết cả khu bờ biển mụ đi thể dục dưỡng sinh hàng ngày. Mụ tự nhủ: Không khí trong lành, thiên nhiên biển thơ mộng, chắc chắn sẽ ban cho người ta thêm ít nhất vài năm tuổi thọ.
flower-row
Nhưng với mụ thọ thêm chẳng để làm gì. Sống gần tuổi thất thập, mọi chuyện ở đời bỗng mất sạch ý nghĩa hấp dẫn. Giời cứ "ới” một tiếng, mụ sẵn sàng ra đi không hề nuối tiếc. Mỗi chiều đứng trước biển, mụ nhận ra con người mình nhỏ bé thảm hại, không bằng hạt cát. Bao nhiêu nhọc nhằn mưu sinh, bao nhiêu lao tâm khổ tứ, ước vọng một đời... tất thảy đều hão huyền, phù du. Rốt cục chẳng khác một đợt sóng ào ạt tiến vào bờ... để rồi tan biến mãi mãi. Cứ tưởng làm vương làm tướng gì cơ!
Mụ cho rằng biển vốn giúp người ta ngộ ra chân lý. Do đó chiều nào mụ cũng thong dong đi dọc bờ biển tới tận dốc-giời-ơi. Đi vừa vặn nửa tiếng, ngồi lại trên bờ tường bao nghỉ nửa tiếng, thả đầu óc lan man rồi sau đó hành trình nửa tiếng ra về. Trên con đường vắng vẻ, tha hồ mơ mộng, triết lý vặt, tha hồ ngộ!
Dốc-giời-ơi ở giữa khu bãi biển một ra khu hai. Nó nằm tại vòng cua vuông góc, bao quanh một mom núi. Nơi ấy đỉnh dốc cao nhất, phía dưới là vực lởm chởm bãi đá, có dãy mái nhà nhô hẳn lên, thoai thoải xuôi, trông giống một cái mái nhà bằng đá. Những tay câu cá thường chọn nơi này thả cần. Vì sao? Có lẽ dãy đá mái nhà giúp họ tiến được ra biển xa nhất. Chỉ những khi triều lên, con nước mới nhấn chìm tất cả thôi.
Chính ở đây nghe nói có lần người ta vớ được chú cá vược hơn chục cân. Chú cá huyền thoại khiến những tay câu thị trấn biển hãnh diện thành lập hẳn Câu lạc bộ câu cá!
nui Mot que minh day
Nhưng từ khi chọn dốc-giời-ơi làm điểm đích ngồi nghỉ, mụ chưa bao giờ thấy ai câu được mống cá nào. Nhìn những tay câu choai choai thả cần, mụ thầm bật cười giễu cợt. Có mà câu... cái cứt cá!
Ngay lần đầu ngồi nghỉ ở dốc-giời-ơi, trên cái bệ xây của đường bao, mụ không khỏi thán phục người nào có ý tưởng dựng ngôi đền thờ trên sườn núi cao trước mặt kia. Một địa thế tuyệt đẹp. Ngôi đền hướng ra biển, nhìn xuống dốc-giời-ơi, xuống bãi mái nhà. Ngôi đền như một người tĩnh tọa ngồi thiền đêm ngày đối mặt với sóng gió.
Có phải ngôi đền được xây để thờ vong hồn những người tù đã bị giặc Pháp thủ tiêu? Nghe nói chúng đưa họ tới dốc-giời-ơi rồi đẩy họ xuống vực đá. Những người tù bị đẩy xuống vực còn ngắc ngoải thường cất tiếng kêu thảm thiết, đêm đêm vang vọng tới tận vạn chài gần đó. Bởi vậy cái vực này, dốc đá này được đặt tên là dốc-giời-ơi vì thế chăng?
Nhưng còn nhớ ngày đầu tiên tới đây, khi ngoảnh mặt ra biển, chợt nhìn xuống vực đá mụ bỗng ớn lạnh rùng mình. Cái ớn lạnh rợn chân tóc sau gáy. Quái lạ, mụ không hiểu vì sao thế. Làm gì còn dấu vết nhắc đến quá khứ hãi hùng ngày xưa cơ chứ. Sau bao biến thiên, giờ đây chỉ có những tảng đá to nhỏ xù xì chồng chất, đôi ba đồ rác rến theo sóng đưa vào mắc lại giữa các khe đá.
Hãy bình tĩnh lại, có gì đâu nào? Đúng thế, không có gì thật. Tuy đã trấn tĩnh, nhưng mụ không thể nhìn xuống vực đá. Mụ từng ở nhà con gái trên tầng bảy chung cư, chả có lý lại choáng vì độ cao?
Cuối cùng mụ đứng lên, đi xuôi dốc chừng vài chục mét, vẫn ngồi lại bệ xây bờ tường bao đó. Bây giờ tha hồ nhìn xuống vực đá. Mụ thấy mình trở lại bình thường. Lạ thật, lẽ nào chỉ choáng ở dốc-giời-ơi?
Sáng hôm sau mụ quyết làm một thử nghiệm. Mụ trèo lên ngọn núi sau nhà, đứng tận đỉnh nhìn xuống. Nơi này cao hàng chục lần dốc-giời-ơi. Cảnh vật mở rộng dưới tầm mắt, đẹp ngây ngất. Chẳng thấy choáng với váng. Rõ ràng mụ không hề sợ độ cao đấy nhá.
Buổi chiều mụ hăm hở tiến ra biển, đầy tự tin. Không rõ người chinh phục đỉnh Êvơrét có hăm hở thế không? Mụ đi thẳng tới đoạn dốc-giời-ơi, dừng lại, nhắm mắt một vài giây, trấn tĩnh tiếng tim đập thì thụp rồi mở bừng mắt nhìn xuống vực đá...
Chao ơi, vẫn thế. Vẫn những cơn rùng mình ớn lạnh...Mụ lùi lại, chịu thua cuộc, đi xuôi thêm vài chục mét như mọi khi mới ngồi nghỉ. Không, mụ hứa với mình sẽ không bao giờ thử nghiệm nữa! Lỡ có lần xây xẩm mặt, lao xuống vực khéo chả kịp kêu: "Giời ơi...”
Gần đến Tết, ngày ông Táo, mụ sắm cái lễ tiễn đưa ba vợ chồng quan bếp lên chầu trời. Vừa cúng bái xong, nhà có khách. Khách đây là hai bà cháu người chủ nhà cũ. Bà cụ gần tám chục tuổi, gầy chắc, da nâu khỏe mạnh, minh mẫn, đúng dân gốc vạn chài. Cách đây gần chục năm, con gái ép bà cụ phải bán ngôi nhà này, lên Hải Phòng sống với con cháu. Và do vậy ngôi nhà về tay mụ.
Cô cháu gái bày hoa quả tiền vàng lên khay, vừa nhỏ nhẻ trình bày:
- Bà cháu đòi về quê thanh minh tảo mộ các cụ cháu, tiện thể qua đây thăm bà, thắp hương cho ngôi mộ ở vườn kia.
Khi mua ngôi nhà dạo đó, mụ hứa sẽ giữ một ngôi mộ nhỏ bên gốc bụi vầu cho chủ cũ. Cũng như mọi năm, giờ bà cụ về thắp hương tảo mộ.
- Vâng, mời cụ với cháu cứ tự nhiên. Tuần rằm lễ tiết tôi vẫn thắp nén hương, không dám để quạnh quẽ đâu ạ.
Hai bà cháu làm lễ xong, mụ mời họ ở lại chơi thụ lộc nhân lễ ông Táo. Cô cháu gái được lời như cởi tấm lòng.
- Bà ơi, vậy bà ngồi đây chơi với bà chủ, cho cháu lại chơi nhà cái Hoan một lúc nhé. Nó mới đẻ bà ạ.
- Cha bố mày, thoáng lên rồi về kẻo muộn.
Mụ cùng bà cụ bày bàn ra hiên, pha ấm nước vối, nhấm nháp chùm nho vừa hạ lễ. ánh mắt sáng tinh tường của bà cụ ngó quanh quất ra chiều thích thú thấy ngôi nhà thay đổi quy củ.
- Tôi mừng năm nay còn về được đây, được thăm ngôi mộ ngoài vườn. Chả biết sang năm có về được nữa không? Cái chân khụng khiệng lắm rồi bà ạ.
- Cụ không về được đã có con cháu. Cùng nữa ở đây có tôi. Tôi không dám lơ là với những người đã mất, phải tội chết.
- Vâng, tôi định bụng sống để dạ, chết mang đi... Nhưng tôi xin gửi gắm bà.
Do dự một chút, bà cụ đặt bàn tay nhăn nheo run rẩy lên tay mụ, kể lể bằng giọng thì thào:
- Bà đừng sợ nhé. Ngôi mộ ấy không có cốt đâu. Mà giả như có cốt, vong linh người này cũng không bao giờ làm hại ai...
Thật bàng hoàng khi mụ được nghe về ngôi mộ góc vườn.
Hân và Song sinh ra cùng tại vạn chài đây. Lớn lên họ yêu nhau thầm lặng thắm thiết. Chàng trai dân chài đã định sau vụ lưới năm ấy sẽ làm đám cưới, nhưng rồi anh phải trốn giặc bắt lính, thoát khỏi Đồ Sơn sang Kiến Thụy vào đội du kích. Khi vụ đánh động trời đốt kho xăng gần bãi biển của giặc, có tin đồn chính anh đã tham gia đưa bộ đội chủ lực tấn công. Giặc Pháp truy lùng Song ráo riết, treo cái đầu anh năm trăm đồng Đông Dương. Hân cũng bị bắt lên đồn tra hỏi. May có anh Thao vốn làm thông ngôn xin cho. Thao với Song vốn xưa là đôi bạn chí cốt trong làng chài. Khi Hân được tha, Thao bàn với cô giả vờ làm đám cưới che mắt giặc. Gia đình Hân sợ liên lụy cũng ép cô lấy Thao bằng được. Đêm tân hôn duy nhất Hân biết Thao đã bố trí cho Song lẻn về với cô.
Đó là một đêm kỳ diệu. Chú rể hờ ngồi hút thuốc lào vặt bên nhà ngoài, canh chừng cho đôi tình nhân chung chăn gối đến gà gáy canh ba. Trước khi Song ra đi, Hân dứt đứt một cái cúc áo cô dâu đưa cho Song, nước mắt đầm đìa.
- Chúng mình đã thuộc về nhau, sống chết đừng quên anh nhé!
Từ đó thỉnh thoảng nghe ngóng thấy yên tĩnh, Thao lại nhắn cho Song về với Hân. Không còn lời nào để nói hết sự kính trọng sâu sắc của đôi tình nhân đối với tấm lòng của Thao.
Ngày Song bị thương ở Kiến Thụy, Thao với Hân đào một cái hầm bí mật dưới bụi vầu sát chân núi cho Song ẩn nấp, dưỡng thương. Địa điểm ấy giặc khó ngờ nhất. Phía trên núi cao là đường từ một bốt giặc đi xuống. Miệng hầm nấp kín dưới vồng hoa ti gôn rậm rạp, chỉ cách đường giặc đi lại vài trăm mét.
Vậy mà khi vết thương trên cánh tay Song đã kín miệng, bất ngờ một hôm tiểu đội lính Pháp tràn vào làng chài lùng sục. Như thể có điểm chỉ, chúng xộc thẳng đến đúng bụi vầu cho quân khui hầm, bắt sống Song. Anh kịp ném một trái lựu đạn, ai ngờ nó thui, chịu để mấy thằng Pháp xô vào quật ngã.
Thao cũng bị trói giật cánh khuỷu dong lên đồn. Nhưng dăm ngày sau giặc tha cho anh về. Hầm nằm mé ngoài vườn nhà anh, ai đào xới làm sao anh biết. Vả lại anh ở trên đồn cả ngày, vợ đang có mang thường về bên nhà ngoại, đến con gà cũng chả giữ nổi mà ăn...
Hân ráo riết hỏi Thao tin tức của Song nhưng anh không hé miệng. Mãi sau mới có một người làng làm phu xây dựng sân bay kể cho Hân biết: Song bị giặc tra khảo dã man rồi bị đẩy xuống dốc-giời-ơi...
Chả trách nào mỗi khi mụ ngồi trên dốc- giời-ơi cứ rùng rợn cả người. Có phải người chết muốn ám vào mụ để theo về ngôi nhà này?
Bà cụ vẫn thong thả kể, cái miệng không còn răng phập phù.
- Tôi như hóa dại bà ạ. Tôi tha thẩn suốt ngày đêm bên bụi vầu kia. Bà có ngờ được không, khi tôi vạch đất tìm lại hơi hướng của anh ấy, tôi bỗng thấy sau mấy viên đá núi lát đáy hầm anh ấy giấu một cái vỏ hộp dầu cù là. Dầu đã dùng hết, chỉ còn phảng phất hơi thơm, bên trong đựng cái cúc áo của tôi...
Giọng bà cụ nghẹn lại. Mụ tự dưng thấy mình muốn khóc. Câu chuyện tình của họ có dễ viết tiểu thuyết cũng được.
Ảnh của Sơn Maki
- Cho nên bà đừng sợ. Ngôi mộ kia chỉ chôn có cái hộp dầu cù là đựng cái cúc áo đó thôi.
- Sau này cụ sinh nở cho ông Song được chút nối dõi chứ?
- Vâng, nhưng tiếng vẫn là con ông Thao. Bởi sau khi ông Song hy sinh, tôi lấy ông Thao.
Cũng may lấy nhau vài năm tôi mới biết ông ấy vô sinh. Chúng tôi chỉ duy nhất có đứa con gái đó thôi.
Ngập ngừng một chút bà cụ thì thầm, đôi mắt xa xăm như chìm vào cõi mơ hồ nào:
- Lạy vong linh hai ông. Người ta xì xào rằng do ông Thao không thể có con nên mới bày đặt cho tôi kiếm con từ ông Song. Sau ông Song bị giặc khui hầm người ta nghi ngờ cũng lại do ông ấy. Chả là ông ấy làm thông ngôn trên đồn, thấy tôi đã có mang nên báo giặc thủ tiêu ông Song đi. Vừa có tiền thưởng, vừa được vợ con... Nhưng lạy giời, tôi không dám nghĩ ác cho ông ấy như thế... Ai biết sự thật thế nào.
Ai biết sự thật thế nào?
Xóm núi Đồ Sơn - Đoàn Lê

Không có nhận xét nào: