Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-4

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-4
Copy từ http://diendan.nuocnga.net/archive/index.php/t-3071.html; phần của bạn Siren, đăng ngày 30-06 và 01-07-2010, mục Nước Nga trong tôi > Văn hóa Xô viết và Nga > Văn học.
Lời giới thiệu
"Những bức thư không gửi" là cuốn truyện của nhà văn Xô viết Tác-ta A-đen Cu-tui. Ông sinh năm 1903. Từ ngày còn ngồi trên ghế trường trung học, ông đã tham gia nhóm văn học do nhà văn Xô viết Nga nổi tiếng I. Nê-vê-rốp lãnh đạo. Từ đấy ông đã bắt đầu sáng tác thơ ca và học tập được rất nhiều ở Mai-a-cốp-xki.
A đen Cu-tui làm rất nhiều thơ, ngụ ngôn, viết khá nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết.
"Những bức thư không gửi" là một trong những tác phẩm thành công và có giá trị nhất của ông. Nó đã được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng Nga và một vài thứ tiếng khác như tiếng Pháp và tiếng Trung quốc.
Tác phẩm này được dịch từ bản tiếng Nga xuất bản năm 1955, do Victor Va-giơ-đa-ép dịch từ nguyên văn tiếng Tác-ta và cuốn "Những bức thư không gửi" ấn phẩm tiếng Việt được xuất bản với sự hợp tác giữa Hội nhà báo Bình Trị Thiên và Nhà xuất bản Thanh niên năm 1987, do dịch giả Trọng Thanh dịch.
Có một truyện ngắn có tên tương tự: "Những bức thư không gửi", tác giả là Валерий Осипов (Valeri Oxipov), được in trong 1 tập truyện ngắn cùng tên, do nhà xuất bản Lao Động in vào năm 1987, dịch giả Đoàn Tử Huyến. Do đó với tác phẩm này, tôi bạo gan đổi thành: Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui. Trên blog này, tôi chia truyện thành 10 phần, đây là phần thứ 4.
Kính mời các bạn vào xem phần 4.
flower-row
Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-4
BỨC THƯ THỨ HAI
Anh I-sken-đe.
Bức thư thứ nhất viết cho anh vẫn chưa gửi. Trong đó tôi muốn nói lên những điều đã và đang làm tôi xúc động, những điều mà tôi không thể không nghĩ đến, không thể không viết ra đây được. Tôi muốn nói tất cả, nhưng dài quá và lộn xộn, mà thật ra những điều muốn nói lại chưa nói lên được. Nhận được thư anh, tôi áy náy vô cùng. Bức thư muốn nói lên rất nhiều, không, hơn thế nữa, nó muốn gào thét lên.
Không biết tôi có gửi bức thư này cho anh không, nhưng tôi nghĩ, viết những dòng này cho bản thân hơn là cho anh. Tôi cố làm sống lại cái qúa khứ của chúng ta. Không phải chỉ đơn giản để ôn lại những kỷ niệm cũ, mà còn để rút ra những bài học trong cuộc sống. Rồi đây, tôi sẽ phải làm gì và sống tiếp ra sao?
Lần thứ hai chúng ta gặp nhau, anh bảo tôi :
- Anh yêu em. Anh muốn sống cho ra sống. Nói thật với em, anh quen biết rất nhiều phụ nữ, nhưng anh chán ngấy cuộc sống đầy những tình cảm chóng tàn. Anh chỉ muốn yêu một người, người ấy là em và chỉ có em thôi. Em yêu quý, em hãyhiểu cho lòng anh. Đó không phải chỉ là lời nói. Ga-li-a, anh gọi em, em có nghe thấy không ? Em quyết định đi .
A-na-tôn Phơ-răng (một nhà văn Pháp cuối thế kỷ XIX-ND) có nói: “ Muốn yêu chung thuỷ, phải yêu nhiều ”. Anh thử nghĩ xem, là người của sân khấu, anh đã chẳng đóng kịch cả trong tình yêu đấy ư ?Anh đã chẳng yêu nhiều để rồi không còn khả năng yêu một cách trung thành đấy nữa thôi ? Hiểu khác thế nào được câu anh nói : “ Có được tất cả nhiệt tình của anh trong quá khứ là để bây giờ anh có thể yêu em tha thiết hơn. Tình yêu rộng lớn của em đã giết chết những gì còn rớt lại trong anh ... ”.
Tôi tin anh. Mà không tin sao được, một người con gái còn trẻ, hay mơ mộng như tôi, không tin sao được khi lời nói của anh chan chứa yêu đương, khi nó đã chiếm lĩnh tâm hồn tôi, khi tôi đã muốn tin? Qua sách báo tôi cũng đã biết, quá khứ và cả đến tình cảm sâu sắc sẽ bị người đàn ông quên lãng. Trong ký ức họ chỉ còn lại những kỷ niệm không đau xót, không buồn tủi. Những người như anh chỉ sau một vài năm là quên ngay tên những người bạn gái thân yêu trong dĩ vãng. Những con người bội bạc ấy, hôm nay quỳ gối thề sẵn sàng chết vì “ nàng ” “ thề chôn theo tình yêu vào nấm mộ ...” nhưng ngày mai lại đã lại tán tỉnh người con gái khác.
Trước mặt người quen họ khoe khoang những “ thành tích ” ấy. Họ không nhắc đến tên một người con gái nào, vì họ không nhớ hết. Họ điểm lại người yêu bằng cách gọi theo tên các dân tộc : “ Tớ đã yêu những cô gái người Nga, người Ba-lan, Bê-la-rút, người E-vơ-rây, U-cơ-ren, người Tác-ta .v.v ”
Tôi yêu anh. Đối với tôi anh đã tỏ ra hoàn toàn khác con người thực chất của anh. Anh đã khéo mang chiếc mặt nạ của một người rất đáng yêu.
Chúng ta có dịp gặp nhau nhiều hơn, gặp nhau luôn. Mỗi cuộc gặp gỡ của chúng ta lại là một dịp cho mong ước.
Những khi ngồi một mình nghĩ đến anh, đến các cuộc gặp gỡ của chúng ta, tôi chỉ lo vì thế là sao lãng các cuộc học tập. Nhưng thực ra tình yêu đã cổ vũ tôi. Sau những lần gặp anh, tôi có thêm nghị lực, phấn khởi học tập và khắc phục được những khó khăn nhất trong học tập một cách dễ dàng.
Thực thế, tình yêu là sức mạnh. Nó mang lại chiến thắng cho con người và nếu nhân dân biết yêu, nó sẽ mang lại chiến thắng nhân dân, cho đất nước.
Mùa đông trôi qua mau chóng. Mùa xuân đến. Mùa xuân của hoa lá, của tình yêu. Trong vườn, hoa xoan đua nở. Hoạ mi ca hót, những tiếng hót lách qua lá vang lên.
Đường phố náo nhiệt, cái náo nhiệt của mùa xuân. Những chiều tối, lúc trăng lên, khi muôn ngàn vì sao lấp lánh trên bầu trời xanh thẳm là lúc những trái tim đập rộn rã, những đôi môi thì thầm bằng nhiều thứ tiếng hai chữ “ yêu đương ”.
Không bao giờ tôi quên được mùa xuân ấy, khi tôi tốt nghiệp trường bổ túc công nông và gắn bó cuộc đời của tôi với cuộc sống của anh.
Anh còn nhớ trận lụt năm ấy không ? Dòng sông Vôn-ga dâng lên, tràn như biển rộng bao la ; nước tràn qua bờ đê, nước ngập khắp phố phường. Chúng ta reo lên vô ý thức : “ Ôi ! Cảnh tượng đẹp biết bao ”.
Đời sống thật là buồn cười, nhân dân bơi thuyền trong phố như trên dòng sông. Trẻ em đi trên mái nhà. Trận lụt mà chúng nhìn với con mắt vui thích đã gây nên bao cảnh nghèo khổ. Trong những ngày ấy, cũng như mọi người khác, tôi vẫn vội vã đến thăm anh. Thuyền không có, nhưng không gì ngăn nổi tôi. Tay xắn quần, tôi lội qua các phố ngập nước đến với anh. Chúng ta gặp nhau hàng ngày. Lần nào cũng vậy, khi tôi đến, trên bàn đã bày sẵn bánh ngọt, nước chè. Tôi không thẹn thùng e lệ như trước nữa. Có lần anh đề nghị tôi hát bài “ Ghi-sơ-kem ” bài ca tôi thích nhất. Say đắm trong yêu đương, tôi đã hát lên với tất cả tình cảm trung thành. Từ đấy anh gọi tôi là Ghi-sơ-kem.
Chiều chiều, chúng ta cùng nhau đọc sách, nhận xét các vai kịch của anh hoặc bơi thuyền. Những khi anh bận việc ở nhà hát, tôi ngồi một mình ở nhà đọc sách chờ anh.
Tình yêu đã giúp tôi tiến bộ. Anh và các bạn anh tỏ ra thông minh, hiểu biết nhiều. Để xứng đáng với các anh, tôi tích cực học tập, chịu khó đọc sách báo và cố tìm hiểu những vấn đề mới lạ. Nhưng quanh ta còn biết bao nhiêu điều bổ ích cần phải học hỏi.
Tôi ham mê đọc tiểu sử các bậc vĩ nhân, nhất là những tập hồi ký viết về họ. Suốt ngày tôi say sưa đọc những tập sách ấy, những sách dạy cho chúng ta phải sống sao cho ra sống, phải làm thế nào để đạt được mục tiêu phấn đấu và phải biết sống thế nào cho đời sống có ý nghĩa và hữu ích.
Quanh tôi còn rất nhiều điều mới lạ làm cho chúng ta say mê và vui thích. Ta muốn biết thật nhiều và muốn sống tất cả. Nhưng tiếc rằng ta không đủ sức, không có thời giờ. Công việc nội trợ trong gia đình, những việc nhỏ nhặt hàng ngày đã chiếm mất khá nhiều thời gian. Tất cả những phụ nữ có quan tâm đến văn hoá, đến lao động, đều đau khổ nhận thấy như vậy.
Anh đừng nghĩ rằng tôi nói đến những người đàn bà lúc nào cũng cặp điếu thuốc lá trong tay. Hạng người này bề ngoài chỉ phụ hoạ theo thời đại chúng ta, thời đại dũng cảm và bận rộn. Họ cố tình ngây ngô, giả tạo. Họ mất hết tính chất của người phụ nữ. Trông bề ngoài họ không còn là phụ nữ, mặc dầu họ không có chòm râu và bộ ria mép. Nếu họ có vỗ vào bộ ngực lép kẹp mà huênh hoang rằng : “ Chúng tôi không phải là bọn tiểu tư sản, chúng tôi chính là phụ nữ mới, là người của thời đại ”, thì họ cũng chỉ là những kẻ nói láo.
Tôi biết rất nhiều phụ nữ Nga, Gơ-ru-đin, U-cơ-ren, E-vơ-rây, Tác-ta và nhiều phụ nữ các dân tộc khác. Họ làm việc không kém đàn ông, nhưng trước sau họ vẫn là phụ nữ, những phụ nữ yêu kiều, duyên dáng. Mới ngày nào họ cũng mang chiếc mạng che mặt (Ở một vài nước có tục lệ phụ nữ khi ra đường phải dùng miếng vải đen mỏng che mặt -ND) mà bây giờ họ đã là bác sĩ, kỹ sư, phi công, giáo sư, là nhà nông học, là những nông trang viên, những nữ công nhân có tài và cuối cùng họ vẫn là phụ nữ.
Tôi chẳng e ngại gì mà không dám nhận rằng tôi không những chỉ muốn trở thành phu nữ Xô-viết tiên tiến, mà còn là phụ nữ ... đẹp nữa.
Mỗi khi anh ở nhà hát sắp về, ở nhà tôi ngồi trang điẻm hàng giờ bên chiếc gương để đón anh, mặc dầu cả buổi chiều hôm ấy tôi chỉ ngồi đọc sách. Vì lúc nào tôi cũng muốn làm vừa lòng anh.
Anh cũng đã quan tâm đến tôi. Có lần biểu diễn xong anh vội về với vợ mà quên cả lau phấn bôi mặt .
Anh bảo :
- Ghi-sơ-kem, hôm nay anh biểu diễn đúng như em đã đề nghị. Anh nghĩ đến tình yêu của chúng ta trong lúc diễn kịch. Em đã mang lại cho anh một niềm vui kỳ lạ, anh đã mang cả niềm vui ấy vào lời nói trong kịch. Nó đã sưởi ấm vai kịch của anh. Người ta bảo anh đóng rất khá. Các bạn thân và những quen chạy đến bắt tay anh ; rạp hát vang lên tiếng reo hò, tiếng vỗ tay hoan hô - ngừng một lát, anh cười rồi nói tiếp - nhưng anh vội vã về với em.
Thỉnh thoảng tôi cũng đi xem hát. Tôi sung sướng trứơc những thành công của anh và đau khổ mỗi khi anh thất bại.
Nhưng anh I-sken-đe, anh không phải chỉ là nghệ sĩ trên sân khấu, mà anh còn là nghệ sĩ cả trong đời sống nữa. Có lẽ trong đời sống anh còn đóng nhiều vai hơn trong nhà hát.
Anh I-sken-đe,
Ngay trong thời đại chúng ta ngày nay, gia đình vẫn là một thành viên cần thiết của xã hội. Chúng ta cần phải gạt bỏ những những ý nghĩ phi Xô-viết và nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta cần phải xây dựng một gia đình Xô-viết vững mạnh. Gia đình không được lành mạnh thì chúng ta phải chịu trách nhiệm không phải chỉ riêng đối với chúng ta, mà còn đối với con cái, thế hệ tương lai của chúng ta nữa.
Anh thân yêu, anh hãy nghĩ kỹ điều đó. Sự mất đoàn kết trong gia đình có ảnh hưởng đến công tác. Quyển vở này sẽ là chiếc gương phản ánh cuộc sống chung của chúng ta. Trong đó anh sẽ thấy những gì cần phải gạt bỏ đi, những gì cần phải theo dõi và xây dựng.
Có thể anh cho thế là lãng mạn, là mơ mộng. Cũng chẳng sao. Theo em, tình yêu lâu dài không thể có được nếu không lãng mạn, vậy thì gia đình không có lãng mạn cũng không thành gia đình.
Anh I-sken-đe
Trong quyển vở này em sẽ ghi tất cả những cảm nghĩ của em. Chú ý đọc nó anh nhé. Và anh cũng viết nữa. Viết những ý kiến của anh. Có khi dùng ngòi bút ta nói được nhiều hơn bằng lời.
GA-LI-A
Hết phần 4 - Kính mời xem tiếp phần 5

Không có nhận xét nào: