Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-1

Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-1
Copy từ http://diendan.nuocnga.net/archive/index.php/t-3071.html; phần của bạn Siren,đăng ngày 30-06 và 01-07-2010, mục Nước Nga trong tôi > Văn hóa Xô viết và Nga > Văn học.
Lời giới thiệu
"Những bức thư không gửi" là cuốn truyện của nhà văn Xô viết Tác-ta A-đen Cu-tui. Ông sinh năm 1903. Từ ngày còn ngồi trên ghế trường trung học, ông đã tham gia nhóm văn học do nhà văn Xô viết Nga nổi tiếng I. Nê-vê-rốp lãnh đạo. Từ đấy ông đã bắt đầu sáng tác thơ ca và học tập được rất nhiều ở Mai-a-cốp-xki.
A đen Cu-tui làm rất nhiều thơ, ngụ ngôn, viết khá nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết.
"Những bức thư không gửi" là một trong những tác phẩm thành công và có giá trị nhất của ông. Nó đã được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng Nga và một vài thứ tiếng khác như tiếng Pháp và tiếng Trung quốc.
Tác phẩm này được dịch từ bản tiếng Nga xuất bản năm 1955, do Victor Va-giơ-đa-ép dịch từ nguyên văn tiếng Tác-ta và cuốn "Những bức thư không gửi" ấn phẩm tiếng Việt được xuất bản với sự hợp tác giữa Hội nhà báo Bình Trị Thiên và Nhà xuất bản Thanh niên năm 1987, do dịch giả Trọng Thanh dịch.
Có một truyện ngắn có tên tương tự: "Những bức thư không gửi", tác giả là Валерий Осипов (Valeri Oxipov), được in trong 1 tập truyện ngắn cùng tên, do nhà xuất bản Lao Động in vào năm 1987, dịch giả Đoàn Tử Huyến. Do đó với tác phẩm này, tôi bạo gan đổi thành: Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui. Trên blog này, tôi chia truyện thành 10 phần, đây là phần thứ 1.
Kính mời các bạn vào xem:
Những lá thư không gởi - A Đen Cu-tui-1
BỨC THƯ THỨ NHẤT
Anh I-sken-đe,
Tôi đã đọc lại nhiều lần bức thư của anh. Nó hiện đang nằm trước mặt tôi. Rất cảm ơn anh đã gửi cho bức thư cởi mở và thân mật đó.
Đến nay anh đã thấy đau xót trước sự chia ly của chúng ta. Anh thương tiếc, viết thư cho tôi và gọi tôi về. Anh bảo: “Anh không phải là người thay lòng đổi dạ, không phải là con người ích kỷ, mà là anh I-sken-đe đáng yêu trọn đời”. Thú thực, anh đã sống lại trong ký ức tôi.
Tám năm trước đây, hai bàn tay anh đã đặt lên má tôi. Những ngón tay anh vuốt nhẹ lên mái tóc. Tôi còn nhớ rõ cảm giác khi đó: hai bàn tay anh mát rợi như mớ tóc đen, mịn màng như đôi cánh chim mềm mại lướt nhẹ trên má tôi. Đôi mắt anh nhìn tôi đã nói lên rất nhiều.
Nhưng anh đã quên ngay những lời nói đầu tiên ấy. Những lời nói đã vang dội trong tâm hồn tôi. Dù khi đó anh có nói thế nào đi nữa, tôi cũng chỉ nghe thấy ở anh những tiếng nói yêu thương tôi vẫn hằng mong đợi. Giờ đây, tôi rất sung sướng nhớ lại những kỷ niệm ấy. Anh I-sken-đe, tôi đang hồi tưởng lại...
Tình yêu của tôi đối với anh, niềm vui sướng và mối tình đầu của tôi nảy nở từ đấy. Tôi ghi lại trong đáy lòng những kỷ niệm ấy như một cái gì thân thiết nhất, tốt đẹp nhất. Đời tôi mãi đến khi đó, khi hai bàn tay thân yêu của anh vuốt nhẹ lên má tôi, mới thực là sung sướng. Tôi cảm động, hồi hộp. Lòng tràn ngập hạnh phúc.
Quá khứ của chúng ta đã để lại nhiều nhỏ nhen, nhiều thiếu sót trong con người mới, con người Xô viết chúng ta. Nhưng trong cuộc đấu tranh với những nhỏ nhen, xấu xa ấy tôi đã thất bại, thì mỗi lần ôn lại nhũng kỷ niệm thân yêu này đã tiếp cho tôi thêm sức, làm cho lòng tôi ấm lại. Anh I-sken-đe, anh đừng cười, cũng đừng ngạc nhiên khi nghe tôi nói điều ấy.
Hẳn anh còn nhớ cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta.
Tôi hay mơ ước. Mặc dầu cuộc sống của tôi chứa chất đầy đau khổ, nhưng đối với tôi đời vẫn đẹp, vẫn đáng yêu. Tôi sống có một mình từ khi còn là cô gái thơ ngây, song tôi đã tin rằng, đời tôi sẽ có sung sướng, có hạnh phúc. Tôi tin tưởng và mơ ước, nhưng những ước mơ đó chỉ có trong tưởng tượng, ở ngoài cuộc sống của tôi. Ước mơ, mong đợi là gì? Tôi cũng không biết nữa. Thật là một thứ tình cảm khó hiểu , không tên tuổi, một sự trông ngóng mệt mỏi, một tình cảm chờ đợi. Anh hãy tưởng tượng như đang đứng trên mỏm đá cao ngất dưới bầu trời trong sáng, ấm áp, thở không khí trong lành của biển khơi. Anh muốn bay bổng lên, nhưng không có cánh. Đặt mình trong hoàn cảnh đó, anh sẽ hiểu tôi.
Chính tôi đang đứng chơi vơi trên một mỏm đá. Bỗng một sức gì xô ngã. Tiếng gào thét của gió. Tôi kêu thất thanh, nhắm mắt lại..và ngã xuống. Quanh tôi bỗng yên lặng. Sau lưng, một đôi cánh vô hình xoè rộng ra, lặng lẽ đưa tôi lên không trung.
Mọi vật đều đổi khác. Tôi không còn là tôi nữa.
Tôi sinh trưởng trong cái làng I-an-gát nhỏ bé và hẻo lánh của xứ Tác-ta. Cha tôi cũng lớn lên ở đấy. Cha tôi không biết một nơi nào khác. Còn tôi, tôi đã sống ở Mát-xcơ-va, đã đến thăm những thành phố Lê-nin-grát, Khác-cốp, Tasken và Ba-cu. Cha tôi không biết đọc, biết viết nhưng tôi, con gái của người, ngoài tiếng mẹ đẻ, tôi còn nói sõi tiếng Nga, tiếng Anh. Cha tôi, suốt cuộc đời khó nhọc, thiếu thốn, sống bằng nghề chăn nuôi súc vật và cuối cùng đã chết bên cạnh những con cừu của bọn địa chủ. Người bần nông nghèo khổ ấy ốm yếu luôn. Suốt đời, ông không hề nhìn thấy người thầy thuốc, còn tôi, con gái người chăn cừu đói rách, hiện là bác sĩ.
Anh I-sken-đe, trong thư không thể nói hết với anh, tôi đã trưởng thành như thế nào, nhờ đâu mà tôi đã đạt được những kết quả đó và giờ đây, tôi sung sưóng yêu đời biết bao nhiêu.
Gần đây tôi có đọc một quyển sách kể chuyện một người từ tần tầng lớp nghèo khổ đã vươn lên, đạt đuợc mục đích của cuộc sống. Tôi vui mừng, sung sưóng như thấy chính mình là nhân vật trong sách.
Đúng như những điều đã xảy ra trong đời tôi.
Ảnh trang trí
Anh I-sken-đe, tôi viết lộn xộn quá. Anh thứ lỗi cho. Nhiều ý nghĩ chen lấn nhau. Bức thư của anh gợi lên trong lòng tôi biết bao kỷ niệm sâu sắc.
Tôi hiểu rõ con người của tôi trước kia và bây giờ. Tôi vui mừng thấy mình đạt được nhiều kết quả và sung sướng, vững tin nhìn về tương lai còn nhiều gian khổ.
Tôi vừa viết cho anh, vừa nghe đài. Bài “Bản tình ca dang dở” của Su-be đang vang lên. Âm thanh dào dạt , khiến người nghe phải say mê. Nhạc điệu có một sức lôi cuốn mãnh liệt. Tiếng nhạc lúc đầu êm đềm, uyển chuyển du dương, rồi mạnh mẽ và cuối cùng vang lên như sấm, làm rung động tất cả.
Tôi phải ngừng viết để nghe nốt bản nhạc. Cađria ngồi bên cạnh cũng phải bảo tôi:
- Mẹ ơi, hay thế mà mẹ không nghe à?
Thằng Ra-pha-en đang ngủ. Nó cũng đặt bàn tay dưới má ngủ như anh. Nó đang cười gì trong mộng.
Cađria ngồi suy nghĩ. Năm nay nó lên bảy. Anh I-sken-đe, nó lớn lắm rồi, anh không nhận ra nó đâu. Nó thật là một đứa trẻ thông minh. Đầu óc giầu tưởng tượng của nó nhiều lần làm người lớn phải ngạc nhiên.
Nó đang nghĩ gì? Có lẽ nó nghĩ: “Ngày mau đi làm về, mẹ sẽ mua quà”, hay nó đang tự hỏi: “Tại sao bố mãi chưa về?”.
Hai mẹ con tôi ngồi yên lặng bên nhau. Tiếng nhạc như rót vào tai, những âm thanh của yêu đương và căm ghét. Ở tận nơi xa xôi, hẻo lánh này, nhạc điệu của Su-be đang vang lên hùng tráng khiến tôi không cảm thấy mình bị hắt hủi cô đơn nữa.
Mat-xcơ-va. Người không quên chúng tôi. Vẫn nhớ đến chúng tôi. Người đã gửi đến nơi xa xôi này những tác phẩm bất diệt của các nhạc sĩ vĩ đại, những vần thơ tuyệt diệu của nhiều thi sĩ, những tiếng hát say mê của các danh ca. Mat-xcơ-va, Người đã đem lại cho trái đất tất cả những gì tốt đẹp nhất để xây dựng con người mới. Mát-xcơ-va, hãy nhận lấy ở tôi lòng biết ơn sâu sắc.
Anh I-sken-đe, tôi lại viết tiếp cho anh đây. Tôi viết đến đâu rồi nhỉ? À phải, tôi đang nói về tôi. Năm 1923, Chính phủ ban hành Hiến pháp mới. Đời tôi cũng từ đấy hé mở. Tôi thi đậu vào trường bổ túc Công Nông ở Ca-dan.
Những ngày đầu của niên học, tôi sống say sưa và hạnh phúc.
Tôi tự nhủ:
- Ngày nào đấy, Lê-nin vĩ đại đã đi trên những đường phố và các hành lang này đây. Tôn-xtôi đã ngồi học trong các giảng đường này và Goóc-ki, ngày còn trẻ, mơ ước thi vào đây.Dưới mái trường này đã nhiều lần vang lên tiếng nói của các bậc vĩ nhân.
Có những phút đứng tựa vào chiếc cột trắng cảu trường đại học, tôi muốn reo lên vì trong lòng dào dạt một niềm vui vô tận. Đây là con đường đưa tôi đén cuộc sống mới vĩ đại, huy hoàng. Tôi cảm thấy tất cả những gì tốt đẹp nhất đang ngưng tụ lại, tràn ngập trái tim tôi. Qua màu lá xanh tươi trong vườn, tôi nhìn thấy tương lai thật hạnh phúc.
Tâm hồn tôi nhẹ lâng lâng.
Giữ lúc đó tôi gặp anh. Mỗi cuộc tình duyên đều có khởi điểm của nó, nhưng tình yêu chân chính không có giới hạn.
Có những năm ta mơ ước yêu đương. Cũng như những quả táo, khi đã chín mọng, rụng xuống lẩn trốn vào cỏ rậm như nô đùa với mặt đất.
Hoa anh đào đua nở. Chim hoạ mi ca hót. Những trái anh đào chín mọng, ngọt như đường. Giữ lúc đó trong tôi trào lên sức mạnh của tuổi trẻ, của hạnh phúc.Tôi chưa yêu ai, nhưng chờ đợi yêu đương. Chưa có một nhận thức đúng đắn về tình yêu, song tôi đã muốn được âu yếm, muốn đuợc hôn.
Trường tôi khi đó đang chuẩn bị cho Đại hội liên hoan của sinh viên.
Tôi đang sống trong ký túc ở ngay phố A-stơ-rốp-ski. Trong phòng tôi có năm nữ sinh. Tuy chúng tôi thuộc các dân tộc khác nhau, nhưng sống đoàn kết thân ái hơn chị em ruột.
Chúng tôi luôn luôn mơ ước đến tương lai. Ít khi nhìn lại quá khứ. Quá khứ đã bị những vui sướng của hôm nay che lấp đi rồi.
Ôi, quá khứ! Mỗi lần nghĩ đến mà buồn rầu và ghê sợ!
Trường đại học của chúng tôi có một lịch sử lâu đời, nhưng suốt một trăm năm trước Cách mạng tháng Mười chỉ có sáu sinh viên người Tác-ta.. Sáu sinh viên ấy tất nhiên không phải con nhà nghèo khổ mà là con cái bọn địa chủ, bon lái buôn.
Nhưng bây giờ, hàng ngàn người con gái như tôi, hàng ngàn thanh niên Tác-ta đã tốt nghiệp đại học.
Kính mời xem tiếp phần 2.

Không có nhận xét nào: