Copy từ http://vneconomy.vn/the-gioi/dau-hieu-hoang-loan-trong-dieu-hanh-kinh-te-trung-quoc-20150819061719295.htm ,đăng ngày 20/8/15 mục Thế giới. |
“Cây đũa thần” trong tay các nhà lãnh đạo của nền kinh tế Trung Quốc có vẻ như đã mất thiêng phần nào... |
Cú sốc mang tên tỷ giá Nhân dân tệ ập đến hồi tuần trước, ngay sau khi uy tín về quản lý kinh tế của Bắc Kinh đã sứt mẻ vì xử lý lúng túng đợt lao dốc của thị trường chứng khoán hồi đầu mùa hè - Ảnh: Zuma/WSJ. |
Trên phương diện quản lý kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường được xem là thuộc một thế giới riêng biệt trong 1/4 thế kỷ qua. |
Theo nhận xét của tờ Wall Street Journal, họ được sinh ra từ một hệ thống mà ở đó những người làm việc kém bị loại, thành tích được khen thưởng, và kinh nghiệm được đánh giá cao. |
Cho tới khi đạt tới vị trí cao nhất, hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều đã điều hành những tỉnh thành có quy mô bằng cả một quốc gia. Hình ảnh đầy năng lực của họ đã trở thành sự đảm bảo trong nước và được công nhận ở nước ngoài mỗi khi xảy ra khủng hoảng. |
Và họ cũng đã mang đến thành công: Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn và trong thời gian dài hơn bất kỳ một nền kinh tế nào khác trong lịch sử. |
"Họa vô đơn chí"" |
Nhưng giờ đây, khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh và thị trường lo ngại có thêm tin xấu, “cây đũa thần” trong tay các nhà lãnh đạo của nền kinh tế Trung Quốc có vẻ như đã mất thiêng phần nào. |
Cú sốc mang tên tỷ giá Nhân dân tệ ập đến hồi tuần trước, ngay sau khi uy tín về quản lý kinh tế của Bắc Kinh đã sứt mẻ vì xử lý lúng túng đợt lao dốc của thị trường chứng khoán hồi đầu mùa hè. |
Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế từng tiếp xúc với những nhân vật cấp cao ở Bắc Kinh, các nhà điều tiết thị trường chứng khoán Trung Quốc đã không nhận thức rõ về những dòng tiền khổng lồ từ hệ thống ngân hàng chảy vào thị trường chứng khoán, làm hình thành bong bóng. Bởi thế, khi giá cổ phiếu đảo chiều, các nhà hoạch định chính sách lo ngại còn có những mối nguy hiểm không thể lường hết. |
Vào thời điểm đó, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định khống chế và khẳng định sự kiểm soát đối với thị trường, bất chấp trước đó các nhà lãnh đạo nước này vẫn luôn miệng nói về sự cần thiết phải trao cho thị trường một vai trò lớn hơn. |
Cổ phiếu Trung Quốc sau đó đã “cắt cơn” giảm nhờ hoạt động mua vào của các đơn vị được Chính phủ chỉ đạo và lệnh cấm các nhà đầu tư lớn bán ra. Tuy vậy, niềm tin của giới đầu tư vẫn mong manh: trong phiên giao dịch ngày 18/8, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt hơn 6%. |
Nay, sự khó hiểu cũng bủa vây động thái tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hồi tuần trước. |
Theo những gì được tuyên bố, động thái phá giá đồng Nhân dân tệ mạnh nhất kể từ năm 1994 là nhằm thúc đẩy một hệ thống giao dịch dựa trên thị trường, và động thái này đã nhận được sự hoan nghênh thận trọng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). |
Nhưng trên thực tế, ngay sau động thái phá giá, PBoC lại can thiệp để... đỡ tỷ giá Nhân dân tệ. Điều này cũng giống như trong suốt nhiều thập kỷ qua, PBoC luôn can thiệp để gây ảnh hưởng lên tỷ giá Nhân dân tệ so với đồng USD. |
Sự mập mờ trong các động thái chính sách của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán và tiền tệ toàn cầu chao đảo. |
Ở vào thời điểm cần có sự quản lý khéo léo hơn bao giờ hết, những sai lầm chính sách và sự giải thích không rõ ràng đã gửi đi những thông điệp gây lo ngại tới các nhà đầu tư, khiến họ tin rằng bàn tay lãnh đạo chắc chắn đang bị thay thế bởi một bàn tay hoảng loạn, muốn tìm cách ngăn không cho nền kinh tế rơi vào trì trệ. |
Quan điểm u ám của giới đầu tư cho rằng toàn bộ động thái tỷ giá của PBoC vừa qua là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm kích thích tăng trưởng thông qua hỗ trợ các nhà xuất khẩu, đối tượng được hưởng lợi từ đồng Nhân dân tệ giá rẻ. |
Một số tin rằng việc phá giá đồng tiền cho thấy các nhà hoạch định chinh sách Trung Quốc đang lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng hơn nhiều so với những gì họ thể hiện ra bên ngoài. |
“Họa vô đơn chí”, vụ nổ hóa chất khủng khiếp xảy ra ở Thiên Tân hồi tuần trước không chỉ phơi bày những lỗ hổng lớn trong quy định an toàn công nghiệp ở Trung Quốc, mà còn cho thấy hạn chế trong khả năng của Chính phủ nước này về quản lý khủng hoảng và cung cấp thông tin. |
Hạn chế này lại bị lộ ra đúng vào lúc nền kinh tế mong manh và người dân muốn tìm kiếm sự trấn an. |
Giới chức địa phương đã quá chậm chạp trong việc cung cấp thông tin về vụ nổ có thể được nhìn thấy từ vũ trụ và được các thiết bị theo dõi động đất ghi lại này. Giới chức trung ương thì chần chừ trong việc công bố mức độ thiệt hại của vụ nổ. Phải mất 4 ngày sau, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới có mặt tại hiện trường vụ nổ. |
“Ai sẽ chịu trách nhiệm?”, một người dùng mạng xã hội Weibo đặt câu hỏi. Bài viết này ngay sau đó đã bị cơ quan kiểm duyệt xóa bỏ. |
Ưu tiên “chữa cháy” |
Cũng phải thừa nhận rằng, một số lời chỉ trích nhằm vào các nhà lãnh đạo kinh tế của Trung Quốc là hơi quá đà. |
Danh sách các chính phủ can thiệp vào thị trường chứng khoán là một bản danh sách dài. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đều nỗ lực định hướng giá trị đồng tiền của nước mình. |
Và ngay cả những nền kinh tế phát triển cũng có thể để xảy ra thảm họa công nghiệp, chẳng hạn thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. |
Tuy vậy, những bước đi sai lầm của Trung Quốc lại diễn ra đúng vào thời điểm xấu. Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang ngập sâu trong khó khăn nhiều so với những gì thể hiện qua con số tăng trưởng GDP 7%. Nếu không tính đến tác động từ đợt tăng điểm của thị trường chứng khoán và tăng trưởng xuất khẩu trong nửa đầu năm, mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể chỉ đạt xấp xỉ 5%. |
Điều đáng ngại hơn là có những tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ưu tiên các biện pháp “chữa cháy” trước mắt, hơn là những cải cách khó khăn và mang tính dài hơi vốn cần thiết để tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thay thế cho những “đầu máy” tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu và đầu tư. |
Đến nay, Bắc Kinh đã đạt được những bước tiến tích cực về tự do hóa tài chính, nhưng chưa làm được nhiều trong việc giải quyết thất bại của các doanh nghiệp quốc doanh lớn vốn bị xem là một trong những trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng tương lai của Trung Quốc. Những tập đoàn nhà nước khổng lồ này nắm trong tay nguồn tài nguyên lớn và giữ vị thế độc quyền đối với nhiều ngành kinh tế quan trong như viễn thông và kinh tế, cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân. |
Ông David Dollar, một chuyên gia cấp cao thuộc viện Brookings, lo ngại rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nghiêng về các biện pháp kích thích truyền thống. “Nếu họ không thúc đẩy cải cách, thì họ sẽ phải quay trở lại với các biện pháp truyền thống”, ông Dollar nói. |
An Huy |
Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015
Dấu hiệu "hoảng loạn" trong điều hành kinh tế Trung Quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét