Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Đất ấm-1

Đất ấm-1
Tác giả: Đỗ Văn Nhâm
Copy từ http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?PHPSESSID=79te5buccg44cqenn8l377hpi6&topic=21074.10 ,đăng ngày 17/04/11 , mục Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam > Văn học Chiến tranh > Vài chuyện ngắn chọn lọc trên các tạp chí văn nghệ quân đội.
Chuyện của ông Phấn có lẽ gần với sự thật. Tôi lịm dần đi sau khi Lộc hy sinh, được chuyển ra tuyến ngoài, xa hẳn trung đoàn từ đấy. Bộ đội ta trụ lại. Đồi không tên nên Lộc được gói bọc cẩn thận, chưa kịp chuyển ra. Một ngày đêm bom pháo...
Mãi rồi cũng tìm được tảng đá có hình con gấu. Đồi không tên của tôi và Lộc đây rồi. Tôi bồi hồi đứng, một lúc mới nói được lời cảm ơn ông Phấn, người dẫn chúng tôi lên đúng chỗ cần tìm. Ông Phấn nhìn tôi, dường như có câu hỏi trong cái nhìn ấy. Tôi nói để ông yên tâm, công việc chúng tôi làm phải gượng nhẹ, và nếu làm hư hại cà-phê, chúng tôi xin bồi thường. ..
Không mấy chú ý đến lời hứa của tôi, ông Phấn gật đầu, quay đi, kiểu đi ban nãy, như tìm kiếm gì đó...
Đội quy tập đã dọn sạch cỏ rác đất cát chung quanh con gấu đá. Tôi đặt lễ, thắp hương rồi thầm thì gọi bạn.
Ba mươi năm trước trận hỗn chiến diễn ra ở đây. Và, Lộc bạn tôi vẫn còn nằm lại nơi này. Dấu tích quả bom lớn, nổ cách công sự ba chục bước chân làm chúng tôi ứa máu miệng ba ngày, giờ là một cái hố rộng, nông và um tùm cỏ dại.
Đơn vị cũ của tôi, Trung đoàn Thăng Long nổi tiếng, đã tìm kiếm đồng đội nhiều năm. Nhưng danh sách liệt sĩ chưa quy tập được còn dài lắm. Đôi khi bí bách, việc tìm Lộc chẳng hạn, trung đoàn cần đến những cựu chiến binh. Tôi xin nghỉ phép trở lại Ia Đ'răng chuyến này vì thế. Trước khi lên tàu, tôi đến thăm bà cụ Ngự, mẹ Lộc, cụ đổ bệnh đã lâu.
Có chú gấu đá làm vật chuẩn nên việc xác định khu vực đoạn chiến hào cũ khá thuận lợi. Đây là đoạn chiến hào Lộc đã sống những giây phút cuối tuyệt vời xứng danh một con người. Lúc đó tôi nằm bên kia hố bom, cũng trong một đoạn chiến hào cũ, cạnh xác anh trung đội trưởng còn ấm nóng. Súng hết đạn, chân tay bầm giập, không thể làm gì cứu bạn.
Một tuần bom đạn ngút trời, cả hai bên cùng bị thương vong. Nhưng giữ được Đồi không tên, án ngữ con đường đất đỏ dưới chân nó đến chiều hôm ấy, chúng tôi thắng.
Từ keo cuối cùng ấy chăng? Mệnh lệnh rút quân. Tưởng chuyện rời khỏi Đồi không tên, khi mặt trời đã lặn và sương mù đã dâng tràn thung lũng, sẽ tuyệt nhiên êm thấm. Nhưng mà không. Đài quan sát lần đầu khinh xuất.
Quá nửa trung đội đã lùi xuống chân dốc thì địch lên. Sáu chiếc xe tăng và bảy chục lính. Không hò hét, không pháo cối dọn đường mà lặng lẽ dàn trận. Rồi bất ngờ tăng tốc cuồn cuộn bùng lên như lũ quét.
Cà phê Đồi không tên bây giờ thật xanh. Mừng cho ông Phấn mà vẫn chạnh lòng. Ngày xưa máu đã đổ xuống thành từng vũng.
flower-row
Cái hố hình chữ chi đang rộng dần, sâu dần. Lộc nằm đâu dưới đấy... Nhớ lại trận đánh cuối cùng cuộc đời chiến sĩ của mình, tôi vẫn cho rằng ngày ấy anh trung đội phó đừng dẫn tôi trở lại thì hơn. Để cứu nguy cho ba người, cuộc hỗn chiến không cân sức đã xảy ra. Mà rốt cục chỉ một tôi sống sót.
Đã khai quật hết đoạn chiến hào cũ. Lặng lẽ và kiên tâm, chúng tôi xem xét kỹ lưỡng từng xẻng đất. Rải rác ít vỏ đạn tiểu liên gỉ sét, mấy mẩu quai dép đúc, chiếc bàn chải ngày xưa cả tổ dùng chung... Những thứ gắn bó với tuổi hai mươi của tôi và Lộc. Và không còn gì khác.
Vùn vụt chiều buông. Sương mù giăng mắc mỗi lúc một dày. Gió hoàng hôn hun hút lạnh. Cả đội quy tập ngơ ngác buồn. Việc lớn chưa nên, bát cơm nóng hổi, thức ăn ngon ngọt của hòa bình đắng trong miệng.
Các chiến sĩ trẻ đốt một đống lửa lớn giữa lòng hố bom rồi bảo nhau thu xếp chỗ nằm. Tôi dựa lưng vào đụn cỏ khô nhìn vô định trời đêm. Nhớ vợ con và nghĩ về bà cụ Ngự giờ đang mòn mỏi tin con. Hồi còn khỏe, cụ và người con gái, em Lộc, đã vào Tây Nguyên. Đọc hết tập hồ sơ mộ chí của cơ quan chính sách. Đi hết mấy nghĩa trang. Sau Trung đoàn Thăng Long đánh một chiếc xe con, cử anh cán bộ trinh sát giỏi nhất hộ tống hai mẹ con cụ leo khắp mấy quả đồi nằm giữa lòng thung lũng Ia Đ'răng. Rồi chiếc xe đó tiễn cụ xuống tàu Thống Nhất trong hiu hắt và những lời hứa.
Tuần trước tôi cũng đã hứa.
Trời đêm rụng một vì sao.
Có tiếng bước chân nhè nhẹ. Đấy là ông Phấn. Ông ra mời chúng tôi vào nghỉ trong nhà ông. Một căn nhà nhỏ, xinh và chỉ một chiếc giường. Ông bảo, đêm ngoài trời sương gió nhiều, lạnh, chịu sao thấu! Tôi cảm ơn và thưa lại rằng chúng tôi hơn một chục người.
- Nhưng mà lạnh, ba bốn người một giường càng ấm. Còn thì cỏ khô... Nền sạch sẽ lắm.
- Thế thì phiền cho ông quá. Với lại, ông nhìn kìa... Bọn trẻ đã ngủ cả rồi.
- Vậy thì xin mời ông. Ông và tôi, dẫu sao cũng chẳng còn trẻ nữa.
- Cảm ơn ông! Ông về nghỉ đi. Thú thực, tôi không buồn ngủ, cũng không thể ngủ. Tôi muốn canh gác cho bọn trẻ và sống cùng quá khứ.
- Sống cùng quá khứ ư?
- Vâng.
- Nghĩa là...
- Tôi đã sống ở đây, lâu rồi... Đã từng uống nước dòng suối trước nhà ông. Đã chiến đấu nhiều ngày trên đồi.
- Cái đó thì tôi đoán được lúc ông nói về tảng đá. Tôi hiểu ông bây giờ trở về tìm bạn.
- Vâng... Đi tìm bạn tôi. Anh ấy là một anh hùng. Một chàng trai hai mươi tuổi, trẻ lắm, đẹp lắm!
- Dạ. Chiến tranh... cái thời chết trẻ bao nhiêu người!
Tuổi ngũ tuần trong lòng đầy gió. Lạnh, chưa hẳn do đất trời nên lạnh. Im ắng quá. Tôi chất thêm củi vào đống lửa. Ông Phấn đun nước, pha cà-phê. Ông bảo ông muốn thức cùng tôi.
Cà phê ngon thực.
Một lúc sau ông chủ trang trại rụt rè nói:
- Nè, ông... Ông thử coi lại xem, chuyện tìm kiếm ấy mà... có nhầm lẫn chi không. Mấy chục năm chứ ít đâu...
- Chính xác là ba chục năm dư mười bảy ngày. Ba chục năm... ông biết tôi biết, vật đổi sao dời nhiều lắm. Con đường đất đỏ ngày xưa chúng tôi chốt chặn, nay nắn thẳng sang bên kia đồi, thoáng rộng hẳn ra và được trải nhựa. Rồi cà-phê và cao-su. Cả thung lũng Ia Đ'răng cũng đã là một Ia Đ'răng khác. Ngổn ngang, nhộn nhịp, tươi xanh. Thị trấn mọc lên... Heo hút lùi xa. Khác, mà nhiều thứ vẫn không thể khác. Đồi không tên thành trang trại của ông. Nhưng con gấu đá còn đó. Bạn tôi cho nổ lựu đạn trên tay ngay đoạn chiến hào bên cạnh nó.
Copy từ http://www.vnmilitaryhistory.net/
Xin mời xem tiếp phần 2/3 tại đây:http://dvnien.blogspot.com/2015/08/at-am-2.html

Không có nhận xét nào: