“Quái vật 981”: Going home – Hãy về nhà
Cận cảnh một tàu hải cảnh Trung Quốc đang phun vòi rồng và đâm húc tàu kiểm ngư 763 của Việt Nam. Ảnh: H.V.M
Những ngày tác nghiệp trên vùng biển nóng Hoàng Sa, không thể nhớ đã bao nhiêu lần tàu hải cảnh Trung Quốc vừa vây đuổi tàu chúng tôi vừa phát loa bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Tàu cá 763 hãy rời khỏi khu vực này, nếu không chúng tôi sẽ tiến hành bắt giữ…”. Và lần nào tôi cũng ước giá mà tàu kiểm ngư của mình được phép đáp trả, và đáp trả bằng bản“Going home” (Hãy về nhà) của nghệ sĩ saxophone người Mỹ Kenny G.
“Going home” là bản nhạc gây sốt trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt năm 1989 và sau đó thấm sâu vào đời sống tinh thần của số đông người dân ở Trung Quốc. Tham quan Trung Quốc, tôi từng chứng kiến “Going home” được bật lên ở khắp các nhà hàng, siêu thị, ga tàu, trường học… và đó là cách hiệu quả nhất để gián tiếp nhắc nhở đã đến lúc kết thúc một ngày làm việc, đã đến lúc về với mái ấm gia đình…
“Going home” vang lên ở vùng biển Hoàng Sa
Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) một buổi chiều tháng 6.2011, tôi đang lang thang trong một siêu thị dưới lòng đất thì bỗng nghe hệ thống loa trên tường vang lên bản “Going home” quen thuộc. “Going home” luôn ở trong trình nghe nhạc ở điện thoại của tôi suốt gần 15 năm nay dù những giai điệu saxophone này luôn ru tôi vào tâm trạng khắc khoải, khi toàn thân bải hoải, không còn muốn làm thêm việc gì khác. Và thật kỳ lạ, gần như tất cả mọi người trong siêu thị lục đục ra xếp hàng ở quầy thanh toán khi những giai điệu đầy thúc giục của “Going home” vang lên.
Tình trạng như thế này tôi cũng đã gặp khi đang uống trà sau bữa cơm tối muộn trong một nhà hàng ở thành phố Hải Khẩu – tỉnh lỵ của quần đảo Hải Nam và trước đó nữa là một thị trấn miền núi cổ của tỉnh Quế Lâm
Bất ngờ hơn khi nghe Liễu – cô thông ngôn người Trung Quốc có nhiều năm học tiếng Việt ở Hà Nội đi cùng trả lời thắc mắc của tôi: “Em cũng không thể giải thích được vì sao, chỉ biết rằng từ nhiều năm nay trên toàn Trung Quốc, đặc biệt là các thành phố lớn, “Going home” trở nên rất quen thuộc và gắn bó với đời sống tinh thần của người dân. Mỗi khi giai điệu này vang lên, họ biết rằng một ngày nữa đã kết thúc và đã đến lúc phải về nhà. Và mặc nhiên người đứng đầu các nhà hàng, siêu thị, ga tàu, trường học… ở Trung Quốc coi “Going home” là tín hiệu nhắc nhở, lời tạm biệt đối với các vị khách của mình… Em cũng thấy lạ lắm, đã cố tìm hiểu từ các nhà nghiên cứu văn hoá nhưng ai cũng nói đây là một hiện tượng văn hoá mà họ chưa gặp bao giờ…”.
Điểm nóng Hoàng Sa những chiều tháng 5.2014. Sau một ngày cùng tàu kiểm ngư 763 quần thảo mệt lử với tàu Trung Quốc, tôi thường nằm lắc lư trên võng ở đuôi tàu và mở “Going home” trên điện thoại, bật loa về phía các tàu Trung Quốc đang xúm quanh con “quái vật 981” cách chúng tôi khoảng 10 hải lý, miệng lầm bầm “cho bọn bay nhớ nhà chết đi”. Tôi ước gì lúc này, “Going home” được vang xa như tiếng sáo của tướng quân Trương Lương đã đánh tan cả một đội quân nước Sở như trong tiểu thuyết cổ “Hán Sở tranh hùng” của Trung Quốc.
Là tôi ức quá nên “làm phép” vậy thôi chứ khoảng cách đó thì chỉ có mình tôi nghe và thêm chăng là một… con cò côi cút! Nó là thành viên thứ 29 của tàu kiểm ngư 763 - được một kiểm ngư viên vớt lên từ biển ngay trong ngày đầu tiên ra tới đây để làm nhiệm vụ. Nó được các thành viên trên tàu chăm sóc, coi như một người bạn và thậm chí tôi còn cho nghe nhạc cùng. Ai cũng vui vì mỗi lần nhìn “thành viên cò” là nỗi nhớ đất liền trong chúng tôi lại nguôi ngoai đi một chút. Những lúc chuyện phiếm, chúng tôi thường nhắc đến “thành viên cò” và đố nhau vì sao cò lại ra biển, vì sao nó chỉ đi một mình?...
Chẳng có câu trả lời thỏa đáng, nhưng lần nào tôi mở “Going home” và ôm cò lên người “bắt” cùng nghe, nó cũng vùng vằng rồi bay xuống sàn, trốn vào một góc y như cái buổi sáng đầu tiên tàu Trung Quốc tấn công tàu chúng tôi bằng vòi rồng và đâm húc.
Con cò – thành viên thứ 29 trên tàu kiểm ngư 763 của Việt Nam |
Bên kia chiến tuyến, họ đang nghĩ gì?
Suốt những ngày tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa và bây giờ là đất liền, tôi chưa bao giờ thôi ám ảnh với chuyện kể của các cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam về việc mới ngày 13.4, tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam cùng với tàu Tổng đội Nam Hải ngư chính của Trung Quốc thực hiện đợt kiểm tra liên hợp về nghề cá kéo dài 7 ngày.
Trước khi xuất phát, họ đã lên tàu của nhau để bắt tay, tặng quà lưu niệm và nói những lời có cánh về tình hữu nghị Việt - Trung... Nhưng chưa đầy 10 ngày sau, cũng chính những con tàu đó, những “người bạn” đó, họ không chỉ ngang nhiên kéo đến đặt trước “hiên nhà” Việt Nam một con “quái vật” mà còn ngày đêm uy hiếp, phun vòi rồng, đâm húc… tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp.
Một lần, khi tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46105 áp sát tàu kiểm ngư Việt Nam để phun vòi rồng, ống kính máy quay của tôi đã cận cảnh được nhiều khuôn mặt lính hải cảnh Trung Quốc. Qua cửa kính, Nam – kiểm ngư viên trên tàu kiểm ngư 763 - chỉ tay vào mặt một lính hải cảnh tàu 46105 nói lớn: “Tao không sợ chúng mày đâu”. Tôi tự hỏi: Tâm trạng chung của lực lượng chấp pháp Việt Nam là căm hờn, uất nghẹn và trên hết là niềm tin rồi “mọi thứ cong vẹo sẽ được nắn thẳng lại” như lời trong Kinh Thánh.
Nhưng còn những người bên kia chiến tuyến, những hải cảnh, hải giám, ngư chính… kia, lúc này họ đang nghĩ và tin vào điều gì? Liệu họ có suy nghĩ như nhà báo Châu Phương, cựu biên tập viên mảng đối ngoại của Tân Hoa xã – mới đây đã đăng liền 3 bài báo trên một mạng xã hội phản bác cái gọi là “thành phố Tam Sa” và đường lưỡi bò vô lý trên biển Đông mà Trung Quốc tự vẽ ra. Rằng “việc thành lập thành phố Tam Sa là nỗi nhục nhã nhất mà Trung Quốc phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Chúng ta từ nhỏ đã thấy một đường quốc giới màu đỏ thô kệch ôm trọn cả Nam Hải (tức biển Đông) trên bản đồ Trung Quốc. Cho đến hôm nay chúng ta mới biết được thực tế không phải như vậy. Đường quốc giới ấy chẳng những các nước láng giềng mà cả cộng đồng quốc tế đều không công nhận. Chính phủ cũng như các chuyên gia học giả Trung Quốc cũng không thể xác định rõ ràng. Dĩ nhiên, quân đội lại càng xấu mặt”.
Cũng có thể họ đang nghĩ như học giả Lý Lệ Hoa, chuyên gia nghiên cứu hải dương học, thành viên của Trung tâm tin tức Hải Dương Trung Quốc mới đây đã cho đăng lại loạt bài của nhà báo Châu Phương trên trang blog.sina.com.cn với lời dẫn nhập khuyến cáo những người Trung Quốc động một chút là đòi động binh trừng phạt nước khác để giành lãnh hải: “Những người không hiểu rõ về ý nghĩa to lớn của UNCLOS 1982 (Công ước quốc tế về Luật biển) đối với nhân loại là như thế nào, họ cũng chẳng biết xu hướng phát triển chủ đạo của thế giới, họ đang ăn nói lăng nhăng. Họ cổ xuý động võ, như thế chỉ gây thêm rắc rối cho nhân dân và đất nước”.
Trở lại với “Going home”. Mỗi lần mở “Going home” trên điện thoại di động cho con cò nghe và hướng loa về phía tàu Trung Quốc để “đuổi giặc”, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ biết đâu bên đó, những hải cảnh, hải giám, ngư chính… của Trung Quốc cũng đang nghe “Going home” trên điện thoại di động như tôi và đang khóc thầm vì nhớ nhà? Biết đâu họ cũng đang ngày đêm mong sớm được trở về nhà bởi nhận ra mình đang can dự vào một cuộc đánh chiếm ngang ngược, bất chấp công lý? Nhưng dù thế nào thì cũng giống như số đông trong đất liền, họ cùng con “quái vật 981” của mình cần phải “trở về nhà” và không nên quá muộn!
Còn chúng tôi, cũng như những người bên kia chiến tuyến, ai cũng có gia đình, vợ con và nỗi nhớ, ai cũng muốn “Going home”, nhưng chúng tôi chỉ trở về khi nào vùng biển chủ quyền của mình đã “xanh” trở lại…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét