Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Nhà văn Nguyên Ngọc bàng hoàng vì Bộ giáo dục đổi số 5 thành số 2

Nhà văn Nguyên Ngọc bàng hoàng vì Bộ giáo dục đổi số 5 thành số 2
Copy từ http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nha-van-Nguyen-Ngoc-bang-hoang-vi-Bo-giao-duc-doi-so-5-thanh-so-2/294146.gd ; đăng ngày 30/04/13, mục Giáo dục 24h.
(GDVN) - "Thật không ngờ sau đó Bộ GD&ĐT gửi cho một số báo đưa tin ra công luận thì 5 tiêu chí tuyển sinh của chúng tôi lại chỉ còn 2".
Một phương án tuyển sinh được đặc biệt chú ý
Thời gian qua, dư luận đặc biệt chú ý tới phương án tuyển sinh riêng mà Trường ĐH Phan Châu Trinh đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó được nhiều người coi là một bước đột phá trong bối cảnh đầu vào ĐH, CĐ đang phụ thuộc vào kết quả “ba chung” đang ngày càng lộ ra nhiều bất cập.
GS Hoàng Tụy đánh giá rất cao phương án tuyển sinh mà ĐH Phan Châu Trinh đưa ra với 5 tiêu chí rất cụ thể, đó là: (1) Điểm thi đại học theo phương thức ba chung; (2) Điểm thi tốt nghiệp phổ thông; (3) Điểm trung bình trong 3 năm học trung học phổ thông; (4) Điểm đánh giá khả năng tư duy của thí sinh thể hiện kết quả tổng hợp 12 năm học phổ thông; (5) Điểm đánh giá tố chất của thí sinh qua phỏng vấn.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam sáng nay (30/4), nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh cho biết, ông vô cùng bàng hoàng và bức xúc khi vài tờ báo đã đăng một số ý kiến nói về phương án này căn cứ trên những thông tin không hoàn toàn chính xác.
“Tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc chúng tôi cần nói rõ với công luận về việc Trường ĐH Phan Châu Trinh xây dựng phương án tuyển sinh riêng năm nay, và quá trình chúng tôi làm việc với Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc này cho đến nay", ông nói.
Nhà văn Nguyên Ngọc
 
Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: Thực hiện điều 34 của Luật Giáo dục Đại học đã được Quốc hội chính thức ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 về việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học và cao đẳng; thực hiện ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và & Đào tạo trong cuộc làm việc với Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Ngoài công lập (ngày 5/3/2013), Trường ĐH Phan Châu Trinh đã xây dựng phương án của mình.
Phương án gồm 5 tiêu chí: 1) điểm thi đại học theo phương thức ba chung (khi cuộc thi này còn được tổ chức như hiện nay), 2)điểm thi tốt nghiệp phổ thông, 3) điểm trung bình trong 3 năm học trung học phổ thông; 4) điểm đánh giá khả năng tư duy của thí sinh thể hiện kết quả tổng hợp 12 năm học phổ thông, 5) điểm đánh giá tố chất của thí sinh qua phỏng vấn.
Nhà văn Nguyên Ngọc phân tích, trong tình hình cụ thể hiện nay cả 5 tiêu chí đó bổ sung cho nhau, điều tiết lẩn nhau có thể giúp loại trừ bớt một số yếu tố ngẫu nhiên hoặc một số tác động tiêu cực nếu chỉ dựa vào một cách thi chung duy nhất như đang hiện hành.
Ông bày tỏ: "Chúng tôi đã gửi dự thảo phương án này đến một số cơ quan liên quan của Bộ để thăm dò và xin thêm ý kiến nhằm điều chỉnh dần cho đến một phương án tương đối tốt nhất và khả thi nhất. Đã có một số trao đỏi, ví dụ, ở tiêu chí 1, đối với trường hợp thí sinh đã đạt trên điểm sàn trong kỳ thi ba chung của Bộ (mà theo quan điểm của chúng tôi là trong một thời gian không nên kéo dài nữa cần xóa bỏ, cả thi ba chung lẫn điểm sàn) thì có xét tiếp các tiêu chí khác không? Hay có cần một điểm ngưỡng dưới, chẳng hạn ở tiêu chí 3, các em dưới ngưỡng đó thì không được dự xét tuyển…Quan điểm của chúng tôi về một phương án như đã trình bày từ đầu là nhất quán. Chúng tôi cho rằng cần ra sức tối đa bằng nhiều cách tìm và phát huy những mặt mạnh khác nhau của từng thí sinh, không vội vã loại ngay bất kỳ ai chỉ bằng một lần đánh giá có thể có nhiều ngẫu nhiên, cố gắng tối đa giúp các em, từng em được học tập và phát triển. Vội vàng gạt ngay đi một con người chỉ qua một cuộc thi đầy rủi ro, chặn hết đường phát triển của họ, nói theo một cách nào đó là tàn nhẫn, thậm chí độc ác".
Bên cạnh đó, nhà văn Nguyên Ngọc cũng kiên trì quan điểm rằng, về nguyên tắc một người đã học xong phổ thông, chứng tỏ đã đủ trình độ phổ thông qua một kỳ thi tốt nghiệp (cũng là do chính Bộ trang trọng tổ chức, chứ phải ai khác đâu), thì hoàn toàn có đủ quyền được xét vào đại học. Xét thế nào là tùy yêu cầu đào tạo và khả năng đào tạo của từng trường. Đó chính là điều mà Luật Giáo dục Đại học gọi là trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường".
5 tiêu chí bất ngờ bị biến thành 2 tiêu chí
Nhà văn Nguyên Ngọc cho hay, ngày 11/4/2013, ĐH Phan Châu trinh đã có cuộc làm việc với Cục Khảo thí và chính thức trình phương án tuyển sinh, gồm ba tiêu chí 1, 2, 3; hai tiêu chí 4, 5 là tiêu chí bổ sung khi cần cân nhắc giữa các thí sinh ngang nhau theo 3 tiêu chí trên. Quan trọng hơn, hai tiêu chí sau còn giúp trường hiểu từng em để giúp các em tốt hơn trong quá trình học tập.
Chúng tôi đã đề nghi cho chúng tôi cùng một số trường làm thí điểm. Cuối giờ chiều ngày 16/4/13, các anh ở Cục Khảo thí báo cho chúng tôi thông tin trong cuộc họp Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia, phương án của chúng tôi cơ bản đã được chấp nhận với điều kiện chỉ cần điều chỉnh bỏ đi tiêu chí 1 (xét điểm thi đại học) là sẽ được phê duyệt cho thí điểm. Ngày 17/4/13, các anh tiếp tục hướng dẫn bổ sung mức cận dưới của điểm thi tốt nghiệp, điểm cận dưới của học bạ phổ thông" (chỗ in đậm chúng tôi nhấn mạnh - pv).
"Chính vì như thế nên chúng tôi dự định sẽ bỏ tiêu chí 1 (điểm thi ĐH) theo đề nghị của các anh ở Cục Khảo thí, đồng thời sẽ tăng cường các tiêu chí 4 và 5 (kiểm tra tư duy và phỏng vấn) trong việc xét tuyển để đảm bảo tính nhất quán của tinh thần phương án tuyển sinh ban đầu", nhà văn Nguyên Ngọc kể tiếp.
"Thật không ngờ, sau đó, Bộ gửi cho một số báo đưa tin ra công luận để nghe ý kiến thì phương án được coi là của trường của chúng tôi lại chỉ còn tiêu chí 2 và 3. Chúng tôi không được biết trước việc này", ông nói.
Cuối cùng, nhà văn Nguyên Ngọc nêu ra những điều cần suy nghĩ để công luận đánh giá: Vì sao Bộ lại gợi ý bỏ tiêu chí 1 (điểm thi đại học ba chung quy mô và rất được Bộ tập trung tổ chức)? Bỏ như vậy, rồi đưa ra cho dư luận phán xét phương án do chính Bộ gợi ý chỉ còn có 2 tiêu chí - là điểm thi phổ thông và điểm trung bình ở cấp 3, vốn dễ bị nghi ngờ hơn cả về độ tin cậy và cũng dễ bị tác động tiêu cực, mà chúng tôi đã cố gắng điều hòa, hạn chế bằng các tiêu chí khác?
"Quả thật, đối với việc thực hiện một điều đã được Luật quy định rõ ràng thì những diễn biến khúc khuỷu như vừa qua là không bình thường, và khá 'lạ'. Giải thích sự lạ này như thế nào đây? Và cần phải làm gì? Chúng tôi đề nghị được làm việc tiếp với Bộ để có thể cùng đi đến một phương án giữ được tinh thần cơ bản đã đề ra từ đầu, vừa giải quyết được tình hình trước mắt, vừa góp phần tích cực mở đường cho phát triển sáng sủa hơn của đào tạo đại học, và có tính hiện thực, khả thi", nhà văn Nguyên Ngọc nói.
Quá trình lắt léo dẫn đến hiểu sai bản chất phương án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Phan Châu Trinh như sau:
* Bộ trưởng: 'Bộ ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng' --> Trường Phan Châu Trinh và một số trường khác xây dựng phương án trình Bộ.* Khi trình lên Bộ, đề án của trường ĐH Phan Châu Trinh gồm 5 tiêu chí. Xem chi tiết: Đề xuất đột phá chưa từng có về phương án tuyển sinh 2013
* Ngày 12/4, sau buổi làm việc với Cục Khảo thí, nhà văn Nguyên Ngọc thông báo, Cục này gợi ý cần thực hiện một lộ trình, trước mắt năm 2013 còn 3 tiêu chí (bao gồm có tiêu chí điểm thi ĐH)
* Sau khi có các cuộc trao đổi của Bộ, như nhà văn Nguyên Ngọc kể, Bộ GD&ĐT đã đem phương án chỉ còn 2 tiêu chí (là điểm thi tốt nghiệp và kết quả THPT - vốn lâu nay bị xã hội nghi ngờ về tính chính xác) để công bố cho dư luận nhằm "lấy ý kiến", khiến dư luận hiểu sai bản chất phương án tuyển sinh của trường.
 
Diệu Linh

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Huyền bí tháp cổ giữa rừng xa
Copy từhttp://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/544667/huyen-bi-thap-co-giua-rung-xa.htmlhttp://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/544667/huyen-bi-thap-co-giua-rung-xa.html ; đăng ngày 24/04/13 , mục Văn hóa - Giải trí.
TT - Đó là ngôi tháp cổ huyền bí nằm ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), cách thị trấn Mường Xén của huyện hơn 50km đường bộ và đường sông.
Tháp cổ và chi chít những lỗ thủng - Ảnh: V.Toàn.
Một phía chân tháp bị lún sụp - Ảnh: V.Toàn.
Tháp cổ cao khoảng 30m đứng trơ trọi giữa một bên là bờ rào Trường tiểu học Mỹ Lý, một góc là nơi dân bản đang đổ cát dựng nhà. Dây điện từ nhà này nối qua nhà kia đều "neo" vào cành cây mọc ngang từ kẽ đá trên thân tháp. Cách tháp vài chục mét có một cây bồ đề xum xuê cao gần bằng ngọn tháp. Dưới tán cây, trên nền nhà thờ xưa đã bị sập có một bàn thờ bằng ximăng đơn giản với tượng Phật bằng đồng và bát nhang lạnh. Nghe nói các sư trụ trì chùa Đại Tuệ ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn vừa lên làm bàn thờ này để dân bản thắp nhang cho tháp cổ đỡ cô quạnh.
Tiêu điều tháp cổ
Ngọn tháp cao vút tựa hình tháp bút trên chân tháp rộng 8-10m. Các tầng nấc kiến trúc khá đẹp mắt theo hình lục lăng. Sáu phía mặt tháp chỉ còn lại một số hoa văn đơn giản nhưng thanh thoát và hình hai vũ nữ ngồi chắp hai bàn tay hướng ra phía trước. Phần lớn thân tháp bị bong tróc, phô ra những hàng gạch đỏ thẫm.
Ngạc nhiên nhất là khi chúng tôi nhìn thấy những lỗ thủng như từng hốc mắt vô hồn xung quanh thân tháp. Ông Kha Ngọc Minh - chủ tịch UBND xã Mỹ Lý - giải thích: "Những lỗ thủng toang hoác ấy là do kẻ xấu đục để lấy cắp tượng Phật bằng đồng trong thân tháp. Hễ nơi nào thân tháp có hoa văn thì bên trong đều có tượng Phật bằng đồng. Kẻ xấu thường nhằm vô vị trí này để đục trộm". Chúng tôi vòng quanh thân tháp đếm được 20 lỗ thủng bị đục nham nhở. Lỗ bị đục rộng nhất đo được năm gang tay, nằm dưới chân tháp - nơi có vô số viên gạch đã vỡ ra từng mảng lớn. Càng lên cao, lỗ đục càng nhỏ dần. Giờ trên miệng những lỗ bị đục này là những bát nhang do ai đó đã đặt lên tỏ ý tiếc nuối bảo vật trong lòng tháp bị kẻ xấu đánh cắp.
Thấy chúng tôi lộ vẻ tiếc nuối, ông Minh bảo anh thư ký ủy ban xuôi thuyền về trụ sở lấy hai tượng đồng lên. Mỗi tượng cao 12cm, chân tượng hình trụ, lòng tượng rỗng nhưng khá nặng, màu đồng đen nhánh. Ông kể: "Đây là hai tượng Phật do ông Th. quê ở huyện Đô Lương - là cán bộ dưới xuôi lên công tác gần đây đục tháp lấy trộm 40 năm trước. Khi người nhà bị nạn, ông ta nghĩ sở dĩ gặp hậu họa là do lấy cắp tượng đồng trong tháp nên đem cho một người bạn. Người bạn này cất kín hai tượng đồng nhưng một thời gian sau cũng gặp nạn nên mới bảo vợ đem lên trả bằng cách gửi cho ủy ban xã".
Ngước nhìn lên đỉnh tháp, ông Minh kể lại chuyện một ông cán bộ khác ở dưới xuôi lên công tác. Ông này đã dùng súng AK bắn vỡ mắt tháp bằng thủy tinh to bằng quả trứng gà gắn trên chót vót đỉnh tháp. Chỉ vài tháng sau tự dưng ông ta bị mù cả hai mắt. Cũng theo ông Minh, khi chưa bị bắn vỡ, ban đêm mắt tháp này phát ra thứ ánh sáng lấp lánh huyền ảo cả núi rừng. Nói đoạn, ông kể câu chuyện khác về hai thanh niên trong xã lấy cắp hai bức tượng do ông Đ. đem trả lại nơi lỗ đục trong tháp. Sau đó một người đi buôn gỗ bị chết trôi, một người đốt rẫy bị chết cháy.
Nỗi lo tháp đổ
Ông Minh kể tiếp: "Ông Chữ Văn Quản - nguyên chủ tịch UBND xã này, trú tại bản Xằng Trên - là một thầy mo có tiếng khắp vùng. Một số người gặp nạn vẫn đến nhờ ông Quản giải hạn. Ông Quản nói với mọi người hễ ai lấy cắp tượng Phật trong tháp đi bán đều không thoát khỏi tai nạn. Vì thế mấy năm gần đây mặc dù tháp không có ai bảo vệ nhưng không ai dám động vào. Dân Thái, Mông, Khơ Mú trong 12 bản của xã đều coi tháp cổ và tượng Phật là những báu vật linh thiêng của vùng đất này nên ngày lễ, tết họ đến thắp nhang cầu cho được mùa lúa, mùa ngô. Nếu bản làng có dịch bệnh họ cũng đến cầu an. Những bát nhang quanh thân tháp là do dân bản để vào đấy".
Trước đây, bản có tên Xằng Tờ nên dân bản gọi là tháp Xằng Tờ. Năm 1992, xã đổi tên là bản Yên Hòa, dân bản cũng đổi tên là tháp Yên Hòa. Còn tên gốc của tháp thì chưa ai biết được. Hỏi chuyện về tháp cổ, cụ bà Vi Thị Quyên, 90 tuổi, ở bản Yên Hòa, nói: "Tôi lớn lên, bản đã có tháp này rồi. Hỏi cha rồi hỏi ông nội ai cũng nói lớn lên là đã thấy tháp rồi. Ngày xưa tháp ở giữa rừng cây âm u. Quanh tháp, ngoài cây bồ đề còn có cây thị, cây đa cổ thụ giữa vùng rừng nguyên sinh". Ông Minh tiếp chuyện: "Hồi năm 1968, khi mới 9 tuổi tôi thấy bờ rào bằng tường xây xung quanh tháp vẫn còn nguyên vẹn. Phía trong bờ rào rất nhiều bức tượng đồng và đá trắng to bằng người lớn dựng đặc kín xung quanh tháp. Những năm chiến tranh, dân bản sơ tán vô rừng sâu nên những bức tượng này bị kẻ xấu trộm hết".
Không chỉ có ngọn tháp này, xã Mỹ Lý từng có cả một quần thể tháp cổ. Ngoài tháp này là lớn nhất còn có ba tháp nhỏ ở bản Xiềng Trên, Xiềng Tắm và bản Thả Lày (nay là bản Hòa Lý). Ba tháp này đã bị đổ từ lâu, nay không còn phế tích. Tháp còn lại thì mấy năm gần đây, sau những trận bão, chân tháp sụt dần và vỡ ra khiến tháp bị nghiêng. Cô giáo Vi Thị Thoan - hiệu trưởng Trường mầm non Mỹ Lý 2 - tâm sự: "Thấy bản mình có tháp cổ độc đáo là tự hào lắm nên nếu tháp bị đổ thì buồn vì tiếc lắm. Tháp lạ và đẹp đấy nhưng giờ bị nghiêng nên giáo viên không dám cho học sinh ra chơi quanh quẩn bên chân tháp". Còn ông Minh nói: "Tôi lo tháp đổ thì có tội với dân bản. Vài tấn ximăng phục dựng chân tháp xã tôi bỏ ra được, nhưng xã đã gửi nhiều tờ trình lên các cơ quan chức năng mà không có ai trả lời nên không dám làm".
VŨ TOÀN - HỒ VĂN

Đừng chần chừ khi tình yêu “đổi màu”

Vũng xoáy cuồng yêu:
Đừng chần chừ khi tình yêu “đổi màu”
Copy từ http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/545585/dung-chan-chu-khi-tinh-yeu-doi-mau.html; đăng ngày 29/04/13, mục Nhịp sống trẻ .
TT - Khi tình yêu “đổi màu” thì người trong cuộc dù là ở vị trí kẻ cuồng yêu hay nạn nhân chắc đều dễ rơi vào tình trạng mất phương hướng, lúng túng trong cách giải quyết và dễ mắc sai lầm.
Khi tình yêu đổi màu, ai cũng muốn được chia tay đẹp. Tuy nhiên, nếu không được như thế, hãy nghĩ ngay đến giải pháp tránh để tình hình xấu thêm (ảnh có tính chất minh họa) - Ảnh: GIA TIẾN
NST xin giới thiệu quan điểm, giải pháp tham khảo từ các luật sư, chuyên gia tâm lý và cả phụ huynh có con từng là nạn nhân của chứng “cuồng yêu”...
Cần thiết thu thập chứng cứ
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM), hiện nay pháp luật VN đã có những quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền lợi cũng như sự an toàn về tính mạng, sức khỏe người dân. Với các quy định của pháp luật hiện hành, theo luật sư Hậu, nạn nhân trước khi hoặc ngay khi bị xâm phạm đến sức khỏe, uy tín, nhân phẩm... ở mọi mức độ đều có thể liên hệ cơ quan chức năng để yêu cầu được hỗ trợ.
Tương tự, luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường (phó trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM) nhấn mạnh việc nạn nhân nên liên hệ công an, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để nhận được sự hỗ trợ, can thiệp càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bà lưu ý nạn nhân nên thu thập đầy đủ các chứng cứ về hành vi xâm phạm để cơ quan chức năng có cơ sở xử lý người vi phạm.
“Pháp luật VN có nguyên tắc là chưa xử lý đối với những cá nhân mà sự vi phạm chưa được thể hiện bằng hành vi cụ thể, chỉ mới tồn tại dưới dạng suy nghĩ, ý định. Do đó mà người cần bảo vệ, giúp đỡ chưa nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cơ quan chức năng” - luật sư Hậu nói.
Dẫu vậy, cả hai luật sư đều có nhận định chung rằng luật quản chế, cách ly, khung hình phạt cho tội đe dọa ở VN vẫn còn những điều cần xem xét. “Chiếu theo Bộ luật hình sự VN, điều 103 thì tội đe dọa giết người ở VN cao nhất là 7 năm tù trong khi ở các quốc gia khác có mức độ răn đe cao hơn. Cụ thể, ở Anh với tội danh trên có thể bị kết án tới 15 năm tù, ở Úc là 10 năm tù... Và những nạn nhân của hành vi đe dọa dù chỉ dừng lại ở lời nói thì tính mạng của họ cũng được bảo vệ tuyệt đối ngay lập tức” - luật sư Hường cho biết.
Không nên im lặng
“Một số cá nhân không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cho rằng yêu đương thì có ghen tuông là chuyện bình thường nên ngại làm ầm ĩ khiến công tác bảo vệ nạn nhân gặp khó khăn, càng kích thích kẻ cuồng yêu có những hành vi ngông cuồng hơn” - luật sư Hường nhìn nhận. Chính vì vậy, bà nhấn mạnh: nạn nhân tuyệt đối không nên âm thầm chịu đựng một mình.
Đứng từ góc độ chuyên môn, ThS Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) cho rằng trong trường hợp luật hạn chế sự tiếp xúc ở những người có thể gây hại đến người khác chưa được chú trọng tại VN thì nạn nhân nên tìm đến những giải pháp như: chia sẻ mọi chuyện cùng người thân, tìm đến các chuyên viên tâm lý để có liệu pháp tâm lý ổn định, tìm lời khuyên...
Bà N.A. (59 tuổi, Q.1, TP.HCM), người từng có con gái rơi vào trường hợp bị cuồng yêu, là một trường hợp của việc “hóa giải” thành công vấn đề từng tưởng chừng như vô vọng.
Khi con gái bị người yêu tên P. hành hung, tra tấn tinh thần lẫn thể xác vì ghen tuông trong thời gian dài, sau khi gia đình đã thử mọi cách mà không hiệu quả, bà cùng chồng tìm gặp gia đình P. và phát hiện ra “điểm yếu” của P. là rất thương cha. Thông qua những lần hẹn trò chuyện cùng P., bà vừa khuyên răn vừa “dọa” P. rằng nếu mọi chuyện vỡ lở thì tính mạng của cha P. sẽ bị ảnh hưởng với căn bệnh tim trong người. “Dù kẻ cuồng yêu là ai, đã là người đều có nhân tính. Tôi và gia đình P. đã chọn giải pháp nói dối về tình hình sức khỏe của cha P. để mong P. bình tâm suy nghĩ lại. Song song đó, tôi nói con gái nới dài thời gian chia tay và hiện mọi chuyện tạm ổn”, bà N.A. cho biết.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng phụ huynh, nhà trường phải chú ý giáo dục người trẻ về cách ứng xử trong tình bạn, tình yêu từ sớm. Bà cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền các chương trình giáo dục văn hóa ứng xử trong tình yêu song song với việc phổ cập các biện pháp chế tài nghiêm khắc để hình thành tư duy “yêu có ý thức” cho mọi người, bởi: “Chẳng nói đâu xa, từ khi đẩy mạnh truyền thông về phòng chống bạo hành gia đình thì xã hội Việt đã có những bước chuyển biến đáng kể”.
CÔNG NHẬT
Gợi ý một số giải pháp
Yêu nhau là cả một quá trình thì chia tay cũng phải có thời gian. Từ khi ra quyết định đến lúc chia tay phải nỗ lực làm cho bạn mình nhận ra mấu chốt vấn đề. Tuyệt đối tránh kiểu chia tay đột ngột, vô cớ.
Nếu khi nói lời chia tay mà bạn mình vẫn cương quyết lắc đầu, có hành động quá khích thì nên nhẹ nhàng lảng tránh (có thể gặp mặt nhưng hạn chế đi hai người, tránh đề cập đến chuyện tình cảm hoặc tìm cách kéo dài thời điểm hẹn gặp...).
Tìm kiếm sự hỗ trợ, can thiệp từ người thân, bạn bè.
Nếu đã thử các bước trên mà vẫn không cứu vãn được tình hình, có thể chỉ còn phương án tạm “cắt đứt” hẳn mọi liên lạc với kẻ cuồng yêu, đi xa trong một thời gian để bạn cũ nguôi ngoai.
Trong một số trường hợp bị đe dọa đến tính mạng thì nhất thiết phải trình báo cơ quan chức năng tìm kiếm sự hỗ trợ.
ThS tâm lý Nguyễn Hữu Long

Về Điện Biên ngắm hoa ban nở

Về Điện Biên ngắm hoa ban nở
Copy từ http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=545366&ChannelID=100; đăng ngày 29/04/13, mục Du lịch.
TTCT - Tháng 3 âm lịch, trong tiết xuân nắng ấm vùng Tây Bắc cũng là thời điểm hoa ban trổ bông trắng khắp các thung lũng, những đồi nương, cánh rừng. Về lại Điện Biên lần nào cũng ngây ngất với thiên nhiên và say với lòng người...
Hoa ban nở trên vùng núi Điện Biên - Ảnh: Tiến Đạt
Cuối tháng 3 từ TP.HCM ra Điện Biên, chúng tôi tiếc rẻ vì bỏ mất cơ hội dự lễ hội hoa ban đã diễn ra trước vài hôm (thường tổ chức vào ngày 5-2 âm lịch). Tiếc vì đó là dịp được tận mắt chứng kiến lễ hội hoa ban với cảnh người Thái thể hiện lòng tôn kính với thần rừng, thần hang, thỉnh bái ma núi, ma sông cầu cho quanh năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa tươi tốt, bản làng bình yên, ấm no. Đây cũng chính là lễ hội ngợi ca tình yêu bất diệt của chàng Khum và nàng Ban - sự tích dệt nên hoa ban xinh đẹp.
Nụ cười hoa ban
Cũng may chiều hôm trước khi chuẩn bị ghé tham quan các tuyến điểm du lịch tại thị xã Điện Biên gồm nghĩa trang liệt sĩ, đồi A1, hầm của tướng De Castries, bảo tàng, trên đường ngang qua một số con phố, du khách phương Nam đã tận mắt chứng kiến hoa ban trắng thi nhau trổ trên đường.
Nhưng hấp dẫn và no mắt nhất phải kể đến hành trình đoàn vào thung lũng Mường Phăng, cách trung tâm thị xã Mường Thanh khoảng 30 cây số, ngày hôm sau. Đúng như mọi người mường tượng và háo hức, lúc này đã kịp nhìn thấy hoa ban nở trên những cung đường, triền đồi, dưới thung xa. Thời điểm này không có những cánh đồng lúa chín vàng như dịp mùa thu, nên hình ảnh hoa ban cũng kịp đong đầy niềm hứng thú của lữ khách.
Và đây, bên trong những mái nhà sàn của bà con người Thái buổi sớm mai, hoa ban bên hiên nhà nghiêng mình xuống cánh đồng thung lũng Mường Phăng, gần xa ẩn hiện lớp mờ màn sương buổi sớm tạo cảm giác thư thái, thanh bình đến lạ. Với sự cởi mở và thân thiện của mình, hình ảnh những đứa trẻ, phụ nữ địu con và những phụ nữ cần mẫn bên khung vải, càng tạo cho du khách ấn tượng khó phai.
Cũng cần nói thêm về cách tiếp xúc của bà con các dân tộc ở Điện Biên với du khách. Nếu so với tuyến điểm Sa Pa thì Điện Biên chưa thấy xảy ra tình trạng đeo bám, nài ép du khách mua hàng, hoặc trẻ con chạy theo xin tiền... Người dân ở đây chắc đã quen cảnh du khách vào tham quan bản làng nên họ chẳng có gì quá ngạc nhiên, vồn vã nhưng cũng không lạnh nhạt. Họ đón khách bằng chính sự bình thản và tự nhiên. Nụ cười tươi tắn, lạc quan, yêu đời của họ thật sự mang lại trải nghiệm khó quên.
Và không thể quên những địa danh lịch sử như đồi A1 - Ảnh: Tiến Đạt
Có thể bắt gặp những hình ảnh bình yên như thế này khắp vùng Tây Bắc - Ảnh: Tiến Đạt
Sự hồn nhiên và thân thiện gây thiện cảm với du khách - Ảnh: Tiến Đạt
Say với người Thái
Với du khách, văn hóa bản địa càng khác biệt càng tạo sự hiếu kỳ. Chính vì thế, hình thức xây dựng bản văn hóa du lịch, chọn thí điểm tại các bản Ten, Mển, Him Lam II, Phiêng Lơi... đưa vào hoạt động vài năm trước đây tại Điện Biên đến nay được xem là mô hình thành công khi được du khách đánh giá cao và mang lại nguồn thu không nhỏ, góp phần phát triển kinh tế, tạo thêm công việc làm cho bà con đồng bào.
Sự hấp dẫn và độc đáo của chương trình tất cả là do chính người trong bản thực hiện, từ ẩm thực đến văn nghệ... rất bài bản.
Như cách khai thác bản văn hóa du lịch ở bản Ten nhiều người đã ghi dấu cộng cho vùng đất này. Khu đón tiếp và phục vụ du khách tại bản Ten (cũng như các bản văn hóa du lịch khác) là nhà sàn thiết kế theo đúng kiến trúc người Thái. Đón khách từ đầu cổng là cô gái hoặc người phụ nữ trong trang phục truyền thống phụ nữ Thái, trên đầu đội khăn piêu khá duyên dáng.
Khách sẽ được mời bước lên bậc thang nhà sàn, nơi đặt các bàn ăn thấp, ghế bệt với nhiều món ăn do chính người trong bản chế biến. Nguyên vật liệu nấu là cá do chính tay họ đánh bắt dưới suối, lợn nuôi trong nhà, các loại rau trồng trong vườn và hái trong rừng. Thật thú vị, ngay trong mùa hoa ban nở du khách được thết đãi những món chế biến từ loài hoa này.
Nụ cười Điện Biên - Ảnh: Tiến Đạt
Rượu không say nhưng say lòng người - Ảnh: Tiến Đạt
Thức uống mời khách là rượu được nấu từ ngô. Cách uống rượu của người Thái khác so với đồng bào các dân tộc vùng Tây - Đông Bắc. Nút chai rượu là một khúc tre hoặc gỗ, trên đầu khoét lỗ để khi nghiêng chai rượu sẽ từ từ chảy vào ly. Nếu bà con các vùng khác uống rượu xong thể hiện lòng mến nhau bằng cách bắt và siết chặt tay, thì khi khách uống với phụ nữ Thái thể hiện tình cảm chân thành bằng cách cùng ôm họ, một tay đặt lên eo người đối diện, tay còn lại vòng qua cổ người đối diện để đưa ly rượu vào miệng uống. Rất tình cảm!
Chẳng những đến đây khách được thưởng thức món ngon, rượu thơm, cách mời rượu đầy nghĩa tình, mà còn là dịp quý hiếm được ngây ngất với tiếng hát, điệu múa của phụ nữ Thái xinh đẹp. Những bài dân ca, tình ca, điệu xòe mang hơi thở hoang vu, huyền bí, phóng khoáng núi rừng quyến rũ lòng người.
Cuộc vui kết thúc bằng tiết mục cùng nắm tay tham gia điệu múa hát tập thể giữa khách và người bản địa, trong niềm vui ngây ngất và bịn rịn trước lúc chia tay.
TIẾN ĐẠT

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Vũng xoáy cuồng yêu: Vì sao tôi giết người yêu?

Vũng xoáy cuồng yêu: Vì sao tôi giết người yêu?
Copy từ http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/545446/vung-xoay-cuong-yeu-vi-sao-toi-giet-nguoi-yeu.html ; đăng ngày 28/04/13, mục Nhịp sống trẻ.
TT - “Khi tòa tuyên án gần 10 năm tù giam, tôi như chết lặng. Đó không phải vì cảm giác tội lỗi mà vì tôi nghĩ làm gì mà phạt nặng vậy. Nhưng khi vào trại giam, tôi mới nhận ra bản án lương tâm còn ghê gớm hơn nhiều”.
Đừng để một cuộc tình khép lại, cánh cửa trại giam mở ra - Ảnh: Thuận Thắng
Đó là lời tâm sự của T.T.H., một nữ phạm nhân tuổi đôi mươi, đang thụ án tại trại giam Z30D vì tội giết người.
Nạn nhân chính là người yêu của H., khi H. lên cơn cuồng ghen vì yêu và uất ức. 10 năm tù, vì khi giết người H. chưa đủ 18 tuổi và trong trạng thái bị kích động.
Cuồng yêu khiến tôi mù quáng
Khi bước vào cấp III, tôi bắt đầu quen với khái niệm mà đám con gái truyền tai nhau: yêu là phải ghen, ghen mới là yêu! Tuy nhiên, tôi quá khó để tìm một bạn trai ưng ý vì luôn muốn người yêu mình phải đẹp, phải cho đám bạn nhìn ghen tị trong khi tôi là một cô gái bình thường, học hành ở mức trung bình. Cũng vì lẽ đó, khi quen anh - một chàng trai lớn hơn tôi hai tuổi, đẹp lạnh lùng - nhiều đứa bạn trong nhóm chơi chung đã phản đối và cảnh giác: nó quen mày chơi thôi, không yêu đương gì đâu. Mặc kệ lời bàn ra tán vào, tôi đến với anh.
Tôi mê man trong hạnh phúc đầu đời, có người yêu đẹp lại được chiều chuộng. Anh quan tâm, chăm sóc tôi từng chút một. Anh dẫn tôi đi chơi, tặng nhiều món quà dù chẳng cần đến ngày lễ. Tôi như chết lịm trong tình yêu ngọt ngào và tôi trao cho anh tất cả.
Có tình yêu đẹp, tôi có động lực để học hành và lần đầu tiên trong bao nhiêu năm học tôi đạt thành tích học sinh khá. Mẹ tôi rất hạnh phúc, bạn bè ngỡ ngàng, còn tôi vui ra mặt. Nhưng những ngày đó cũng qua nhanh, tôi thấy anh vài lần chở một cô gái lạ khá thân mật.
“Con đó là ai?”, tôi hỏi anh đầy giận dữ. Và anh cười xòa: “Em họ anh”. Tôi cũng tặc lưỡi cho qua. Nhưng rồi chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần, hết cô em họ này đến cô em họ khác.
Hết ôm eo, hôn nhau và cả đi đến những quán cà phê dành cho tình nhân. Điều làm tôi điên tiết là những cô gái đó đều đẹp hơn tôi và trên người luôn lấp lánh đồ hàng hiệu.
Tôi vừa không đẹp, vừa không giàu có. Chuyện kéo dài gần một năm khiến tôi đau khổ, vật vờ. Tôi học hành sa sút. Mẹ tôi, bạn bè tôi cũng ngạc nhiên. Tôi tìm đến con đường tuyệt vọng: tự tử.
Tôi lên mạng học những cách tự tử mà không đau đớn. Tôi chọn cách này, sợ đau, lại chuyển sang cách khác. Tôi mua lưỡi lam về tự cứa vào tay mình, tự hành hạ mình nhưng trong lòng luôn nghĩ: lạy trời đừng cho con chết. Rồi tôi nghĩ: tại sao mình phải chết, người đáng ra phải chết là anh ấy vì không chung thủy!
Tôi lên mạng tìm những bộ phim giết người để xem, học cách giết người trong phim và tôi quyết tâm thực hiện..
"Tôi biết mình không thể quay lại con đường cũ, bước đi theo kiểu khác nhưng tôi biết mình có thể làm lại cuộc đời tại chính nơi mình vấp ngã. Có bạn tù đã hỏi tôi nếu được chọn lại sẽ làm gì, tôi trả lời ngay tôi sẽ giải thoát cho anh ấy chứ không cướp đi mạng sống của người mình yêu. Tôi sẽ yêu thương lý trí hơn chứ không để cho những cơn ghen tức phủ trùm lên tất cả. Trên hết, tôi sẽ phải học cách ứng xử tốt hơn trong những tình huống của cuộc sống. Có thể ra tù tôi sẽ đi học một khóa về giao tiếp, học nhiều thứ khác để bắt đầu lại từ đầu" (Phạm nhân T.T.H)
Tôi hẹn đến nhà anh chơi như bao lần khác. Anh tuy không hào hứng nhưng chắc vì thấy mình có lỗi phần nào nên cũng đồng ý. Đó là một buổi trưa chỉ có tôi và anh vì cả gia đình người đi học, người đi làm.
Hôm đó anh bị bệnh nên tôi nhanh miệng đề nghị sẽ nấu cháo hành cho anh ăn. Anh vui vẻ gật đầu và tôi nghiền thuốc ngủ bỏ vào cháo. Khi anh thấm thuốc và ngủ là lúc tôi lấy con dao ra, dù người lẩy bẩy. Tôi thấy sợ, thấy tội lỗi, bỏ lại con dao vào túi xách rồi nằm ôm anh.
Nhưng ngay lúc đó, hình ảnh anh ôm những cô gái khác hiện lên trước mặt khiến tôi không làm chủ được mình và vung dao lên. Trong cơn đau, anh tỉnh giấc và khóc van xin tôi tha mạng. Nhưng những nhát dao vẫn vung lên, con thú trong tôi vùng dậy mất rồi...
Nỗi đau còn đó
Ngày tiếp xúc với cán bộ điều tra, tôi vẫn khăng khăng chuyện mình làm đúng, tuy có đáng trách nhưng cách hành xử của bạn trai tôi đáng phải lãnh hậu quả đó. Tôi giữ quan điểm theo niềm tin tuyệt đối của mình vào chuyện tình yêu phải chung thủy. Cùng lắm là ở tù thôi, tôi luôn nghĩ vậy nên buông xuôi trước mọi thứ, chẳng màng nghe những lời buộc tội hay tranh luận của luật sư bảo vệ mình.
Tôi chỉ thật sự suy sụp khi bước vào cánh cổng trại giam, ngoái nhìn ra tự do xa vời phía kia, tôi mới nhận ra đường về của mình xa vời vợi. Và rồi, những ngày đằng đẵng trong trại tù, cái cảm giác mất tự do không đáng là gì so với cảm giác tòa án lương tâm bắt mình tự vấn mỗi giờ mỗi khắc.
Hình ảnh người tôi yêu hiện về trong từng giấc ngủ vốn đã chập chờn đêm được đêm mất, hình ảnh người mẹ cô quạnh một mình ở nhà đang khóc thương cho đứa con tội lỗi đã cấu xé tâm hồn tôi. Tôi mất ngủ triền miên, mà tôi cũng chẳng muốn ngủ vì sợ. Tôi sợ đối diện với thực tế đã xảy ra, với những hành động và giờ đây nghĩ lại bản thân tôi cũng ghê tởm chính mình.
Tôi lại muốn tự tử, muốn chết đi để giải thoát chính mình sau những gì đã xảy ra. Thời gian đầu tôi chẳng buồn ăn, chỉ khóc, thơ thẩn, nghĩ ngợi lung tung như người điên. Những người bạn trong phòng giam ra sức khuyên ngăn, họ kể cho tôi nghe chuyện của họ, cách họ đã vượt qua mọi chuyện như thế nào và cách họ bắt đầu làm lại cuộc đời từ chính trại giam. Tôi dần thay đổi, tinh thần khá hơn và đi lao động như mọi người để hi vọng làm lại từ đầu.
Tôi lao động, làm việc với niềm hăng say và hi vọng cho ngày trở về. Và tôi chợt nhận ra lúc ở nhà mình chưa làm bất cứ điều gì để phụ giúp mẹ. Tôi chỉ biết ăn, học, chơi mà chưa hề nấu cho mẹ bữa cơm, tự giác quét nhà hay rửa chén. Tôi thấy mình quá tội lỗi... Tôi biết mình không thể quay lại con đường cũ, bước đi theo kiểu khác nhưng tôi biết mình có thể làm lại cuộc đời tại chính nơi mình vấp ngã.
PHI LONG ghi

Vàng chẳng phải là chanh

Vàng chẳng phải là chanh
Copy từ http://sgtt.vn/Goc-nhin/177096/Vang-chang-phai-la-chanh.html; đăng ngày 27/04/13, mục Góc nhìn.
SGTT.VN - Hơn 12 tấn vàng được ngân hàng Nhà nước đưa ra thị trường qua 11 phiên đấu thầu. So với giá vàng ở bên ngoài, giá vàng trong nước vẫn chênh lệch quá cao. Nếu so với mức 400.000 đồng một lượng, mục tiêu cũ mà thống đốc Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố, chênh lệch giá vàng giữa trong và ngoài nước cao gấp năm lần, có lúc tới 15 lần.
Từ diễn biến thị trường vàng, có hai câu hỏi lớn được đặt ra. Thứ nhất, vì sao vẫn có chênh lệch như vậy? Thứ hai, vì sao chênh lệch lớn mà doanh nghiệp vẫn phải mua?
Nếu trước đây mục tiêu của chính sách vàng là chống đầu cơ, bình ổn giá, thì ở quyết định 16 do Thủ tướng ký ban hành ngày 4.3.2013, quy định rõ là “ngân hàng Nhà nước mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được mua vàng miếng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước”. Từ sau khi có quy định này, ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức các phiên đấu thầu.
Do quy định kỹ thuật về thời hạn nộp tiền và lượng tối thiểu đặt mua, ước tính cần có trên 40 tỉ đồng, mới có thể tham gia dự thầu. Quy định như vậy loại bỏ không ít doanh nghiệp tham gia dự thầu. Lẽ thường trong giao dịch ít có cạnh tranh, giá sẽ khó lòng bị đẩy cao. Nhưng thực tế các phiên đấu thầu, giá chào bán còn cao hơn giá thị trường. Vậy vì sao vẫn có người mua?
Tất cả các câu hỏi này đều có chung một đích đến: chỉ có ngân hàng Nhà nước mới đủ năng lực trả lời. Dường như, cơ quan quản lý chính sách tiền tệ này cũng hiểu rõ thị trường, khi trên Tuổi Trẻ ngày 25.4.13, một quan chức ngân hàng Nhà nước mạnh dạn dự đoán rằng “thị trường vàng trong nước sẽ bình ổn sau ngày 30.6.13”.
Ở vị thế người bán, ngân hàng Nhà nước hoàn toàn biết rõ các ngân hàng nào đang cần phải mua một lượng vàng để đến hạn 30.6.2013, hạn chót sau nhiều lần gia hạn. Bởi thông tin trạng thái này được bảo mật ở ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, người bán cũng hiểu rõ, để mua một lượng lớn như vậy trong điều kiện nguồn cung nhập khẩu cấp duyệt theo hạn ngạch, sẽ dễ dẫn tới một đợt sốt giá. Cuối cùng, người bán thừa hiểu, chỉ có một nguồn cung để đáp ứng nhu cầu như vậy.
Về người mua, do không có nhiều lựa chọn và thời hạn cuối cũng sắp hết, dù giá cao cũng phải mua. Điều đáng nói, thua lỗ từ kinh doanh vàng của ngân hàng, ngoài lỗi của người kinh doanh khi tính toán sai, có phần đến từ thay đổi chính sách.
Một trong những nguyên nhân khiến giao dịch bất thành trên thị trường là thông tin không tương xứng. Chỉ có người trồng chanh mới biết mình trồng giống gì, ở đâu, phân tro và chăm sóc thế nào, còn người mua, ngoài nhìn vỏ, cũng không biết rõ. Có lẽ vì vậy mà các nhà nghiên cứu dùng cái tên “thị trường chanh” để chỉ tình trạng thông tin không tương xứng, để từ đó có giải pháp phù hợp. Với thị trường vàng ở Việt Nam, ngân hàng Nhà nước phát triển thêm luận đề trong thị trường chanh, có lợi thế độc quyền từ thông tin đến nguồn cung, chắc chắn thắng. Và trong số người thua kể trên, có thêm kẻ thiệt – những người vì nhu cầu nhất định, phải mua vàng miếng giá cao.
Tuy nhiên, các biện pháp của ngân hàng Nhà nước, theo bài trình bày của tiến sĩ Võ Trí Thành tại hội thảo Mùa xuân của uỷ ban Kinh tế (Quốc hội) diễn ra tại Nha Trang tháng 4 năm nay, là “góp phần làm ổn định giá vàng, chứ không phải là ổn định thị trường vàng, do hơi thiên về tạo sự bất định đối với việc nắm giữ vàng”.
Vậy sau ngày 30.6.13, thị trường vàng trong nước có bình ổn đúng như dự báo của một quan chức ngân hàng hay không vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Tiểu Lý

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Người mẹ tự vẫn vì chồng con: "Chính quyền địa phương đã có lỗi"

.
Người mẹ tự vẫn vì chồng con: "Chính quyền địa phương đã có lỗi"
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/545422/nguoi-me-tu-van-vi-chong-con--chinh-quyen-dia-phuong-da-co-loi.html; đăng ngày 27/04/13, mục Chính trị - Xã hội.
TTO - "Trong hoàn cảnh quá khổ sở, không lối thoát, em đành phải xa anh và các con…”, đó là dòng thư tuyệt mệnh của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau) đã quyên sinh.
Bằng - con trai lớn của chị Nhân - thắp nhang bên bàn thờ người mẹ vừa qua đời - Ảnh: Tấn Thái
Bức thư tuyệt mệnh của chị Nhân để lại sau khi chết - Ảnh: Đông Triều
Hai cảnh đời khốn khó
Ngày 27-4-13, bàn thờ người phụ nữ đã khuất trong gia đình nghi ngút khói hương. Đinh Công Bằng, con trai lớn của chị Nhân, chắp tay khấn nguyện mong linh hồn mẹ mình sớm siêu thoát và hứa sẽ tiếp tục con đường học vấn như trăng trối trong thư mẹ để lại.
Anh Đinh Hoài Bảo, chồng chị Nhân, mắt nhìn xa xăm về ngôi mộ còn thơm mùi đất, cho hay gia đình ở ấp Tân Thuộc (An Xuyên), có 4 anh chị em, bên vợ 7 người, hai người anh vợ buồn tình, rượu chè bê tha nên bị bệnh chết trẻ. Vợ anh tự dưng trở thành con lớn trong nhà. Trong một lần đi gặt thuê, anh tình cờ gặp bà Nhân, tìm hiểu biết gia cảnh nghèo giống nhau, phải bươn chải mưu sinh từ rất sớm. Hai mảnh đời cơ cực ấy không lâu trở nên chồng vợ như bèo nước gặp nhau.
Cưới nhau không lâu, vợ chồng anh Bảo ra riêng, được gia đình hai bên hùn tiền mua cho 5 công đất nông nghiệp. Cuộc sống chỉ tạm đủ ăn bước đầu. Tới khi 3 đứa con của anh lần lượt là Bằng, Tâm, Ngân ra đời, cuộc sống eo hẹp, anh Bảo vừa phải đi đào đất, gặt lúa mướn, vừa phải chăm lo ruộng nhà mới mong đủ lo đủ 5 miệng ăn.
Biến cố bất ngờ ập đến, trong một lần cùng chồng đi gặt lúa thuê, chị Nhân tự dưng bị động kinh, giật méo miệng, không làm nặng được nữa nhưng thường xuyên tốn tiền thang thuốc. Sau nhiều năm chạy chữa bệnh cho vợ, miếng đất nhỏ canh tác ở nhà từ cầm cố rồi bán đứt.
Thương chồng vất vả, chị Nhân không đành lòng ngồi nhà, bươn chải theo chồng làm phụ hồ, khi thì ra chợ bán rau, bánh mì để kiếm những đồng tiền chân chính phụ chồng nuôi các con ăn học. “Cha mẹ, vợ chồng mình vất vả vì ít chữ, cỡ nào cũng gắng nghen anh, đừng để tụi nhỏ giống mình” - anh Bảo thuật lại lời tâm tình của vợ, giọng đứt quãng.
Hành trình tìm chữ cho con
Nhờ chăm chỉ làm thuê nên nên cuộc sống gia đình anh Bảo cũng tạm đấp đổi qua ngày. Năm 2006, gia đình được công nhận thoát nghèo. Sau đó, chị Nhân tốn tiền thuốc thang nhiều hơn vì không còn được cấp bảo hiểm y tế, các con của chị cũng không được miễn giảm học phí như trước.
Đến năm 2011, sức khỏe chị Nhân suy yếu, không còn mua gánh bán bưng được. Cảm thương hoàn cảnh khốn khó, một gia đình ở TP Cà Mau cho chị vào giúp việc nhà, trả công mỗi tháng 2 triệu đồng. Cùng thời gian ấy, con trai lớn của chị đậu và đi học ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chi phí tăng thêm bội phần.
Để có tiền giúp con yên tâm lo học, chị Nhân dò hỏi và biết có chính sách vay tiền cho học sinh, sinh viên. Theo hướng dẫn của những người vay trước, chị Nhân làm đơn kể hoàn cảnh khó khăn để được vay tiền, có xác nhận của ấp, của xã khi đơn vay bị Ngân hàng Chính sách - xã hội từ chối vì chị không có sổ hộ nghèo
Chị tiếp tục tìm về ấp, xin công nhận hộ nghèo nhưng xin hoài mà vẫn không được. Bởi tổng thu nhập của hai vợ chồng chị bình quân mỗi tháng 5 triệu đồng, chia cho năm nhân khẩu thì bình quân mỗi nhân khẩu được 1 triệu đồng/tháng, vượt ngưỡng so với quy định hiện hành về xét hộ nghèo và cận nghèo.
Tìm kiếm sự trợ giúp nhưng lực bất tòng tâm, tinh thần chị Nhân ngày thêm sa sút, kéo theo bệnh tình nặng thêm. Đến tháng 3-2013, sau lần đi khám và điều trị bệnh, chị mất luôn công việc phụ giúp việc nhà, mọi lo toan dồn lên vai anh Bảo.
Anh Bảo sụt sùi kể: "Hơn 20 ngày trước, bả nằm đêm nói sẽ chết vì sống mà không giúp gì được cho chồng, cho con, lại tốn thêm tiền thuốc mỗi ngày 140.000 đồng. Khoản ấy bằng với tiền công tôi làm thuê thay vì mua thuốc để dành tiền cho các con. Tôi trấn an, bả hứa nhưng rồi bả lại thất hứa…!".
Bức thư nhói lòng
Xế chiều 24-4-13, con út của chị Nhân là Đinh Hoài Tâm đi học về, mở cửa thì phát hiện mẹ mình đã treo cổ chết. Anh Bảo đang phụ hồ gần nhà, được báo tin như sét đánh, tưởng chừng ngã quỵ.
Người thân, chòm xóm, chính quyền… nhanh chóng có mặt, chung tay lo hậu sự cho chị Nhân. Lục soát gần nơi người vợ vắn số, anh Bảo phát hiện có thư tuyệt mệnh do vợ mình để lại.
Đầu bức thư, chị Nhân viết: “Anh! Trong hoàn cảnh quá khổ sở, không lối thoát, em đành phải xa anh và các con…”.
Tiếp theo nội dung thư, chị Nhân cho hay việc chị tự tìm đến cái chết để cho chồng bớt gánh nặng tiền thuốc men, dành phần tiền ấy lo cho các con ăn học; vì bản thân bệnh nặng, sức khỏe tinh thần đều suy sụp; vì muốn phù hộ cho chồng con khỏe mạnh, trúng số độc đắc…
Trong đoạn gần cuối của bức thư, chị Nhân có đề cập đến nguyện vọng được cấp sổ hộ nghèo. Thư viết: “Xin các cấp chính quyền ấp 5 thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại trên đời”.
Lời sau cùng của thư, chị Nhân nhắn nhủ với chồng con, mong chồng con tha thứ. Chị viết: “Chết là hết, chỉ thương anh ở lại trên đời với biết bao gánh nặng… Các con Bằng, Tâm, Ngân đừng trách mẹ. Hãy gắng học nên người, đừng để cha con buồn. Cha con đã khổ với mẹ con ta nhiều lắm!”.
Bức thư sau khi được đọc lại từ tay anh Bảo, những người có mặt hôm đám tang chị Nhân ai cũng sụt sùi, ngấn lệ. Anh Trần Đại Đoàn, bí thư Đảng ủy xã An Xuyên, tâm sự: "Vợ tôi bà con cô bạn dì với nhỏ Nhân, vai lớn. Trước khi chết mấy ngày, nó có tìm đến tận nhà. Nghe vợ thuật lại, nội dung nói tôi mới chuyển công tác về làm lớn ở xã An Xuyên, nghĩ tình bà con mà xét hộ nghèo cho nó. Mới nghe bà xã kể lại, chưa kịp đưa ra xem xét gì thì 3 ngày sau xảy ra cớ sự".
Không để con chị Nhân bỏ học
Ngay sau cái chết của chị Nhân, UBND thành phố Cà Mau cử đoàn tới tận nơi thăm hỏi, động viên. Ông Chung Tấn Hải - phó chủ tịch UBND thành phố Cà Mau - đề nghị UBND xã An Xuyên nhanh chóng xem xét một số chính sách xã hội nhằm hỗ trợ gia đình chị Nhân, không được để con cái của chị phải dở dang việc học vì hoàn cảnh khó khăn.
Ông Trần Đại Đoàn cho biết: "Trong ngày 26 và 27-4-13, Hội khuyến học TP. Cà Mau và Chi hội khuyến học xã An Xuyên đã vận động, quyên góp bước đầu được tổng cộng 5,5 triệu đồng và trao tận tay anh Bảo, trợ giúp các con anh học hành. Phía xã cũng vừa chỉ đạo chính quyền ấp 5 rà soát cặn kẽ hoàn cảnh của gia đình chị Nhân xem có đủ điều kiện xét hộ nghèo hoặc cận nghèo hay không để xúc tiến lập danh sách, đưa ra trước dân bình xét theo đúng quy định"
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Tiến Hải, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau, đang đi học tại Hà Nội hay tin xảy ra cái chết thương tâm tại địa phương, chia sẻ qua điện thoại: “Tôi rất đau xót trước cái chết của chị Nhân. Giận chính quyền sở tại để xảy ra chuyện đau lòng này. Tôi đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra trách nhiệm chính quyền địa phương ấp 5 và xã An Xuyên và cả phía lãnh đạo Ngân hàng Chính sách của TP Cà Mau. Tôi cam đoan sẽ xử lý nghiêm túc sau khi có kết luận sai phạm hay thiếu tinh thần trách nhiệm. Tôi cũng đề nghị quý báo tiếp tục thông tin sâu, đầy đủ, nhiều chiều câu chuyện này”.
Chủ tịch UBND TP Cà Mau Hồ Trung Việt nói: “Tôi đã chỉ đạo Hội khuyến học TP Cà Mau đến hỗ trợ ngay 3 triệu đồng cho anh Bảo và tìm hiểu cặn kẽ gia cảnh của anh. Tôi xem đây là một bài học cho chính quyền địa phương ở góc độ quan tâm sâu sát đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân. Trước mắt, chính quyền địa phương đã có lỗi khi không quan tâm sâu sát đến đời sống, những khó khăn, tâm tư nguyện vọng của chị Nhân”.
ĐÔNG TRIỀU - TẤN THÁI

Ở đâu dạy cách yêu, cách chia tay?

Vũng xoáy cuồng yêu
Ở đâu dạy cách yêu, cách chia tay?
Copy từ http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/545268/o-dau-day-cach-yeu-cach-chia-tay.html; đăng ngày 27/04/13, mục Nhịp sống trẻ .
TT - Mặc dù không đồng tình với hành vi “cuồng yêu” như khủng bố, trấn áp thể xác lẫn tinh thần, đe dọa... nhưng các bạn trẻ dự buổi trao đổi xung quanh đề tài này tại Tuổi Trẻ chiều 25-4 cũng có chia sẻ với “cuồng nhân” ấy.
Chia tay cũng cần có kỹ năng, “cắt cái rụp” khiến người bạn mình hụt hẫng, dễ tổn thương và dễ “sinh bệnh”, có khi rơi vào trạng thái mất cân bằng gây ra hành vi xấu - Ảnh: Quân Nam
Và các bạn trẻ cùng thảo luận những lối thoát ra khỏi “vũng xoáy” này. Dĩ nhiên sẽ không có một lối thoát cụ thể, duy nhất; mỗi bạn trẻ khi lọt vào “vũng xoáy” sẽ có cách ngược ra riêng của mình.
Không ai dạy cách yêu, cách chia tay
Xem xong đoạn clip học sinh lớp 6 đánh ghen do buổi tọa đàm cung cấp, bạn Trần Giang Nam (19 tuổi, Q.1) ngập ngừng phát biểu: “Tôi thấy các em... đáng thương. Chung quy các em không được giáo dục, định hướng kỹ càng từ sớm mới có hành vi ghê gớm như vậy”.
Nhiều ý kiến đồng tình. Nguyễn Đăng Khoa (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) nêu một điểm đáng chú ý: chẳng trường học nào dạy... cách yêu, càng không dạy cách chia tay! Nhiều người lớn vẫn đinh ninh yêu đương là vấn đề thuộc về bản năng, tự khắc biết, chẳng cần dạy dỗ nên mới dẫn đến những hệ lụy đau lòng.
“Phải chi ba mẹ, nhà trường, xã hội quan tâm hơn đến việc giáo dục kỹ năng vượt qua cú sốc tâm lý cho các em, dạy các em biết định hướng cuộc đời mình vào nhiều mục tiêu thay vì dồn hết tâm trí, tình cảm vào một người thì có lẽ đã không xuất hiện nhiều người trẻ phát cuồng khi gặp trúc trắc trong tình yêu như hiện nay”, Khoa nói.
Ngoài ra, sự nảy nở tràn lan của game bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy trên Internet cũng là nguyên nhân dẫn đến khuynh hướng suy nghĩ và hành động tiêu cực ở một bộ phận giới trẻ, theo bạn Văn Thị Nhật Tân (26 tuổi, Q.10). Bạn kể ở nhà, đứa cháu 4 tuổi đã xem những bộ phim hoạt hình có nội dung các cặp đôi... sống chết có nhau thì khó tránh khỏi nhiễm lối suy nghĩ, hành vi “sống chết vì tình yêu” mới là chân chính (!).
Tựu trung, các bạn trẻ tham dự diễn đàn đều thống nhất rằng giới trẻ đang bị thảy ra giữa vũng xoáy của những giá trị sống bị đảo lộn mà không có hoa tiêu chỉ đường, chiếc neo quản lý nên dễ mất phương hướng, lạc lối trong việc giải quyết các vấn đề cuộc sống.
Nới từ từ, đừng cắt cái rụp!
Từ thực trạng kẻ cuồng yêu có thể xuất hiện ở bất cứ ai, đến từ bất kỳ độ tuổi hoặc thành phần xã hội, các bạn đã đề xuất những con đường để tìm ra lối thoát, không trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm trong những vụ án cuồng yêu ghê rợn. Trong đó, phương pháp can thiệp sớm của “người thứ ba” được diễn đàn đặc biệt lưu tâm.
Bạn Lê Thanh Bình (33 tuổi, sĩ quan) khuyến khích các bạn khi gặp phải những trở ngại trong yêu đương nên tìm người giãi bày chứ không “khư khư giữ nỗi niềm” rồi tự ý hành động. “Người thứ ba” còn bao gồm các tổ chức đoàn thể, hội nhóm nếu tình hình có vẻ nghiêm trọng lên. Những lớp học, tour vui chơi kết hợp rèn luyện các kỹ năng cần có trong tình yêu cho các cặp đôi, lồng ghép nhiều nội dung giáo dục giới tính, cách thể hiện tình yêu văn minh... cũng có thể giúp tình yêu không rơi vào chỗ “cuồng yêu”.
Diễn đàn bóc tách: một nguyên nhân khác dung dưỡng đất sống cho chứng cuồng yêu “lộng hành” còn là sự vô cảm của xã hội, thái độ bàng quan của người thực thi luật pháp. Đăng Khoa bức xúc: hiện nay chỉ những vụ tung clip sex nào tạo được dư luận xã hội, báo chí phản ánh rùm beng mới thấy cơ quan chức năng vào cuộc. Trong khi nếu bất kỳ hành vi tung clip sex nào cũng bị công an “sờ gáy”, phạt nặng, thậm chí bỏ tù thì chẳng ai dám vịn vào những thước phim nhạy cảm để uy hiếp người yêu nữa.
Tuy nhiên, các bạn đồng tình rằng giải pháp tối ưu vẫn là “phòng cháy hơn chữa cháy”. “Khi yêu ai cũng muốn đến được với nhau, nhưng đôi khi cũng nên đặt vấn đề với bạn mình: nếu ta chia tay, anh/em sẽ thế nào?”, Khoa hỏi. Khoa cho rằng đọc báo thấy hầu hết nạn nhân của các vụ án cuồng yêu đều có quyết định chia tay đột ngột, hành động này dễ gây sốc cho người còn lại, đặc biệt với những người thiếu hụt kỹ năng chấp nhận và giải quyết tình huống. Theo Khoa, mối dây tình cảm nên được nới lỏng từ từ thay vì “cắt cái rụp”, gây “chấn thương” cho người trong cuộc.
Yêu cũng phải tỉnh táo
Với các bạn nữ tham dự tọa đàm, phương án dự phòng là không quan hệ trước hôn nhân hoặc không đồng ý cho bạn trai quay lại cảnh thân mật, tránh “sống thử”, tiết lộ quá nhiều bí mật để đề phòng bị “nắm thóp” khi cơm không lành canh không ngọt.
“Khi yêu, các bạn nữ cần mắt nhắm mắt mở, tránh... nhắm cả hai mắt, mặc cảm xúc dẫn dắt để rồi “lọt hố” lúc nào không hay”, bạn Trần Thị Khánh Vân (23 tuổi, Q.Thủ Đức) nói.
H.THI - C.NHẬT

Kẹt cứng ở Suối Tiên

Copy từ http://nld.com.vn/2013042702105781p0c1002/ket-cung-o-suoi-tien.htm; đăng ngày 27/04/13, mục Thời sự trong nước.
(NLĐO)-Do được nghĩ lễ nhiều ngày, người dân đi chơi xa quá nhiều nên khu vực từ ngã tư Thủ Đức - TPHCM đến ngã ba Tân Vạn - Bình Dương bị kẹt xe kéo dài
Đợt lễ năm nay kéo dài đến 5 ngày nên từ sáng sớm hôm nay, 27-4-13, đông đảo người dân ở TPHCM đã khăn gói đi xa hoặc về quê. Từ 8 giờ, lượng xe hai bánh của người dân lưu thông đông, cộng với xe khách, xe dù hoạt động náo nhiệt khiến cho quốc lộ 1, đoạn từ ngã tư Thủ Đức -TPHCM đến ngã ba Tân Vạn - Bình Dương, nhất là khu vực trước cổng Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên bị ùn tắc nghiêm trọng.
Ảnh 1: Khu vực trước Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên bị kẹt cứng do người dân đi chơi lễ đông vào sáng 27-4-13/
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng ngàn xe tải, xe container, xe khách nối đuôi nhau kéo dài, nhích từng tí một. Vì muốn đi nhanh, nhiều xe khách, ô tô chen lấn sang cả làn đường dành cho xe hai bánh, khiến cho những người đi xe máy phải dàn ra cả lề đường, di chuyển rất khó khăn. Thêm vào đó là các tuyến xe buýt ra vào bắt khách tại các trạm dừng, khiến tình trạng càng trở nên hỗn loạn.
Ảnh 3: Hàng trăm xe tải nối đuôi nhau do kẹt cứng (ảnh trên), xe khách xe tải lấn tuyến xe máy và tình trạng giao thông bị hỗn loạn
Để thoát kẹt xe, nhiều người dân phải đi xe gắn máy tấp vào nghỉ tạm tại các quán nước ven đường. Tại một số “điểm nóng” mặc dù đã có nhiều cảnh sát giao thông của Đội CSGT Rạch Chiếc tích cực điều tiết nhưng cho đến gần 14 giờ, tình trạng kẹt xe vẫn còn kéo dài.
Tin-ảnh: T.Đồng-N.Mạn

Sở GD-ĐT họp khẩn vụ giám thị gạ nữ sinh "đổi tình lấy điểm"

Giám thị gạ nữ sinh "đổi tình lấy điểm"
Copy từ http://sgtt.vn/Thoi-su/177163/So-GD-DT-hop-khan-vu-giam-thi-ga-nu-sinh-“doi-tinh-lay-diem”.html ; đăng ngày 27/04/13, mục Thời sự.
SGTT.VN - Chiều 26.4.13, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo Trung tâm GDTX quận Tân Bình về vụ giám thị gạ nữ sinh “đổi tình lấy điểm" xảy ra tại trung tâm.
Ngay sau khi bài báo Giám thị gạ nữ sinh “đổi tình lấy điểm” đăng trên Thanh Niên Online thông tin về việc giám thị T.T.B của Trung tâm GDTX quận Tân Bình thường xuyên nhắn tin, gọi điện đề nghị một số nữ sinh khối 10, 11, 12 của trung tâm này đi nhà nghỉ để được "giúp đỡ" nâng điểm môn học, Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu trung tâm gửi báo cáo giải trình và họp tại Sở trong ngày.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết thông tin báo cáo giải trình từ trung tâm như thông tin trên Thanh Niên Online đã phản ánh. Trung tâm cũng đã nhanh chóng họp hội đồng kỷ luật và cho giám thị T.T.B ngưng hợp đồng trước thời hạn, cho nghỉ cuối tháng 4 này.
Đồng thời, Sở cũng đã chỉ đạo ban giám đốc trung tâm ổn định tâm lý học sinh, giáo viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Ông Đạt chia sẻ, đã làm trong ngành giáo dục, từ bảo vệ cho đến giáo viên đều phải có đạo đức tốt, nếu không giữ được đạo đức thì phải loại ra khỏi ngành để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.
Theo ông Đạt, trường hợp giám thị “gạ tình đổi điểm” đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể cán bộ, giáo viên tại trung tâm này vì từ trước đến nay, đây là một tập thể tốt.
Được biết, công an cũng đã vào cuộc điều tra về khả năng giám thị T.T.B có hành vi giao cấu với học sinh chưa đến tuổi vị thành niên.
Giám thị gạ nữ sinh “đổi tình lấy điểm”
Suốt thời gian dài, một giám thị của Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình (TP.HCM) thường xuyên nhắn tin, gọi điện đề nghị một số nữ sinh khối 10, 11, 12 của trung tâm này đi nhà nghỉ để được "giúp đỡ" nâng điểm môn học.
Từ thông tin phản ánh của một nhóm học sinh cấp 3 thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình (sau đây gọi tắt là trung tâm) nhóm PV Thanh Niên Online đã tìm hiểu xác minh và phát hiện vụ việc “động trời” tại trung tâm này.
Nhắn tin rủ nữ sinh “làm chuyện người lớn”
Một số tin nhắn do ông T.T.B gửi cho một nữ sinh ở trung tâm - Ảnh An Bang/TNO
Sau nhiều lời động viên, cuối cùng N., một nữ sinh của trung tâm, đã đồng ý thuật lại toàn bộ sự việc với chúng tôi. N. cho biết, ông T.T.B, giám thị tại trung tâm thường xuyên nhắn tin, gọi điện thoại gợi ý em “đổi tình lấy điểm”.
N. kể: “Khoảng một tháng trước, bất chợt em nhận được tin thông báo điểm số học kỳ 2 từ số máy lạ, bảo em có một số môn bị điểm thấp nhiều khả năng không thể lên lớp. Em hỏi lại thì mới biết đó là số điện thoại của thầy B., giám thị trong trường”.
Không chỉ có N. mà một nữ sinh khác (đề nghị giấu tên) ở trung tâm cho chúng tôi biết nhiều ngày liền em bị thầy giám thị tên T.T.B dùng các số điện thoại “+8490xxx9066” và “+8493xxx9066” nhắn tin đề nghị đi nhà nghỉ làm “chuyện người lớn” nếu muốn "đổi điểm".
Nữ sinh này nói: “Hiện tại, em đang tập trung thời gian chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ 2. Tuy nhiên trong những ngày qua, thường xuyên bị thầy B. gọi điện, nhắn tin “gạ gẫm” đi uống cà phê, và đi nhà nghỉ để làm “chuyện người lớn” với thầy.
“Dù em đã nhiều lần từ chối, nhưng thầy B. vẫn gọi điện thoại, nhắn tin đề nghị em đi với thầy làm “chuyện ấy” để đổi điểm, khiến tinh thần bất an”.
T., một nữ sinh khác từng bị ông T.T.B nhắn tin gạ gẫm vào nhà nghỉ cũng cho biết do một mực từ chối lời đề nghị, ông B. đã hăm dọa năm nay sẽ cho em ở lại lớp.
Qua lời kể của các học sinh ở trung tâm, trường hợp nam sinh muốn nâng điểm hoặc lên lớp thì có thể nhờ đến ông B. với giá từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/môn.Theo điều tra của chúng tôi, cũng với cách thức “gạ tình gạ tiền" lấy điểm, ông T.T.B đã “ra chiêu” với nhiều nam sinh, nữ sinh khác.
Từng bị xem xét cắt hợp đồng trước khi bị tố gạ tình
Ngày 24.4.13, sau khi được PV Thanh Niên Online cung cấp bằng chứng về việc ông T.T.B gạ nữ sinh “đổi tình, lấy điểm”, ông Phan Minh Khoa, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình (TP.HCM) xác nhận số điện thoại và giọng nói trong đoạn ghi âm mà chúng tôi cung cấp đúng là của ông T.T.B, giám thị thuộc trung tâm.
Ông Khoa cho biết thêm vào thời điểm tháng 12 năm ngoái, ông có nhận được tin nhắn tố cáo tình trạng tương tự nhưng do không biết người tố cáo và không có chứng cứ cụ thể nên không thể xử lý.
Ông T.T.B (khoanh tròn đỏ) - Ảnh: An Bang/TNO
Sau khi tiếp nhận phản ánh của các học sinh và thêm bằng chứng chúng tôi cung cấp ông Khoa cho rằng chuyện “gạ tình, gạ tiền” để đổi điểm của giám thị B. là có thật.
Bên cạnh đó ông Khoa cũng hứa: “Tôi sẽ bảo đảm học sinh ở trường không bị quấy rối, cũng như sẽ có kết quả học tập công minh”.
Theo ông Khoa, ở thời điểm hiện tại, kết quả học tập cả năm của học sinh khối 12 đã khóa điểm trong hệ thống; riêng khối 10, 11 sẽ khóa vào khoảng đầu tháng 5 tới.
Ông Khoa cho rằng ở trường chỉ có ông Nguyễn Văn Tiến, Phó giám đốc trung tâm, chịu trách nhiệm nhập điểm và quản lý hệ thống lưu điểm của học sinh.
Nên việc "giúp đỡ" nâng điểm cho học sinh của ông T.T.B nếu có thì phải diễn ra từ trước khi điểm được nhập vào hệ thống mạng nội bộ của trường.
"Có thể ông B. thông qua mối quan hệ thân tình với giáo viên bộ môn rồi xin nâng điểm cho học sinh. Vì thế, tôi sẽ thông báo đến giáo viên để ngăn chặn tình trạng giáo viên nể nang mối quan hệ mà cho điểm học sinh cao hơn", ông Khoa nói thêm.
Theo ông Khoa, ông B. làm việc tại trung tâm dạng hợp đồng, đến nay đã được hơn 5 năm. Hiện ông B. đã có vợ và 3 con nhỏ (con lớn nhất chưa được 6 tuổi, con nhỏ nhất vừa được 2 tháng).
“Trước đó, ông B. đã bị cắt thi đua, xem xét cắt hợp đồng vào tháng 5 này vì vi phạm có con thứ 3. Tôi băn khoăn mãi vì hoàn cảnh thực sự khó khăn, ở nhà thuê, vợ không có việc làm nên tôi nhận cho vào làm phục vụ ở trường, con cái lại nheo nhóc…”, ông Khoa nói thêm.
Thế nhưng, với hành vi đề nghị trao đổi tiền bạc và gạ tình học sinh thì ông Khoa cho biết phải xử lý nghiêm vì vi phạm đạo đức trong môi trường giáo dục.
Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, ngay trong ngày 25.4, ông Phan Minh Khoa cho biết Hội đồng sư phạm Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình đã có cuộc họp khẩn về trường hợp ông T.T.B và đi đến quyết định ngưng hợp đồng làm việc với ông B. vào cuối tháng 4.2013, dù hợp đồng kéo dài đến tháng 5.2013.
PV Thanh Niên Online đã có buổi tiếp xúc với ông T.T.B, “nhân vật” chính trong vụ việc. Ông này thừa nhận có chuyện “gạ tình đổi điểm” nhưng phủ nhận chuyện chủ động đề nghị học sinh.
Ông có thừa nhận đã từng nhắn tin, gọi điện gạ tình học sinh?
Tôi thừa nhận là có nhắn, gọi điện nhưng là khi người nhắn tin với mình đề nghị. Nếu người ta không đề nghị thì mình không thể nào làm.
Theo phản ánh, ông chính là người chủ động nhắn tin, gọi điện, đặt vấn đề với học sinh trước?
Tại vì khi học sinh biết điểm yếu thì gặp rồi nói chuyện. Nếu các em gợi ý thì mới làm được.
Nếu học sinh chủ động nhắn tin thì đã không tố cáo với ông Phan Minh Khoa thời điểm tháng 12.2012, cũng như “cầu cứu” Báo Thanh Niên Online? Ông vẫn không thừa nhận mình đã chủ động?
Không. Vì phải sau học kỳ 1 tôi mới nhận giúp. Thời điểm tháng 12 tôi không thể giúp nên không thể có chuyện nhắn tin cho học sinh.
Nói chung lúc tôi nhắn tin ban đầu như thế nào thì tôi không nhớ. Nếu tôi nhắn tin cho ai thì phải biết nó có nguyện vọng không. Tôi thấy có nguyện vọng thì mới (ngập ngừng - PV).
Có trường hợp phản ánh ông đề nghị học sinh vào nhà nghỉ?
Đó là trường hợp một học sinh nữ chủ động đề nghị và hẹn tôi. Tôi có chở bé đó vào nhà nghỉ nhưng bé đó lại muốn về nên tôi chở về.
Do bé đề nghị thì tôi (ngập ngừng). Tôi chỉ vào nhà nghỉ rồi chở học sinh đó về theo đề nghị. Đúng là tôi làm điều đó là có vi phạm.
Thường thì tôi hay đặt vấn đề về tiền. Nếu em muốn giúp thì em phải chi tiền ra. Nhưng trường hợp học sinh này lại nói là không có tiền và đề nghị về tình.
Ông có thể nói rõ hơn về việc ra giá tiền với học sinh?
Tiền đề nghị khoảng vài triệu thôi vì tuổi học sinh thì không có nhiều. Tiền này là để giúp cho các bé lên lớp. Tuy nhiên phải biết nó không nằm trong dạng điểm chết thì mới xin được.
Có trường hợp phản ánh khi không chấp nhận yêu cầu quan hệ nam nữ do ông đề nghị, ông đe dọa sẽ bị điểm thấp cuối năm. Ông trả lời sao về vấn đề này?
Đúng là tôi có dọa như vậy vì biết trước điểm của em này thấp quá, không nâng nổi.
Như vậy là ông có thể can thiệp nâng hoặc hạ điểm của học trò?
Nói chung là vụ tin nhắn thì có nhắn với các em. Còn những cái như xin điểm thì tôi không có quyền sửa điểm. Có những cái em đó biết được điểm số, tôi coi em nào điểm không quá tệ thì nhận giúp. Thực chất là nhìn trên cơ sở điểm thấy em đó có thể lên lớp chứ tôi không cần giúp em đó cũng lên lớp được.
Có chuyện ông xin nâng điểm thông qua mối quan hệ với giáo viên bộ môn hay không?
Nhiều thầy cô ở đây rất khó. Gặp cái môn đó giáo viên khó quá làm sao xin được. Tùy thầy cô mà họ nói để họ xem chứ không thể nào nói để họ cho. Nói chung là tùy theo học sinh có thể xin hay không. Nếu điểm thấp quá thì không xin nổi.
TNO

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Có một giờ G khác vào năm 1974

Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung
Có một giờ G khác vào năm 1974
Copy từ http://sgtt.vn/Loi-song/177101/Co-mot-gio-G-khac-vao-nam-1974.html; đăng ngày 26/04/13 , mục Lối sống.
SGTT.VN - 35 năm hoạt động, trên vai áo ông từng đeo quân hàm không quân hai bên là đối thủ của nhau. 22.000 giờ bay với nhiều loại phi cơ chiến đấu và dân dụng hiện đại nhất từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu. Những nếm trải cuộc đời, dường như Nguyễn Thành Trung chẳng thiếu thứ nào. Người ta thường nói vinh quang đi cùng cay đắng. Còn ông, sống chết, tù tội chẳng màng, nhưng những giây phút cô đơn trong cuộc sống hoà bình, ngay trong lòng đồng đội thì thật dài và khó quên. Tháng tư đến rồi lại đi cùng ký ức…
Chặng đường lịch sử dài 38 năm có quá nhiều biến cố, sự kiện ném bom dinh Độc Lập ngày 8.4.1975 đối với ông có ý nghĩa gì? Bây giờ nghĩ về giây phút ấy ông cảm thấy thế nào?
Đối với cá nhân tôi, ngày 8.4.1975 là một bước ngoặt lịch sử quan trọng nhất trong cuộc đời. Lái chiếc máy bay F-5E ném hai trái bom xuống dinh Độc Lập, sau đó quay lại dùng súng phóng lựu vào kho xăng Nhà Bè, là hành động mà tôi ấp ủ trong một quá trình dài, ngay từ thời trai trẻ.
Đối với tôi, chấm dứt chiến tranh để người Việt Nam không còn đổ máu là một việc lớn phải làm. Đó không phải là cảm hứng nhất thời, hay bất chợt, liều lĩnh. Sự nỗ lực cá nhân suốt bao nhiêu năm ở khoa toán – lý đại học Khoa học Sài Gòn, trong vỏ bọc sĩ quan không lực Việt Nam Cộng hoà, hay tại các trung tâm học lái máy bay chiến đấu ở Hoa Kỳ từ năm 1969 – 1972 tôi vẫn chuyên chú cho hành động ấy. Tôi âm thầm luyện tập hạ cánh ở cự ly gần 1.000 mét (trong khi máy bay F-5E phải đáp trên đường băng dài tối thiểu 3.000 mét) đến độ hư hai máy bay và phải chịu kỷ luật hạ lương, giáng chức, suýt nữa là bị lộ tại sân bay Biên Hoà. Nhờ vậy mà ngày 8.4 năm ấy tôi đã hành động chính xác, đáp xuống an toàn tại sân bay dã chiến Phước Long vừa giải phóng. Có thể gọi đó là sự chính xác của lý trí và khoa học. Bước ngoặt 180 độ đó cho tôi được chính danh là tôi – Nguyễn Thành Trung như ngày hôm nay.
Nhưng báo chí cả hai phía lúc đó chạy những dòng tít lớn gọi ông là “phi công phản chiến”?
Đúng vậy, cấp trên nói với tôi là cần tuyên truyền như vậy để kêu gọi những người trong lực lượng không quân Sài Gòn tiếp tục phản chiến. Tôi nghĩ nói sao cũng được, vấn đề là tôi có làm được nhiệm vụ không? Có còn sống để trở về không? Từ năm 1969, tôi đã là đảng viên.
Còn các đồng nghiệp của ông nói gì về hành động của ông?
Ngay lúc đó thì tôi không biết họ nói gì, nhưng sau này nhiều người cho là tôi hành động hơi dại dột, bởi trước mắt tôi là một hợp đồng với phía Mỹ, sẵn sàng bảo lãnh vợ con tôi sang sống ở Mỹ với điều kiện tốt nhất. Nhưng đó không là lựa chọn của tôi.
Vậy lựa chọn của ông bắt nguồn như thế nào, truyền thống cách mạng của gia đình hay sự tự giác của cá nhân ông?
Ba tôi là một người yêu nước, chống thực dân và hy sinh tại quê nhà. Các anh tôi cũng đi theo con đường yêu nước của ba tôi. Cái chết của ba tôi, càng làm cho tôi ý thức rõ ràng hơn là phải góp phần làm cho chiến tranh sớm chấm dứt, quê hương và dân tộc mình phải được sống trong cảnh thanh bình. Tôi là người biết rõ mình là ai, mình cần phải làm gì. Những việc quan trọng cần làm tôi luôn dự liệu trước hàng chục năm.
Thời khắc đó ông có nghĩ đến sự an toàn của vợ và hai con còn quá nhỏ đang sống ở thành phố Biên Hoà? Có khi nào ông cảm thấy khổ tâm hay hối hận về hành động của mình mang lại nỗi vất vả cho vợ con?
Trước khi ném bom dinh Độc Lập ngày 8.4.1975, lãnh đạo đề nghị đưa vợ con tôi ra vùng giải phóng để tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Nhưng lúc đó, tôi bị nghi kỵ nhiều, nguy cơ bị lộ rất cao nên chuyện đó là không thể. An ninh quân đội theo sát gia đình tôi từng giờ, nếu vợ con tôi vắng nhà không rõ lý do thì tôi sẽ bị bắt ngay tức khắc. Cũng có thể trên đường ra vùng giải phóng, vợ con tôi cũng sẽ bị bắt, tình thế đó sẽ nghiêm trọng hơn. Rất lo lắng cho tính mạng vợ con, nhưng việc mà tôi đã tính trước 10 năm đến thời điểm này là không thể dừng. Mặt khác, thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn.
Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán. Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ con tôi. Vợ tôi phản đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ tốn: “Thưa bà, chúng tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8, trói bà chẳng hạn), chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với trách nhiệm bảo vệ sự an toàn tính mạng của bà và các con bà. Nếu bà có tài sản quý giá nào thì bà cứ mang theo”. Một tuần sau vợ và con tôi bị đưa từ Biên Hoà về số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Sài Gòn cho đến ngày 30.4.1975. Đương nhiên, họ vẫn điều tra vợ tôi về những gì liên quan đến tôi, nhưng không bị đối xử vô nhân đạo. Có thể đó là những người có học và biết cách ứng xử một cách văn hoá với người thân của kẻ thù. Trong thời gian vợ tôi bị giam ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung tướng không quân Trần Văn Minh đến thăm với tư cách người chỉ huy có một người lính phản chiến. Ông ấy hỏi vợ tôi có cần bạn bè, người thân đến chuyện trò gì không hay cần mua sắm gì thì ông sẽ giúp đỡ.
Vậy đó, ngày 2.5.1975, tôi lái máy bay từ Phan Rang về sân bay Biên Hoà. Vợ con tôi cũng vừa được giải thoát khỏi số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi gặp lại nhau trong ngôi nhà nhỏ của mình.
Sau ngày thống nhất đất nước, đối diện với bao khó khăn của cuộc sống thường ngày do nền kinh tế bao cấp áp đặt, những lúc ngột ngạt, mệt mỏi ông nghĩ gì?
Tôi là người được học hành tử tế trong những ngôi trường khá lý tưởng của Sài Gòn và tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau, tôi biết rõ những sai lầm trong chính sách kinh tế của miền Bắc nước ta. Bi kịch cải cách ruộng đất còn nguyên đó, công nghiệp chẳng có gì. Khu gang thép Thái Nguyên còn thô sơ lắm, Dệt Nam Định, Sứ Hải Dương chỉ sản xuất được những mặt hàng tiêu dùng cấp thấp, đặc biệt là hạn chế về trình độ của cán bộ quản lý. Sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai miền, nhất là do đặc thù của nền kinh tế tự cung tự cấp, cho tôi nhìn rõ sau khi Việt Nam thống nhất, kinh tế sẽ cực kỳ khó khăn ít nhất là mười năm. Tôi chuẩn bị tinh thần đối phó với những khó khăn chung, và cả những khó khăn về mặt cá nhân, nghi ngờ, hay có những phân biệt đối xử này nọ... Tôi chấp nhận đối diện thực tế đó và nghĩ điều quan trọng nhất mình có được là dân tộc Việt được sống trong hoà bình.
Thực tế mười năm khó khăn như ông nói cũng đã được tháo gỡ bởi bước chuyển đổi mới. Nhưng tới bây giờ, người ta lại tiếp tục đưa ra dự báo mình lại đang hụt hơi, tụt đà. Ông nghĩ thế nào?
Thực ra đổi mới một phần vì khi mình tiếp xúc với thế giới mới ngộ ra một điều là đang bị co trong vòng luẩn quẩn, không tìm ra lối thoát trong khi thế giới ào ào tiến lên. Từ ảnh hưởng đó đồng thời tác động mạnh của cuộc khủng hoảng Đông Âu tới mình và cả Trung Quốc, bắt buộc phải một phần nào đó chấp nhận cách làm ăn mới, có sự tư hữu. Tư hữu của thế giới mình không chấp nhận, nhưng con người có quyền tư hữu từ hàng ngàn năm về trước. Mình luẩn quẩn trong khi thế giới đang tiến lên bởi mình không chấp nhận dân làm giàu. Cho nên bắt buộc mình phải công nhận, phải chấp nhận tư hữu ở một mức độ nào đó để dân thở được. Khi đó dân bắt đầu làm ăn được. Cải cách vì vậy là do dân. Cuộc cách mạng này do dân và do lịch sử thế giới tác động. Nếu muốn không tụt đà thì phải nương vào sức dân, dân giàu thì nước mới mạnh.
Sau ngày 30.4, ông có thường gặp lại đồng nghiệp trong những phi đội cũ? Tình cảnh và và tâm thế lúc gặp lại như thế nào?
Bẵng mười năm sau giải phóng, tôi không gặp lại ai trong nhóm những đồng nghiệp cũ. Sau đổi mới, từ năm 1986 trở về sau này, các đồng nghiệp cũ của tôi lần lượt về mới có dịp gặp lại. Lớp tôi có 23 đứa, chết hết bốn, 18 đứa qua Mỹ, chỉ còn mình tôi ở lại. Những lần gặp cũng dễ nói chuyện vì họ đã hiểu rõ mọi chuyện.
Tôi cũng hoàn toàn hiểu và tôn trọng họ. Đa phần những đồng nghiệp của tôi đều ở Mỹ. Lúc mới về, tâm lý chung mấy người bạn đều ngại gặp tôi. Tôi thì chả ngại gì, tôi vẫn xem họ là những người bạn. Khi gặp cũng tâm sự nhiều, cũng so sánh chuyện cũ, chuyện bây giờ. Ai cũng công nhận việc tôi làm là góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh, chấm dứt cảnh chết chóc, đổ máu. Nhưng điều họ chia sẻ là họ không dám có những quyết định như vậy.
Những người bạn lựa chọn khác tôi lúc qua Mỹ còn trẻ nên ai hội nhập được, sống khá giả. Năm nào mấy ổng cũng ngồi lại với nhau, chuyện nói nhiều nhất là về tôi. Nhiều anh em bảo quyết định của tôi hơi dại dột, vì sau giải phóng sống kiểu gì cũng bị nghi ngờ, đói khổ… Tôi trả lời đó không phải là quyết định bậy bởi tôi ý thức được việc cần làm. Cái gì cũng vậy, làm thì phải trả giá nhưng tôi chấp nhận việc đó. Nhưng qua những thăng trầm của đất nước, nhiều kinh nghiệm cuộc đời đúc kết lại, tôi thấy việc tôi làm càng ngày càng đúng. Còn hỏi tôi có lăn tăn hay không, tôi trả lời thật là thánh mới không lăn tăn, nhưng những cái lớn nhất át những lăn tăn nhỏ đi, nên hàng đêm tôi ngủ yên vì biết tôi đang ngủ trên đất nước mình, chứ qua Mỹ sướng thật nhưng ngủ không yên bởi lúc nào cũng đau đáu một quê hương chỉ còn trong ký ức. Nhiều đứa bạn nói thẳng: “Đến bây giờ mới nghe được một người nói điều đó là mày”. Chúng tôi gặp nhau trao đổi thẳng thắn, không giấu giếm điều gì, nói đến tận cùng suy nghĩ của mỗi người.
Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Trần Việt Đức
Với ông, quê hương là thế nào?
Tôi có tới hai quê hương. Một Bến Tre nơi tôi sinh ra, nơi đó là dòng tộc máu mủ, nơi đó cha mẹ tôi đã nằm xuống cho chúng tôi trưởng thành. Vốn là xứ học, địa linh nhân kiệt, nhiều tên tuổi trí thức lớn Việt Nam xuất phát từ đây. Những Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Đình Chiểu… là những tấm gương của nhân – nghĩa – lễ – trí – tín mà tôi từng học được.
Còn một quê hương khác, Sài Gòn đối với tôi là máu thịt, là tình yêu, là gì đó không thể lay chuyển được dù cho năm tháng trôi qua, nhìn góc phố thay đổi, cũng nhiều lúc buồn vui hờn giận, tiếc nuối…
Ông từng thổ lộ về một người bạn rất thân, giữa ông với người đó hình như có một món nợ ân tình đến nay vẫn còn đau đáu?
Người bạn ấy đến giờ sau 38 năm vẫn chưa gặp lại mặc dù tôi nghe tin ảnh có quay về. Ảnh cùng ở phi đoàn phản lực không quân Sài Gòn với tôi nhưng không phải cùng lớp. Anh ấy là một người đặc biệt. Khi đó, lãnh đạo báo cho tôi biết có một cán bộ nội tuyến trong lực lượng pháo binh bị bắt khai có một phi công quê Bến Tre là nội tuyến của Việt cộng. Tôi nhẩm tính trong không quân có độ chục người gốc gác Bến Tre, riêng phi đoàn phản lực thì có tôi và người bạn mà tôi kể ở trên, người cùng xã, cùng học trường tiểu học nhưng trên tôi hai lớp. Khi thông tin bị lộ như thế thì tất cả những người gốc Bến Tre đều bị triệu tập điều tra. Anh bạn tôi bị ngưng bay, an ninh không quân gọi lên làm việc liên tục. Anh ấy không biết có chuyện gì, nhưng tôi thì biết rõ nguyên nhân. Tuy lý lịch anh ấy không có vấn đề gì nhưng anh có người chị học đại học sư phạm từng tham gia biểu tình chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Lúc đó, tôi cũng như ngồi trên lửa, nhiều chuyện không thể tâm sự, chia sẻ với ai được. Khoảng một tuần sau, tôi gặp ảnh và tôi nghĩ ảnh biết rõ về tôi, từ gia đình đến công việc của tôi. Ảnh nói: “Riêng mày thì tao “ba không”, ai hỏi tao về mày tao cũng không biết, không nghe, không thấy”. Khi nghe câu đó, tôi nhập tâm đến giờ, tới chết tôi sẽ mang theo lời nói và hình ảnh của anh ấy.
Tôi ngẫm nghĩ ở đời có nhiều người cực xấu nhưng cũng có nhiều người cực tốt. Cái tốt - xấu đó mong manh lắm, nhưng người ta không cần xác nhận. Là bạn thân nên anh ấy bảo vệ chứ không phải vì tôi là Việt cộng hay cán bộ mà anh ấy ứng xử như vậy. Trong thâm tâm tôi nhiều lần muốn gặp lại anh ấy, nhưng để làm gì, nói một lời cảm ơn liệu có ý nghĩa gì? Tôi động viên mình có lẽ trong tình cảnh ấy đến giờ chỉ cần hai tâm hồn bạn bè hiểu nhau là đủ. Tôi nguyện cho tới chết tôi sẽ mang điều ấy theo.
Ông đã bước ra khỏi vỏ bọc của một điệp viên, lái máy bay trên bầu trời hoà bình, và làm công việc đào tạo, hết lòng với một thế hệ phi công trẻ Việt Nam. Điều đọng lại trong ông sau thời gian dài gắn bó với công việc đào tạo, huấn luyện ấy là gì?
Giã từ cuộc chiến, tôi thấy mình làm khá nhiều việc mà những việc đó chắc không phải ai cũng làm được. Hồi còn sống, anh Hai Trung (tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn) nói nửa đùa nửa thật: “Việc ông ném bom dinh Độc Lập, Nhà nước phong ông anh hùng thì tôi không nói làm gì, còn công việc ông làm sau này nếu được, tôi phong ông hai lần anh hùng nữa”.
Anh Hai Trung hiểu về công việc đặc thù của tôi. Khi giải phóng, cả một bề thế không quân chế độ cũ bỏ lại, tôi là người làm sống lại phi đội A37 sau này tham gia đánh Tân Sơn Nhất vào ngày 28.4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. F5 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ mà Mỹ bỏ lại mấy phi đoàn nhưng không có người bay. Giá trị vậy nhưng bỏ lại quá lâu bị hư hại nhiều, có chiếc bị bắn phá thủng lỗ chỗ. Nhiều chiếc còn bị bộ đội tiếp quản tháo đi những tiện nghi nội thất hay linh kiện quan trọng… Sau khi thành lập bộ phận tiếp quản, tôi nhận nhiệm vụ làm sống lại những chiếc máy bay này.
Khi sửa xong, tôi là người bay thử. Phi công bay thử của người ta điều kiện bảo hiểm ngặt nghèo lắm, còn tôi thì như con thiêu thân. Gần 50 lần bay như thế, tôi luôn sẵn sàng tình huống nhảy dù khẩn cấp bởi máy bay có thể hư bất cứ lúc nào. Mỗi lần bay, nhiên liệu chỉ cung cấp đủ phân nửa cơ số. Vốn là người nhạy cảm trong cuộc sống, con ruồi bay qua tôi phân biệt ruồi đực hay ruồi cái, huống chi chuyện nhiên liệu chỉ đủ bay một vòng trong bán kính hẹp. Điều lăn tăn mà tôi kể trên là như vậy đó.
Tháng 8.1975 sau khi hồi phục xong rồi, tôi huấn luyện cả một phi đội, bay thành thục F5 để thành lập trung đoàn không quân 935, sau này trở thành trung đoàn anh hùng.
Đã quá cái tuổi lục thập nhi nhĩ thuận, còn điều gì ông thấy hối tiếc, hoặc món nợ nào ông chưa trả được?
Đến giờ này tôi vẫn ân hận, tiếc là không được chết vì Hoàng Sa. Ngày 18.1.1974, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Hoàng Sa, phía Việt Nam Cộng hoà khi đó có một đại đội địa phương quân chốt trên đảo Phú Lâm. Hai bên đánh nhau, cùng có thương vong về con người nhưng quân số Trung Quốc đông quá, 51 lính địa phương quân của ta bị bắt đưa về Trung Quốc. Việt Nam Cộng hoà lên tiếng phản đối việc Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để chiếm đảo của Việt Nam một cách phi pháp. Đây là sự kiện lớn, dư luận thế giới cũng phản đối việc đó.
Lúc này hải quân của Việt Nam Cộng hoà không thể đổ bộ chiếm lại đảo được. Ngày 19.1.1974, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu điều năm phi đoàn F5, bốn ở sân bay Biên Hoà, một ở sân bay Đà Nẵng, mỗi phi đoàn có 24 máy bay và 120 phi công ra Đà Nẵng chuẩn bị đánh lấy lại Hoàng Sa. Mọi người rất phấn khởi, tụi tôi đi ra với tư thế là đi lấy lại một phần lãnh thổ đất nước. Sĩ quan cấp tá ở các phi đoàn 520 – Nguyễn Văn Dũng, 536 – Đàm Thượng Vũ, 540 – Nguyễn Văn Thanh, 544 – Đặng Văn Quang, 538 – Nguyễn Văn Giàu đều đã lên kế hoạch tác chiến kỹ lưỡng.
150 phi công thuộc sáu phi đoàn F5 của không lực Việt Nam Cộng hoà khi đó đều ký tên chung vào một lá đơn tình nguyện “Xin được chết vì Hoàng Sa”.
Hàng ngày, máy bay RF5 có nhiệm vụ bay và chụp ảnh các toạ độ từ nhỏ nhất ở Hoàng Sa, xem có thay đổi gì, tàu chiến Trung Quốc di chuyển ra sao, bố trí các cụm phòng thủ thế nào… đưa về chiếu ra cho tất cả phi công theo dõi. Tụi tôi đếm từng tàu một, thậm chí đếm được cả số ghi trên tàu, chia bản đồ ra làm bốn, mỗi góc tư giao cho một phi đoàn, phi đoàn thứ năm bay bảo vệ trên không. Họ có 43 tàu tất cả và quyết tâm của tụi tôi là đánh chìm tất cả 43 tàu đó trong vài giờ.
Về không quân, vào thời điểm đó chúng tôi có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc. Bay từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa bằng cự ly từ đảo Hải Nam ra. Ưu thế của phi đội tụi tôi là máy bay bay ra, đánh nửa tiếng vẫn thừa dầu bay về còn Trung Quốc chỉ có Mig 21, bay ra đến Hoàng Sa thì không đủ dầu bay về. Khí thế phi công lúc đó hừng hực, mấy anh chỉ huy trưởng từ đại tá trở xuống đòi đi đánh trước. Tất cả háo hức chờ đến giờ G là xuất kích. Nhưng giờ G ấy đã không đến. Hạm đội 7 của Mỹ trên biển không cứu các hạm đội của đồng minh Việt Nam Cộng hoà bị bắn chìm và bị thương trên đảo. Dường như vì lợi ích của mình, các quốc gia lớn có quyền mặc cả và thương lượng bất chấp sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác.
Một mảnh đất dù nhỏ cũng là tổ quốc mình, cha ông ta đã đắp xây nên bờ cõi, là con dân của đất nước ai cũng có nghĩa vụ thiêng liêng gìn giữ lấy. Tụi tôi háo hức sẵn sàng tất cả nhưng cuối cùng không được chết cho Hoàng Sa. Tới bây giờ tôi vẫn ân hận. Sau này bạn bè tôi gặp lại nhau cũng cùng một tâm trạng: đáng lẽ tụi mình chết cho Hoàng Sa thì vinh dự hơn!
Là người đi nhiều nơi, có điều kiện tiếp cận với chuyện làm ăn, ông thấy phẩm chất, tư cách của người Việt Nam có đứng được ở những thị trường minh bạch?
Cũng tuỳ người. Thí dụ như thị trường Lào, nhiều nhà đầu tư của mình không dám qua đó nữa bởi vì làm kiểu nói dóc, hứa nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu. Họ nói thẳng là mấy ổng đó qua họ không tiếp. Cách làm ăn của người Việt mình cũng có nhiều cái người ta không chấp nhận, chỉ chụp giật, bốc hốt ở đây thôi chứ ra ngoài người ta không chấp nhận.
Hiện nay ông có bằng lòng với cuộc sống của mình?
Thời nào tôi cũng bằng lòng với hiện tại. Thời khó khăn nhất cũng như khi đất nước đổi mới đến nay, tôi bằng lòng với những cái mình hiện có. Đó là hạnh phúc tự tạo. Nếu để làm giàu tôi sẽ đi đường khác và tôi biết cách làm giàu, nhưng tôi đã không lựa chọn như vậy. Tôi vẫn nghĩ “tri túc tiện túc hà thời túc”, mình biết đủ thì lúc nào cũng đủ, còn ham muốn, lúc nào cũng thấy thiếu thì không bao giờ đủ cả. Tôi bằng lòng với cuộc sống con cái học hành đàng hoàng, lễ phép với cha mẹ. Hiện tôi vẫn chưa nhàn được, tôi vẫn đi làm thuê, nhưng làm để vui, chứ làm để buồn thì tôi không bao giờ làm.
Để giải toả những mệt mỏi trong công việc, ông có chơi thú giải trí gì khác?Tôi cũng thích nhiều nhưng tự thấy mình không có điều kiện, chẳng hạn như đánh golf , làm sao đủ sức, đủ tiền mà vác cái gậy mấy chục ngàn đô. Đối với tôi bây giờ sức khoẻ là trên hết, liệu sức để làm việc thôi. Tôi sống trên không nhiều quá rồi, giờ ngồi dưới đất thú thực là thấy tay chân tù túng, bay một tí cho vui nên đến nay tôi vẫn bay đều.
Xin Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện chân tình và thẳng thắn này.
thực hiện: Trung Dũng – Minh Nguyễn