Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Thuỷ sản: nỗi lo từ thị trường Trung Quốc

Thuỷ sản: nỗi lo từ thị trường Trung Quốc
Copy từ http://sgtt.vn/Goc-nhin/176800/Thuy-san-noi-lo-tu-thi-truong-Trung-Quoc.html; đăng ngày 15/04/13, mục Góc nhìn.
SGTT.VN - Vừa qua, hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2013 đưa ra thông điệp đã đến lúc phải giải cứu ngành nông nghiệp mà thuỷ sản là trường hợp đặc biệt, sau bao năm ngành này gồng gánh vai trò cứu cánh cho nền kinh tế. Năm 2012, thuỷ sản không phải không có những điểm sáng, nhưng rủi ro thị trường, pháp lý hay khoảng cách giữa chính sách và thực thi có thể tiếp tục là lực cản.
Bên lề hội thảo này, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP).
Năm 2012 giá trị xuất khẩu vào thị trường truyền thống EU giảm tới 14,8% trong khi thị trường tương đối mới là Trung Quốc tăng tới 20,5%. Theo ông, những biện pháp nào để tận dụng ưu thế cũng như phòng ngừa rủi ro với bạn hàng Trung Quốc, điều mà nhiều doanh nghiệp các ngành hàng khác ở nước ta đã gặp phải?
Trung Quốc là một trong những thị trường thuỷ sản lớn nhất thế giới và có tốc độ gia tăng nhu cầu rất mạnh. Lợi thế nữa là thị trường này ở sát ngay cạnh chúng ta, giao thông mọi đường biển, đường bộ, đường sắt đều thuận tiện. Tuy nhiên, trong những năm qua, Trung Quốc chỉ chiếm thấp trong thị phần xuất khẩu thuỷ sản của ta, thường ở mức 5%. Năm qua, với kim ngạch xuất 419 triệu USD, tăng 20,5% so năm 2011, thì thị phần mới gia tăng lên mức 6,8%. Chắc chắn là trong tương lai, thị trường Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với hiện nay.
Thương lái Trung Quốc đang lựa nguyên liệu thủy sản để thu mua tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Petrotimes
Điểm đặc thù của thị trường này là nhập khẩu chủ yếu sản phẩm thuỷ sản dạng nguyên liệu tươi, ướp lạnh hoặc cấp đông, nguyên con hoặc sơ chế. Tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng rất thấp. Hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu đường biên chiếm phần lớn giá trị kim ngạch, xuất khẩu chính ngạch rất thấp. Thương lái Trung Quốc thâm nhập sâu, thường xuyên có mặt dưới hình thức khách du lịch và tổ chức mạng lưới thu mua tại hầu hết các vùng nguyên liệu thuỷ sản chính của Việt Nam.
Lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế của họ và tìm mọi mánh khoé luồn lách trốn thuế của ta, thương lái Trung Quốc thường cạnh tranh bằng cách nâng giá mua để gạt hết các đối thủ Việt, vét hết nguyên liệu thuỷ sản, sau đó đột ngột ngừng hoặc hạn chế mua, khiến giá sụt, gây biến động thị trường vô cùng bất lợi cho ngư dân.
Nguy hiểm hơn, đối với tôm sú, họ mua giá cao rồi tổ chức bơm chích agar và tạp chất khác vào tôm, thuê gia công cấp đông nguyên con rồi xuất khẩu tiểu ngạch ngược lại qua biên giới nước ta. Việc này đã gây thiếu tôm nguyên liệu nghiêm trọng, gây hại rất lớn cho doanh nghiệp chế biến tôm ở tất cả các tỉnh có vùng nuôi, và gây ảnh hưởng rất xấu cho uy tín chất lượng của tôm Việt Nam. Rất đáng buồn là các cơ quan quản lý nhà nước của ta, trước hết là cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD), đã không có biện pháp hữu hiệu để chống hành vi gian lận này, thậm chí ở một số địa phương còn có biểu hiện khá rõ của sự bao che, dung túng.
Vì vậy, các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp và hải quan cũng như chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý chặt trên địa bàn phòng chống các hoạt động phi pháp của thương nhân Trung Quốc, kiểm soát chặt việc xuất nhập khẩu thuỷ sản qua cửa khẩu đường bộ. Các doanh nghiệp cần tăng tỷ trọng xuất khẩu chính ngạch qua đường biển, đến các cảng phía bắc của Trung Quốc (như Thượng Hải, Đại Liên...) và tăng cường sản xuất, quảng bá các sản phẩm giá trị gia tăng cung cấp cho thị trường thông qua các siêu thị phân phối và hệ thống bán lẻ, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu.
Năm 2012, nước ta nhập khẩu 641,9 triệu USD nguyên liệu thuỷ sản, tăng 20,6% so với năm 2011, phản ánh sự mất cân đối giữa cung nguyên liệu từ nguồn đánh bắt – nuôi trồng trong nước với cầu của các doanh nghiệp chế biến. Lời giải cho bài toán mất cân đối ở chỗ phải tổ chức lại nguyên liệu trong nước hay chấp nhận một ngành công nghiệp chế biến có tính chất gia công theo nghĩa sử dụng nguyên liệu nước ngoài?
Trong năm năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, tình trạng thiếu nguyên liệu thuỷ sản cho chế biến ngày càng gay gắt. Nhằm tận dụng năng lực chế biến đã đầu tư, các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn rồi tái xuất. Tỷ trọng giá trị nguyên liệu nhập khẩu trên tổng giá trị thuỷ sản xuất khẩu mới đạt khoảng 10%, và tỷ trọng giá trị của sản phẩm được tái chế và tái xuất chiếm khoảng 15 – 17% kim ngạch xuất khẩu. Tỷ trọng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong các năm sau.
Tôi nghĩ rằng đây là một hoạt động có lợi, chứng tỏ năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh của công nghiệp chế biến thuỷ sản của Việt Nam, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong bối cảnh các nước khác (Trung Quốc, Thái Lan) có những điều kiện bất lợi hơn về giá nhân công. Tuy nhiên, lợi thế hiện nay cũng chỉ mang tính thời đoạn, có thể kéo dài khoảng mười năm, và hiệu quả phụ thuộc vào mức độ gia tăng giá trị của sản phẩm chế biến và độ sâu thâm nhập của chúng ta vào chuỗi phân phối.
Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản từ nhiều năm nay cũng vậy, phải nhập khẩu – lệ thuộc con giống, thức ăn nước ngoài rất nhiều. Có vẻ như ngành thuỷ sản vẫn chưa có giải pháp căn cơ để phát triển bền vững?
Đúng như vậy. Chúng ta đã không chú trọng đầu tư đúng mức cho khâu sản xuất giống chất lượng cao, sạch bệnh và sản xuất thức ăn nuôi thuỷ sản. Vì vậy, ta vẫn phải nhập khẩu toàn bộ đàn bố mẹ sạch bệnh của tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) và nhiều loài cá biển chất lượng cao. Hiện nay 100% sản lượng thức ăn phục vụ nuôi tôm công nghiệp và khoảng 75% sản lượng thức ăn nuôi cá do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho giá thức ăn nuôi thuỷ sản năm 2012 tăng liên tục, song chất lượng lại không đảm bảo, khiến cho giá thành tôm nuôi ở Việt Nam cao hơn các nước khác đến 1,5 – 2 USD/kg.
Năm 2012, giá trị xuất khẩu thuỷ sản của nước ta đạt 6,134 tỉ USD, tăng nhẹ (0,3%) so với 2011. Ông đánh giá như thế nào về con số này? Doanh nghiệp ngành thuỷ sản đang cần gì?
Trong bối cảnh những khó khăn tài chính của cả ba thị trường chính (EU, Mỹ, Nhật Bản) và nhiều thị trường khác, tình hình kinh tế – tài chính rất khó khăn trong nước, cộng đồng doanh nghiệp khát vốn nghiêm trọng suốt năm, với các chính sách kinh tế thay đổi chóng mặt, con số đó có thể coi là một thắng lợi đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, mặt không thành công là hiệu quả của hoạt động sản xuất và kinh doanh đều giảm mạnh. Hầu hết các doanh nghiệp đều có tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, phải phá sản, giải thể hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, sa thải bớt công nhân viên... Tỷ trọng giá trị gia tăng rất thấp biểu hiện rõ sự sụt giảm của năng lực cạnh tranh.
Lòng tin của giới doanh nhân nói chung đã suy giảm, nhất là khi mỏi mắt chờ cả năm mà “các gói cứu trợ” đã công bố vẫn chỉ nằm trên giấy! Điều doanh nghiệp thuỷ sản khao khát nhất trong năm 2012 là được vay vốn với lãi suất hợp lý, với thời hạn vay dài hơn, thủ tục giải ngân thuận lợi hơn – thì trông hoài chẳng thấy!
Theo ông, triển vọng thị trường trong năm 2013 như thế nào và đâu là những rủi ro?
Thị trường thế giới năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục khó khăn, nhất là ở EU, Nhật, tuy bắt đầu có khởi sắc ở Hoa Kỳ và một số nước khác. Vụ kiện chống bán phá giá giá tôm và cá tra, cũng như vụ kiện chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm ở Mỹ tiếp tục gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp. Việc bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa áp đặt những mức thuế cao vô lý, mang tính trừng phạt đối với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam trong POR8 vừa qua là một thí dụ điển hình, báo hiệu mức độ gay gắt của các yếu tố bảo hộ sản xuất trong nước của các quốc gia nhập khẩu khi kinh tế khó khăn. Không loại trừ khả năng sẽ có thêm những vụ kiện mới. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần thống nhất hành động chứ không thể chia rẽ và phân tán. Và rất cần sự phối hợp chặt chẽ và sự hỗ trợ bằng biện pháp và hành động thực tế của Nhà nước.
Giải pháp dù trúng, dù hay, mà khâu thực hiện yếu cũng sẽ không có hiệu quả như mong đợi. Liệu nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… có chịu chung số phận như những nghị quyết, chủ trương khác đã từng được công bố rất “hoành tráng” hồi năm ngoái, năm kia? Ở nước ta, lực cản lớn nhất ngăn chặn sự phát triển lành mạnh vẫn là việc chậm biến chủ trương chính sách thành hiện thực, do năng lực thực hiện của các cơ quan nhà nước yếu, chậm, khiếm khuyết, không làm hoặc làm không như nói. Trong ngành thuỷ sản, biểu hiện rõ rệt và nặng nề nhất năm 2013 là việc không chịu thay đổi thông tư 55 theo chỉ đạo.
Nguyên Lê (thực hiện)

Không có nhận xét nào: