Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Rùng mình với kiếp phu trầm

Rùng mình với kiếp Phu trầm
Copy từ http://sgtt.vn/Thoi-su/176314/Rung-minh-voi-kiep-phu-tram.html; đăng ngày 01/04/13, mục thời sự.
SGTT.VN - Mặc cho thông tin năm phu trầm ở Quảng Minh, Quảng Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình) bị thảm sát dã man vẫn còn ám ảnh, mặc cho một làng trầm “xuyên quốc gia” cách đó 100km vẫn đang nặng nề, u ám bởi nhiều người đang bị bắt tù tại Thái Lan..., những phu trầm khác vẫn lên đường vào rừng sâu nước độc tìm kiếm vận may. Họ bất chấp hiểm nguy để đánh cược số mạng vào trầm.
Bà Trần Nhỏ cùng con dâu và hai cháu nội. Con trai út của bà đã mất khi đi trầm.
Chúng tôi tìm về xã Quảng Minh huyện Quảng Trạch, nơi có ba trong năm người bị thảm sát giữa rừng vừa qua. Những ngày này, người làng thôn Minh Tiến vẫn chuyện trò từ đầu ngõ đến cuối làng chuyện những phu trầm vừa bị giết chết.
Cũng vì cái ăn
Trước cảnh lấy trầm làm nghiệp mưu sinh khiến 80% người làng bỏ xứ vào rừng, trưởng thôn Hoàng Minh Hiếu giải thích: “Làng ít đất lúa, đông dân, có 297 hộ với 1.504 khẩu, ở giữa cồn nổi sông Gianh, nước mặn nhiều nên con em lớn lên là theo cha anh vào rừng kiếm cơm bằng nghiệp đi trầm. Tui đây cũng từng xốc balô vào rừng kiếm trầm đong gạo cho vợ con, cũng vì cái nghèo, cái khổ mà đầu gối phải bò. Chừ dân làng hoảng hốt cảnh năm phu trầm bị đạp chết rứa nhưng cũng có lác đác mấy tốp khăn gói đi tìm trầm trở lại vì cái ăn”.
Nhóm của Nguyễn Minh H. với sáu người vừa rời làng vào sáng sớm, họ bắt xe đò vào Lệ Thuỷ, lên đường 10, vào rừng Khe Giữa để đạp cội tìm trầm. Trong khi đó một nhóm khác của Đ. đang chuẩn bị đóng cùi, vay tiền để đi. Đ. nói: “Lần này đi cũng theo vào Lệ Thuỷ, rồi qua Quảng Trị, đi theo kiểu ăn may, được gì hay đấy chớ ngồi nhà thì không có gạo cho vợ con. Biết là hết sức nguy hiểm nhưng không còn đường kiếm ăn nào quen như đi trầm rừng sâu. Ra phố làm thuê thì lóng nga lóng ngóng, chẳng quen biết gì”.
Làng Chay ở xã Quảng Sơn có hai người chết vì trầm trong số năm nạn nhân vừa qua cũng có hai nhóm gùi balô lên rừng chỉ bốn ngày sau khi đưa được xác các nạn nhân về. Làng quá nghèo, đất đai vùng núi khô cằn nên muốn có gạo, trai làng Chay phải rời làng theo nghiệp trầm mưu sinh với bao nguy hiểm rình rập phía trước. Ông Hoàng Minh Thuận, chủ tịch UBND xã Quảng Minh, nói: “Cũng vì cái ăn mà dân liều mình, địa phương không cản được vì ruộng đất ít, nhìn dân đi cũng lo lắm, xã cũng không thống kê được dân vào rừng mấy trăm người trong tháng, trong năm chỉ biết cứ mỗi chuyến đi có khi vài ba chục người, kéo dài từ một đến vài tháng. Từng đoàn dân đi với sau lưng là gùi mà xót xa lắm chú ơi”.
Trầm luân như kiếp phu trầm
Cách vùng quê của năm phu trầm vừa bị giết gần 100km có một làng được mệnh danh là “làng trầm xuyên quốc gia”, dường như năm nào làng cũng có người chết vì trầm. Ấy là làng Trúc Ly (Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình). Làng vốn gốc gác đánh bắt thuỷ sản bên sông Nhật Lệ và vùng đầm lầy trước mặt, nhưng nghề ngư chẳng đủ ăn, trai tráng gác lưới và kéo nhau đi trầm từ những năm 80 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay, Trúc Ly trở thành thủ phủ của giới buôn trầm.
Chúng tôi vào làng Trúc Ly, cảnh tượng vắng ngắt, đường làng ngõ xóm chỉ rặt phụ nữ trẻ em. Một phu trầm đã rửa tay gác kiếm tiếp chúng tôi với điều kiện không được nêu rõ danh tính, vì sợ sự ra tay của bốn vua trầm trong làng. Người này kể: “Bốn vua trầm giàu hết sức, trong tay có hơn 300 phu trầm, được tổ chức thành từng đội trầm, mỗi đội từ 10 hoặc 15, có khi 20 người phu, mỗi đội như thế được gọi là niềng, mỗi niềng có một người đứng đầu phụ trách gọi là cai trầm. Các vua trầm cung cấp tiền bạc, thuốc men, thức ăn, gạo cơm cho phu trầm thông qua cai. Kiếm được trầm, phu phải báo cho cai trầm để cai báo lên cho vua trầm. Sau đó tính toán số trầm giá bao nhiêu, trừ chi phí cho phu, vua trầm hưởng hơn 50% giá, số còn lại là các chi phí, gồm: mua đường đi, trung gian, đút lót, làm luật trong rừng. Phu trầm còn rất ít”.
Ở làng, cũng có những phu trầm thân tín các cai hoặc bà con dòng họ vua trầm nên được ưu tiên cho phần trăm nhiều hơn và sẽ giàu có hơn các phu khác. Những phu trầm này có tiền mua sắm xe cộ, xây nhà như cách đánh bóng với người dân rằng vào đường dây của vua trầm này sẽ giàu có, và người dân vay tiền của vua trầm để đi trầm. Có người vay mượn nhưng đi toàn lỗ, chuyến trước thua, chuyến sau cũng thua nên ngày càng lún sâu vào nợ nần. Vua trầm cứ thế bóc lột công phu, nếu chuyến sau được thì trừ các chuyến trước, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con. Phu trầm khó rút ra khỏi guồng quay vua trầm, cứ thế mà làm phu mãi để trả nợ.
Bài và ảnh : Quốc Nam
Máu và nước mắt
Làng trầm Trúc Ly hiện không đi trầm ở Việt Nam mà sang tận rừng bên Lào, Thái Lan, Campuchia. Tuy nhiên, địa bàn mới nhất và trúng nhất của các phu trầm hiện nay là rừng rậm ở Malaysia. L. tiết lộ: “Các vua trầm bắt tay với những đầu nậu ở Malaysia, làm hộ chiếu du lịch cho phu trầm đi bằng đường hàng không, qua đó sẽ được đón tiếp và đưa vào rừng. Mỗi đội được chốt một điện thoại vệ tinh, dùng liên lạc cho tiếp phẩm và thông báo khi có trầm. Muốn về nước, các phu trầm này phải thông báo bị mất hộ chiếu du lịch để bị bắt và bị trục xuất về, sau đó lại làm hộ chiếu du lịch tiếp cho năm sau”.
Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, ông Lê Thanh Hải, cho biết làng Trúc Ly đi trầm gần hết, chủ yếu qua Thái Lan, Malaysia, Myanmar... bằng hộ chiếu du lịch. “Cũng nhiều người chết lắm nhưng không có việc chi làm nên dân cứ liều”, ông Hải nói. Theo thống kê, trong hơn 20 năm qua đã có 50 người dân Trúc Ly chết do tìm trầm, riêng năm 2012 có bốn người dân bị bắn tại rừng Thái Lan. Những phu trầm này chết, các vua trầm lại phủi tay vô can còn người thân là vợ con chịu thiệt và không thể có thắc mắc hoặc kiện cáo gì. Bà Trần Nhỏ (80 tuổi), có đứa con trai út bị bắn khi đi trầm cho một đường dây trầm trong làng, kể: “Hắn đi bị bắn chết, nhưng chủ của hắn không có bồi thường chi, chỉ thắp mấy que hương rồi như không có chuyện chi”. Không những bị bắn chết, dân đi trầm Trúc Ly còn bị bắt bỏ tù ở Thái Lan, Malaysia và một số nước khác. Ông Hải cho biết: “Có người dân đi trầm trái phép bị bắt thì lên báo chính quyền xã, cũng có người không báo nên không biết, dân toàn đi không hợp pháp nên không biết cách gì để liên lạc”.
Bà Phạm T.Ch. cùng con gái đang đằng đẵng chờ chồng cùng con rể khi hai người đàn ông trụ cột này đang bị bắt giam tại Thái Lan. Hiện hai mẹ con bà vừa phải đi nhặt ve chai kiếm sống vừa phải gồng gánh trả nợ lãi vay cho vua trầm mà chồng và con rể đã vay mượn khi đi.
Làng Trúc Ly có vẻ ngoài hào nhoáng, nhưng trong đó bao gia cảnh đầy nước mắt. Bà Trần T.L. có chồng vừa mất ở Thái Lan chua xót: “Chừ tui một mình nuôi ba đứa con. Nhà tui theo trầm thì thấy toàn máu với nước mắt. Gia đình tự cho chồng đi thì chừ phải tự chịu chứ chẳng biết kêu ai nữa”.

Không có nhận xét nào: