Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Huyền bí tháp cổ giữa rừng xa
Copy từhttp://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/544667/huyen-bi-thap-co-giua-rung-xa.htmlhttp://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/544667/huyen-bi-thap-co-giua-rung-xa.html ; đăng ngày 24/04/13 , mục Văn hóa - Giải trí.
TT - Đó là ngôi tháp cổ huyền bí nằm ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), cách thị trấn Mường Xén của huyện hơn 50km đường bộ và đường sông.
Tháp cổ và chi chít những lỗ thủng - Ảnh: V.Toàn.
Một phía chân tháp bị lún sụp - Ảnh: V.Toàn.
Tháp cổ cao khoảng 30m đứng trơ trọi giữa một bên là bờ rào Trường tiểu học Mỹ Lý, một góc là nơi dân bản đang đổ cát dựng nhà. Dây điện từ nhà này nối qua nhà kia đều "neo" vào cành cây mọc ngang từ kẽ đá trên thân tháp. Cách tháp vài chục mét có một cây bồ đề xum xuê cao gần bằng ngọn tháp. Dưới tán cây, trên nền nhà thờ xưa đã bị sập có một bàn thờ bằng ximăng đơn giản với tượng Phật bằng đồng và bát nhang lạnh. Nghe nói các sư trụ trì chùa Đại Tuệ ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn vừa lên làm bàn thờ này để dân bản thắp nhang cho tháp cổ đỡ cô quạnh.
Tiêu điều tháp cổ
Ngọn tháp cao vút tựa hình tháp bút trên chân tháp rộng 8-10m. Các tầng nấc kiến trúc khá đẹp mắt theo hình lục lăng. Sáu phía mặt tháp chỉ còn lại một số hoa văn đơn giản nhưng thanh thoát và hình hai vũ nữ ngồi chắp hai bàn tay hướng ra phía trước. Phần lớn thân tháp bị bong tróc, phô ra những hàng gạch đỏ thẫm.
Ngạc nhiên nhất là khi chúng tôi nhìn thấy những lỗ thủng như từng hốc mắt vô hồn xung quanh thân tháp. Ông Kha Ngọc Minh - chủ tịch UBND xã Mỹ Lý - giải thích: "Những lỗ thủng toang hoác ấy là do kẻ xấu đục để lấy cắp tượng Phật bằng đồng trong thân tháp. Hễ nơi nào thân tháp có hoa văn thì bên trong đều có tượng Phật bằng đồng. Kẻ xấu thường nhằm vô vị trí này để đục trộm". Chúng tôi vòng quanh thân tháp đếm được 20 lỗ thủng bị đục nham nhở. Lỗ bị đục rộng nhất đo được năm gang tay, nằm dưới chân tháp - nơi có vô số viên gạch đã vỡ ra từng mảng lớn. Càng lên cao, lỗ đục càng nhỏ dần. Giờ trên miệng những lỗ bị đục này là những bát nhang do ai đó đã đặt lên tỏ ý tiếc nuối bảo vật trong lòng tháp bị kẻ xấu đánh cắp.
Thấy chúng tôi lộ vẻ tiếc nuối, ông Minh bảo anh thư ký ủy ban xuôi thuyền về trụ sở lấy hai tượng đồng lên. Mỗi tượng cao 12cm, chân tượng hình trụ, lòng tượng rỗng nhưng khá nặng, màu đồng đen nhánh. Ông kể: "Đây là hai tượng Phật do ông Th. quê ở huyện Đô Lương - là cán bộ dưới xuôi lên công tác gần đây đục tháp lấy trộm 40 năm trước. Khi người nhà bị nạn, ông ta nghĩ sở dĩ gặp hậu họa là do lấy cắp tượng đồng trong tháp nên đem cho một người bạn. Người bạn này cất kín hai tượng đồng nhưng một thời gian sau cũng gặp nạn nên mới bảo vợ đem lên trả bằng cách gửi cho ủy ban xã".
Ngước nhìn lên đỉnh tháp, ông Minh kể lại chuyện một ông cán bộ khác ở dưới xuôi lên công tác. Ông này đã dùng súng AK bắn vỡ mắt tháp bằng thủy tinh to bằng quả trứng gà gắn trên chót vót đỉnh tháp. Chỉ vài tháng sau tự dưng ông ta bị mù cả hai mắt. Cũng theo ông Minh, khi chưa bị bắn vỡ, ban đêm mắt tháp này phát ra thứ ánh sáng lấp lánh huyền ảo cả núi rừng. Nói đoạn, ông kể câu chuyện khác về hai thanh niên trong xã lấy cắp hai bức tượng do ông Đ. đem trả lại nơi lỗ đục trong tháp. Sau đó một người đi buôn gỗ bị chết trôi, một người đốt rẫy bị chết cháy.
Nỗi lo tháp đổ
Ông Minh kể tiếp: "Ông Chữ Văn Quản - nguyên chủ tịch UBND xã này, trú tại bản Xằng Trên - là một thầy mo có tiếng khắp vùng. Một số người gặp nạn vẫn đến nhờ ông Quản giải hạn. Ông Quản nói với mọi người hễ ai lấy cắp tượng Phật trong tháp đi bán đều không thoát khỏi tai nạn. Vì thế mấy năm gần đây mặc dù tháp không có ai bảo vệ nhưng không ai dám động vào. Dân Thái, Mông, Khơ Mú trong 12 bản của xã đều coi tháp cổ và tượng Phật là những báu vật linh thiêng của vùng đất này nên ngày lễ, tết họ đến thắp nhang cầu cho được mùa lúa, mùa ngô. Nếu bản làng có dịch bệnh họ cũng đến cầu an. Những bát nhang quanh thân tháp là do dân bản để vào đấy".
Trước đây, bản có tên Xằng Tờ nên dân bản gọi là tháp Xằng Tờ. Năm 1992, xã đổi tên là bản Yên Hòa, dân bản cũng đổi tên là tháp Yên Hòa. Còn tên gốc của tháp thì chưa ai biết được. Hỏi chuyện về tháp cổ, cụ bà Vi Thị Quyên, 90 tuổi, ở bản Yên Hòa, nói: "Tôi lớn lên, bản đã có tháp này rồi. Hỏi cha rồi hỏi ông nội ai cũng nói lớn lên là đã thấy tháp rồi. Ngày xưa tháp ở giữa rừng cây âm u. Quanh tháp, ngoài cây bồ đề còn có cây thị, cây đa cổ thụ giữa vùng rừng nguyên sinh". Ông Minh tiếp chuyện: "Hồi năm 1968, khi mới 9 tuổi tôi thấy bờ rào bằng tường xây xung quanh tháp vẫn còn nguyên vẹn. Phía trong bờ rào rất nhiều bức tượng đồng và đá trắng to bằng người lớn dựng đặc kín xung quanh tháp. Những năm chiến tranh, dân bản sơ tán vô rừng sâu nên những bức tượng này bị kẻ xấu trộm hết".
Không chỉ có ngọn tháp này, xã Mỹ Lý từng có cả một quần thể tháp cổ. Ngoài tháp này là lớn nhất còn có ba tháp nhỏ ở bản Xiềng Trên, Xiềng Tắm và bản Thả Lày (nay là bản Hòa Lý). Ba tháp này đã bị đổ từ lâu, nay không còn phế tích. Tháp còn lại thì mấy năm gần đây, sau những trận bão, chân tháp sụt dần và vỡ ra khiến tháp bị nghiêng. Cô giáo Vi Thị Thoan - hiệu trưởng Trường mầm non Mỹ Lý 2 - tâm sự: "Thấy bản mình có tháp cổ độc đáo là tự hào lắm nên nếu tháp bị đổ thì buồn vì tiếc lắm. Tháp lạ và đẹp đấy nhưng giờ bị nghiêng nên giáo viên không dám cho học sinh ra chơi quanh quẩn bên chân tháp". Còn ông Minh nói: "Tôi lo tháp đổ thì có tội với dân bản. Vài tấn ximăng phục dựng chân tháp xã tôi bỏ ra được, nhưng xã đã gửi nhiều tờ trình lên các cơ quan chức năng mà không có ai trả lời nên không dám làm".
VŨ TOÀN - HỒ VĂN

Không có nhận xét nào: