Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Vét đáy vuông tôm bán cát trả nợ-

Vét đáy vuông tôm bán cát trả nợ
Copy từ http://sgtt.vn/Thoi-su/177043/Vet-day-vuong-tom-ban-cat-tra-no.html; đăng ngày 24/04/13 , mục Thời sự .
SGTT.VN - Vuông tôm rộng khoảng 7.000m2 từng là ao nuôi tôm sú công nghiệp của ông Trương Phước An ở ấp Láng Cháo, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) đã trở thành bãi công trường từ gần ba tháng qua. Ông An cho biết: “Tui đã xin phép cải tạo ao từ đầu tháng 2.2013. Hiện tại các ao đã được múc sâu thêm 1,2m, tiền thu được từ bán cát đáy ao khoảng 100 triệu đồng”.
Đơn vị mua cát đưa phương tiện khai thác vào tận vùng nuôi tôm để vét cát.
Hình ảnh trên đang bao trùm cả vùng nuôi tôm ven biển chạy dài khoảng 7 cây số thuộc xã Dân Thành. Ở đó, hoà lẫn trong tiếng máy rì rầm là tiếng cười chua xót của những ông chủ vuông tôm khi phải vét ao bán cát lấy tiền giải quyết các khoản nợ vay sau những mùa tôm thất bát
Thủng đáy
Ông An kể: “Vụ tôm năm rồi thất trắng, tui phải mắc nợ khoảng 80 triệu đồng, tiền lời hàng tháng phải thanh toán 1,3 triệu đồng, chịu không nổi nên khi có chủ trương cải tạo ao tôm, bán cát là tui làm liền để giải quyết nợ cho xong”.
Cũng ở ấp Láng Cháo, vuông nuôi tôm sú công nghiệp rộng hơn 30.000m2 của ông Phan Quốc Ca có những năm đạt mức lãi khoảng 800 triệu đồng, nhưng năm ngoái đã lỗ gần 500 triệu đồng vì tôm chết liên tục. Nay ông Ca quyết định “cải tạo” ao để bán cát. Hiện tại ông Ca đã cho phương tiện hút cát được khoảng 6.000m2 ao và đang tiếp tục vét cát ở ao thứ hai với độ sâu tăng thêm 2m. Với giá bán cát 14.000 đồng/m3, ông Ca dự kiến thu về được gần 1 tỉ đồng, cao hơn nhiều so mức lãi cao nhất hàng năm từ nghiệp nuôi tôm. “Sau khi trả nợ vay ngân hàng, chi phí sửa lại ao và đầu tư nuôi vụ mới khoảng 100 triệu đồng/ao… cũng vừa đủ”, ông Ca nhẩm tính.
Với cách tính như ông Ca, hầu hết những hộ nuôi tôm ở xã Dân Thành đều xin phép cải tạo ao để tận thu nguồn cát dù chưa biết hậu quả sẽ ra sao. Ông Trương Phước An nói: “Tui bắt đầu nuôi tôm sú từ những năm 1990, nhưng chưa bao giờ “đại tu” ao mạnh tay như vậy. Nhưng trước mắt là số tiền thu được nhiều hơn cả tiền lời một năm nuôi tôm thành công và cần thiết hơn là có tiền trả nợ con tôm để lại”.
Tổng hợp của phòng tài nguyên và môi trường huyện Duyên Hải, đến cuối tháng 3.2013, đã có trên 110 hộ dân, thuộc năm ấp của xã Dân Thành được cấp phép tận thu cát trong cải tạo ao hồ. Bình quân mỗi hộ có diện tích ao 5.000 – 7.000m2. Theo đó, khối lượng cát tận thu được khoảng 2 triệu m3. Qua việc tận thu cát đã giúp nhiều hộ dân ở xã Dân Thành có điều kiện trả nợ, tái đầu tư sản xuất và tạo nguồn vật liệu san lấp phục vụ dự án nhiệt điện Duyên Hải.
Rắn ăn đuôi
Ông Lê Tấn Siêng, một người có bề dày thành công trong nghề nuôi tôm sú công nghiệp với hơn 40.000m2 ao nuôi ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) nói rằng: “Làm như vậy dù vô tình hay cố ý cũng đã trở thành con rắn ăn đuôi chính mình rồi”.
Theo kinh nghiệm của ông Siêng, độ sâu nước ao nuôi tôm sú công nghiệp tốt nhất ở khoảng 1,3 – 1,5m. Dù sau mỗi vụ nuôi cần phải cải tạo ao, nhưng với độ sâu đáy tăng thêm chỉ tính bằng centimet do khả năng bồi lắng trong ao nuôi tôm hầu như không có. “Nếu đào sâu hơn 1m ao nuôi tôm sau đó chỉ còn có thể nuôi cá tra”, ông Siêng nói. Còn “vua” nuôi tôm sú mật độ thưa Võ Hồng Ngoãn ở tỉnh Bạc Liêu thì cho rằng, cải tạo ao nuôi là việc làm cần khuyến khích, con tôm tự nhiên vẫn có thể sống và phát triển được ở độ sâu hàng chục mét, tuy nhiên trong mô hình nuôi ở độ sâu nước lớn hơn 1,5m cần phải có quy trình kỹ thuật thích hợp. “Cần có một nghiên cứu chuyên sâu về mô hình nuôi mới trong điều kiện hạ tầng – ao nuôi, hoàn toàn mới này”, ông Ngoãn nói.
Tuy vậy, trước mắt cũng có nhiều người bày tỏ đồng cảm với người nuôi tôm ở Trà Vinh trong suốt năm vừa qua, tôm chết vẫn cứ chết mà nợ nần ngày càng chồng chất, không tìm được lối thoát nào khác hơn.
bài và ảnh: Ngọc Tùng
Thành phong trào
Cải tạo vùng nuôi tôm thu được tiền tỉ, sức “hấp dẫn” sôi động thành phong trào và đã lan sang xã Trường Long Hoà kế cận. Theo ông Nguyễn Văn Giới, chủ tịch UBND xã Dân Thành, nguyên nhân do nhu cầu cát san lấp mặt bằng tại khu nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) rất lớn và đã có chủ trương sử dụng nguồn cát cải tạo vuông tôm phục vụ nhu cầu này. Để cải tạo vuông tôm người nuôi phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Về nguyên tắc, vùng được phép cải tạo không nằm trong quy hoạch phát triển rừng; độ sâu tăng thêm không quá 2m. Nhưng thực tế có nhiều nơi đã tận thu cát vượt độ sâu quy định.
Báo cáo tổng kết nông nghiệp – thuỷ sản năm 2012 của xã Dân Thành cho thấy, trong năm này có hai đơn xin cải tạo vùng nuôi không được cấp phép với lý do vùng nuôi hình thành sau những vụ phá rừng chưa khắc phục hiện trạng; hàng chục phương tiện khai thác cát hoạt động không trình báo và trốn thuế. Ngoài ra, theo người dân, hoạt động khai thác lén lút tại những vuông tôm nằm xen lẫn trong những vuông được cấp phép cải tạo là điều khó tránh. Đáng chú ý là trong lúc ông Phạm Văn Rê, chủ tịch UBND huyện Duyên Hải nói rằng: “Sẽ kiểm tra, xem xét lại hoạt động này trên toàn địa bàn”, thì ông Phan Quốc Ca, người vẫn đang trong quá trình cải tạo ao tôm, bán cát nói liều: “Sau đợt này nếu không nuôi tôm được thì chỉ còn đường bán luôn mấy cái hồ nước này luôn!” Nhưng có người đặt vấn đề liệu lúc đó ông Ca có bán được dãy hồ khi nó đã mở đường cho biển lấn thêm vào đất liền?

Không có nhận xét nào: