Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Một phụ nữ nghèo hơn 20 năm trồng “cây nhân đức”

Một phụ nữ nghèo hơn 20 năm trồng “cây nhân đức”
Copy từ http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=13519&Itemid=156 ; đăng ngày 10/09/12 mục Thông tin Nhân đạo .
Sau quãng đời vất vả, nhọc nhằn nuôi 7 người con khôn lớn, ăn học thành tài và dốc mọi sức lực, kinh tế san sẻ với những phận người kém may mắn hơn mình suốt hơn 20 năm qua, năm nay, dù đã ở tuổi 72, nhưng bà Đặng Thị Ngọc Sương, ở ấp Ao Vuông, xã Phú Long, huyện Bình Đại vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc làm từ thiện của mình.
Về xã Phú Long, một vùng quê nghèo của huyện Bình Đại, không khó để tìm được “bà Mười từ thiện”, vì người dân nơi đây đều biết đến bà như một vị “cứu tinh”.
Bà bắt đầu chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh từ năm 1992, nhưng nhiều nhất là vào khoảng năm 2006 đến nay, khi hưởng ứng việc “Học tập và làm theo lời Bác”.
Bà Mười Sương đã tìm đến hỗ trợ những người nghèo khó mỗi lần khoảng 150 suất gạo nhằm giúp họ vơi đi một phần nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ bà Mười Sương đã sớm phải làm việc vất vả. Lập gia đình, bà lại cùng chồng tất bật lam lũ, làm mọi công việc để nuôi 7 người con ăn học.
Bà Mười Sương trong một lần làm từ thiện. (Ảnh: Thanh Hương)
 
Điều đáng trân trọng ở bà là một người phụ nữ giàu lòng nhân ái, vì vậy mà từ hơn 20 năm trước, trong khi gia cảnh còn nghèo túng, thu nhập thấp chỉ dựa vào những đồng tiền lẻ mua gánh bán bưng và ít công đất trồng lúa xen dừa, không đủ cho 9 miệng ăn, vậy mà bà vẫn dành dụm để giúp người nghèo, lúc thì bà động viên thăm hỏi, khi thì giúp bát cơm, chén gạo, đồng tiền lẻ.
Mặc dù số tiền giúp đỡ không nhiều nhưng bà lại giúp đỡ rất thường xuyên, cho dù bản thân mình còn dãi nắng dầm mưa, nhịn ăn nhường cơm cho các con có sức đi học.
Nhưng có lẽ cái ngày mà bà không bao giờ quên được khi tưởng chừng như kiệt sức là cái ngày chồng bà qua đời. Lúc đó, các con của bà đang theo học đại học, vậy mà nghĩ đến con, nghĩ đến bao nhiêu việc còn chưa làm được, bà lại đứng lên, tự khuyên mình cố gắng đứng vững, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh.
Bà đã cặm cụi buôn bán, chắt chiu, nhờ làm ăn suôn sẻ nên đủ nuôi 7 người con ăn học thành tài. Hiện các con của bà đều nên người và gầy dựng được cơ nghiệp ổn định.
Nhiều năm sống trong nghèo khó nên bà Mười Sương hiểu rõ hơn ai hết cái khổ của người nghèo. Bà Mười Sương bảo: “Cuộc sống của chúng ta thường phải đối mặt với nhiều điều không báo trước. Và những số phận nhỏ bé đôi khi không tự cứu được mình trước sự nghiệt ngã, thử thách của cuộc đời nên cần san sẻ với mọi hoàn cảnh đáng thương, thiệt thò bằng những suất quà nhỏ nhưng thiết thực và đầy ý nghĩa”.
Và nhiều năm nay, bà đã âm thầm tích cóp, dành dụm khoản tiền có được của các con gửi báo hiếu cho việc giúp người.
Bà không phải là người làm việc thiện theo phong trào, bởi mọi phong trào đều đến rầm rộ và qua đi rất nhanh. Làm việc thiện lại không thể là câu chuyện một sớm một chiều. Người ta có thể bỏ tiền để mua một thứ danh hiệu nào đó nhưng lại không thể mua được lòng tin của những người xa lạ. Với bà Mười Sương, cái thiện phải được xuất phát từ sự rung động của trái tim.
Mỗi năm 3 lần vào các ngày rằm tháng giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10 âm lịch, nhiều suất quà gồm gạo, mì tôm, đường, sữa…đã được bà chuyển đến cho hơn 500 gia đình nghèo, khó khăn, người già trong xã và các vùng lân cận, trị giá bằng tiền gần 50 triệu đồng.
Đặc biệt, khi nghe có hoàn cảnh đáng thương hay có người bị bệnh đột xuất, thì bà tìm đến để giúp đỡ, động viên chia sẻ và đưa vào bệnh viện làm mọi thủ tục với những khoản tiền không nhỏ vì theo bà thì tình thương giúp đỡ bằng vật chất và tinh thần là “liều thuốc” cho những người có hoàn cảnh không may vượt lên nỗi bất hạnh.
Với sự giúp đỡ của bà Mười Sương, đến nay không ít gia đình đã có thêm điều kiện phát triển kinh tế, cho con ăn học, xây dựng nhà cửa ổn định.
Niềm vui lớn nhất đối với bà Mười Sương là thực hiện đúng lời dạy của Bác: “Một việc thiện nhỏ mình không bỏ - mà một việc ác nhỏ mình cũng không làm” , và bà được nhìn thấy sự thay đổi từng ngày của những phận người nghèo khó.
Ngoài công tác từ thiện giúp đỡ người nghèo, người già kém may mắn, bà Mười Sương còn nhiệt tình đóng góp vật chất cho các hoạt động nhân đạo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, xây dựng giao thông nông thôn do địa phương phát động và coi đó là một phần trách nhiệm xã hội của mình.
Qua hành trình hơn 20 mươi năm gắn bó với người nghèo, bà Đặng Thị Ngọc Sương đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành cho các hoạt động từ thiện xã hội của bà. Còn phần thưởng quý giá nhất không bao giờ mất đối với bà là được mọi người gọi với cái tên triều mến “bà Mười từ thiện”. Với bà, việc mang đến niềm vui cho người nghèo là giúp lòng mình thanh thản và hạnh phúc.
Thanh Hương

Không có nhận xét nào: