Vũng xoáy cuồng yêu: |
Đừng chần chừ khi tình yêu “đổi màu” |
Copy từ http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/545585/dung-chan-chu-khi-tinh-yeu-doi-mau.html; đăng ngày 29/04/13, mục Nhịp sống trẻ . |
TT - Khi tình yêu “đổi màu” thì người trong cuộc dù là ở vị trí kẻ cuồng yêu hay nạn nhân chắc đều dễ rơi vào tình trạng mất phương hướng, lúng túng trong cách giải quyết và dễ mắc sai lầm. |
|
Khi tình yêu đổi màu, ai cũng muốn được chia tay đẹp. Tuy nhiên, nếu không được như thế, hãy nghĩ ngay đến giải pháp tránh để tình hình xấu thêm (ảnh có tính chất minh họa) - Ảnh: GIA TIẾN |
|
NST xin giới thiệu quan điểm, giải pháp tham khảo từ các luật sư, chuyên gia tâm lý và cả phụ huynh có con từng là nạn nhân của chứng “cuồng yêu”... |
Cần thiết thu thập chứng cứ |
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM), hiện nay pháp luật VN đã có những quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền lợi cũng như sự an toàn về tính mạng, sức khỏe người dân. Với các quy định của pháp luật hiện hành, theo luật sư Hậu, nạn nhân trước khi hoặc ngay khi bị xâm phạm đến sức khỏe, uy tín, nhân phẩm... ở mọi mức độ đều có thể liên hệ cơ quan chức năng để yêu cầu được hỗ trợ. |
Tương tự, luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường (phó trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM) nhấn mạnh việc nạn nhân nên liên hệ công an, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để nhận được sự hỗ trợ, can thiệp càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bà lưu ý nạn nhân nên thu thập đầy đủ các chứng cứ về hành vi xâm phạm để cơ quan chức năng có cơ sở xử lý người vi phạm. |
“Pháp luật VN có nguyên tắc là chưa xử lý đối với những cá nhân mà sự vi phạm chưa được thể hiện bằng hành vi cụ thể, chỉ mới tồn tại dưới dạng suy nghĩ, ý định. Do đó mà người cần bảo vệ, giúp đỡ chưa nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cơ quan chức năng” - luật sư Hậu nói. |
Dẫu vậy, cả hai luật sư đều có nhận định chung rằng luật quản chế, cách ly, khung hình phạt cho tội đe dọa ở VN vẫn còn những điều cần xem xét. “Chiếu theo Bộ luật hình sự VN, điều 103 thì tội đe dọa giết người ở VN cao nhất là 7 năm tù trong khi ở các quốc gia khác có mức độ răn đe cao hơn. Cụ thể, ở Anh với tội danh trên có thể bị kết án tới 15 năm tù, ở Úc là 10 năm tù... Và những nạn nhân của hành vi đe dọa dù chỉ dừng lại ở lời nói thì tính mạng của họ cũng được bảo vệ tuyệt đối ngay lập tức” - luật sư Hường cho biết. |
Không nên im lặng |
“Một số cá nhân không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cho rằng yêu đương thì có ghen tuông là chuyện bình thường nên ngại làm ầm ĩ khiến công tác bảo vệ nạn nhân gặp khó khăn, càng kích thích kẻ cuồng yêu có những hành vi ngông cuồng hơn” - luật sư Hường nhìn nhận. Chính vì vậy, bà nhấn mạnh: nạn nhân tuyệt đối không nên âm thầm chịu đựng một mình. |
Đứng từ góc độ chuyên môn, ThS Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) cho rằng trong trường hợp luật hạn chế sự tiếp xúc ở những người có thể gây hại đến người khác chưa được chú trọng tại VN thì nạn nhân nên tìm đến những giải pháp như: chia sẻ mọi chuyện cùng người thân, tìm đến các chuyên viên tâm lý để có liệu pháp tâm lý ổn định, tìm lời khuyên... |
Bà N.A. (59 tuổi, Q.1, TP.HCM), người từng có con gái rơi vào trường hợp bị cuồng yêu, là một trường hợp của việc “hóa giải” thành công vấn đề từng tưởng chừng như vô vọng. |
Khi con gái bị người yêu tên P. hành hung, tra tấn tinh thần lẫn thể xác vì ghen tuông trong thời gian dài, sau khi gia đình đã thử mọi cách mà không hiệu quả, bà cùng chồng tìm gặp gia đình P. và phát hiện ra “điểm yếu” của P. là rất thương cha. Thông qua những lần hẹn trò chuyện cùng P., bà vừa khuyên răn vừa “dọa” P. rằng nếu mọi chuyện vỡ lở thì tính mạng của cha P. sẽ bị ảnh hưởng với căn bệnh tim trong người. “Dù kẻ cuồng yêu là ai, đã là người đều có nhân tính. Tôi và gia đình P. đã chọn giải pháp nói dối về tình hình sức khỏe của cha P. để mong P. bình tâm suy nghĩ lại. Song song đó, tôi nói con gái nới dài thời gian chia tay và hiện mọi chuyện tạm ổn”, bà N.A. cho biết. |
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng phụ huynh, nhà trường phải chú ý giáo dục người trẻ về cách ứng xử trong tình bạn, tình yêu từ sớm. Bà cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền các chương trình giáo dục văn hóa ứng xử trong tình yêu song song với việc phổ cập các biện pháp chế tài nghiêm khắc để hình thành tư duy “yêu có ý thức” cho mọi người, bởi: “Chẳng nói đâu xa, từ khi đẩy mạnh truyền thông về phòng chống bạo hành gia đình thì xã hội Việt đã có những bước chuyển biến đáng kể”. |
CÔNG NHẬT |
Gợi ý một số giải pháp |
Yêu nhau là cả một quá trình thì chia tay cũng phải có thời gian. Từ khi ra quyết định đến lúc chia tay phải nỗ lực làm cho bạn mình nhận ra mấu chốt vấn đề. Tuyệt đối tránh kiểu chia tay đột ngột, vô cớ. |
Nếu khi nói lời chia tay mà bạn mình vẫn cương quyết lắc đầu, có hành động quá khích thì nên nhẹ nhàng lảng tránh (có thể gặp mặt nhưng hạn chế đi hai người, tránh đề cập đến chuyện tình cảm hoặc tìm cách kéo dài thời điểm hẹn gặp...). |
Tìm kiếm sự hỗ trợ, can thiệp từ người thân, bạn bè. |
Nếu đã thử các bước trên mà vẫn không cứu vãn được tình hình, có thể chỉ còn phương án tạm “cắt đứt” hẳn mọi liên lạc với kẻ cuồng yêu, đi xa trong một thời gian để bạn cũ nguôi ngoai. |
Trong một số trường hợp bị đe dọa đến tính mạng thì nhất thiết phải trình báo cơ quan chức năng tìm kiếm sự hỗ trợ. |
ThS tâm lý Nguyễn Hữu Long |
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét