Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

“Làm máy bay là chuyện bình thường…”

Trần Quốc Hải, Lê Văn Danh - Hai anh “Hai Lúa làm máy bay”:
“Làm máy bay là chuyện bình thường…”
Copy từ http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/120702/“Lam-may-bay-la-chuyen-binh-thuong…”.html; tin ngày 28/01/06, mục Nhịp sống trẻ.
TTO - Anh Hải và anh Danh ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh đã trở nên nổi tiếng. Nhiều lần được xuất hiện trên báo, đài, vô số người lặn lội đường xa đến thăm, vô số lời động viên đến theo đường bưu điện.
Anh Hải bảo rằng anh thích nhất lời nhận xét của tôi trong bài báo đầu tiên đề cập đến khát vọng của hai anh: “việc chế tạo máy bay đã đi vào máu của họ”...
Khi đó, tôi viết theo cảm tính sau vài lần trò chuyện, sau vài lần bắt được ánh lửa đam mê trong tia nhìn của cả hai người khi nói chuyện về máy bay. Bây giờ, sau gần hai năm câu chuyện “Hai Lúa làm máy bay” đến với công luận, cũng gần hai năm tôi theo dõi từng bước đi, lúc mạnh mẽ lúc ngần ngại, của hai người trong tiến trình làm máy bay. Và tôi thật sự hiểu được thế nào là “đi vào máu”…
Trần Quốc Hải và cái trục trực thăng dựng đứng
 
Hàng rào… hàng rào - Vượt qua… vượt qua
Chiếc máy bay thứ nhất, mười mấy năm nghiên cứu, gần sáu năm lắp vào, tháo ra, chỉnh sửa cái này, thay cái nọ, vừa thành hình thì bị tạm giữ tại trụ sở huyện đội. Trò chuyện với chúng tôi lúc đó, lạ thay, hai người lại không rối ren lên với việc cứu máy bay mà chỉ kể về nỗi khát khao chứng minh được điều ít người nghĩ tới: người Việt Nam cũng có thể làm máy bay. Những người làm báo và công luận thì lo cho cái máy bay hơn nên đã làm mọi cách: lên tiếng trên mặt báo, liên lạc trực tiếp với các cơ quan chức năng, hướng dẫn anh Hải làm đơn gửi…
Sau mười mấy ngày, cái máy bay được trả lại kèm theo yêu cầu “ngừng tất cả mọi công việc, chờ ý kiến của cơ quan chức năng”. Ba tháng sau, Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh gửi thông báo: “Phát huy sáng kiến, sáng tạo và cải tiến kỹ thuật là rất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay. Tuy nhiên hoạt động này cần phải tuân thủ pháp luật của nhà nước và những qui định hiện hành của cơ quan hữu quan. Đặc biệt, thiết bị bay có liên quan đến an ninh quốc phòng, an toàn trong vận hành thử nghiệm, các qui chế về qui tắc bay, quản lý và điều hành trong vùng trời Việt Nam… Sở đề nghị hai ông ngưng việc thử nghiệm đối với thiết bị bay do hai ông đã chế tạo ra”.
 
Đó là những hàng rào thực thể.
Những bài báo đã kéo theo hàng trăm người, hàng chục đoàn các nhà khoa học ở đủ mọi cơ quan, ban ngành đến Suối Dây. Nhiều người xuýt xoa trước chiếc máy bay, nhiều người đi vòng quanh, sờ nắn, gõ thử rồi lắc đầu ra về. Các kỹ sư, tiến sĩ, các chuyên gia về hàng không, các nhà quản lý đến, bày tỏ lòng khâm phục đối với say mê nghiên cứu khoa học của hai anh, bắt tay rồi bảo… “mà thôi đừng làm máy bay nữa, nghiên cứu cái khác đi”. Các vị luật sư tổ chức cả một buổi tranh luận, nhiều ý kiến, nhiều lời hứa hẹn giúp đỡ về mặt pháp lý. Rồi thôi. Có nhà báo đến và về viết “khoang lái máy bay của Hai Lúa trông giống cái chuồng gà”…
Những ngày ấy, anh Hải, anh Danh hoang mang lắm. Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của anh liệt kê tên, chức vụ những người đến thăm, đọc nguyên văn những văn bản vừa nhận được. Chúng tôi hỏi những người quan tâm, ai nấy đều bối rối, không biết nên làm gì để có thể giúp hai anh. Nhưng những lời động viên từ khắp nơi thì bay đến rất nhiều…
Lại một cú điện thoại, Hải gọi đến, thông báo ngắn gọn “Tụi anh sẽ bắt tay vào làm lại, làm lại hoàn toàn, kể cả việc nghiên cứu, một chiếc máy bay khác. Làm lại để sản phẩm tốt hơn, hoàn thiện hơn”.
Tôi nửa tin nửa ngờ. Chiếc máy bay kia đã tiêu tốn của hai anh hàng trăm triệu đồng, năm sáu năm mồ hôi thấm... cánh máy bay. Làm lại một chiếc máy bay nào đâu phải trò chơi xếp giấy. Ấy vậy mà hơn một năm sau, chiếc máy bay thứ hai đã thật sự thành hình…
Hải và Danh bên chiếc máy bay thứ hai đã nên vóc, nên hình mà không biết bao giờ mới được cất cánh
Đứng bên cạnh chiếc máy bay chỉ còn thiếu cặp cánh và cánh quạt, anh Hải hể hả chỉ vào từng chi tiết máy “Nghiên cứu máy bay trực thăng, tôi biết được công suất và hiệu suất của động cơ sẽ được cải thiện rất nhiều nếu máy được gắn đứng chứ không theo phương nằm ngang như thông thường. Có điều, phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật rất cao và phức tạp. Bao nhiêu đêm mất ngủ, cuối cùng chúng tôi cũng làm được”.
Nhiều nhà khoa học, những cán bộ đang nghiên cứu, chế tạo máy bay đã đến xem và hết sức ngạc nhiên trước cái động cơ đứng này. Tất nhiên, cũng có rất nhiều người tỏ ra nghi ngại vì kiểu động cơ phức tạp lại được chế tạo thủ công. Nhưng Hải vẫn tự tin “Hiện giờ tôi chưa được phép thử nghiệm, nên cũng không dám nói gì về sản phẩm của mình. Nhưng xét về lý thuyết, tôi đã thiết kế cho máy bay của mình những thông số tốt nhất có thể đạt đến: bay đường dài không cần nghỉ, tiết kiệm nhiên liệu, chịu được gió, nhiệt độ ở độ cao 3.000m. Tôi hiểu từng con ốc trong hàng ngàn chi tiết của cái máy bay này…”.
Tôi hỏi đùa “Ngủ mơ anh có thấy máy bay không?”, Hải quả quyết “Hơn như thế nữa mới làm được chứ. Cô chẳng đã phát hiện việc làm máy bay chảy trong máu chúng tôi là gì…”.
Người Việt Nam làm máy bay. Sao lại không?
Từ nhỏ, nhà ở gần sân bay, thấy máy bay lên xuống Hải cứ níu người lớn mà hỏi: máy bay này của ai, máy bay kia của ai. Câu trả lời bao giờ cũng là: của Mỹ. Thế sao người Việt Nam không có máy bay? Không ai trả lời cho Hải cả, thảng hoặc, lại được nghe “Người Việt Nam làm sao có máy bay được kia chứ”. Câu trả lời gieo vào lòng Hải một nỗi ấm ức và nuôi lớn một khát vọng…
“Hơn một năm nay, bao nhiêu người ở TP.HCM, Biên Hòa, Hà Nội, Hải Phòng kéo đến đây xem máy bay của tôi. Thấy họ ngạc nhiên, sửng sốt, nghe họ bình luận, có khen, có chê, có động viên, có ngăn cản, cảm nhận rõ họ đang nuốt vào lòng lời nhận xét là… mấy ông này không bình thường, quyết tâm làm máy bay của tôi càng được nung nấu. Ừ, thì chúng tôi làm máy bay, cũng chỉ là máy bay trực thăng, có gì ghê gớm lắm đâu mà mọi chuyện lại ầm ĩ đến thế?”, Hải thật thà giãi bày. Khắp huyện Tân Châu, hỏi nhà “ông làm máy bay” ai cũng biết. Nhiều lần đi mua vật liệu, cả chở vợ đi chợ, Hải và Danh lại bị nhận ra. Mới rồi, chương trình Chuyện lạ Việt Nam cũng xách máy quay xuống nhà…
"Làm máy bay, ừ, thì đã là gì ghê gớm...", hàng ngày, Trần Quốc Hải vẫn nghiên cứu, chỉnh sửa cái máy bay của mình như là việc vợ anh nấu cơm...
 
“Tôi nghĩ khi nào việc nghiên cứu và chế tạo máy bay ở Việt Nam được coi như bình thường thì khi đó những chiếc máy bay made in Việt Nam mới thực sự cất cánh…”. Suy nghĩ của Hải thực sự làm tôi ngạc nhiên.
Mỗi lần trên Tuổi Trẻ xuất hiện một bài, tin gì đó về việc làm máy bay của hai anh thì thư bạn đọc lại tới tấp gửi về. Khâm phục, động viên, và không ít những lá thư trong đó người viết kể về những ước mơ thật cao xa thuở bé của mình đã bị cùn mòn, rơi rớt đâu đó trên đường đời.
Đọc những lá thư ấy, thực sự thấy rằng việc chế tạo máy bay với người Việt Nam mình còn xa lắm. Câu chuyện hai người nông dân mày mò chế tạo máy bay xuất hiện đã đánh thức những giấc mơ tưởng đã ngủ yên trong lòng nhiều người.
Mặc dù đã thông báo chính thức trên mặt báo về việc nghiên cứu và chế tạo máy bay của hai anh Hải và Danh sẽ phải tiếp tục chờ ý kiến cơ quan chức năng nhưng những lời đề nghị đóng góp, giúp đỡ vẫn liên tục được gửi đến. Người gửi tài liệu, người tình nguyện chế tạo giúp các loại đồng hồ trong khoang lái, người lại gửi tiền để trợ sức…
Danh thì điềm đạm hơn, anh chầm chậm nói những lời gan ruột: “Có thể công trình tôi và Hải đã đổ bao tâm sức sẽ không bao giờ cất cánh, không bao giờ được công nhận là máy bay. Thế nhưng chúng tôi vẫn làm, đổ vào đó không chỉ mồ hôi, thời gian mà cả tài sản. Chúng tôi muốn thay đổi nếp suy nghĩ của mọi người, cởi mở những qui định của cơ quan chức năng. Hy vọng sau chúng tôi, một con đường thật rộng sẽ được mở ra cho người dân Việt Nam nghiên cứu khoa học. Người Việt Nam nào có thua kém ai”.
Vâng, tin rằng sau những năm nhọc công của các anh, máy bay sẽ trở thành gần gũi, bình dị, và là cái gì đó mà chúng ta có thể làm được. Khi đó, sẽ mơ đến cái gì hơn máy bay nữa chứ…
Ừ, biết bao giờ việc làm máy bay được người Việt Nam coi là điều bình thường?
Có chuyên viên ở cơ quan chức năng khuyên Hải nên nghiên cứu, chế tạo máy nông nghiệp. Anh lập tức chỉ ra hàng loạt sản phẩm của mình: máy bóc vỏ củ lạc, máy chăm sóc mía, máy tước vỏ mía…
Có nhà khoa học quả quyết: anh không thể làm ra được cốt máy bay, máy bay Mỹ cốt phải làm bằng vàng khối mới hoạt động được. Hải lập tức ôm cái cốt máy bay nặng 13kg ra, “tui sẽ bán cho ông với giá bằng 1kg vàng”.
Và anh giận dữ: “Tại sao người ta lại coi máy bay như một cái gì không thể với tới được? Tại sao lại nghĩ đã là nông dân thì cứ phải an phận với máy nông nghiệp?...”.
Phạm Vũ
 

Hồng Kông: Học sinh tuyệt thực chống nhồi sọ chính trị

Hồng Kông: Học sinh tuyệt thực chống nhồi sọ chính trị
Copy từ http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120831-hoc-sinh-hong-kong-tuyet-thuc-chong-nhoi-so-chinh-tri ; tin ngày 31/08/12, mục Văn hóa.
Tú Anh HỒNG KÔNG - GIÁO DỤC
Ba học sinh Hồng Kông bắt đầu một cuộc tuyệt thực ba ngày, kể từ hôm nay 31/08/2012, để phản đối dự án của chính phủ đưa chính trị vào học đường. Hàng chục học sinh đã dựng lều trước cơ quan chính quyền hỗ trợ những người tuyệt thực và cực lực phản đối « thái độ vô tâm » của lãnh đạo Hồng Kông.
Phong trào phản đối Bắc Kinh can thiệp vào đời sống Hồng Kông bước vào một giai đoạn mới. Tiếp theo cuộc biểu tình của hơn 90 000 học sinh và phụ huynh hồi tháng trước, kể từ hôm nay và trong ba ngày liên tục, ba học sinh tình nguyện bày tỏ nguyện vọng « chống nhồi sọ chính trị » bằng tuyệt thực. Theo kế hoạch của chính quyền thì bộ môn « yêu tổ quốc Trung Hoa » sẽ được đưa vào niên khóa mới này như là môn « nhiệm ý » và kể từ mùa tựu trường 2016 thì trở thành môn học bắt buộc.
Theo AFP, hàng chục học sinh đã dựng lều yểm trợ cho ba người bạn trước trụ sở chính phủ địa phương. Ngay sáng nay, lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh, được xem là người của Bắc Kinh, đã đến gặp trực tiếp với nhóm học sinh này. Một học sinh 15 tuổi nói với lãnh đạo Lương Chấn Anh là các em rất phẫn uất trước « thái độ vô tâm của chính phủ, không lắng nghe tiếng nói dân chúng ».
Ông Lương Chấn Anh sau đó đã tuyên bố với phóng viên là chính phủ « sẽ không áp đặt chương trình » và khẳng định « không có chính sách tẩy não » hay « phục vụ Bắc Kinh ». Ông giải thích, « bộ môn giáo dục quốc gia » này là nhằm mục đích « nuôi dưỡng bản sắc dân tộc và ý thức cộng đồng ».
Báo chí Hồng Kông cho biết, có rất nhiều trường học đã từ chối môn học « yêu tổ quốc » vì đây là một kế hoạch tuyên truyền nhồi sọ thế hệ trẻ Hồng Kông. Chương trình này bị chỉ trích là thiếu khách quan, hoàn toàn không đề cập đến những biến cố quan trọng xảy ra tại Hoa Lục, như phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh và cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989 hay tội ác của đảng Cộng sản Trung Quốc trong đợt cải cách ruộng đất trong thập niên 1950, những đợt hành quyết người vô tội trong Cách mạng Văn hóa và nạn đói làm chết hơn 30 triệu người trong thập niên 1960.
Ngày mai, thứ bảy 01/09/12, dự kiến sẽ có một cuộc biểu tình lớn để gây sức ép với chính quyền.
Học sinh Hồng Kông
Học sinh Hồng Kông bịt mắt, phản đối chính sách giáo dục nhồi sọ, trong cuộc biểu tình ngày 28/08/2012 REUTERS
 
Tú Anh
(Xem bài trực tiếp tại: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120831-hoc-sinh-hong-kong-tuyet-thuc-chong-nhoi-so-chinh-tri)

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Nông dân chặt điều, doanh nghiệp nhập điều thô

Nông dân chặt điều, doanh nghiệp nhập điều thô
Copy từ http://tuoitre.vn/Kinh-te/509116/Nong-dan-chat-dieu-doanh-nghiep-nhap-dieu-tho.html ; tin ngày 30/08/12, mục Kinh tế.
TT - Hơn 50% nguồn nguyên liệu điều thô dùng để chế biến tại VN được nhập khẩu. Tỉ lệ này có xu hướng tăng do diện tích điều trong nước ngày càng thu hẹp.
Nông dân Bình Phước chặt điều để lấy đất trồng các loại cây khác - Ảnh: TRẦN MẠNH
Dù xuất khẩu hạt điều của VN đứng số 1 thế giới những năm qua, nhưng hầu như không có doanh nghiệp điều nào đầu tư cho nông dân để phát triển vùng nguyên liệu trong nước.
Nông dân đua nhau chặt điều
Dọc quốc lộ 14 từ khu vực huyện Chơn Thành đổ về Đồng Xoài và Đồng Phú (Bình Phước), người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp cây điều bị chặt và chất thành từng đống nằm la liệt hai bên đường. Trên quốc lộ 14, các chuyến xe chở đầy gỗ điều còn tươi màu nhựa vẫn đều đều lăn bánh. Tại một số địa bàn khác của Bình Phước như Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản..., cây điều vẫn tiếp tục bị đốn hạ, diện tích trồng điều ngày càng bị thu hẹp.
Anh Bùi Minh Tiến (nông dân trồng điều ở xã Lộc Khánh, Lộc Ninh) cho biết từ đầu năm đến nay, giá điều bán ra cao nhất là 23.000 đồng/kg vào cuối tháng 1 nhưng kéo dài trong một thời gian ngắn, sau đó giảm dần ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 30.000 đồng/kg cùng thời điểm năm trước. “Tôi trồng 3,5ha điều nhưng thu nhập cả năm chỉ khoảng 45 triệu đồng. Cứ bám theo cây điều mãi chắc không sống nổi nên tôi phải phá bỏ vườn điều chuyển sang trồng tiêu, loại cây có thu nhập và lợi nhuận cao hơn...” - anh Tiến nói.
Cũng như anh Tiến, nhiều nông dân tại Bình Phước cho biết đã chuyển từ cây điều sang cây tiêu, cao su hoặc một số loại cây trồng khác có thu nhập tốt hơn, lợi nhuận cao hơn sau một thời gian dài theo cây điều. Anh Điểu Tuấn (xã Phước An, huyện Hớn Quản) cho biết toàn bộ diện tích trồng điều của anh đã chặt từ sau vụ mùa và chuyển sang trồng cao su. “Vốn đầu tư cho cây cao su cao hơn nhưng cho thu nhập cao hơn, lợi tức cũng tốt hơn” - anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Tới, giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước, cho biết khó kiểm soát việc nông dân chặt điều chuyển qua trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. “Doanh nghiệp mua điều thông qua các thương lái hoặc nhà chế biến nhỏ chứ không mua trực tiếp của dân, do vậy nông dân thường xuyên bị thương lái ép giá. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi người trồng điều đang phá bỏ cây trồng mà họ gắn bó nhiều năm qua” - ông Tới nói.
Số liệu thống kê của các địa phương trồng điều cho biết trong sáu tháng đầu năm 2012, tổng diện tích cây điều đang cho hạt tiếp tục giảm hơn 15.000ha (5%) so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, do năng suất cây điều giảm mạnh, sản lượng điều niên vụ này đã giảm hơn 10% so với năm trước, chỉ đạt gần 265.000 tấn. “VN có nguy cơ rơi từ vị trí thứ ba xuống vị trí thứ tư trong số những quốc gia có diện tích và sản lượng điều thu hoạch lớn nhất thế giới” - một lãnh đạo Hiệp hội điều VN (Vinacas) thừa nhận.
Doanh nghiệp tăng nhập điều thô
Trong khi nông dân đua nhau chặt điều, các doanh nghiệp chế biến nhân điều xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu. Theo báo cáo phương án kế hoạch kinh doanh của ngành điều VN vào tháng 3-2012, Vinacas dự báo sản lượng điều trong nước năm 2012 đạt 300.000 tấn. Cùng với 200.000 tấn tồn kho của năm 2011, các doanh nghiệp chế biến điều phải nhập khẩu thêm 300.000 tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, do mất mùa nên sản lượng điều thực tế chỉ đạt trên 265.000 tấn, Vinacas đã điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu điều thô lên 400.000 tấn.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết tính đến ngày 15-8, đã có xấp xỉ 215.000 tấn điều được nhập khẩu vào VN qua đường chính ngạch. Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Đồng Nai khẳng định con số trên chưa phản ánh đúng thực tế tình hình nhập khẩu và chế biến hạt điều thô trong nước, vì đã có một lượng hạt điều thô được nhập khẩu vào VN từ cuối năm 2011 về nằm tại các kho ngoại quan, đến đầu năm 2012 mới được đưa về để sản xuất. Các doanh nghiệp xuất khẩu điều cũng thừa nhận chỉ cần giá xuất khẩu tăng lên là người ta sẽ ùn ùn nhập về trở lại.
“Có những doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhưng từ đầu năm đến nay hầu như chỉ toàn dùng điều nhập khẩu” - một chuyên gia ngành điều bức xúc. Theo chuyên gia này, những năm trước đây các doanh nghiệp ngành điều đều mua hạt điều thô trong nước để dự trữ trước rồi mới tính chuyện nhập khẩu. Nếu bị khách hàng bán điều thô nước ngoài ép giá thì doanh nghiệp có hàng sẵn trong kho để công nhân làm việc. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp hầu như không còn chú trọng mua điều thô trong nước mà để các thương lái và lò chẻ địa phương, còn mình nhập khẩu về chế biến.
Giải thích xu hướng sử dụng nguyên liệu điều thô nhập khẩu ngày càng tăng thời gian qua, giám đốc một doanh nghiệp ngành điều cho rằng do giá điều trong nước cao hơn giá điều Campuchia và châu Phi, việc nhập khẩu điều thô về chế biến sẽ có lợi hơn.
Ông Nguyễn Đức Thanh, phó chủ tịch Vinacas, cho biết tổ chức này đang lên một chương trình liên kết doanh nghiệp với người dân để giữ diện tích và sản lượng điều trong nước. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng nên còn phải xây dựng và lấy ý kiến trước khi đưa vào thực tế” - ông Thanh thừa nhận. Trong khi đó theo ông Tới, Vinacas mới chỉ là hiệp hội của những nhà chế biến xuất khẩu chứ không phải là của người trồng điều nên tổ chức này thực tế chẳng quan tâm đến chuyện liên kết hay hỗ trợ nông dân trồng điều.
 
TRẦN MẠNH - NGỌC QUÝ

Đình chỉ chức vụ trưởng ban quản lý di tích chùa Trăm Gian

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu:
Đình chỉ chức vụ Trưởng ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian
Copy từ http://www.anninhthudo.vn/Thoi-su/Dinh-chi-chuc-vu-Truong-ban-Quan-ly-di-tich-chua-Tram-Gian/462632.antd ; tin ngày 30/08/12, mục Thời sự.
ANTĐ - Chiều qua, 29-8-12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chủ trì cuộc họp giữa các bên liên quan nhằm xem xét trách nhiệm của các cá nhân trước sự việc tu bổ sai nguyên tắc, sai quy trình tại chùa Trăm Gian.
Gác chuông, một trong những công trình kiến trúc cổ còn lại của chùa Trăm Gian
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu đình chỉ chức vụ Trưởng ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra phương án phục hồi nguyên trạng.
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL Hà Nội, ngày 13-4-2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có Quyết định số 162/QĐ-KHĐT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Tu bổ tôn tạo di tích chùa Trăm Gian, giao Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư Dự án. Các thủ tục đã được Sở VH-TT&DL hoàn thành, và được Cục Di sản Văn hóa thỏa thuận tại Văn bản số 425/ DSVH-DT ngày 12-7-2010. Đến tháng 9-2011, UBND huyện Chương Mỹ đã tiến hành kiểm tra chùa và xác định, các hạng mục nhà Tổ, thượng điện và gác Khánh đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến khách thập phương, nhất là trong mùa mưa bão.
Song, trong năm 2011 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội chưa bố trí được kinh phí đầu tư nên từ đó đến nay chưa thể triển khai. Sở VH-TT&DL cũng cho rằng, di tích nằm trên địa bàn nào không có nghĩa là thuộc quyền sở hữu của địa bàn đó. Chính vì vậy sư trụ trì Thích Đàm Khoa ở chùa Trăm Gian không có quyền được ứng xử với di sản như là của mình. Việc làm của sư Thích Đàm Khoa sai quy trình, trái Luật Di sản văn hóa.
Thiệt hại về di sản cũng đã rõ, đặc biệt là gây hậu quả xấu trong xã hội, tổn hại đến di sản. Sự việc diễn ra trong cả thời gian dài, chính quyền địa phương cũng không báo cáo, điều này thể hiện sự yếu kém trong quản lý, thiếu ý thức trách nhiệm. Sở VH-TT&DL Hà Nội nêu rõ di tích chùa Trăm Gian đã được UBND TP Hà Nội phân cấp cho UBND huyện Chương Mỹ trực tiếp quản lý tại quyết định ngày 2-3-2011. Do đó, Sở VH-TT&DL Hà Nội cho rằng: “Sở không phải là quản lý trực tiếp của di tích” nên chỉ nhận khuyết điểm về việc “chưa có biện pháp xử lý kịp thời khi di tích có dấu hiệu bị đổ do mưa bão”.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu đình chỉ chức vụ Trưởng ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian, trong thời gian tới Sở VH-TT&DL Hà Nội phải phối hợp cùng Cục Di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh, bậc cấp lên sân tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa những cấu kiện cũ.
Cũng liên quan đến sự việc đáng tiếc xảy ra ở chùa Trăm Gian, vào chiều nay, 30-8, Sở VH-TT&DL Hà Nội dự kiến sẽ thông báo rộng rãi về nguyên nhân, trách nhiệm của các bên, cũng như phương hướng xử lý. Sự việc ở chùa Trăm Gian một lần nữa cho thấy sự yếu kém trong quy trình, quản lý và tu bổ di tích lâu nay vẫn tồn tại, bàn đi bàn lại mà vẫn chưa có cách khắc phục. Vụ vi phạm sau, bao giờ cũng khủng khiếp hơn những vi phạm trước. Di sản kiến trúc cứ mất dần đi trong sự tiếc nuối của những người hiểu và yêu di sản.
Quỳnh Vân

Trách nhiệm của ai?

Chệch choạc giữa đào tạo và tuyển dụng:
Trách nhiệm của ai?
Copy từ http://tuoitre.vn/Ban-doc/509160/Trach-nhiem-cua-ai.html ; tin ngày 30/08/12, mục Bạn đọc.
TT - Hơn 1.400 cử nhân sư phạm tại TP.HCM không tìm được chỗ dạy ở trường công sau đợt tuyển dụng giáo viên (GV) đầu năm học 2012.
Phía sau nỗi thất vọng vì thất nghiệp của họ là con số lãng phí khổng lồ từ việc đầu tư đào tạo GV.
Nhận giấy giới thiệu phân công
Giáo viên trúng tuyển nhận giấy giới thiệu phân công nhận nhiệm sở sáng 28-8 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức - Ảnh: NHƯ HÙNG
Con số này mới tính số ứng viên cho bậc THPT, chưa tính hàng trăm người bị loại khỏi kỳ tuyển dụng GV THCS ở các quận, huyện.
Đào tạo lệch pha
Nhiều hiệu trưởng trường THCS đã không khỏi bức xúc trước con số này. Thông tin từ phòng tổ chức Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: nhu cầu tuyển dụng GV ở trường tư và nhu cầu tuyển giám thị, nhân viên thiết bị - thư viện cũng đã bão hòa. Điều này có thể đúng ở bậc THPT. Trong khi hầu hết các trường THCS đang đau đầu không biết tìm đâu ra những người làm công tác giám thị. Theo hướng dẫn từ sở, cứ sáu lớp phải có một giám thị, tìm cho đủ giám thị đã khó, tìm người có chuyên môn sư phạm lại càng khó hơn.
Càng xót xa khi có ứng viên tha thiết xin được làm giám thị, nhân viên ở trường công nếu không được tuyển dụng làm GV. Có một việc làm trong nhà trường, đó là nguyện vọng chính đáng của những ai đã theo học sư phạm. Các trường sư phạm không có ngành nào đào tạo giám thị trường học.
Nay yêu cầu trường tuyển giám thị có sư phạm, thử hỏi trường biết tuyển từ đâu? Trong khi hàng ngàn con người bị gạt ra sau một mùa tuyển dụng. Vì sao không có sự linh động, chẳng hạn như sở và các phòng GD-ĐT có thể họp những ứng viên chưa trúng tuyển để tuyển họ làm giám thị (nếu họ có nguyện vọng)?
Đây là một minh chứng cho sự chệch choạc giữa đào tạo và tuyển dụng ngành sư phạm. Trong khi hàng nghìn người được đào tạo CĐ, ĐH sư phạm ra trường thất nghiệp, ngành giáo dục khắp nơi phải đi “vét” những người chỉ có bằng trung cấp cho bậc tiểu học và mầm non. Tình trạng này diễn ra ở nhiều tỉnh thành, trong nhiều năm qua. Các tỉnh ĐBSCL còn thiếu hơn 2.200 giáo viên mầm non.
Mỗi tỉnh thiếu hàng trăm trong khi người tốt nghiệp sư phạm hằng năm ra trường chỉ ở con số hàng chục. Những số liệu thiếu GV bậc mầm non cũng chỉ mới thống kê ở trường công lập, các nhóm trẻ, trường tư còn phải “xếp hàng” chờ GV. Ngành giáo dục đã có kế hoạch mầm non đối với trẻ 5 tuổi nhưng chưa có kế hoạch cụ thể đào tạo GV cho việc này.
Sự “lệch pha” giữa đào tạo và tuyển dụng GV còn thể hiện ở sự thiếu kết nối giữa trường sư phạm ngành giáo dục địa phương. Ngành giáo dục TP.HCM mỗi năm thiếu hàng nghìn GV mầm non, tiểu học, phải chật vật tìm GV từ nhiều năm qua, tuyển đối tượng tạm trú nhưng vẫn thiếu. Trong khi tại Trường ĐH Sài Gòn, vốn là “lò” đào tạo GV cho TP, chỉ tiêu đào tạo GV mầm non và tiểu học chỉ khiêm tốn ở mức khoảng 1/5 so với nhu cầu số GV thiếu hụt hằng năm.
Chưa có giải pháp hiệu quả
Sư phạm là một nghề đặc biệt. Xã hội cần những con người ưu tú nhất, yêu nghề nhất, có phẩm chất phù hợp nhất với nghề dạy học. Chính vì vậy mới có chính sách miễn học phí khuyến khích người học sư phạm. Những cử nhân sư phạm không được tuyển dụng hôm nay, họ đã từng ký cam kết ở lại với nghề, từng ấp ủ hoài bão đứng trên bục giảng. Phía sau nỗi thất vọng vì thất nghiệp của họ là con số lãng phí khổng lồ từ việc đầu tư đào tạo GV nhưng không tuyển dụng được. Và bậc CĐ, ĐH thời gian đào tạo dài hơn, tốn kém hẳn nhiên sẽ nhân lên gấp bội. Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?
Cứ mỗi đầu năm học lại rộ lên câu chuyện tuyển dụng GV, luẩn quẩn nơi thừa nơi thiếu. Nơi thiếu phải hạ chuẩn đến thấp nhất. Có nơi râm ran chuyện giáo sinh phải tìm cách “chung chi” với hi vọng được đứng trên bục giảng. Sư phạm là nghề trồng người. Không thể để xã hội tự điều tiết chuyện khủng hoảng thiếu và thừa này. Không ai thống kê, công bố thông tin nhu cầu mỗi tỉnh thành thiếu bao nhiêu GV, thiếu ở bậc học nào. Người đi học sẽ mù thông tin, không có cơ sở chọn nghề đúng nhu cầu xã hội.
Chuyện thừa và thiếu GV đã được bàn thảo rất nhiều trong các cuộc họp cấp bộ, thứ trưởng, bộ trưởng và cả phó thủ tướng cũng đã nhiều lần có ý kiến. Có quá thừa thông tin nguyên nhân, thực trạng này nhưng chưa có giải pháp hiệu quả. Cũng như chưa có ai xắn tay giải quyết sự bất nhất trong đào tạo và tuyển dụng GV. Cả nước có 133 cơ sở có đào tạo sư phạm, hầu hết các tỉnh thành đều có trường sư phạm của địa phương mình nhưng vẫn không thể chủ động được đầu vào và đầu ra đào tạo nhân lực sư phạm. Điều này không thể trách người đi học.
Cần giải pháp cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo sư phạm theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Có dự báo thông tin đầy đủ về nhu cầu tuyển dụng GV, cũng có giải pháp quản lý tốt hơn từ chương trình và phương pháp đào tạo GV... Nhiều giải pháp về đào tạo sư phạm đã được bàn thảo tại hội thảo
“Các giải pháp cải cách công tác đào tạo và bồi dưỡng GV phổ thông” do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, chủ trì tại ĐH Sư phạm TP.HCM mới đây. Trên tất cả, theo các ý kiến từ hội thảo này, giải quyết khủng hoảng nhân lực ngành sư phạm không phải ở chỗ chúng ta sẽ làm gì, không phải chúng ta bó tay không làm được mà điều quan trọng là có ai muốn làm, muốn giải quyết rốt ráo vấn đề này không?
 
HỒNG HÀ

Tội ác không thể dung thứ

Tội ác không thể dung thứ
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/509150/Toi-ac-khong-the-dung-thu.html ; đăng ngày 30/08/12, mục Thời sự - suy nghĩ.
TT - Loạt bài điều tra “Biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu” công phu trên báo Tuổi Trẻ đã bóc trần đường dây sản xuất xăng dầu dỏm quy mô lớn, đồng thời làm lộ ra lỗ hổng cũng rất lớn trong quản lý nhà nước về xăng dầu vốn lâu nay đã làm tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Ngang nhiên, trắng trợn, thách thức pháp luật, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức... là những từ ngữ mà chúng ta cần phải dùng để chỉ những kẻ sản xuất và tiêu thụ xăng dầu dỏm. Vì lợi nhuận, những người này đã bán rẻ lương tâm của mình, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng và xã hội. Chưa ai thống kê được trong số hàng ngàn chiếc xe cơ giới bị cháy nổ, có bao nhiêu xe đã sử dụng xăng dầu từ những cơ sở chế biến tương tự như cơ sở mà báo Tuổi Trẻ đã phanh phui.
Dưới góc độ của những người nghiên cứu khoa học, chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh cần phải coi nhiên liệu là thủ phạm số 1 gây cháy nổ xe. Nay với chất lượng xăng dầu trôi nổi không được kiểm soát như vậy, có thể nói thủ phạm đã lộ mặt.
Hệ quả có thể thấy ngay được là xăng dầu dỏm không đáp ứng đủ các tiêu chí đã quy định, hằng ngày được tuồn ra thị trường với số lượng lớn là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tuổi thọ các thiết bị và gây ô nhiễm môi trường. Đây là một thứ tội ác mà chúng ta không thể dung thứ. Sự tồn tại của những cơ sở sản xuất hàng dỏm này đang hằng ngày gây bất an cho xã hội và làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng.
Với những chứng cứ rõ ràng và các đối tượng, địa chỉ cụ thể mà báo Tuổi Trẻ đã nêu, là một đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc. Thái độ của chúng ta là phải đấu tranh rất mạnh mẽ, nghiêm khắc, buộc những kẻ sản xuất xăng dầu dỏm phải chịu trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng, nếu đủ căn cứ thì phải khởi tố để răn đe. Ngoài đường dây sản xuất xăng dầu dỏm mà báo nêu, trên đất nước ta còn bao nhiêu đường dây như thế nữa? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng trả lời.
Chắc chắn người tiêu dùng rất biết ơn các phóng viên báo Tuổi Trẻ đã kiên trì, dũng cảm, không ngại nguy hiểm để vào tận “sào huyệt” của những kẻ thách thức pháp luật. Và chắc hẳn, người tiêu dùng cũng bày tỏ sự bức xúc và đòi hỏi trách nhiệm từ các cơ quan quản lý. Việc sản xuất, chế biến xăng dầu dỏm diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, tại một TP đông người và đây là việc làm không dễ che giấu. Vậy xin hỏi các cấp chính quyền ở đâu, ngành công thương đâu, quản lý thị trường đâu và công an ở đâu? Tại sao lại làm ngơ trước vi phạm trắng trợn như vậy? Nếu các cơ quan chức năng nói rằng họ không biết thì có thể khẳng định rằng họ buông lỏng quản lý, vô trách nhiệm trước lĩnh vực mình được phân công. Cần phải làm rõ rằng có ai tiếp tay cho những người làm xăng dầu dỏm này không?
Cùng thời điểm nạn sản xuất xăng dầu dỏm bị phanh phui, dư luận cũng rất bức xúc trước tình trạng hàng loạt cửa hàng xăng dầu găm hàng, đợi tăng giá. Hiện tượng này cho thấy các doanh nghiệp phân phối xăng dầu coi thường pháp luật, thách thức dư luận, gây sức ép lên cơ quan quản lý và hậu quả là gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ai phải chịu trách nhiệm trước thực trạng này? Xin đề nghị bộ trưởng Bộ Công thương trả lời. Đừng để người dân kết luận rằng để xảy ra tình trạng xăng dầu dỏm là do công tác quản lý dỏm.
 
PGS.TS BÙI THỊ AN (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội). LÊ KIÊN ghi

Giám định phận người

Giám định phận người
Copy từ http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhandam/2012/8/56152.cand ; đăng ngày 0/08/12, mục ANTG cuối tháng > Nhàn đàm.
Thi thoảng, người ta lại đưa nhau ra Tòa để xin ly hôn. Đời sống hôn nhân như gió mưa trái mùa, người trong cuộc mới am tường cặn kẽ. Từ chối mối lương duyên được gọi là phúc phận ba sinh, hẳn ai mà không đau lòng. Có hàng nghìn lý do để người ta ly hôn. Thế nhưng, lý do đau đớn nhất vẫn là… người cha phát hiện ra người bấy lâu họ tưởng là huyết thống cốt nhục lại không phải con ruột của mình. Dứt lòng quên nghĩa, họ muốn ra đi. Đi như để trốn tránh, đi như để lãng quên.
1.
Rượu cạn, bảo thôi anh em mình về, trời khuya mà em còn nhiều việc. Anh gạt tay, mỏi mệt. Nghe anh kể hết câu chuyện này. Anh đang buồn.
Anh nói, anh mới bí mật gửi mẫu máu của con trai mình đến Bệnh viện Truyền máu và Huyết học để xem cậu nhóc có phải là huyết thống của anh không. Kết quả, đúng như anh dự tính và sợ hãi bấy lâu, cậu nhóc không phải là con ruột của anh. Anh suy sụp hoàn toàn.
Bỏ vợ, thì anh không nỡ. Vì anh còn thương. Chối con, anh lại càng không làm được. Vì nhiều năm nay, đó là niềm vui sống của anh.
Tôi hỏi, mắc mớ gì đâu mà anh lại đi làm hành động dại dột ấy. Anh hắt hiu, người ta cứ xầm xì hoài. Nhiều lúc, anh ẵm con trai vào phòng tắm, hai cha con áp mặt nhìn nhau soi vào gương, anh không thấy con trai anh có điểm tương đồng nào với anh.
Tôi lặng im, anh thở dài.
Anh là trí thức, chị cũng trí thức. Anh thân với tôi ngày tôi còn là sinh viên, bông phèng bạt mạng.
Anh chị yêu nhau hơn sáu năm thì thành chồng thành vợ. Anh làm lắm tiền, đủ để chị muốn gì có đó. Lấy nhau được hơn năm, thì chị mang thai. Anh mừng, còn hơn sắp phá sản lại trúng số độc đắc cặp nguyên.
Nghe ai mách, phụ nữ có thai ăn cái này cái kia sẽ tốt cho thai nhi, anh đều làm theo.
Anh mua yến về, tỉ mỉ ngồi nhặt lông tơ, chưng cất rồi bưng bê đút từng muỗng nhỏ cho chị.
Anh đặt mua trứng đà điểu tận Nam Phi để chị tẩm bổ.
Anh tự đi chợ, lựa cá chép tươi về nấu cháo cho chị ăn để an thai.
Con trai chào đời, anh cười tít mắt. Ngồi đâu anh cũng nói về con trai, tưởng tượng về cái ngày mà anh được ngồi sui với người ta. Rồi anh sẽ về hưu, ở nhà chăm cháu nội.
Anh em ngồi với nhau, có điện thoại, thấy anh vội vã gọi tính tiền, đứng bật dậy. Hiểu là chị ở nhà, bấm số điện thoại của anh, cho con trai nói chuyện.
Ánh mắt bên lá xanh
Bỏ vợ, thì anh không nỡ. Vì anh còn thương.
Con trai hắt hơi, sổ mũi hay nổi mẩn đỏ, anh đưa vào Bệnh viện Nhi. Nhấc máy điện thoại, gọi hết chỗ này đến chỗ kia để nhờ vả. Gặp bác sĩ nào cũng khúm núm, dạ dạ vâng vâng, nhìn thảm không có lời nào tả xiết.
Thoắt cái, mọi sự đã khác.
Tôi nói với anh, có lần anh em mình tếu táo với nhau, hành động ngu xuẩn nhất của mỗi ông bố là mang con đi xét nghiệm AND để khẳng định đó có thật là con của mình hay không, anh nhớ không.
Anh trả lời, có nhớ.
Nhớ thì sao anh lại làm… Thêm lần nữa, lặng im.
Anh hỏi, giờ anh phải làm sao hả em.
Quên được không?
Không quên được.
Ám ảnh rồi phải không?
Ừ.
Nhưng kết quả xét nghiệm khoa học, chưa bao giờ là chuẩn xác 100%.
Biết là vậy, nhưng kết quả xác tín sự hồ nghi của anh.
Nói với chị điều này chưa?
Chưa. Đau lòng quá. Không biết nói làm sao.
Ừ, thôi thì đừng nói nữa. Cố mà xem như không có chuyện gì xảy ra.
Anh không thể.
Không thể thì cũng phải có thể. Thằng nhóc không có lỗi gì. Không được phép để nhóc có mặc cảm.
Anh hiểu.
Hiểu là được.
Thời khắc nặng nề trôi qua. Anh ngồi yên ắng như tượng đá, khói thuốc trắng một góc đường. Không biết khuyên nhủ nhau làm sao, cũng không biết trách móc nhau làm sao.
Rượu rót đều tay, uống hoài vẫn tỉnh.
Tuổi thơ
2.
Đàn ông vẫn vậy. Sự ám thị của huyết thống bao giờ cũng choán hết tâm tưởng.
Có ai không một lần ngồi nghĩ ngợi lung tung, có phải thật là cốt nhục của ta không? Như cái kiểu vẫn hay đùa, chỉ có vợ và bà ngoại là không bao giờ thắc mắc về nguồn gốc của đứa trẻ. Còn lại, mọi sự đều có thể xảy ra.
Tôi đi công tác Bạc Liêu về đến Sài Gòn là 5 giờ sáng. Chiều, nhà bảo có vẻ nhà chuyển dạ. Vội vã đưa nhà vào bệnh viện. Cũng bấn loạn, cũng gọi điện thoại tứ tán khắp nơi để nhà có một chỗ nghỉ ngơi tử tế.
Bệnh viện dịch vụ, chất lượng không kém khách sạn cao cấp là mấy. Vậy mà, vẫn cứ lo.
Đúng một tuần sau hôm chuyển dạ, con trai mới ra đời. Con trai nằm trên bàn tắm cho trẻ sơ sinh, da có nhiều bợn trắng, mắt nhắm nghiền. Nhìn tự dưng bật khóc, nước mắt cứ trào ra.
Con trai ra đời, mới thấy thương nhà hơn.
Nhà ngày xưa, xinh tươi, nhìn như phụ nữ Nhật Bản.
Có con, cả ngày nhà chỉ lo làm sao để có được nhiều sữa cho con trai. Quần áo không cần quan tâm, tóc tai khi nào cũng rũ rượi. Người nhà lúc nào cũng có cái mùi ngái ngái của sữa, của phụ nữ làm mẹ. Có khi tìm hoài, mà không ngửi được mùi hương ngày còn yêu nhau.
Con trai, như một sự cứu rỗi. Mỗi khi tuyệt vọng, mệt mỏi hay thất vọng, về nhà nhìn con trai cười, lập tức lãng quên mọi thứ.
Nhạc sĩ viết, yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Hóa ra, nhạc sĩ không biết rằng, chỉ có con trai mới đủ sức làm lòng ta từ bi.
Ở đâu, làm gì cũng nghĩ đến con trai.
Đi công tác, nhớ con trai đến quay quắt.
Bước ra khỏi nhà, là lo không biết con trai ở nhà có được chăm sóc chu đáo không.
Con trai, đủ sức khiến mình quên đi những vuốt ve danh vọng.
Bạn hay nói, mày cuồng con.
Thay vì trả lời, chỉ đáp, khi nào có con mày cũng sẽ vậy.
Không có gã đàn ông nào, chưa làm bố lại có thể hiểu về cảm giác được làm bố thiêng liêng đến mức nào.
Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện, sẽ giám định xem con trai có thật là cốt nhục của mình không.
Có thì sao, không thì sao… Điều này không quan trọng.
Quan trọng là, sáng mở mắt, được nhìn thấy con trai mỉm cười.
Đi làm về, ôm con trai vào lòng, con trai miệng tròn hôn lên má.
Tối được vỗ lưng cho con trai ngủ.
Con trai mang họ mình, là con trai của mình.
Con trai là cuộc đời của mình, là hạnh phúc của mình, là niềm tin của mình.
Mọi thứ có thể thay đổi, nhưng con trai, mãi mãi là con trai của mình. Không ai có thể dứt con trai ra khỏi vòng tay, ra khỏi sự yêu thương của mình.
Cái gì là xét nghiệm, cái gì là giám định AND chứ.
Vứt toàn bộ những thứ ấy vào nơi nó đáng thuộc về đi.
3
Tôi nói dứt câu, anh bảo, giá mà anh nghĩ được như em.
Có lúc, anh đã nghĩ như em, nhưng không hiểu sao, anh lại làm như vậy.
Không phải, ôm con trai vào lòng, đi dạo trong hẻm, ẵm con trai ra phố, chỉ cho con trai xe cộ qua lại, người cười nói là hạnh phúc sao?
Không phải, cõng con trai trên vai, đi vào thảo cầm viên, có nhiều cây xanh, nói cho con trai nghe đây là con khỉ, kia là con nai… là hạnh phúc sao?
Không phải, kéo quần con trai, mình ngồi chồm hổm, miệng kêu sì sì cho con trai tiểu... là hạnh phúc sao?
Không phải, tay vỗ nên tiếng, miệng cười khích lệ, con trai ba bò giỏi, con trai ba đứng hay... là hạnh phúc sao?
Không phải ngồi với bạn bè, sau này mày có con gái, nếu con gái mày xinh, tao sẽ suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ sui gia... là hạnh phúc sao?
Không phải đi làm về, vứt ba lô, khóa điện thoại, con trai cất tiếng gọi ngọng nghịu ba, ba... là hạnh phúc sao?
Không phải mỗi sáng, thay áo cho con trai, gùi áo đưa vào mũi ngửi mùi con trai... là hạnh phúc sao?
Không phải dúi miệng vào bụng con trai, chọc cho con trai cười nắc nẻ, nước dãi nhiễu xuống ngực áo... là hạnh phúc sao.
Không phải khai nhân thân, mục con, ghi tên con trai, ngày sinh tháng đẻ của con trai... là hạnh phúc sao?
Không phải nghĩ về ngày nắm tay con trai, đưa con trai đến trường, dạy cho con trai học bài...là hạnh phúc sao?
Còn rất nhiều thứ hạnh phúc không tên khác mà chỉ có con trai mới mang lại được cho mình.
Vậy thì, cứ khư khư cái kết quả xét nghiệm để ám ảnh giấc mơ, để hoảng hốt đêm về, để ngày suy nhược.
Để nhìn con trai như gần như xa.
Để nhìn chị lòng đau mắt ướt.
Có hạnh phúc hay không, có vui sướng hay không?
Duyên kiếp tiền định cho con trai bước vào nhà mình, gọi mình là ba, bấy nhiêu đã đủ đầy.
Cần gì phải xét nét đến mức cuồng tín cái chuyện tào lao, con trai từ đâu ra.
Con trai sinh ra là để được yêu thương, chăm bẵm, dạy bảo.
Con trai hồn nhiên bước vào đời mình, để mình giang tay rộng mở chào đón con trai...
Con trai không hiện hữu, để tạo nên sự nghi ngờ danh phận.
Anh hiểu điều tôi muốn nói với anh không?
Con trai, dẫu thế giới này có thể thay đổi, thì vẫn cứ là con trai anh.
Cứ hôn con trai như anh đã từng hôn.
Cứ ôm con trai như anh đã từng ôm.
Cứ yêu con trai như anh đã từng yêu.
Cuộc sống dài và nhiều bất trắc, đừng để cái bản giám định vô giác vô tri thay đổi một phận người.
Con trai vẫn ở đấy, chờ anh...
Đừng khóc với tôi, nếu con trai rời xa anh, theo cái cách mà anh đang muốn thực hiện.
Cái cách ấy, tàn nhẫn và dại dột lắm.
Có ai lại đi giám định một phận người bao giờ?
Ngô Nguyệt Lãng

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Ôm con khóc tiễn vợ lấy chồng Đài Loan

Đa đoan phận gái miền Tây-Kỳ 6:
Ôm con khóc tiễn vợ lấy chồng Đài Loan
Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/86108/om-con-khoc-tien-vo-lay-chong-dai-loan.html ; tin ngày 28/08/12, mục Xã hội.
VietNam.net- “Úi, con bé này ngộ quá, lớn chút nữa lấy chồng Đài Loan được à nghen!” – Đây là câu khen cửa miệng của người dân miền Tây ở các vùng nông thôn. Gần đây, câu cửa miệng này được “update” thêm: “Lấy Hàn Quốc được à nha”
Đi tìm “gái Nha Mân”
Theo câu ca dao “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh; Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”, chúng tôi tìm về Nha Mân, đây là một xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cách thị xã Sa Đéc (nay là TP Sa Đéc) chừng 15 km.
Các cụ già kể rằng, ngày xưa con gái Nha Mân “chảnh” lắm vì có vẻ đẹp dịu dàng, đoan trang.
Nhà trai quanh vùng có được con dâu Nha Mân vô cùng hãnh diện với thiên hạ. Nhiều ông bà chủ tận Cần Thơ, Long Xuyên, Bạc Liêu cậy người mai mối để cưới cho được con dâu Nha Mân.
Nha Mân
Nha Mân - địa danh gắn với người đẹp vùng ĐBSCL. Ảnh minh họa
 
Thương hiệu “gái Nha Mân” vang bóng một thời nay chỉ còn trong câu ca dao và ký ức của những người lớn tuổi!
Một cán bộ xã tên Tâm thổ lộ: “Ngày xưa nước sông Tiền đi qua Sa Đéc cho người Sa Đéc nghề làm hủ tiếu khét tiếng, chảy xuống đây cho Nha Mân sinh ra những cô gái đẹp như tiên…Gái Nha Mân đi làm dâu khắp vùng sinh ra những đứa “cháu gái” Nha Mân bụ bẫm, dễ thương, lâu lâu về thăm “ngoại” Nha Mân. Còn giờ “gái Nha Mân” lũ lượt bị cơn lốc “lấy chồng Đài, chồng Hàn” cuốn đi hết rồi”...
Câu chuyện của cán bộ Tâm về nỗi lòng cay đắng của trai làng Nhà Mân mới thống thiết làm sao.
Nhiều chàng trai lên thành phố học, nghe hỏi về “gái Nha Mân” thì buồn bã trả lời rằng: “Họ (Đài Loan, Hàn Quốc) “tuyển” hết rồi, còn đâu tới mình!”.
Trai làng Nha Mân bỏ đồng bỏ ruộng đi lên thành phố kiếm công ăn việc làm, lấy vợ phương xa, xa lắm, có người lấy vợ tận miền Bắc. Tết về quê vợ vào, kể với bà con rằng miền Bắc lạnh lắm, chịu không nổi. Bà con nghe kể chuyện ở miền Bắc mà cứ như chuyện tận nước ngoài.
Nhiều người như cán bộ Tâm buồn nhất là chuyện này: Đi đám tiệc, gặp các bé gái xinh xắn, người lớn trầm trồ khen ngợi rất vô tư: “Úi, con nhỏ ngộ quá ta, ráng nuôi cho lớn lấy chồng Đài Loan nghe!”.
Ngạc nhiên nhất là ba má của bé gái rất…vui, rất tự hào! Nếu có ông bà bên cạnh, ông bà cũng… tự hào luôn!
Cán bộ Tâm nói: “Ông thấy vậy còn gì để nói nữa không? Mình mắc cỡ lắm, nhưng họ không nghĩ như mình, bởi con gái lớn lên lấy chồng Đài, chồng Hàn đồng nghĩa với “có tương lai” hơn là chồng “nội địa”!.
Chuyện không của riêng ai
Ngoài Nha Mân, ở miền Tây còn có những vùng nức tiếng có gái đẹp như Long Xuyên (tỉnh An Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Gò Công (Tiền Giang)…
Đặc biệt, vùng Gò Công có nhiều nhân vật nổi tiếng như bà Từ Dũ, là chính cung của vua Thiệu Trị, mẹ của vua Tự Đức (tên của bà được đặt cho bệnh viện phụ sản lớn nhất nước ở TP.HCM); nhà văn Hồ Biểu Chánh v.v…
Con gái Nha Mân. Ảnh minh họa
 
Đi qua Gò Công và nhiều vùng khác, bạn sẽ “ngạc nhiên chưa” khi nghe những lời khen và kiểu tự hào như vậy.
Kỹ sư thủy sản Tùng, quê ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, công tác ở tập đoàn CP của Thái Lan kể: “Em dẫn vợ và con gái về quê thăm ba mẹ và dự đám giỗ nhà nhà ông bác. Đang vui vẻ với mấy anh em thì nghe thím Tư nựng và khen con gái em: “Con nhỏ này dễ thương lắm, lớn lên lấy Đài Loan hay Hàn Quốc cho ba má bay nhờ nghen”. Vợ em nghe tức tái mặt, em nghẹn đắng cả họng. May mà kìm chế được, phải bấm vào tay vợ để vợ “thông cảm” mà giả vờ im lặng…”.
Sau chuyến về quê này, vợ chồng Tùng cãi nhau một trận ra trò, vợ Tùng tuyên bố: “Không bao giờ cho con gái về quê nội nữa sợ ảnh hưởng….”.
Tùng tê tái trong lòng vì vợ nói…quá đúng, cãi đường nào được! “Ôi quê hương…” - Tùng thốt lên cay đắng.
Lá xanh hoa tím
Ở xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long đầu năm nay xảy ra chuyện không biết nên khóc hay cười.
Anh chồng tên Tùng, gia đình khá giả nên cưới cho cô vợ rất đẹp tên Lệ. Đám cưới xong thì ba mẹ Tùng cất cho căn nhà to như biệt thự gần chợ. Tùng hành nghề phụ xe khách chạy tuyến TP.HCM - Hựu Thành.
Họ có đứa con gái xinh xắn. Năm rồi vì dính vào cá độ bóng đá, Tùng mang nợ hơn 1 tỷ đồng không có tiền trả. Bị con nợ quay đòi xử, Tùng sợ quá trốn chui trốn lủi.
Cô vợ xinh đẹp chỉ biết ở nhà chăm con nay rơi vào cảnh túng thiếu.
Một bữa nọ đang ngồi buồn so trước nhà, có bà mai mối lấy chồng nước ngoài ở xã bên ghé qua buông lời khen: “Trời ơi, con đẹp như tiên sao mà ngồi buồn vậy?”.
Lệ thật thà kể lể hoàn cảnh đang gặp, mụ mối giả bộ cảm thông, chia sẻ: “Đẹp như mày ai biểu lấy chồng nội làm chi uổng cuộc đời…”, rồi mụ ỡm ờ: “Để tao xem có thằng Đài Loan hay Hàn Quốc tốt bụng nào “giúp” mày tai qua nạn khỏi nghen”.
Lệ im lặng. Chiều hôm đó mụ mối điện thoại, gọi Lệ ra quán cà phê đầu chợ. Vào đây, Lệ gặp một ông Đài Loan cỡ tuổi ba của cô từ thành phố mới xuống.
Ông ta bị Lệ hút hồn ngay từ khi Lệ ngồi xuống. Bà mối nói nhỏ với Lệ: “Đừng nói là có chồng có con rồi nghen. Mày cứ ngồi đó cho “nó” nhìn, để mọi chuyện tao tính”.
Thế là sau đó Lệ được khoản tiền trả nợ cho chồng với điều kiện phải đi làm vợ cho người Đài Loan 5 năm! Điện thoại gọi chồng về. Vì bị xã hội đen truy đuổi, gần sáng hôm sau Tùng mới dám mò về nhà.
Nghe vợ kể lại “phương án” trả nợ, anh ta chết lặng một hồi rồi chặc lưỡi: “Không còn con đường nào khác”!
Vợ Tùng được bà mai mối đưa lên thành phố “phục hồi” lại đời con gái. Trở về nhà, bà mối căn dặn hai vợ chồng: “Vợ mày giờ đã trở thành con gái rồi nghen, tốn hết mấy chục triệu của tao. Mày không được “đụng” vào, để nó đi lấy chồng trả nợ cho mày!”.
Tùng đánh cắn răng chịu. Đêm cuối cùng vợ chồng bên nhau, Tùng rơi nước mắt.
Mấy ngày sau một đám cưới vợ Tùng với người Đài Loan diễn ra ở công viên Đầm Sen TP.HCM. Tùng ôm con gái lên thành phố tiễn vợ về xứ Đài với vai là “anh ruột”, 2 ba con khóc như mưa!
Thế là mất vợ đẹp, chỉ còn đứa con gái xinh xắn sống cảnh “gà trống nuôi con” với Tùng.
Người ở Hựu Thành kể lại: “Thằng Tùng đang hy vọng chờ đứa con gái dễ thương của nó lớn lên. Gả cho Đài Loan có tiền để nó rước vợ về!”. Ngao ngán cho hy vọng của Tùng quá Tùng ơi!
flower-row
Duy Chiến

Xót xa vụ chùa Trăm Gian mới

Xót xa vụ chùa Trăm Gian mới
Copy từ http://laodong.com.vn/Van-hoa/Xot-xa-vu-chua-Tram-Gian-moi/81048.bld; tin ngày 28/08/12, mục Văn hóa. 4 ảnh.
Chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bỗng dưng bị phá dỡ, xây mới, thực xót xa.
Gác khánh vẫn vững chãi, đẹp nao lòng trước khi bị vô cớ phá dỡ xây mới như hôm nay.
 
Trong khi đó đây là một không gian văn hoá, kiến trúc, tôn giáo vô giá của quốc gia.
Nét chạm khắc tinh xảo, có hồn, cổ kính ở nhà tổ trước khi bị “trùng tu” vẫn hoàn toàn bền vững. Nhưng nay nó đã bị vứt bỏ toàn bộ.
 
Đây là khu nhà tổ trước khi bị phá.
 
Đây là khu nhà tổ sau khi bị phá, xây mới. Cùng một vị trí chụp ảnh, có thể thấy “chùa mới” to lớn và cao rộng hơn hẳn. Nó mới đến mức... khó nhận ra!
 
Đ.D.H

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng đã qua đời

Người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng đã qua đời
Copy từ http://www.cand.com.vn/vi-VN/quocte/2012/8/179308.cand ; tin ngày , mục Quốc tế.
Ngày 25/8/12 (theo giờ địa phương), ông Neil Armstrong, nhà du hành vũ trụ nổi tiếng người Mỹ, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng đã qua đời, thọ 82 tuổi vì các biến chứng sau phẫu thuật tim.
Ông Neil Armstrong (sinh ngày 5/8/1930) đã phải phẫu thuật tim hồi đầu tháng sau khi bác sỹ phát hiện động mạch vành bị tắc. Nhà du hành vũ trụ này đã có một câu nói nổi tiếng "Đây là bước tiến nhỏ của một người, nhưng là bước nhảy vọt của nhân loại" sau khi đặt chân lên mặt trăng ngày 20/7/1969.
flower-row
Cách đây hơn 40 năm (20/7/1969), ông Neil Armstrong và người đồng nghiệp trên tàu Apollo 11 Edwin Buzz Aldrin đã đặt chân lên mặt trăng trước sự theo dõi của hơn 528 triệu người trên khắp thế giới. Mặc dù được cả nước Mỹ vinh danh sau sứ mệnh trên tàu Apollo 11, nhưng ông Neil Armstrong không bao giờ thấy thoải mái với sự nổi tiếng của mình. Thậm chí ông Neil Armstrong còn ngừng ký sau khi biết cuốn tự truyện của mình bị bán với giá cắt cổ. Sau khi về hưu ở NASA năm 1971, ông Neil Armstrong dạy ngành kỹ sư hàng không tại Trường Đại học Cincinnati trong gần một thập niên và làm quản lý ở nhiều công ty như Lear Jet, United Airlines và Marathon Oil… Tổng thống Barack Obama đánh giá ông Neil Armstrong là một trong những anh hùng vĩ đại nhất của nước Mỹ.
Bồ câu hòa bình
 
Tuấn Cường

Cô gái miền Tây trở thành nữ hoàng sắc đẹp VN

Chung kết Hoa hậu Việt Nam-2012:
Cô gái miền Tây trở thành nữ hoàng sắc đẹp VN
Copy từ http://laodong.com.vn/Van-hoa/Co-gai-mien-Tay-tro-thanh-nu-hoang-sac-dep-VN/80959.bld ; tin ngày 27/08/12, mục Văn hóa.
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu VN 2012 (25.8) diễn ra tại TP.Đà Nẵng đã khép lại. Người đẹp miền Tây Đặng Thu Thảo, đến từ Bạc Liêu, sinh viên ĐH Tây Đô (TP.Cần Thơ) đã đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2012.
Từ trái sang: Á hậu 1 Dương Tú Anh, Hoa hậu Đặng Thu Thảo, Á hậu 2 Đỗ Hoàng Anh. Ảnh: Giang Huy
Với sự chuẩn bị công phu nên từ phần thi của thí sinh cho đến chương trình nghệ thuật đều diễn ra êm thuận.
Nhưng chính sự êm thuận đó đã... sinh nghi ngờ cho người xem. Nhiều khán giả đã tỏ ra bất ngờ trước phần thi ứng xử khi cả 5 người đẹp đều trả lời nhanh gần như không suy nghĩ, không vấp váp ngữ pháp.
Đặc biệt, việc tân Hoa hậu Đặng Thu Thảo không tỏ ra bất ngờ, xúc động hay vui sướng tột độ khi được xướng tên cũng làm người xem ngỡ ngàng.
Hoa hậu VN 2012 cũng là ”người có khuôn mặt đẹp nhất” lại... không hề biểu lộ cảm xúc trong giây phút đăng quang, trong tiếng cổ vũ, chúc tụng của đông đảo khán giả trong khán phòng.
Trong khi đó, những người đẹp còn lại cũng không có ai tỏ ra buồn phiền. Tất cả người đẹp đều không rớm lệ. Dường như tất cả đều vui vẻ chấp nhận một kết quả mà họ đã được biết trước?
Dẫu vậy, dư luận cho rằng kết quả này có thể chấp nhận được. Trước đêm chung kết, đã có nhiều người đoán chắc là có 1 trong 3 thí sinh của Đà Nẵng sẽ là á hậu. ”Sự cố” Thùy Dung năm 2008 đã làm mất lòng tin của công chúng.
Tuy nhiên, chỉ có ứng viên Nguyễn Thị Xuân Trang - ĐH Duy Tân - lọt vào top 10 và có được giải phụ “Người đẹp tài năng”.
Vương Thu Phương bị loại vì không trung thực
Cuối ngày 26.8.12, BTC cuộc thi Hoa hậu VN 2012 đã gửi thông báo chính thức liên quan việc loại thí sinh Vương Thu Phương. Theo đó, thí sinh này đã mắc các sai phạm như ”đã không tôn trọng Luật Cư trú; tuy chưa đăng ký kết hôn, nhưng thí sinh đã tổ chức lễ thành hôn và chung sống như vợ chồng. Về khía cạnh pháp luật, đúng là thí sinh chưa kết hôn, nhưng việc làm này không phù hợp với quy chuẩn, thông lệ chung của đời sống xã hội VN... Ban chỉ đạo và BTC cuộc thi HHVN 2012 thấy rằng biểu hiện không trung thực của thí sinh Phương là không thể chấp nhận.
Vương Thu Phương
Người đẹp Vương Thu Phương.
Thanh Hải

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Chùm ảnh: Giây phút đăng quang của Hoa hậu Việt Nam 2012

Chùm ảnh: Giây phút đăng quang của Hoa hậu Việt Nam 2012
Copy từ http://laodong.com.vn/Van-hoa/Chum-anh-Giay-phut-dang-quang-cua-Hoa-hau-Viet-Nam-2012/80807.bld; tin ngày 26/08/12, mục Văn hóa. 10 ảnh.
Mời các bạn xem những giờ khắc đăng quang đáng nhớ của Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo cùng Á hậu 1 Dương Tú Anh và Á hậu 2 Đỗ Hoàng Anh.
 
Á hậu 2 Đỗ Hoàng Anh
Ảnh 1:Á hậu 2 Đỗ Hoàng Anh.
 
Á hậu 1 Dương Tú Anh
Ảnh 2: Á hậu 1 Dương Tú Anh.
 
Vũ Ngọc Anh chúc mừng
Ảnh 3: Top 5 Vũ Ngọc Anh chúc mừng tân Hoa hậu Đặng Thu Thảo.
 
Hoa hậu VN 2012 Đặng Thu Thảo
Ảnh 4: Tân Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo.
 
Ảnh 5
 
Ảnh 6
Ảnh 6
 
Ảnh 7
 
Ảnh 8
 
Ảnh 9
 
Ảnh 10
Ảnh 10
 
Giang Huy

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

“Đập cổ kính xưa” dựng… chùa mới

“Đập cổ kính xưa” dựng… chùa mới
Copy từ http://laodong.com.vn/Phong-su/Dap-co-kinh-xua-dung-chua-moi/80569.bld ; tin ngày 24/08/12, mục Phóng sự. 18 ảnh.
Di sản văn hóa quốc gia nổi tiếng chùa Trăm Gian thời Lý (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đang lâm vào thảm họa.
Ảnh 1
Ảnh 1: Chúng ta có thể nhìn rõ các góc độ, bức ảnh được chụp trước khi có “thảm họa trùng tu”: Gác khánh thâm nghiêm, cổ kính, quyến rũ, vững chãi như thế này. Vì sao họ đập ra để làm mới toàn bộ?
 
Người ta dỡ trắng, “giải phóng mặt bằng” cả nhà tổ, gác khánh, bỏ toàn bộ cấu kiện cũ, mua gỗ mới, đổ bêtông nền, lát đá - gạch mới toanh, dựng lên một di tích mới trong niềm… “tự hào” của không ít người.
Ảnh 2
 
“Đào tận gốc, trốc tận rễ”
Khi chúng tôi có mặt tại chùa Trăm Gian, bà chủ quán bán hàng “lấn chiếm” trọn vẹn di tích gác trống mái cong veo, rêu phong cổ kính trước cửa chùa đon đả: “Các chú lên đi, hôm nay chùa vui lắm. Dỡ toàn bộ nhà tổ và gác khánh, dân đông như hội ấy”.
Ảnh 3
Ảnh 3: Dân thôn nườm nượp phá chùa cũ...
 
Ảnh 4
dựng chùa mới theo đúng nghĩa đen!
 
Ảnh 5
Sơn vẽ làm hỏng các bức phù điêu La Hán, giờ họ lại dỡ lanh tanh bành gác khánh, nhà tổ. Các hiệp thợ ngồi nhấp nhổm ngay trước các “tuyệt phẩm bị tàn sát”, các phù điêu, cấu kiện cổ vứt chỏng chơ.
 
Qua lối vào chùa mà người bán hàng chiếm hết không gian đi lại, chúng tôi gặp một đoàn người đông như “dân công hỏa tuyến”. Nhiều cụ áo nâu sồng, răng đen, bỏm bẻm nhai trầu cũng miệt mài chuyền tay nhau từng viên gạch, viên ngói, đoàn người xếp hàng theo những chiếc thang tre, kéo từ dưới đất lên… nóc chùa.
Khu nhà tổ rộng mênh mông giờ bị dỡ toàn bộ. Nền bị bóc lên, khoét sâu xuống, đổ bêtông vĩnh cửu. Các cấu kiện bị dỡ xuống vứt chỏng kềnh, thay mới toàn bộ. Tượng bị khênh đi nơi khác. 100% gỗ mới, ximăng, gạch ngói mới, xây lại cái nhà tổ theo đúng nghĩa đen.
Và, đau thương thay, gác khánh - di tích cổ kính tuyệt mỹ từng làm nao lòng bao người - cũng đã bị “giải phóng mặt bằng tuyệt đối” y như vậy.
Ảnh 6
Ảnh 6: Cụ Vinh kể: “Chỉ còn Gác Chuông này có vẻ cổ kính.
 
Ảnh 7
Bởi hơn 15 năm trước, gác chuông này được một bà người Australia tài trợ trùng tu, với điều kiện là: Bà ấy chụp lại ảnh gác trống trước khi “thi công”, đợi lúc xong, nếu các hiệp thợ giữ nguyên được vẻ cổ kính thì mới… cho tiền!”.
Trong mù mịt cưa đục, bụi gỗ, chúng tôi chen chân vào ngó. Than ôi, nền gạch cũ, với đá tảng xanh chân cột, viền vỉa hè của di tích cũng bị bới 100%, người ta dùng búa tạ đập bỏ những phiến đá rêu phong đi, khênh ra cổng chùa xếp thành núi trắng lốp.
Và gạch, vôi vữa mới được tống vào thay thế. Chủ tịch UBND xã Tiên Phương - ông Vũ Văn Doãn - kể giọng đầy thán phục: “Người ta sang tận Lào, áp tải gỗ lim to về phục vụ đại công trường”. Một lán lớn, lợp tôn xanh, to bằng dăm cái gara ôtô được dựng ngay trong khuôn viên chùa, ở đó chuyên xẻ gỗ, chế tác các hạng mục mới.
Cụ Nguyễn Đức Tuệ - 82 tuổi, người xã Tiên Phương - vừa tự hào khoe năm nay mình “được tuổi”, được tín nhiệm mời leo lên thượng lương, cất nóc cho chính tòa gác khánh này, rồi trầm trồ: “Người ta xẻ một cây gỗ lim ra, vót nó thành 4 cái cột chùa khổng lồ y như chúng ta chẻ tre vót đũa ấy. To tiền lắm, riêng khu này chắc khoảng 3 tỉ đồng rồi nhé”.
Chúng tôi trò chuyện với các hiệp thợ đang thi công, với cụ Tuệ và cụ Vinh (hai người gắn bó đặc biệt với di tích), thì được biết: Khi dỡ ra, ngoài các cột lim bị “tiêu tâm”, rỗng ruột do thời gian, thì hầu hết hạng mục còn tốt. Nhà tổ, gác khánh đều đứng vững, nếu để nguyên thì còn lâu mới hỏng. Sự thật là di tích kể trên vẫn đứng vững cho đến khi “xin” được “tiền dự án”.
Các cụ có uy tín trước cả làng cả tổng, như cụ Tuệ, vẫn khảng khái nói: Di tích, nhiều dui mè như mới, mộng mẹo còn nguyên. Nhưng vì có điều kiện, nên “nhà chùa” thay mới cho nó đẹp, nó bền. Vì nó… cổ kính quá rồi nên mới phải thay. Cái nền cũng bóc lên, thay đá mới cho nó đẹp. “Đầu tư to tiền lắm, làm mới cho nó bền. Sắp tới, “dự án” còn xây lại cái cổng nữa, hoành tráng lắm chú ạ”.
 
Ảnh 8
Ảnh 8: Cổng xây mới, hành lang đánh véc-ni toàn bộ, phủ sơn công nghiệp lên tranh tượng, giờ là dỡ trắng xây mới 100% nhà tổ và gác khánh.
 
Ảnh 9
Ảnh 9: Nền móng mới cho gác khánh!
 
Di sản “thoát chết” nhờ… kẻ trộm!
Tóc bạc trắng, râu dài, qua tuổi thất thập đã lâu, cụ Đỗ Duy Vinh ngồi lặng lẽ ở ngay trước cửa chùa, trong bóng cây thông cổ thụ vi vút gió. Khách chưa kịp hỏi, cụ đã lắc đầu buồn bã: “Mất hết cổ kính rồi. Tôi đã nói chuyện này với anh Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lương - rồi đấy. Cần một cuộc họp dân để cho những người hiểu biết được nói ra cái điều có lợi cho di tích quốc gia. Chùa đang tốt, thì đem dỡ đi, làm mới, phá ra toàn bộ cả nhà tổ lẫn gác khánh”.
Trước đấy, cái hành lang cũng làm mới, sơn cột bóng nhẫy vécni, đã bị Nhà nước phê bình rồi. Các bức phù điêu La Hán ở hai bên hành lang cũng bị phủ sơn công nghiệp xanh, đỏ, tím, vàng như hàng mã. Báo chí đã viết quá nhiều về chuyện này. Bệ tượng cũng bị đổ bêtông, lát gạch hoa, đá hoa bóng nhẫy.
Chỉ có mấy bức phù điêu “Thập điện diêm vương” bằng gỗ, cổ và tuyệt đẹp thì bị kẻ trộm lấy mất, lưu lạc cả chục năm giời qua hàng vạn kilômét, vừa rồi các đồng chí ở Bộ Công an và Công an Hà Nội phối hợp tìm được, đem về trao trả nhà chùa… thì may thay, nhờ ơn bị “trộm cắp” mà nó không bị sơn sửa, trùng tu!
Ông Vinh nhấn mạnh: Người ta mua việc vào thân để làm gì, như các cụ nói, “xé mắm mút tay, thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ”. Người ở đây, từ trai tráng 40 tuổi đến cụ lão 80 tuổi ở địa phương, quá nhiều người buồn bã, muốn kiến nghị về việc trùng tu xây mới làm “phá hết cổ kính” của di tích.
Đường dẫn lên chùa, dãy cầu thang đá cao vút, rêu phong, người thợ xưa đẽo thủ công vững như bàn thạch. Đang tốt thế, người ta cho thợ vào dùng búa cái táng vỡ tan tành, mua đá mới xẻ bằng máy trắng phau lát vào. Đá cũ ném ngổn ngang trước cửa chùa. “Sau đợt thi công này, là chùa chúng tôi không còn cái nào chưa bị đầu tư mới nữa, tôi bảo nhà chùa mua việc quá, mấy cái bệ thờ cứ đập đi xây lại suốt.
Đợt này, chắc sau khi bị phê bình, họ không dám lát gạch tráng men xanh đỏ cho bệ thờ nữa đâu, chú nhẩy!”, cụ Vinh vuốt râu thở dài. Còn ông Vũ Mạnh Khởi, 35 năm tuổi Đảng, là người am tường văn hóa, nguyên hiệu trưởng một trường cấp 3 ở địa phương thì “dâng” lên chúng tôi một “bản kiến nghị thống thiết”, với thông điệp khẩn cấp bảo vệ di tích quốc gia chùa Trăm Gian trước sự tàn phá của cái gọi là trùng tu tôn tạo suốt hơn chục năm qua. Theo cụ, bản chất vấn đề là cơ quan quản lý di tích, văn hóa đã không làm đầy đủ nhiệm vụ của mình.
Lãnh đạo xã chỉ còn biết… kêu trời
Tại trụ sở UBND xã Tiên Phương, làm việc với chúng tôi, ông Chủ tịch Vũ Văn Doãn hầu như không biết bất cứ thông tin gì liên quan đến đợt “trùng tu” chùa Trăm Gian đang diễn ra. Ông Doãn chỉ biết: Chùa được sửa nhiều lần rồi, nhà chùa rất “năng động” đi xin nguồn từ “cấp trên” và “(chính quyền) địa phương không đi cùng, địa phương không làm việc đấy”. Nhà chùa cũng xin thiết kế, tư vấn, có vẻ bài bản đấy, gỗ lạt họ cũng đi mua đấy. “Cái này các đồng chí muốn biết thì… hỏi nhà chùa”.
Ông Tống Bá Lương, Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã của địa phương, thì tỏ ra trăn trở hơn với những bất cập quá lớn của công tác trùng tu. Ông cho biết đã nhiều lần đề nghị với “nhà chùa” cung cấp cho người quản lý nhà nước ở địa phương những thông tin liên quan đến dự án trùng tu chùa Trăm Gian hiện nay.
Dự toán thế nào, kinh phí ra sao, có được cơ quan chức năng xét duyệt và đồng ý cho thi công hay không? Việc trùng tu có đảm bảo nguyên tắc tôn trọng di sản cổ kính hay không? “Nhà chùa có nói (ngoài lề) với chúng tôi là Sở VHTTDL Hà Nội là chủ đầu tư dự án kể trên (?).
Tôi đã báo cáo lãnh đạo rồi. Nói thật là cá nhân tôi cũng thấy rất bức xúc, muốn họ tôn trọng chính quyền địa phương một tí. Người ta “làm” như vậy mà không thông qua chính quyền địa phương gì cả. Tôi muốn nhờ anh, với tư cách là nhà báo, anh hỏi “bên sở” một số thông tin giúp nhé. Chúng tôi cần biết công trình này do ai đầu tư, sẽ làm ra sao, ứng xử với di tích quốc gia như thế nào. Cái gì phải ra cái đó, không thể cứ úp úp mở mở mãi được”, ông Lương nhấn mạnh.
“Đúng nguyên tắc bảo tồn, tức là chỉ trùng tu cái gì thật sự hỏng thôi, không thể làm mới như bây giờ được!” - ông Lương bỏ dở câu chuyện. Rồi ông nói sang chuyện khác còn buồn hơn: “Sáng 22.8.2012, tôi cũng vừa tìm gặp, họp các bô lão biết chữ Hán và am tường văn hóa ở địa phương lại để nhờ các cụ sao chép lại các vế đối, các câu chữ hay ho trên cổng chùa lại, vì lo lắm, vì nghe nói “họ” lại sắp sửa “trùng tu” (làm mới?) nốt cái cổng đó. Chứ họ cứ làm “tắt”, cái gì sai, cán bộ có lên hỏi nhà chùa, nhà chùa lại đổ tội cho… “sở”.
Cụ Vinh tiếc rẻ mãi, quay ra thán phục “bà tây trùng tu chùa Trăm Gian”: “Đấy, hồi trùng tu gác chuông, có một “bà tây” thấy nó đổ nát quá đã hứa tài trợ toàn bộ tiền trùng tu, với điều kiện là phải đảm bảo nguyên hình hài, cấu kiện của di tích, không lai căng, không làm mới để hủy hoại di sản. Bà ta nói rõ, nếu vi phạm quy định thì sẽ không cho tiền mà thanh toán đâu nhé. Thế là cuộc cứu di sản đã thành công, mà lại không rơi vào thảm cảnh làm mới bằng mọi giá”.
“Bài toán quản lý và bảo vệ di tích nó dễ dàng thế, mà sao chúng ta không học tập, sao cứ “mua việc” để tốn kém tiền của Nhà nước, để tàn sát di sản, cụ Vinh nhỉ?”, tôi hỏi. Ông Vinh vuốt râu nhìn xa xăm: “Xé mắm mút tay mà chú, thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ…”. Thế rồi, chúng tôi cùng im lặng rất lâu, chỉ có rừng thông chùa Trăm Gian cứ vi vút “lời buồn thiên thu”…
Ảnh 10
 
Ảnh 11
Ảnh 11: Hai trong số 4 bức “tuyệt phẩm” cổ kính Thập điện Diêm Vương bị kẻ trộm lấy đi, cả chục năm trời sau cơ quan công an mới tìm được, trả về chùa Trăm Gian. Và vì lý do đó, nên “tình cờ” di sản này đã không bị sơn son thếp vàng bằng sơn của Nhật như 18 vị La Hán kế bên.
 
Ảnh 12
Một cách ứng xử với voi đá trong khuôn viên chùa Trăm Gian.
 
Ảnh 13
Còn đây là một cách ứng xử nữa với rồng đá cổng chùa.
 
Ảnh 14
Ảnh 14: Từ hai phía tả hữu nhìn vào, gác khánh được làm mới 100%.
 
 
Ảnh 15
Ảnh 15: Kể cả nền nhà cũng bị đào lên, gạch đá bị đập phá trọn vẹn.
 
Ảnh 16
Những gì còn lại của di tích quốc gia trong cơn lốc trùng tu!
 
Ảnh 17
Các bậc đá dẫn lên chùa Trăm Gian đã được làm mới cách đây vài tháng (năm 2012)
 
Ảnh 18
Ảnh 18: Dẫu rằng trước đó nó được đẽo thủ công từ thượng cổ, rất đẹp và bền vững
 
Đỗ Doãn Hoàng