Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Lạc vào phiên chợ cau vàng rực Inani

 

Lạc vào phiên chợ cau vàng rực Inani

Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/84038/lac-vao-phien-cho-cau-vang-ruc-inani.html; tin ngày 10/08/12, mục .

Đã đến Cox’s Bazar, với bãi biển chạy suốt 120km dài nhất thế giới, sao không chịu khó đi thêm vài chục cây số để đến Inani, bãi biển rộng nhất thế giới! Nhưng không chỉ sưu tập thêm một chữ “nhất” cho hành trình phiêu lưu, tôi bất ngờ trước một Inani đẹp ngời ngợi.

Cox’s Bazar nổi tiếng có bãi biển dài nhất thế giới, niềm tự hào của người dân Bangladesh. Ít được nhắc đến hơn, nhưng cũng là một cái “nhất” khác ở miền duyên hải này là Inani có bãi biển rộng nhất thế giới.

Thuyền của Robinson thời nay

Đi một mình, tôi không thuê chiếc auto-rickshaw ba bánh mà leo lên chiếc xe buýt công cộng đi chung với dân chài địa phương. Đường đi phần lớn men theo bãi biển dằng dặc của Cox’s Bazar, với những phong cảnh hoang vắng nên thơ nên dù đang ngồi trên chiếc xe xồng xộc tôi vẫn cố nhoài người ra cửa chụp hình. Chỉ hơn 30km đường đất, nhưng vì trả đón khách dọc đường, hơn 60 phút xe mới đến Inani.

bai bien inani

Bãi biển Inani. Ảnh: phuot.vn

Băng qua con đường đất, rồi cát với những hàng quán đơn sơ như những bãi biển ở quê mình, nghe tiếng sóng rì rầm từ xa nhưng đi mãi vẫn ra đến biển. Té ra nãy giờ tôi đang “lội” trên bãi biển rộng mênh mang của Inani. Rộng 180m lúc triều lên và trải đến 300m lúc triều xuống thấp, bãi biển Inani quả xứng danh là “rộng nhất thế giới!” Và bãi ở đây thật sự đẹp hơn biển ở trung tâm Cox’s Bazar nhiều (vì thực ra Inani cũng chỉ là một đoạn trong hơn 120km của Cox’s Bazar). Cát vàng sáng, mịn và sạch. Thêm vào đó, biển vắng lũ mòng biển, hải âu ríu rít lượn bay nên phong cảnh được tôn thêm rất nhiều. Với tôi, cái “nhất” của Inani quả thật xứng đáng!

Nhưng, lang thang trên bãi biển rộng 300m này rất dễ bị loá mắt vì nắng rực lửa miền nhiệt đới và bãi cát thênh thang như cũng gom nắng lại để phản chiếu. Nên tôi hướng về mảng xanh ngoài kia, hy vọng sẽ có chỗ nghỉ ngơi và có dịp chuyện trò với ngư dân. Chỉ mới đi được một đoạn ngắn, vừa qua những cồn cát lúp xúp tôi đã sững sờ khi thấy những chiếc thuyền lạ đang neo đậu bên những vườn xanh đó.

Những chiếc thuyền lạ mắt

Những chiếc thuyền lạ mắt neo đậu bên bãi biển Inani. Ảnh: phuot.vn

Từ nhỏ, mê hoặc bởi những Đảo giấu vàng, Robison… tôi thường mơ về những chiếc thuyền hải tặc. Đọc về Cox’s Bazar có thấy nói loáng thoáng về những chiếc thuyền “giống như thuyền hải tặc”, nhưng đã lang thang Bangladesh mấy tuần, thấy những chiếc thuyền cũng bình thường nên tôi bất ngờ khi thấy những chiếc thuyền đánh cá lạ lẫm của ngư dân ở đây. Đơn sơ một màu nâu đen, cong vút, thanh thoát… những chiếc thuyền chưa ra khơi bồng bềnh trên mặt nước xanh thẳm này đẹp lạ lùng.

thuyen cong 1

Ảnh: phuot.vn

Dĩ nhiên những chiếc thuyền cá nhỏ nhắn dài chỉ vài mét này thì chúng không thể là thuyền hải tặc, nhưng chẳng hiểu sao tâm trí tôi cứ nghĩ rằng chúng là hậu duệ của những hải tặc của vùng vịnh Bengal một thời. Kiếm chỗ ngồi trong bóng dừa xanh mát, tôi miên man ngắm những chiếc thuyền đẹp, quang cảnh bận rộn của các anh, các chú “hải tặc” đang tay lưới, tay đòn tất bật chuẩn bị cho kịp con nước, con gió ra khơi. Vậy mà chiều về hồi nào không hay, đến lúc các con thuyền đã ra khơi gần hết tôi mới lững thững về, sau khi đã cho thêm Inani một điểm cộng.

Chợ cau già vàng rực rộng thênh thang

Nhưng chưa hết! Chiếc xe buýt sáng nay là chuyến xe duy nhất đi về từ Cox’s Bazar đến Inani. Nên, một là tôi cuốc bộ hơn 30km, hai là thuê riêng chiếc auto-rickshaw ba bánh với giá vé khoảng mười lần đi buýt để về Cox’s Bazar. Đang tần ngần, một chú kia kêu tôi vô, mời uống trà và hỏi chuyện. Nghe tôi “than” xong, chú bật cười kêu xe cho tôi đi nhờ đến khu chợ gần đó, nơi có những chiếc xe auto-rickshaw công cộng về Cox’s Bazar. Lại ngỡ ngàng thêm một lần nữa, vì lòng tốt của người dân nơi đây, và cả phiên chợ vàng rực chiều Inani.

Điều lạ là ở đây phiên chợ cau chuyên mua bán các loại cau già. Vàng rực cả một khu đất mênh mông. Ảnh: SGTT

 

Ở quê tôi ngày xưa cũng nhiều cau trầu, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một phiên chợ cau mênh mông như chiều đó. Mà lạ là ở đây họ bán mua cau già, nên vàng rực cả một khu đất mênh mông. Bao hàng cau xanh lả lơi trong gió biển làm thêm duyên cho Cox’s Bazar, Inani giờ dâng hiến những buồng trái vàng rực theo gánh kĩu kịt mẹ già, chất đầy xe mấy chú tre trẻ… về đây. Để thêm thu nhập cho người dân còn nhiều khó khăn, tô thắm đỏ những miệng cười chân tình của người quê hiền lành khi thấy kẻ lạ hạnh phúc, vui như con trẻ giữa phiên chợ gợi nhớ ngày xưa quê hương, và đẹp rực rỡ này. Và giờ, tôi không biết cho thêm Inani mấy điểm cộng nữa!

Nghe theo dân địa phương đi cùng, tôi nhảy xuống xe trước khi đến Cox’s Bazar, men theo mép biển đón hoàng hôn trên đường về. Suy nghĩ nhiều. Vì thấy những người làm du lịch ở đây, mà hình như cũng giống ở quê nhà, chỉ chú trọng những chữ “nhất”, những gì to tát, hoành tráng… mà bỏ lỡ việc giới thiệu đến du khách những nét duyên, vẻ đẹp của cuộc sống bình yên làng quê. Điều mà nhiều du khách đang kiếm tìm, vì ở quê nhà họ đã mai một hay biến mất vì cuộc sống hiện đại nhưng cũng chao chát nhiều mặt bây giờ. Mong sao rồi những suy nghĩ đó sẽ đổi thay. Không những chỉ để nhiều thêm du khách tìm đến, mà còn để những giá trị của cuộc sống mộc mạc đơn sơ nhưng trân quý đó, được mãi giữ gìn.

(Theo SGTT)

 

Không có nhận xét nào: