Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/509150/Toi-ac-khong-the-dung-thu.html ; đăng ngày 30/08/12, mục Thời sự - suy nghĩ. |
TT - Loạt bài điều tra “Biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu” công phu trên báo Tuổi Trẻ đã bóc trần đường dây sản xuất xăng dầu dỏm quy mô lớn, đồng thời làm lộ ra lỗ hổng cũng rất lớn trong quản lý nhà nước về xăng dầu vốn lâu nay đã làm tốn nhiều giấy mực của báo chí. |
Ngang nhiên, trắng trợn, thách thức pháp luật, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức... là những từ ngữ mà chúng ta cần phải dùng để chỉ những kẻ sản xuất và tiêu thụ xăng dầu dỏm. Vì lợi nhuận, những người này đã bán rẻ lương tâm của mình, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng và xã hội. Chưa ai thống kê được trong số hàng ngàn chiếc xe cơ giới bị cháy nổ, có bao nhiêu xe đã sử dụng xăng dầu từ những cơ sở chế biến tương tự như cơ sở mà báo Tuổi Trẻ đã phanh phui. |
Dưới góc độ của những người nghiên cứu khoa học, chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh cần phải coi nhiên liệu là thủ phạm số 1 gây cháy nổ xe. Nay với chất lượng xăng dầu trôi nổi không được kiểm soát như vậy, có thể nói thủ phạm đã lộ mặt. |
Hệ quả có thể thấy ngay được là xăng dầu dỏm không đáp ứng đủ các tiêu chí đã quy định, hằng ngày được tuồn ra thị trường với số lượng lớn là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tuổi thọ các thiết bị và gây ô nhiễm môi trường. Đây là một thứ tội ác mà chúng ta không thể dung thứ. Sự tồn tại của những cơ sở sản xuất hàng dỏm này đang hằng ngày gây bất an cho xã hội và làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. |
Với những chứng cứ rõ ràng và các đối tượng, địa chỉ cụ thể mà báo Tuổi Trẻ đã nêu, là một đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc. Thái độ của chúng ta là phải đấu tranh rất mạnh mẽ, nghiêm khắc, buộc những kẻ sản xuất xăng dầu dỏm phải chịu trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng, nếu đủ căn cứ thì phải khởi tố để răn đe. Ngoài đường dây sản xuất xăng dầu dỏm mà báo nêu, trên đất nước ta còn bao nhiêu đường dây như thế nữa? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng trả lời. |
Chắc chắn người tiêu dùng rất biết ơn các phóng viên báo Tuổi Trẻ đã kiên trì, dũng cảm, không ngại nguy hiểm để vào tận “sào huyệt” của những kẻ thách thức pháp luật. Và chắc hẳn, người tiêu dùng cũng bày tỏ sự bức xúc và đòi hỏi trách nhiệm từ các cơ quan quản lý. Việc sản xuất, chế biến xăng dầu dỏm diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, tại một TP đông người và đây là việc làm không dễ che giấu. Vậy xin hỏi các cấp chính quyền ở đâu, ngành công thương đâu, quản lý thị trường đâu và công an ở đâu? Tại sao lại làm ngơ trước vi phạm trắng trợn như vậy? Nếu các cơ quan chức năng nói rằng họ không biết thì có thể khẳng định rằng họ buông lỏng quản lý, vô trách nhiệm trước lĩnh vực mình được phân công. Cần phải làm rõ rằng có ai tiếp tay cho những người làm xăng dầu dỏm này không? |
Cùng thời điểm nạn sản xuất xăng dầu dỏm bị phanh phui, dư luận cũng rất bức xúc trước tình trạng hàng loạt cửa hàng xăng dầu găm hàng, đợi tăng giá. Hiện tượng này cho thấy các doanh nghiệp phân phối xăng dầu coi thường pháp luật, thách thức dư luận, gây sức ép lên cơ quan quản lý và hậu quả là gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ai phải chịu trách nhiệm trước thực trạng này? Xin đề nghị bộ trưởng Bộ Công thương trả lời. Đừng để người dân kết luận rằng để xảy ra tình trạng xăng dầu dỏm là do công tác quản lý dỏm. |
PGS.TS BÙI THỊ AN (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội). LÊ KIÊN ghi |
Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012
Tội ác không thể dung thứ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét