Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Kết nối văn hóa Việt

 

Kết nối văn hóa Việt

Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/505156/Ket-noi-van-hoa-Viet.html; đăng ngày 05/08/12, mục Thời sự - Suy nghĩ.

TT - Bài viết của TS Nguyễn Nam (xem trang 13, Tuổi Trẻ, báo in, ngày 05/08/12)về bức thư họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (thế kỷ 14) đã cung cấp thông tin hết sức quý báu về vua Trần Nhân Tông, vị vua anh minh, người đã hai lần lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh tan quân Nguyên, đồng thời cũng là sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Việc bán đấu giá bức tranh (phiên bản kỹ thuật cao) làm sống lại nhiều câu hỏi xung quanh bức tranh này: tại sao người ta mua bức tranh (phiên bản) với giá cao như thế?

Vì sao nhóm tác giả họ Trần ở Trung Quốc lại vẽ, lưu giữ bức tranh về vị hoàng đế này? Tại sao bức tranh của một họa sĩ ít được biết tên này lại được văn nhân Trung Hoa đời Minh quý trọng, quan tâm đề tựa nhiều như thế? Những vấn đề này sẽ còn được tiếp tục tìm hiểu thêm và có câu trả lời. Cũng từ bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ đặt ra cho chúng ta câu hỏi: hiện nay có bao nhiêu tranh tượng, di vật văn hóa, thư tịch, bản đồ của Việt Nam và về Việt Nam đang lưu trữ ở các thư viện, viện bảo tàng, các bộ sưu tập tư nhân trên thế giới?

Những dòng tranh dân gian nổi tiếng, các họa phẩm thời xưa của Việt Nam, những tranh lụa, sơn dầu của các họa sĩ hàng đầu như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... đang nằm ở những đâu, ngoài Việt Nam? Chúng ta, con cháu chúng ta còn có khả năng chiêm ngưỡng chúng nữa hay không?

Chúng ta biết đồ gốm của Việt Nam đã từng có mặt ở rất nhiều bảo tàng trên thế giới: ở Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức, Mỹ... Có nhiều đồ rất quý như gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê, gốm màu Chu Đậu, gốm thời Mạc, pháp lam Huế và một số đồ sứ kiểu của hoàng tộc triều Nguyễn...Chúng đang có mặt ở những đâu? Người Việt Nam ra nước ngoài có thể đến xem ở những bảo tàng nào? Có những món được bán đấu giá 500.000-600.000 USD, nhưng cũng có món chỉ vài trăm USD, chúng ta nên mua và có thể mua được không?

Thư tịch, bản đồ Việt Nam có mặt khắp trên thế giới: Hệ thống thư viện BULAC, Thư viện quốc gia Pháp (Thư viện François Mitterrand), Thư viện CAOM (Aix-en-Provence) ở Pháp lưu trữ hàng trăm ngàn tài liệu cổ của Việt Nam, trong đó có 60.000 bản đồ; Thư viện Quốc hội Nhật Bản, Đông Dương Văn khố (Nhật Bản) giữ nhiều sách Hán Nôm Việt Nam; Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Thư viện Harvard-Yenching, Thư viện Đại học Cornell... lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm và sách báo cổ; Thư viện quốc gia Úc lưu trữ nhiều sách, tạp chí, bản đồ quý... Chúng ta đã thống kê hết chưa, khi cần thì có thể xem được không?

Trong số di sản văn hóa trên, công bằng mà nói chỉ có thư tịch Hán Nôm và phần nào sách, báo quốc ngữ Latin giai đoạn đầu là được các nhà nghiên cứu lưu ý làm thư mục và sưu tầm tương đối đầy đủ. Trong số tư liệu ấy, một số được lưu ở thư viện, nhưng đa số được các nhà nghiên cứu giữ làm tài liệu riêng, người khác muốn dùng rất khó.

Đã đến lúc các thư viện, các trường đại học lớn đặt hàng các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài làm một cuộc tổng kiểm kê toàn bộ thư tịch, bản đồ, cổ vật - di sản văn hóa nói chung của Việt Nam ở nước ngoài. Sau đó biên soạn lại, xuất bản thành sách, đưa lên mạng để cho tất cả người Việt năm châu đều biết mà lưu ý và sử dụng, thưởng ngoạn. Sách báo, bản đồ cổ thì sao chụp mang về lưu trữ ở thư viện trong nước cho mọi người dùng chung. Các thư viện lớn của quốc gia, thành phố, thư viện đại học cố gắng kết nối với các thư viện và bảo tàng nước ngoài để người Việt trong nước có thể đọc, xem tất cả những tài liệu gì mà mình muốn. Khi nào có tiền hơn, chúng ta sẽ hợp tác với các bảo tàng nghệ thuật nước ngoài để đưa các di sản văn hóa, mỹ thuật của Việt Nam ở đó về cho người trong nước được trực tiếp thưởng ngoạn. Di sản văn hóa là những đứa con tinh thần của dân tộc, vì nhiều lý do mà lưu lạc và phát tán khắp nơi, cần phải được biết và khi có điều kiện thì đưa về với chúng ta.

ĐOÀN LÊ GIANG (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM)

Bụp vàng kem

 

Không có nhận xét nào: