Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

“Làm máy bay là chuyện bình thường…”

Trần Quốc Hải, Lê Văn Danh - Hai anh “Hai Lúa làm máy bay”:
“Làm máy bay là chuyện bình thường…”
Copy từ http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/120702/“Lam-may-bay-la-chuyen-binh-thuong…”.html; tin ngày 28/01/06, mục Nhịp sống trẻ.
TTO - Anh Hải và anh Danh ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh đã trở nên nổi tiếng. Nhiều lần được xuất hiện trên báo, đài, vô số người lặn lội đường xa đến thăm, vô số lời động viên đến theo đường bưu điện.
Anh Hải bảo rằng anh thích nhất lời nhận xét của tôi trong bài báo đầu tiên đề cập đến khát vọng của hai anh: “việc chế tạo máy bay đã đi vào máu của họ”...
Khi đó, tôi viết theo cảm tính sau vài lần trò chuyện, sau vài lần bắt được ánh lửa đam mê trong tia nhìn của cả hai người khi nói chuyện về máy bay. Bây giờ, sau gần hai năm câu chuyện “Hai Lúa làm máy bay” đến với công luận, cũng gần hai năm tôi theo dõi từng bước đi, lúc mạnh mẽ lúc ngần ngại, của hai người trong tiến trình làm máy bay. Và tôi thật sự hiểu được thế nào là “đi vào máu”…
Trần Quốc Hải và cái trục trực thăng dựng đứng
 
Hàng rào… hàng rào - Vượt qua… vượt qua
Chiếc máy bay thứ nhất, mười mấy năm nghiên cứu, gần sáu năm lắp vào, tháo ra, chỉnh sửa cái này, thay cái nọ, vừa thành hình thì bị tạm giữ tại trụ sở huyện đội. Trò chuyện với chúng tôi lúc đó, lạ thay, hai người lại không rối ren lên với việc cứu máy bay mà chỉ kể về nỗi khát khao chứng minh được điều ít người nghĩ tới: người Việt Nam cũng có thể làm máy bay. Những người làm báo và công luận thì lo cho cái máy bay hơn nên đã làm mọi cách: lên tiếng trên mặt báo, liên lạc trực tiếp với các cơ quan chức năng, hướng dẫn anh Hải làm đơn gửi…
Sau mười mấy ngày, cái máy bay được trả lại kèm theo yêu cầu “ngừng tất cả mọi công việc, chờ ý kiến của cơ quan chức năng”. Ba tháng sau, Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh gửi thông báo: “Phát huy sáng kiến, sáng tạo và cải tiến kỹ thuật là rất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay. Tuy nhiên hoạt động này cần phải tuân thủ pháp luật của nhà nước và những qui định hiện hành của cơ quan hữu quan. Đặc biệt, thiết bị bay có liên quan đến an ninh quốc phòng, an toàn trong vận hành thử nghiệm, các qui chế về qui tắc bay, quản lý và điều hành trong vùng trời Việt Nam… Sở đề nghị hai ông ngưng việc thử nghiệm đối với thiết bị bay do hai ông đã chế tạo ra”.
 
Đó là những hàng rào thực thể.
Những bài báo đã kéo theo hàng trăm người, hàng chục đoàn các nhà khoa học ở đủ mọi cơ quan, ban ngành đến Suối Dây. Nhiều người xuýt xoa trước chiếc máy bay, nhiều người đi vòng quanh, sờ nắn, gõ thử rồi lắc đầu ra về. Các kỹ sư, tiến sĩ, các chuyên gia về hàng không, các nhà quản lý đến, bày tỏ lòng khâm phục đối với say mê nghiên cứu khoa học của hai anh, bắt tay rồi bảo… “mà thôi đừng làm máy bay nữa, nghiên cứu cái khác đi”. Các vị luật sư tổ chức cả một buổi tranh luận, nhiều ý kiến, nhiều lời hứa hẹn giúp đỡ về mặt pháp lý. Rồi thôi. Có nhà báo đến và về viết “khoang lái máy bay của Hai Lúa trông giống cái chuồng gà”…
Những ngày ấy, anh Hải, anh Danh hoang mang lắm. Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của anh liệt kê tên, chức vụ những người đến thăm, đọc nguyên văn những văn bản vừa nhận được. Chúng tôi hỏi những người quan tâm, ai nấy đều bối rối, không biết nên làm gì để có thể giúp hai anh. Nhưng những lời động viên từ khắp nơi thì bay đến rất nhiều…
Lại một cú điện thoại, Hải gọi đến, thông báo ngắn gọn “Tụi anh sẽ bắt tay vào làm lại, làm lại hoàn toàn, kể cả việc nghiên cứu, một chiếc máy bay khác. Làm lại để sản phẩm tốt hơn, hoàn thiện hơn”.
Tôi nửa tin nửa ngờ. Chiếc máy bay kia đã tiêu tốn của hai anh hàng trăm triệu đồng, năm sáu năm mồ hôi thấm... cánh máy bay. Làm lại một chiếc máy bay nào đâu phải trò chơi xếp giấy. Ấy vậy mà hơn một năm sau, chiếc máy bay thứ hai đã thật sự thành hình…
Hải và Danh bên chiếc máy bay thứ hai đã nên vóc, nên hình mà không biết bao giờ mới được cất cánh
Đứng bên cạnh chiếc máy bay chỉ còn thiếu cặp cánh và cánh quạt, anh Hải hể hả chỉ vào từng chi tiết máy “Nghiên cứu máy bay trực thăng, tôi biết được công suất và hiệu suất của động cơ sẽ được cải thiện rất nhiều nếu máy được gắn đứng chứ không theo phương nằm ngang như thông thường. Có điều, phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật rất cao và phức tạp. Bao nhiêu đêm mất ngủ, cuối cùng chúng tôi cũng làm được”.
Nhiều nhà khoa học, những cán bộ đang nghiên cứu, chế tạo máy bay đã đến xem và hết sức ngạc nhiên trước cái động cơ đứng này. Tất nhiên, cũng có rất nhiều người tỏ ra nghi ngại vì kiểu động cơ phức tạp lại được chế tạo thủ công. Nhưng Hải vẫn tự tin “Hiện giờ tôi chưa được phép thử nghiệm, nên cũng không dám nói gì về sản phẩm của mình. Nhưng xét về lý thuyết, tôi đã thiết kế cho máy bay của mình những thông số tốt nhất có thể đạt đến: bay đường dài không cần nghỉ, tiết kiệm nhiên liệu, chịu được gió, nhiệt độ ở độ cao 3.000m. Tôi hiểu từng con ốc trong hàng ngàn chi tiết của cái máy bay này…”.
Tôi hỏi đùa “Ngủ mơ anh có thấy máy bay không?”, Hải quả quyết “Hơn như thế nữa mới làm được chứ. Cô chẳng đã phát hiện việc làm máy bay chảy trong máu chúng tôi là gì…”.
Người Việt Nam làm máy bay. Sao lại không?
Từ nhỏ, nhà ở gần sân bay, thấy máy bay lên xuống Hải cứ níu người lớn mà hỏi: máy bay này của ai, máy bay kia của ai. Câu trả lời bao giờ cũng là: của Mỹ. Thế sao người Việt Nam không có máy bay? Không ai trả lời cho Hải cả, thảng hoặc, lại được nghe “Người Việt Nam làm sao có máy bay được kia chứ”. Câu trả lời gieo vào lòng Hải một nỗi ấm ức và nuôi lớn một khát vọng…
“Hơn một năm nay, bao nhiêu người ở TP.HCM, Biên Hòa, Hà Nội, Hải Phòng kéo đến đây xem máy bay của tôi. Thấy họ ngạc nhiên, sửng sốt, nghe họ bình luận, có khen, có chê, có động viên, có ngăn cản, cảm nhận rõ họ đang nuốt vào lòng lời nhận xét là… mấy ông này không bình thường, quyết tâm làm máy bay của tôi càng được nung nấu. Ừ, thì chúng tôi làm máy bay, cũng chỉ là máy bay trực thăng, có gì ghê gớm lắm đâu mà mọi chuyện lại ầm ĩ đến thế?”, Hải thật thà giãi bày. Khắp huyện Tân Châu, hỏi nhà “ông làm máy bay” ai cũng biết. Nhiều lần đi mua vật liệu, cả chở vợ đi chợ, Hải và Danh lại bị nhận ra. Mới rồi, chương trình Chuyện lạ Việt Nam cũng xách máy quay xuống nhà…
"Làm máy bay, ừ, thì đã là gì ghê gớm...", hàng ngày, Trần Quốc Hải vẫn nghiên cứu, chỉnh sửa cái máy bay của mình như là việc vợ anh nấu cơm...
 
“Tôi nghĩ khi nào việc nghiên cứu và chế tạo máy bay ở Việt Nam được coi như bình thường thì khi đó những chiếc máy bay made in Việt Nam mới thực sự cất cánh…”. Suy nghĩ của Hải thực sự làm tôi ngạc nhiên.
Mỗi lần trên Tuổi Trẻ xuất hiện một bài, tin gì đó về việc làm máy bay của hai anh thì thư bạn đọc lại tới tấp gửi về. Khâm phục, động viên, và không ít những lá thư trong đó người viết kể về những ước mơ thật cao xa thuở bé của mình đã bị cùn mòn, rơi rớt đâu đó trên đường đời.
Đọc những lá thư ấy, thực sự thấy rằng việc chế tạo máy bay với người Việt Nam mình còn xa lắm. Câu chuyện hai người nông dân mày mò chế tạo máy bay xuất hiện đã đánh thức những giấc mơ tưởng đã ngủ yên trong lòng nhiều người.
Mặc dù đã thông báo chính thức trên mặt báo về việc nghiên cứu và chế tạo máy bay của hai anh Hải và Danh sẽ phải tiếp tục chờ ý kiến cơ quan chức năng nhưng những lời đề nghị đóng góp, giúp đỡ vẫn liên tục được gửi đến. Người gửi tài liệu, người tình nguyện chế tạo giúp các loại đồng hồ trong khoang lái, người lại gửi tiền để trợ sức…
Danh thì điềm đạm hơn, anh chầm chậm nói những lời gan ruột: “Có thể công trình tôi và Hải đã đổ bao tâm sức sẽ không bao giờ cất cánh, không bao giờ được công nhận là máy bay. Thế nhưng chúng tôi vẫn làm, đổ vào đó không chỉ mồ hôi, thời gian mà cả tài sản. Chúng tôi muốn thay đổi nếp suy nghĩ của mọi người, cởi mở những qui định của cơ quan chức năng. Hy vọng sau chúng tôi, một con đường thật rộng sẽ được mở ra cho người dân Việt Nam nghiên cứu khoa học. Người Việt Nam nào có thua kém ai”.
Vâng, tin rằng sau những năm nhọc công của các anh, máy bay sẽ trở thành gần gũi, bình dị, và là cái gì đó mà chúng ta có thể làm được. Khi đó, sẽ mơ đến cái gì hơn máy bay nữa chứ…
Ừ, biết bao giờ việc làm máy bay được người Việt Nam coi là điều bình thường?
Có chuyên viên ở cơ quan chức năng khuyên Hải nên nghiên cứu, chế tạo máy nông nghiệp. Anh lập tức chỉ ra hàng loạt sản phẩm của mình: máy bóc vỏ củ lạc, máy chăm sóc mía, máy tước vỏ mía…
Có nhà khoa học quả quyết: anh không thể làm ra được cốt máy bay, máy bay Mỹ cốt phải làm bằng vàng khối mới hoạt động được. Hải lập tức ôm cái cốt máy bay nặng 13kg ra, “tui sẽ bán cho ông với giá bằng 1kg vàng”.
Và anh giận dữ: “Tại sao người ta lại coi máy bay như một cái gì không thể với tới được? Tại sao lại nghĩ đã là nông dân thì cứ phải an phận với máy nông nghiệp?...”.
Phạm Vũ
 

Không có nhận xét nào: