Những người mất cả vốn lẫn lời
Copy từ http://sgtt.vn/Van-hoa/166821/Nhung-nguoi-mat-ca-von-lan-loi.html; đăng ngày 06/08/12, mục Văn hóa.
LTS: Nhân kỷ niệm 80 năm phong trào Thơ mới và ngày thành lập tổ chức văn học Tự lực văn đoàn, hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM cùng với đại học Sài Gòn, khoa văn học và ngôn ngữ đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khoa ngữ văn đại học Sư phạm TP.HCM và tạp chí Thế giới mới dự định mở toạ đàm "Phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn – 80 năm nhìn lại" vào cuối tháng 9.2012. Chúng tôi xin trích đăng một bài viết có tính tư liệu độc đáo về xuất thân của các tay bút chủ lực của Tự lực văn đoàn do cố nhà văn Nghiêm Đa Văn ghi lại từ lời kể của mẹ nhà văn Khái Hưng. Tựa bài là: Mẹ tôi kể về Tự Lực văn đoàn: "Những người mất cả vốn lẫn lời".
Tình bạn trước sau như một của các cụ Cử
Mẹ tôi là con gái út cụ Cử Tiết: Nguyễn Đức Tiết. Ông ngoại tôi đỗ tiến sĩ đời Đồng Khánh, nhưng không thích mọi người gọi là ông Nghè, vì ông không nhận mũ mãng vinh quy của ông vua mới do Tây dựng lên, mà theo hịch của ông vua cũ: Hàm Nghi thời ông đỗ cử nhân, trưởng nam. Ông ngoại tôi có ba người bạn đồng khoa: cụ Cử Nguyễn làng Xuân Cầu, cụ Cử Đặng làng Hành Khiển, cụ Cử Trần làng Cổ Am (ông ngoại tôi là người làng Diêm Điền). Tình bằng hữu của các cụ nhà nho ngày xưa rất đặc biệt.
[...]
Mỗi người một chí hướng, mỗi người một cảnh ngộ nhưng tình bạn trước sau như một.
Mẹ tôi kể: Cụ Cử Hành Thiện có các con trai là cậu Khoá Thiều, cậu Khoá Khu; cụ Cử Xuân Cầu có bác giáo Hoan; ông ngoại tôi có bác Khoá Cảnh; cụ Cử Cổ Am có cậu Tú Dzư, cậu giáo Tiêu... Khi cụ tuần Trần Mỹ (tức cụ Cử Cổ Am) trị nhậm ở Thái Bình, Nam Định, tất cả các bác, các cậu đều về ở nhà cụ và học ở trường Thành Chung Nam Định, trừ một vài người đỗ vào trường bảo hộ tức trường Bưởi Hà Nội.
Nhóm Tự lực văn đoàn: Xuân Diệu, Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ (từ trái sang). Ảnh: TL
Người sớm có chí lo việc “quốc sự” là cậu Tú Dzư, tức Trần Dzư. Trần Dzư chống lại quyết định của bố, không chịu vào trường Hậu bổ, đào tạo các quan tri huyện. Vì trái ý cha, cậu Tú Dzư bị cắt hết trợ cấp. Cậu ấm con quan bị đẩy ra cuộc đời với hai bàn tay trắng, khi tuổi đời chưa tới hai mươi. Tú Dzư bôn ba Hà Nội, Hải Phòng tìm bạn cùng chí hướng. Sau nhiều tháng thất nghiệp đói rét, Tú Dzư xin một chân thư ký một đại lý bán dầu hoả ở huyện Cẩm Giàng và thị trấn Ninh Giang, trên đường quốc lộ nối liền Hà Nội – Hải Phòng. Tại nơi này Tú Dzư gặp một người bạn dân gốc Quảng Nam, cả gia đình ra Bắc theo sự chuyển nhiệm sở của người cha, giữ một chức quan nhỏ. Cha chết, cả nhà ở lại. Người bạn đó là Tam. Tam có hai người em là Lân và Long. Lúc bấy giờ anh Tam đã bắt đầu viết vài ba bài báo in trong tạp chí của ông Phạm Quỳnh và đã in một cuốn sách nhỏ, Lân và Long còn đi học.
Mấy anh em thường quây quần bàn chuyện quốc sự, tức là việc ái quốc chống Pháp như tất cả các thanh niên có khí huyết hồi đó. Vì ý nguyện yêu nước mà cậu Tú Dzư nhận tên mình trùng với tên một danh tướng nhà Trần nên bỏ cách đặt tên “Trần Cộc” tức là họ Trần không có tên lót hay tên đệm, tự đặt cho mình cái tên lót “Khánh” trở thành Trần Khánh Dzư. Lấy việc bán dầu hoả giống với việc bán than chờ thời để tỏ ý nguyện và cái chí của mình.
Làm thư ký đại lý bán dầu hoả một thời gian, Tú Dzư cùng ba anh em Tam, Lân, Long lên Hà Nội góp tiền mở một hiệu ảnh ở trước cửa chợ Đồng Xuân, đặt tên hiệu ảnh Hương Ký. Những người trẻ nhiều mơ mộng muốn cái việc chớp hình của mình ghi lại cái đẹp nhất của tục vật, cái hương của đời. Để thêm người làm việc, cậu Tú Dzư vào Nam Định rủ thêm Cảnh là em nuôi, Tiêu là em ruột lúc bấy giờ bị đuổi khỏi trường Thành chung vì tham gia phong trào bãi khoá đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh.
[...]
Mấy anh em tập trung vừa làm thầy vừa làm tớ ở hiệu ảnh Hương Ký nhỏ bé.
Những người mất cả vốn lẫn lời
Nhưng anh em trong nhóm Hương Ký vẫn kiên quyết theo đuổi đường lối quốc sự riêng của mình. Họ làm quen thêm với một sinh viên cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ghi tên học theo thể thức dự thính là Lễ, và một công chức sở Tài chính là Hiếu, sau này kéo thêm một viên chức nhà Đoan là Diệu. Họ quyết tâm và đầy tự tin tiến hành một cuộc cách mạng văn hoá, cách mạng thơ ca, cách mạng văn chương, cách mạng lối sống... Vũ khí họ chọn là ngòi bút. Lịch sử 80 năm qua cho rằng họ thiếu dũng khí không dám cầm súng... Tài chính của họ là những đồng tiền ít ỏi góp nhặt từ những chiếc túi rách đời học sinh, gia sư, công chức hạng bét. Họ là những thanh niên vừa ở tuổi hai mươi, hầu hết vô danh, có người ngoài bài luận văn ở trường, chưa hề viết một bài thơ, một đoản thiên.
Họ góp tiền lại mua một “măng sét” (tên báo) của một anh chàng nhà giàu làm báo để mua danh: Báo Phong Hoá. Với công cụ là một tờ báo vốn sinh ra là tờ lá cải, họ đã vươn lên thành trụ cột của phong trào Thơ Mới, xây dựng nền văn chương tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
Chàng sinh viên học thính thị cao đẳng Mỹ thuật tên Lễ đã trở thành con hổ nhớ rừng và là vị chủ soái Thế Lữ của phong trào Thơ mới. Anh chàng thư ký nhà Đoan tên Diệu trở thành nhà thơ Xuân Diệu, người tình muôn thuở của thi ca Việt Nam. Xuân Diệu kéo thêm một người em nuôi, người bạn chí cốt, một kỹ sư canh nông, sau thành nhà thơ Huy Cận.
Anh cử nhân toán lý tên Tam thành ra nhà văn Nhất Linh, nhà chính khách Nguyễn Tường Tam. Cậu Tú Dzư, làm “tự mê” cái tên Khánh Dzư thành Khái Hưng: trở thành hai cây đại thụ góp phần đặt nền móng cho nền tiểu thuyết hiện đại của lịch sử văn chương Việt Nam.
Cậu Long, sinh viên khoa luật, trở thành nhà văn Hoàng Đạo, nhà lý luận của nhóm, nhà văn luận đề đầu tiên của dòng tiểu thuyết luận đề Việt Nam. Cậu Lân trở thành nhà văn Thạch Lam, một trong những bậc thầy của truyện ngắn Việt Nam. Cậu giáo Tiêu, trung thành với truyền thống “Trần Cộc” không tên đệm thành nhà văn Trần Tiêu, nhà văn viết tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam mô tả cái hồn của đời sống nông thôn.
Thầy ký sở Phi Năng tên Hiếu, họ Hồ, đệm Trọng trở thành nhà thơ trào phúng nổi tiếng: Tú Mỡ nối nghiệp Tú Xương.
Nhóm Phong Hoá lập nên Tự lực văn đoàn là một văn đoàn lớn, không nhận tài trợ của bất cứ ai, lập giải văn chương, giải thưởng khẳng định các tài năng văn học Việt Nam như Anh Thơ, Tế Hanh, Nguyên Hồng, Đỗ Đức Thu, Đỗ Tốn...
Sau này, Tự Lực Văn Đoàn ra tờ Ngày Nay và nhà xuất bản Ngày Nay. Phần lớn những tác phẩm quan trọng nhất của lịch sử văn học Việt Nam đã ra mắt bạn đọc trên các tờ Phong Hoá, Ngày Nay, nhà xuất bản Ngày Nay.
Con cái của bốn người bạn đồng khoa ngày nào, riêng Khoá Cảnh tức Nguyễn Đức Cảnh, bí thư cộng sản đầu tiên của Hải Phòng, Quảng Ninh, lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bị tử hình cũng là một nhà thơ cách mạng. Giáo Hoan sau kết giao với nhà xuất bản Tân Dân, Tiểu thuyết thứ bảy thành nhà văn Nguyễn Công Hoan; Khoá Thiếu, Khoá Khu là Đặng Xuân Thiều, Đặng Xuân Khu là những nhà thơ cách mạng. Riêng Đặng Xuân Khu có bí danh là Trường Chinh, khi làm thơ ký tên Sóng Hồng.
[...]
Nhắc lại chuyện cũ, mẹ tôi thường thở dài và cười:
– Hồi ấy, để có tiền mua bảng hiệu “nhật trình” Phong Hoá, các bác, các cậu “ăn dỗ” đám các chị em gái. Cậu Tú Dzư lột của tao đôi khuyên vàng, một bộ xà tích vàng... hứa là khi nào làm ra, ăn nên sẽ trả nhưng cho tới nay, tao mất cả vốn lẫn lời.
Không chỉ mẹ tôi mất cả vốn lẫn lời mà tất cả nhũng người thân của mẹ tôi, những người lập nên Tự lực văn đoàn đều mất cả vốn lẫn lời như mẹ nói. Chỉ có nền văn hoá dân tộc là được những viên gạch đặt nền móng cho nền văn chương hiện đại. Nhưng sau này những người xây lâu đài trên nền móng đó vẫn chưa thực sự công nhận những viên gạch đó là nền móng văn chương nước nhà.
Mẹ tôi là con gái út của cụ Cử Tiết, là em út của tất cả những người anh cùng họ bên ngoại làng gổc Cổ Am. Mẹ tôi là Thừa, Nguyễn Thị Thừa. Mẹ tôi đã kể những chuyện này.
Nghiêm Đa Văn ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét