Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Thăm một dân tộc Trung Đông tại châu Âu

Nhật ký trên những đôi giày
Thăm một dân tộc Trung Đông tại châu Âu
Copy từ http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/166367/Tham-mot-dan-toc-Trung-Dong-tai-chau-Au.html ; đăng ngày 23/07/12, mục Ẩm thực - Du lịch.
SGTT.Vn - Lang thang trên mạng tìm hướng dẫn du lịch bụi ở Prague (còn gọi Praha), Cộng hoà Czech, tôi gặp lời giới thiệu: “Nếu bạn muốn đối thoại với sự thăng trầm của một dân tộc thông minh nhưng chịu quá nhiều bất hạnh trên hành tinh, chọn Vườn Do Thái”.
“Vườn Do Thái” là nơi an nghỉ của nhiều người Do Thái ở Prague từ thế kỷ thứ 15 – 18.
 
Vườn Do Thái từ thế kỷ 15 – 18
Từng được gọi là “Vườn Do Thái”, nghĩa trang là nơi yên nghỉ của nhiều người Do Thái ở Prague từ thế kỷ thứ 15 – 18. Năm 1990, trong một cuộc khai quật khảo cổ trên đường Vladislavova, nghĩa trang được khám phá và bảo tồn. Không có con số chính xác, nhưng các nhà khảo cổ khẳng định nghĩa trang có 12 tầng, ước tính có 12.000 ngôi mộ; trong đó có nhiều người nổi tiếng như Yehuda ben Bezalel (Rabbi Loew), Mordechai Maisel, David Gans hay David Oppenheim.
Theo luật, người Do Thái không được di dời hay phá huỷ lăng mộ người qua đời. Có lẽ vì thế mà khi hết quỹ đất, họ có thể đã làm những lớp mộ mới chồng lên mộ cũ. Viếng nghĩa trang vào buổi chiều tà, tôi mới hiểu tại sao có ý kiến cho rằng không khí kỳ bí của nghĩa trang, những ngôi mộ đá rêu phong và phong cách sinh hoạt của người Do Thái chính là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho những hoạ sĩ người Czech từ thế kỷ 18. Những tác phẩm hội hoạ nay trở thành những trang sử và thông tin dữ liệu về một nghĩa trang cổ cũng như những bước thăng trầm của cộng đồng người Do Thái tại nơi này.
Nằm ngay cạnh nghĩa trang, một căn phòng với bầu không khí lặng lẽ bao trùm, mặc dù người vào ra tấp nập. Nơi đó ghi tên hàng triệu người Do Thái bị sát hại trong các cuộc diệt chủng do Đức quốc xã tiến hành. Họ không để lại bất cứ dấu tích gì trừ những cái tên may mắn còn được ghi lại. Tên nạn nhân được viết bằng mực đen, đỏ, vàng xen kẽ, dày kín trên các mảng tường trắng quanh căn phòng như một bằng chứng hùng hồn và mạnh mẽ lên án nạn diệt chủng.
Cạnh đó là khu vực trưng bày những bức vẽ của “trẻ em Do Thái vẽ tại Terezin từ năm 1942 – 1944”. Những bức vẽ thể hiện ước mơ, khát khao tự do yêu thương của những đứa trẻ bị giam cầm cũng như nỗi sợ hãi, nỗi cô đơn khi là nạn nhân của nạn diệt chủng. 10.000 trẻ em dưới 15 tuổi bị nhốt tại Terezin, khoảng 8.000 trẻ em sau đó bị trục xuất sang phía đông và chỉ có 200 em trong số này sống sót.
Ngược dòng lịch sử
Một số tài liệu của Czech ghi rằng, những người Do Thái đầu tiên được định cư tại Czech từ cuối thế kỷ 10 vì họ giúp đế quốc Byzantine trong cuộc chiến chống lại dân ngoại Bungary. Tuy ban đầu được chào đón nồng nhiệt, nhưng những cuộc Thập tự chinh (*) mang theo sự bài xích chủ nghĩa Do Thái, trong đó có hành vi giết hại và ép rửa tội, sau đó, đã khiến cộng đồng người Do Thái lao đao. Họ bị cấm sở hữu đất đai, cấm tham gia hầu hết các hoạt động thương mại; trừ cho vay nặng lãi. Sau đó, triều đại Habsburg, với những điều luật tự do nhất châu Âu lên nắm quyền, người Do Thái dễ thở hơn, nhưng vẫn phải sống trong khu ổ chuột. Khi hai vị vua Rudolf II và Mathias cai trị ở thế kỷ 16 – 17, những điều luật nghiêm khắc được nới lỏng. Người Do Thái tự do hơn, không bị dồn trong khu ổ chuột, không phải mặc quần áo khác biệt, được cấp thêm quyền công dân, đi lại và làm ăn buôn bán tự do. Thế kỷ thứ 16 là thời kỳ vàng son của cộng đồng người Do Thái tại Prague, khi họ được tăng thêm quyền lực, được sở hữu đất đai, đi đầu trong các hoạt động thương mại, được hành nghề bác sĩ, nông nghiệp và ngân hàng.
Đế chế Áo – Hung sụp đổ, năm 1918 Bohemia, Moravia, và Silesia kết hợp thành Czechoslovakia. Người Do Thái tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước này do kiểm soát các ngành công nghiệp giấy, thực phẩm và dệt may. Nạn diệt chủng của phát xít chính thức vùi chôn sự nở rộ của cộng đồng người Do Thái tại Czechoslovakia. Khi Hitler nắm quyền năm 1933, nhiều người Do Thái từ các nước Áo, Hungary, Đức trốn sang Czechoslovakia. Năm 1938, Hitler nắm quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ Czechoslovakia và thẳng tay tàn sát người Do Thái. Tại Czechoslovakia, 85% dân số cộng đồng Do Thái bị hại, nhiều người bị trục xuất đến trại tập trung Terezin (cách Prague 60km). Khi Czechoslovakia nằm dưới quyền kiểm soát của Liên Xô, nhiều người Do Thái chạy về Israel. Người ở lại thì mai danh ẩn tích, dấu đi gốc gác Do Thái. Chiến tranh lạnh kết thúc, Czechoslovakia tách thành hai quốc gia độc lập Slovakia và Cộng hoà Czech. Mối quan hệ ngoại giao giữa Czech và Israel tốt đẹp hơn, tạo cơ hội cho cộng đồng người Do Thái tại Czech phục hồi. Nhiều người thừa nhận dòng máu Do Thái trong mình và cùng gầy dựng lại cộng đồng.
Tôi nghe được câu chuyện từ cô hướng dẫn người Czech trao đổi với du khách khi viếng nghĩa trang.
Sự hiện diện của cộng đồng người Do Thái ngày nay tại Czech thể hiện nổi bật qua những thánh đường nguy nga và những trường học. Có riêng khu vực để tưởng niệm, ghi nhớ, lưu trữ, giới thiệu những đóng góp của cộng đồng với xã hội Czech. Có cả trung tâm nghiên cứu văn hoá, giáo dục của viện bảo tàng Do Thái tại khu phố cổ Prague nhằm phát triển và bảo tồn những nét riêng của cộng đồng này.
“Nhưng ngay cả lúc này, mặc dù tham gia nhiều trong các hoạt động kinh tế, người Do Thái tại Prague vẫn chọn cách sống trầm lặng, không ồn ào. Họ yên lặng như cái nghĩa trang, hiện diện đó để du khách tự chiêm nghiệm và tìm hiểu, về một dân tộc với bao biến cố hãi hùng nhưng kiên cường vượt qua và tiếp tục hiện diện mạnh mẽ ngay chính nơi đây”, cô hướng dẫn viên nói.
 
bài và ảnh: Kim Dung
- - - - - - - - - - -
(*) Thập tự chinh là một loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo, do Giáo hoàng La Mã kêu gọi và do các vị vua và quý tộc thực hiện, mục tiêu nhằm phục hồi sự kiểm soát của Kitô giáo với vùng Đất Thánh, xuất phát từ Tây Âu và lan ra châu Âu, Trung đông, châu phi, châu Á.
 
bướm xinh
Phải đưa ảnh này vào để chiều ngang bài viết bung ra đạt 600px.

Không có nhận xét nào: