Nỗi niềm của người trồng hoa ở xứ hoa |
Copy từ http://sgtt.vn/Kinh-te/157870/Noi-niem-cua-nguoi-trong-hoa-o-xu-hoa.html ; tin ngày 07/01/12, mục Kinh tế. |
SGTT.VN - Festival hoa Đà Lạt lần thứ tư vừa kết thúc. Sau bốn lần tổ chức, ấn tượng tốt đẹp nào, giá trị văn hoá, nghệ thuật gì của một lễ hội riêng có của phố núi – vốn được xác lập là lễ hội quốc gia – sẽ còn lưu lại trong trí nhớ của du khách thì có lẽ chỉ tâm hồn từng du khách mới cảm nhận và trả lời chuẩn xác nhất, là đáp số. Chỉ riêng hoa Đà Lạt – dù thế nào – thì vẫn luôn là sứ giả của xứ du lịch Đà Lạ |
Khu trung tâm phố núi đang ở những ngày ăn nên làm ra, cho những hộ dân sống bằng nghề dịch vụ. Nhưng cũng chính những ngày này, ai có dịp ngược ra vùng ngoại ô, tiếp xúc với từng người nông dân, sẽ nghe những tâm tư của họ, trong đó có sự thẳng thắn rằng số đông họ gần như “ngoại cuộc” với không khí lợi ích cụ thể từ festival hoa kia. Thậm chí nhiều người nói rằng cái họ cần là sức mạnh của nền trồng hoa, là về nguồn giống tốt, giống mới lấy từ đâu cho hợp pháp chứ không xài “chui”, nhặt nhạnh từ các công ty trồng hoa nước ngoài; nhu cầu luôn có người chỉ cho họ biết về kỹ thuật tiên tiến; cần trang bị khả năng để hoa của họ có thể cạnh tranh với hoa các quốc gia khác... Sự thật thì lâu nay nền trồng hoa ở Đà Lạt lớn mạnh phần nhiều nhờ vào nỗ lực tự thân của nông dân và chính họ học hỏi từ các công ty trồng hoa nước ngoài, như giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, Phạm Văn Án, thừa nhận. |
Bốn kỳ festival hoa là bốn kỳ truyền hình trực tiếp lễ khai mạc trên đài truyền hình quốc gia, nghĩa là bốn kỳ quan chức chính quyền Đà Lạt – Lâm Đồng xuất hiện trên tivi trong trọng trách của mình. Bốn kỳ festival là bốn kỳ đều có chương trình “ăn theo” là tổ chức về phát triển nghề hoa ở địa phương này. Lật kỷ yếu của bốn kỳ đó ra, ta nhận ra món nợ về một cái chợ đấu xảo hoa cho nông dân để hoa họ trồng ra không còn bị thương lái ép giá, để không còn cái cảnh của nền nông nghiệp tự lo, tự phát, cho thứ sản phẩm luôn mong manh “sáng thu, trưa héo, chiều đổ đi” và để nền trồng hoa ở xứ “trời đãi”, dễ trồng hoa nhất nước này ngang bằng với các nước. Sự tha thiết đó được đưa ra không chỉ các hội thảo về hoa mà gần như trên mọi diễn đàn liên quan đến hoa đều nghe thấy. Việc triển khai dự án xây dựng trung tâm thương mại và đấu giá hoa Đà Lạt trên diện tích 10ha ngay trong năm 2011 cũng đã được chính quyền tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, nhưng xem ra mọi việc vẫn đang dẫm chân tại chỗ. |
|
|
10ha “đầu ra” cho hoa của nông dân sao mà dầm dề, cay đắng! |
Đó là chưa nói giờ đây ở Đà Lạt không khó để nhận ra những vị trí đẹp, “đất vàng”, đất có nguồn nước tưới đảm bảo, sinh thái còn đảm bảo... luôn thuộc về các dự án xây dựng khách sạn, biệt thự... Tiền ngân sách hàng năm đổ vào nhiều công trình khác, nhưng cái cần kíp để cứu ngay nông dân trồng hoa là một trung tâm đấu xảo hoa như ở Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... thì còn mãi đong đưa. Chủ tịch hiệp hội Hoa Đà Lạt Trần Huy Đường từng bảo: ông thấu rõ nông dân Đà Lạt khát cháy một trung tâm đấu xảo hoa – biểu thị của một nền nông nghiệp hàng hoá chuyên nghiệp và mang lại sự công bằng trong thị trường hoa cho nông dân. |
Đà Lạt đã bội thực dự án resort (235 dự án) với hàng vạn biệt thự cùng khách sạn sẽ ra đời để gộp vào hệ thống 700 khách sạn, nhà nghỉ hiện hữu. Dự án resort đã và đang bủa vây các vùng núi đồi, thung lũng trồng hoa. Cùng với đó, các làng trồng hoa ngày càng teo tóp vì cơn lốc địa ốc, phân lô đô thị... Người ta sẽ không còn tìm thấy nữa làng hoa sau trường Lycée Yersin xưa, làng rau – hoa bên trên hồ Đội Có, làng rau – hoa ấp Hồng Lạc, làng hoa quanh hồ Vạn Kiếp, làng rau – hoa hai bên trục đường Nguyễn Công Trứ... Làng trồng hoa hồng Vạn Thành lừng danh nhiều lần bị lăm le quy hoạch thành đô thị. Làng trồng hoa ở khu Đất Mới, rồi làng hoa cận hồ Chiến Thắng... cũng đang rục rịch “gả” cho các dự án du lịch. Ngay cả làng hoa đầu tiên trong lịch sử ngành trồng hoa là Hà Đông cũng đang mất dần vì nhà cửa mọc lên ồ ạt. Đô thị đang nuốt dần những làng trồng hoa và chính việc không sốt sắng trong triển khai quy hoạch chi tiết trong tổng thể quy hoạch chung về Đà Lạt của nhiều cấp, nhiều ngành tại địa phương đã góp phần “giúp” các làng trồng hoa tại đây trở thành hình ảnh của quá khứ... |
Còn một sự thật nữa đang diễn ra là nhiều nông dân Đà Lạt gần đây phải tìm vào Lạc Dương, xuống Đơn Dương, Đức Trọng... để thuê đất trồng hoa, thường là với giá cao ngất ngưởng. “Giá” của hoa mà! Chính quyền có thể chưa nhận ra điều này, nhưng “đời sống trồng hoa” ở Đà Lạt đang chảy theo những ngóc ngách bươn chải trắc trở như vậy. |
Trở lại với các kỳ lễ hội – festival hoa. Không khó để nhận ra phần hoa chính yếu tham dự bữa tiệc festival là hoa của các “đại gia” mới trồng hoa, của những doanh nghiệp lớn, bề thế và của công ty TNHH một thành viên công trình đô thị Đà Lạt chứ không phải của những nông dân gắn bó với nghề trồng hoa lâu đời ở xứ được mệnh danh là xứ ngàn hoa này. Không đắng lòng sao khi tiếng thơm của hoa ở xứ ngàn hoa được gầy dựng không phải một sớm một chiều, và người tạo ra tiếng thơm ấy – nguồn dinh dưỡng quan trọng thu hút du khách tìm đến thành phố trong sương – không ai khác chính là những nông dân một nắng hai sương kia, lại không được góp mặt xứng đáng trong chính lễ hội tôn vinh nghề nghiệp của chính mình? |
Dù là trung tâm du lịch, nhưng cho đến giờ nông dân vẫn là thành phần chủ yếu của Đà Lạt. Không còn đất cho hoa thì còn đâu xứ sở trồng hoa, nghề trồng hoa và đương nhiên, không thể còn xứ sở ngàn hoa – niềm tự hào không của riêng người Đà Lạt. |
Đã qua bốn kỳ lễ hội hoa, không còn sớm để đặt ra câu hỏi đầy nỗi niềm: tổ chức lễ hội – festival hoa là vì ai, vì du khách, ngành du lịch với hệ thống các khách sạn, resort dày đặc và đủ thứ dịch vụ hay cho nền trồng hoa, người nông dân trồng hoa? Có lẽ sẽ rất khó chấp nhận khi hết lần này đến lần khác, mỗi khi tới kỳ khai mạc lễ hội hoa, chúng ta lại hô hào, nào là sau festival nông dân sẽ được lợi ích nhờ sự lan toả của lễ hội, nào là hiệu quả sau fesival hoa từ từ sẽ đến với người nông dân quanh năm (và bao đời) kiếm cơm bằng nghề trồng hoa. |
Từ từ là đến chừng nào nữa khi sau bốn kỳ lễ hội, những nỗi niềm của nông dân trồng hoa Đà Lạt gần như vẫn còn nguyên? |
|
|
|
N. H. T |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét