Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Công cha nghĩa mẹ ơn thầy

 

Công cha nghĩa mẹ ơn thầy

Copy từ http://sgtt.vn/Khoa-giao/165957/Cong-cha-nghia-me-on-thay.html;đăng ngày 12/07/12, mục Khoa Giáo.

Hôm nay 27/07/12, trên trang Google có hình ảnh ủng hộ lễ khai mạc Olympic 2012 tại London.

London 2012 Opening Ceremony

 

SGTT.VN -Từ thuở sinh ra được cha mẹ ẵm bồng, ru dỗ nuôi nấng, dạy bảo cho đến lúc vào đời trở thành anh, chị, ông, bà... nhận được sự thương yêu, kính trọng ngưỡng mộ của bao người, mỗi chúng ta có đủ thời gian, tấm lòng, trí nhớ để kể ra, ghi nhớ hoặc chép lại rằng chúng ta đã được học qua bao nhiêu người thầy, vị thầy ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống.

“Thầy với hình ảnh chiếc áo the đen, bút lông mực tàu”... Ảnh: TL

 

Ông bà xưa thường nói “Không thầy đố mầy làm nên”, lại có câu “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy”, chúng ta hiểu rằng công sanh thành dưỡng dục và dạy dỗ nên người, biết sống theo lẽ phải ở đời, rõ ràng quan trọng như nhau.

Chúng ta được thầy dạy từ những bước đi chập chững để biết công đức sinh thành của cha mẹ, dạy phải tập sống như thế nào để chứng tỏ mình là đứa con hiếu thảo, tri thức chúng ta nhận được từ đơn giản đến sâu rộng, từ thô đến tế nơi các bậc thầy. Làm sao có thể tồn tại trong đời, trong dòng sống của nhân loại từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà không nhớ, không nghĩ tưởng đến việc báo đền công cha nghĩa mẹ ơn thầy.

Thầy với hình ảnh chiếc áo the đen, bút lông mực tàu, ngồi nơi phiên chợ... Thầy với áo dài trắng trước hàng ghế gỗ nâu trên bục giảng trường làng... Thầy với bộ âu phục sang trọng đúng mực giữa giảng đường đại học... Thầy với điếu thuốc, ly càphê đắng gầy gò trong góc hậu trường chật hẹp, tối tăm, bẩn thỉu đầy bụi bám nhện giăng ở những rạp hát cũ kỹ, những ngôi chợ mái đình đổ nát... Thầy với sân bay quốc tế, nhà hát hiện đại, cung đình nguy nga sơn son thếp vàng giữa những kinh thành tráng lệ... Thầy an nhiên tự tại uy nghi thanh thoát ngồi giảng pháp trước chánh điện những ngôi chùa... Thầy là người bình thường mà chúng ta có thể gặp đâu đó giữa chợ đời muôn mặt, với lòng từ thể hiện ở khắp mọi nơi trong lớp áo nhà nông, khuôn mặt ngây thơ của đứa trẻ bán vé số, chị công nhân làm vệ sinh đường phố, hoặc người ăn xin ngồi chìa tay giữa phố đông người.

Thầy mãi mãi đối với chúng ta là hình ảnh thân thương cộng với sự biết ơn và lòng kính trọng. Chúng ta nhận được ở các vị thầy không chỉ tri thức mà quan trọng hơn đó là nhân cách, là tấm gương soi cho mỗi đời người..

Tôi thiết tha nhớ NSND Năm Châu, ông nói: “Những gì ba dạy con chỉ mới là sự bắt đầu, khán giả của mỗi đêm hát mới là người thầy cuối cùng giúp con hoàn thiện vai trò diễn trên sân khấu”. Mấy mươi năm trong nghề, tôi càng có điều kiện hiểu trọn vẹn câu nói ngắn gọn của ông, khi bước lên sàn diễn bắt đầu ra mắt một vở mới. Bởi sự lo lắng hồi hộp sợ không làm tròn bổn phận vẫn mới nguyên như thuở vào nghề. Tôi nhớ lời NSND Phùng Há: “Ðừng tưởng má chỉ có dạy con đơn thuần mà chính má cũng đang học cái mới vừa nảy mầm trong con, mang đầy đủ hơi thở của thời đại các con, để bổ sung cho sự sáo mòn của những bài giảng”. Câu nói giá trị còn hơn ngọc vàng của má Bảy, tôi đã âm thầm xin phép má lặp lại với những bạn trẻ mà tôi có dịp may hướng dẫn họ trên đường tìm đến nghiệp tổ.

Tôi nhớ một bác nông dân trên cánh đồng làng trong buổi hát từ thiện ở một tỉnh nọ cách đây không lâu. Hôm đó diễn xong sau cơn mưa tầm tã, tôi đi cùng một số khán giả về chỗ trú. Trên đường đi, có ngôi nhà bên đường, người chủ che một tấm cao su bị thụng xuống vì nước mưa đọng lại trông như cái thau lớn chứa đầy nước. Một trong những khán giả ái mộ đi cùng đã ghé tay xuống chỗ nước đọng mà rửa, sau đó tiếp tục đi. Bác nông dân la lên: “Rửa tay rồi sao không hất nước đổ đi, để mấy người tới sau không biết, múc uống tội chết đó nghen”. Tôi quay lại nhìn bác, chiếc áo bác đang mặc đã bạc màu và có nhiều chỗ vá, bác đi chân đất, rắn chắc đầy tự tin. Tôi nắm lấy hai bàn tay của bác, nhám và khô như đất ruộng sau mùa gặt. Bài học tôi vừa học ở nơi bác không thể tìm thấy nơi ghế nhà trường. Bác nghĩ và làm điều thiện hồn nhiên như bác thở.

Tôi nhớ những người thầy của tôi, của chúng ta: thầy Hoàng Như Mai, thầy Lê Trí Viễn, thầy Hoàng Ngọc Hiến, thầy Lê Ngọc Trà... Biết bao lứa học trò của các thầy, thế hệ nối thế hệ, từ những học sinh bình thường trở thành những nhân vật xuất chúng được đời quý yêu trọng vọng... Và các vị thầy bóng dáng đồ sộ, những nhân cách lớn vẫn miệt mài lặng lẽ dạy dỗ hun đúc những thế hệ non trẻ, cũng chỉ với cuộc sống giản đơn, bình dị khiêm cung trong sáng như tự bao đời.

Tôi nhớ ông Dương Ðình Thảo, người anh lớn của tất cả thế hệ nghệ sĩ chúng tôi sau 1975 với những bài học quý báu về cuộc sống, về nghề nghiệp hiếm thấy trong sách vở, tri thức và tấm lòng ông trải rộng chan hoà từ bác nghệ nhân già không còn đủ sức khoẻ theo nghiệp tổ cho đến những mầm non trong nghề vừa mới được phát hiện. Ông đã hành xử mọi việc một cách thấu đáo nghiêm minh, công bằng chính trực bởi sự hiểu biết sâu sắc tri thức thời đại cộng với tình thương dành cho những con người hoạt động vì sự nghiệp văn hoá dân tộc. Chúng tôi thương mến và biết ơn ông, một trong những nghệ sĩ nhân dân trên bục giảng giữa đời thường.

Ðiều được ghi ra – nói theo một nhà văn lớn – chỉ có giá trị như một gạch nối. Cái giữ lại bên trong mãi mãi là những dòng sông nối liền mạch đời triền miên tuôn chảy. Tri thức truyền tri thức, tâm hồn trao gởi tâm hồn, thế hệ chuyển giao thế hệ. Từ các người thầy, các vị thầy, các bậc thầy đã giúp cho chúng tôi biết yêu tổ quốc, yêu dân tộc, yêu con người, yêu nghề, yêu quý mọi sinh vật có mặt trên hành tinh vũ trụ này.

TS.NSND Bạch Tuyết

 

Không có nhận xét nào: