Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Người Trung Quốc "giải độc" cho chính người Trung Quốc

 

Người Trung Quốc "giải độc" cho chính người Trung Quốc

Copy từ http://tuoitre.vn/The-gioi/503645/Nguoi-TQ-“giai-doc”-cho-chinh-nguoi-TQ.html ; tin ngày 26/07/12, mục Thế giới.

TT - Học giả Lý Lệnh Hoa mới đây đã tổ chức một cuộc giao lưu với bạn đọc Trung Quốc trên mạng xã hội Sina Weibo về vấn đề biển Đông. Một nỗ lực nhằm “giải độc” dư luận và chấn chỉnh những hiểu biết lệch lạc của chính người Trung Quốc về “đường chín đoạn”.

Tàu và máy bay Trung Quốc ở biển Đông - Ảnh: militarychina.com

Trong cuộc giao lưu, học giả Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc một lần nữa khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia của mình. Với khẳng định này, ông đã gặp không ít khó khăn để thuyết phục các cư dân mạng gột bỏ những gì họ đã bị nhồi nhét từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Không có gì khó hiểu khi không ít cư dân mạng này đã có những phản ứng quá khích với ông, nhất là với những sự thật mà lần đầu tiên họ được nghe nói đến. Khi đặt câu hỏi, nhiều bạn đọc Weibo nói rằng họ xem việc thể hiện chủ quyền trên toàn bộ biển Đông là “minh chứng cho lòng yêu nước”. Có cư dân mạng đòi tẩy chay ông. Có cư dân mạng tên Shbarbiegirl còn quá khích gọi ông là “người bán biển của tổ quốc”.

Truyền thông, học giả kích động người dân

Tại buổi giao lưu, học giả Lý Lệnh Hoa nhận định các học giả Trung Quốc và phương tiện truyền thông nước này đã góp phần không nhỏ vào việc kích động người dân về vấn đề biển Đông trong khi lại bưng bít thông tin, không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh Trung Quốc có quyền “ôm trọn biển Đông”.

“Các phương tiện truyền thông cần am hiểu luật trước khi phát ngôn hoặc đăng tải những bài viết kích động người dân. Trung Quốc cần dựa trên luật quốc tế để giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình” - học giả Lý Lệnh Hoa khẳng định. Theo ông, chỉ có luật quốc tế mới có thể giải quyết các tranh chấp trên biển. Chính quyền Trung Quốc không thể chèn ép các nước khác, áp đặt đường “quốc giới” vô lý của mình và buộc các nước khác phải nghe theo.

Ông Lý Lệnh Hoa nhấn mạnh các học giả Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đã làm lệch lạc nhận thức của người Trung Quốc về biển Đông. Ông phản bác luận điệu của giáo sư Lý Kim Minh thuộc ĐH Hạ Môn cho rằng “chủ quyền Trung Quốc có trước Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS)”, hay việc học giả Lý Quốc Cường thuộc Trung tâm Nghiên cứu sử địa biên giới Trung Quốc cứ vung miệng nói rằng “Bắc Kinh có đủ bằng chứng pháp lý” mà chẳng đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào! Học giả họ Lý cũng dẫn lời giáo sư Lý Quốc Hưng thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải khẳng định “đường chín đoạn không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, không có căn cứ pháp luật”. Trung Quốc thậm chí còn không có những căn cứ cơ bản nhất để xác định chủ quyền trên biển Đông.

Ông cho rằng Trung Quốc và các nước láng giềng cần dựa trên UNCLOS để xác định vị trí của biển Nam Hải (biển Đông). Bởi đường chín đoạn không phải là đường biên giới trên biển Nam Hải mà chỉ là đường chủ trương do Trung Quốc tự đặt ra. “Tôi hi vọng các học giả như nhà nghiên cứu Lý Quốc Cường và giáo sư Lý Kim Minh tìm hiểu một cách nghiêm túc, dựa vào sự thật mà nói, thay đổi quan niệm lỗi thời và không chính xác của mình, không nên làm công chúng hiểu lầm và ảnh hưởng đến quyết sách quốc gia” - ông kêu gọi.

Học giả Lý Lệnh Hoa - Ảnh: Weibo

Chẳng ai thừa nhận “đường chín đoạn”

(Trích giao lưu của học giả Lý Lệnh Hoa và bạn đọc Weibo)

Dadaoyouxin: Xin hỏi, ngoài chúng ta ra trên thế giới có nước nào thừa nhận đường chín đoạn không?

Lý Lệnh Hoa: Các nước khác chưa bao giờ thừa nhận đường chín đoạn.

Zheshiyizhongbeiju: Còn nhớ vào năm 1947 chúng ta đề xuất vấn đề về biên giới, sau đó 50 năm đã qua đi, các nước láng giềng không hề phản đối. Điều này có nghĩa là họ mặc nhiên thừa nhận chuyện chủ quyền của chúng ta?

Lý Lệnh Hoa: Không phải các nước khác không công khai phản đối, mà là họ chưa bao giờ thừa nhận vấn đề này. Chính giáo trình của chúng ta đã khiến người dân hiểu sai lệch về Nam Hải (tức biển Đông).

Xiaotianshi: Vậy chúng ta làm thế nào để giải quyết vấn đề Nam Hải? Biển Nam Hải không phải là của chúng ta sao?

Lý Lệnh Hoa: Chỉ có áp dụng luật pháp quốc tế. Khi các nước cùng ngồi lại và đưa ra một thỏa thuận chung, chủ quyền của chúng ta mới được các nước thừa nhận. Nếu cứ khăng khăng khẳng định đường chín đoạn là “quốc giới” như trước nay tất cả chúng ta được học thì e rằng tranh chấp tại Nam Hải sẽ chẳng bao giờ kết thúc.

Renwoxing1900: Con đường nào để chúng ta bảo vệ chủ quyền? Nếu như nơi ông ở gặp tranh chấp, ông sẽ giải quyết thế nào?

Lý Lệnh Hoa: Tốt nhất là đàm phán song phương và đàm phán đa phương.

Weiyuweimian: Kết cục của Nam Hải sẽ là như thế nào? Trung Quốc có thể một mình độc chiếm Nam Hải không?

Lý Lệnh Hoa: Nam Hải là vùng đường thủy tự do của quốc tế. Tất nhiên Trung Quốc không thể độc chiếm. Mà chúng ta cũng không làm được chuyện đó.

 

HOÀNG NGỌC

TNS John McCain: “Khiêu khích thái quá”

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain lên tiếng cảnh báo Trung Quốc là đã “khiêu khích thái quá” khi tuyên bố thành lập khu quân bị Tam Sa và điều quân đến đồn trú trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. “Quyết định của Quân ủy trung ương Trung Quốc về việc triển khai quân đội đến các đảo ở biển Đông, trong đó có các đảo của Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền, là một sự khiêu khích thái quá” - AFP dẫn lời ông McCain nhận định.

Thượng nghị sĩ McCain còn chỉ trích việc Trung Quốc bổ nhiệm nhân sự cơ cấu cho cơ quan lập pháp ở Tam Sa. Bởi lẽ, theo ông, “điều này chỉ làm các nước châu Á càng phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Những tuyên bố này không có cơ sở luật pháp quốc tế và cho thấy Trung Quốc đang khẳng định chủ quyền bằng cách đe dọa và áp bức”. Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh đang “bội tín và không xứng đáng là một nước lớn có trách nhiệm”. Và ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tìm kiếm một giải pháp đa phương, hòa bình theo luật pháp quốc tế”.

Mỹ Loan

 

Không có nhận xét nào: