Hôm nay trên google có ảnh cổ động Olympic 2012 London
Cái đích của giáo dục
Copy từ http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Chinh-tri-Xa-hoi/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/150483,Cai-dich-cua-giao-duc.ttm; tin ngày 25/07/12, mục Thời sự Suy nghĩ.
TT - "Trong một buổi sáng, tôi nhìn thấy những trò gian dối nhiều bằng toàn bộ trò gian dối mà tôi nhìn thấy trong cả cuộc đời tôi cộng lại" - đó là cảm nhận của một giáo viên người Pháp khi chứng kiến một buổi thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ ở VN, mà TS Phạm Thị Ly đã kể lại trên Tuổi Trẻ ngày 24-7-12. Những ai tâm huyết với nền giáo dục nước nhà ắt đều phải đau nhói lòng, khi nghe câu nói trên.
84,6% trong 500 thí sinh được hỏi đã thừa nhận có xuất hiện gian lận thi cử ngay tại nơi mình dự thi. Gian lận được các bạn nhìn nhận ở nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ thì nhìn bài nhau, hỏi bài nhau. Nặng hơn thì mang tài liệu vào chép, tổ chức giải bài tập thể. Dĩ nhiên, một cuộc khảo sát nhỏ không thể nói hết được. Nhưng chí ít kết quả khảo sát đó đã cung cấp thêm một minh chứng thuyết phục cho những nhận định về các kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Sau khi đọc kết quả khảo sát, có người đã thắc mắc tại sao cơ quan chức năng không thực hiện những khảo sát tương tự để đánh giá mức độ nghiêm túc của kỳ thi. Thay vào đó chỉ toàn nghe báo cáo để rồi đưa ra kết luận kỳ thi này nghiêm túc, kỳ thi nọ đúng quy chế. Thắc mắc ấy lập tức bị nhiều người bác bỏ bởi theo họ, khảo sát lớn để thấy tiêu cực trong thi cử là việc không cần thiết nữa vì ai cũng biết là có tiêu cực rồi.
Có vẻ như mọi người đang mặc nhiên thừa nhận chuyện "sống chung" với tiêu cực, gian lận trong thi cử. Một thực trạng không thể chấp nhận được lại dễ dàng được chấp nhận và dung túng, chắc chắn nó sẽ có điều kiện để sinh sôi nảy nở.
Để xảy ra những gian lận ấy, trách nhiệm trước mắt dễ thấy nhất thuộc về con người, cách thức, tổ chức các kỳ thi. Nếu có một cách thức thi hoàn chỉnh và những con người thực thi cách thức đó nghiêm túc, chuyện gian lận thi cử khó mà công khai, lồ lộ diễn ra như vừa qua. Xa hơn một chút là cách học và cách ra đề thi. Nếu, lại một chữ nếu, học sinh được dạy để biết, đề thi được ra để đánh giá khả năng của thí sinh thay vì kiểm tra những gì thí sinh học thuộc thì dẫu thí sinh có mang "phao" cũng chẳng biết quay cóp được gì trong ấy.
Nhưng tất cả cũng chỉ là phần ngọn. Cái gốc là làm sao có một nền giáo dục đào tạo được những con người biết xấu hổ, biết sai trái khi làm những điều gian lận. Xin đừng nghĩ đó là lý thuyết, không thể nào đạt được. Rất nhiều du học sinh đã kể rằng chuyện thi cử ở nhiều nước mà họ đến học hoàn toàn không vất vả huy động, hoán đổi giáo viên từ trường này sang trường khác như ở ta, nhưng đố hề thấy được chuyện gian lận. Một mặt, học sinh của những nền giáo dục ấy biết xấu hổ khi làm điều sai trái. Mặt khác, họ cũng biết rằng nếu gian lận trong thi cử, nghiên cứu khoa học thì xem như "tàn đời"! Bên cạnh đó, nhà trường cũng như giáo viên không dám tiếp tay cho gian lận nhằm đạt thành tích cao bởi chẳng may bị phát hiện, cũng xem như "chấm hết" từ hiệu trưởng đến giáo viên lẫn thương hiệu nhà trường.
Đó là cái đích mà nền giáo dục VN cần vươn tới.
Hùng Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét