Sự thật lên tiếng!
http://antgct.cand.com.vn/... đăng ngày10/08/2019 15:53.Sau rất nhiều chờ đợi, cuối cùng thì tối 31-7-19, trang web của Bộ Ngoại giao Thái Lan đã đăng tải toàn văn Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) diễn ra ở Bangkok, Thái Lan.
- Cẩn thận với chiến thuật pháp lý mới của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông
- An ninh Biển Đông trên diễn đàn ASEAN
- Trung Quốc không thể biện minh hành động phạm pháp tại Biển Đông
Trong mục Biển Đông, phần các vấn đề quốc tế và khu vực, Tuyên bố chung viết: “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình Biển Đông, trong đó một số bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại về các hành vi cải tạo đất, các hoạt động và những vụ việc nghiêm trọng trong khu vực, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Ai cũng biết là ai
Trong phần nội dung này, tuyệt nhiên không nhắc đến, không chỉ đích danh cụ thể bất cứ một nước nào nhưng giống như Chúa tể hắc ám Voldermort trong truyện Harry Potter, đấy là kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai.
Bởi trong đoạn Tuyên bố chung này có một số từ khóa mà ngữ nghĩa rõ ràng đến mức không thể hiểu sai được rằng chúng muốn đề cập đến nước nào.
Thứ nhất là “các hành vi cải tạo đất”. Trong nhiều năm qua, nước bị chỉ đích danh đã tiến hành các hành vi tôn tạo những bãi đá trên quy mô lớn trên Biển Đông, biến chúng thành những cấu trúc nhân tạo và tiến hành quân sự hóa những cấu trúc nhân tạo được xây dựng trái với pháp luật quốc tế này, là Trung Quốc.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) diễn ra ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: L.G. |
Còn “những vụ việc nghiêm trọng trong khu vực” (Biển Đông) mà Tuyên bố chung của AMM 52 đề cập đến thì ai cũng rõ.
Tuyên bố của Bộ ngoại giao Việt Nam hôm 19-7 đã chỉ ra rằng kể từ đầu tháng 7-2019, “nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”.
Hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm thô bạo chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực này.
Phía Việt Nam đã tiến hành hàng loạt hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trong đó có trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam cũng đã triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.
Tiền hậu bất nhất, lời nói gió bay
Tuyên bố chung của AMM 52 còn có một đoạn khác nữa, trong đó các Bộ trưởng ASEAN “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền và những nước khác, trong đó có những hoạt động được đề cập trong DOC (Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông) có thể gây phức tạp thêm tình hình và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”.
Kể từ tháng 12-2013, Trung Quốc đã ồ ạt tiến hành công việc bồi đắp trái pháp luật quốc tế (theo một số liệu là tạo lập khoảng 3.200 mẫu đất mới ở riêng khu vực Trường Sa của Việt Nam), tạo thành các thực thể nhân tạo trên Biển Đông, biến chúng thành những tiền đồn phục vụ các mục tiêu khác nhau của Trung Quốc.
Trước sự lo ngại chung của cộng đồng quốc tế, tháng 9-2015, trước một cử tọa bao gồm các phóng viên quốc tế tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Barack Obama, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành ở quần đảo Trường Sa không nhằm vào hay có ảnh hưởng gì tới bất kỳ quốc gia nào và Trung Quốc không có dự định theo đuổi quân sự hóa (khu vực này)”.
Thực tế diễn ra như thế nào? Chỉ sau một thời gian ngắn, trên các thực thể nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp liên tiếp xuất hiện các đường băng có thể dùng cho máy bay quân sự, cơ sở truyền tin, nhà chứa máy bay (hangar), rồi đến các đường ngầm, hầm trú ẩn, trạm radar và ăng ten tần số cao...
Nó cho thấy tuyên bố chính thức của nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc “không có dự định theo đuổi quân sự hóa” khu vực Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam chỉ là lời nói gió bay, chẳng có ký lô trọng lượng nào.
Trước áp lực của cộng đồng quốc tế về chuyện tiền hậu bất nhất, nói một đằng làm một nẻo, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 51 diễn ra tháng 8-2018 tại Singapore, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố thẳng thừng rằng việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa trên các thực thể nhân tạo trái phép ở Biển Đông là để “tự vệ”!
Có lẽ phía Trung Quốc tin rằng bằng lời nói thì tùy theo hoàn cảnh, vận dụng miễn sao cho có lợi là được.
Chẳng thế mà trên Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore tháng 6-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã đưa ra một hình mẫu về tính hài hước bằng tuyên bố: “Trong suốt 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Trung Quốc chưa bao giờ phát động một cuộc chiến hay xung đột, hay xâm lược quốc gia khác, hay lấy dù chỉ một tấc đất của nước khác”!
Những “vùng xám” nguy hiểm
Tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông không phải là điều bí mật đối với toàn thế giới. Sử dụng một tấm bản đồ tự vẽ ra đường 9 đoạn rồi tự tuyên bố đấy là lãnh hải của mình, Trung Quốc muốn hợp thức hóa tham vọng này bằng đủ mọi cách. Phương châm xuyên suốt là: “Cái gì của tôi thì là của tôi, cái gì của anh là của chúng ta!”.
Chiến thuật thường xuyên là tiến hành lấn từ từ, không gây sốc, thực hiện các hành động “dưới ngưỡng” để tránh xảy ra xung đột lớn có thể dẫn tới sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế.
Song song với việc luôn tuyên bố rằng khu vực Biển Đông đang ổn định, các nước “bên ngoài” không cần can thiệp vào, Trung Quốc cũng thường sử dụng các đòn bẩy để gây chia rẽ các nước ASEAN nhằm phân tán bớt sức mạnh đoàn kết của khối.
Phương thức thường xuyên sử dụng là tạo ra những “vùng xám” tranh chấp, đưa các bên vào “sự đã rồi”. Ký một DOC không kèm theo các biện pháp chế tài, Trung Quốc tiến hành việc tôn tạo các thực thể nhân tạo trái phép ở Biển Đông để tạo ra “sự đã rồi”.
Từng đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam năm 2014, nay tiếp tục đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, mục tiêu của Trung Quốc không gì khác hơn cũng là tạo nên “sự đã rồi”, nhằm biến một khu vực biển hoàn toàn của Việt Nam thành một “vùng tranh chấp”(!?). Nếu có tranh chấp thì cùng ngồi xuống đàm phán và khi ấy, sẽ “cùng khai thác” trên vùng biển của Việt Nam?
Đó chính là cách mà Trung Quốc đã làm bấy lâu nay để nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”, một giấc mơ đang biến thành ác mộng của các nước láng giềng.
Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Ảnh: L.G. |
Cộng đồng quốc tế lên tiếng
Trong tuyên bố ngày 25-7-19 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ: “Duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an toàn hàng không, hàng hải, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia theo UNCLOS, là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế”.
Và cộng đồng quốc tế đã hành động để cho sự thật lên tiếng!
Zach Abuza, giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ (National War College, Washington), được Báo Tuổi trẻ dẫn lời, nói: “Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc vốn cũng là thành viên, Việt Nam được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) cũng như các quyền trong thềm lục địa. Việc khảo sát của Trung Quốc hay bất kỳ hoạt động thăm dò nào, như Hải Dương 981 năm 2014, cũng là một sự vi phạm rõ ràng tới chủ quyền của Việt Nam”.
VTC News dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20-7 nói: “Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt, kiềm chế các hành động khiêu khích và gây bất ổn khu vực”. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các hành động này của Trung Quốc đe dọa tới hòa bình và an ninh khu vực, “can thiệp vào các hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam”.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản được các hãng tin quốc tế dẫn tuyên bố ngày 31-7 cho biết: “Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Đông đối với tất cả các nước liên quan”.
Tờ Business Today dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar về phản ứng trước việc Trung Quốc điều tàu xâm phạm vùng biển của Việt Nam, khẳng định Ấn Độ đã và đang ủng hộ tự do hàng hải và tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển.
Đấy chỉ là một số trong rất nhiều phản ứng của dư luận quốc tế đối với hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam thời gian qua. Sự thật luôn có tiếng nói của nó. Thực tế đã chứng minh, lẽ phải không thuộc về phía tự cho mình cái quyền “vẽ” ra lãnh hải cũng như quyết định trật tự quốc tế.
Yên Ba
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét