Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục 'khẩu chiến' về vụ Bãi Tư Chính

Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục 'khẩu chiến' về vụ Bãi Tư Chính

26/08/2019




Cuộc biểu tình chớp nhoáng của một nhóm người Việt bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 6/8.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới lên tiếng chỉ trích chính quyền Hà Nội về vụ Bãi Tư Chính, sau khi người phát ngôn ngoại giao Việt Nam “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm”.
“Hồi tháng Năm năm nay, bất chấp phản đối cứng rắn của Trung Quốc, Việt Nam đơn phương bắt đầu các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], [và đây là] nguồn gốc của tình hình hiện thời”, ông Cảnh nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 23/8, một ngày trước khi xuất hiện tin nói rằng tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc “vào gần bờ biển Việt Nam, cách Phan Thiết 185 km”.
“Chúng tôi hy vọng quốc gia có liên quan sẽ nghiêm túc tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, và hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hòa hợp và yên bình ở các vùng nước này”.
Khi được hỏi về tuyên bố một ngày trước đó của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng về việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc "đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam", ông Cảnh nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng nước lân cận, cũng như có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan”.
“Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển)”, ông nói tiếp.
Kể từ khi xảy ra căng thẳng ở Bãi Tư Chính nhiều tuần trước, đây không phải là lần đầu tiên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc lên tiếng đáp trả nhau.
Hôm 22/8, bà Hằng cho biết rằng Hà Nội đã “nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc” và “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực”.
“Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam”, bà Hằng nói.
Hôm 24/8, hãng tin Reuters dẫn các dữ liệu hàng hải cho biết rằng với sự hộ tống của ít nhất 4 tàu khác, tàu Hải Dương 8 tiếp tục tiến hành khảo sát Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở vị trí cách đảo Phú Quý 102 km về phía đông nam và cách bờ biển Phan Thiết 185 km.
Tới tối ngày 25/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc chưa có bình luận nào về diễn biến mới này.

    Không có nhận xét nào: