Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Các đập thượng nguồn sông Mê Kông đe dọa sinh kế người dân hạ nguồn

Các đập thượng nguồn sông Mê Kông đe dọa sinh kế người dân hạ nguồn

Chánh Tài
https://thesaigontimes,vn/... đăng ngày 31/7/2019,17:49.

(TBKTSG Online) - Hoạt động của hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang làm trầm trọng thêm tình hình khô hạn trong khu vực, đe dọa đến nguồn tài nguyên thủy sản vốn mang lại sinh kế cho người dân sống ở lưu vực hạ nguồn bao gồm Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Đập thủy điện Cảnh Hồng trên sông Lan Thương, vùng thượng nguồn sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: AP
Các nhà khí tượng học Thái Lan dự báo năm 2019 là năm khô hạn nhất ở nước này trong vòng ít nhất một thập kỷ qua. Nhiều chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc và Lào giảm lượng nước xả ở hai con đập nơi thượng nguồn sông Mê Kông khiến lưu lượng dòng chảy về hạ nguồn giảm nghiêm trọng.
Hồi đầu tháng này, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc thông báo lưu lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng trên sông Lan Thương, thượng nguồn của sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sẽ giảm một nửa trong giai đoạn từ ngày 5-7 đến 19-7 để bảo dưỡng lưới điện trong khu vực.
Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) ban đầu kỳ vọng quyết định này sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực hạ nguồn sông khi mùa mưa đang bắt đầu. MRC có bốn thành viên gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và hai đối tác đối thoại Trung Quốc và Myanmar.
Tuy nhiên, khi đợt bảo dưỡng lưới điện ở Vân Nam hoàn tất, MRC ra thông báo cho biết mực nước sông Mê Kông đã rơi về mức thấp kỷ lục. Các phụ lưu sông chảy vào tỉnh Chiang Rai và tỉnh Nong Khai, Thái Lan đặc biệt bị khô cạn nghiêm trọng, thấp hơn 2 mét so với mực nước lúc bình thường.
Hôm 15-7-19, đập thủy điện Xayaburi trên sông Mê Kông, có công suất 1.285MW ở Lào, cũng bắt đầu thử nghiệm phát điện cho Tổng công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) trước khi đi vào vận hành đầy đủ vào tháng 10.
Anuparp Wonglakorn, Phó Giám đốc Công ty điện lực Xayaburi, cho biết việc vận hành đập này không ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy của sông Mê Kông. Ông đổ lỗi lượng mưa thấp hơn dự kiến là nguyên nhân khiến mức nước sông ở vùng hạ nguồn xuống thấp.
“Chúng tôi vận hành một đập thủy điện theo phương pháp sử dụng dòng chảy cơ bản của sông nên không cần dự trữ trước”, Wonglakorn nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra mối liên hệ giữa hoạt động của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông với tình hình hạn hán nghiêm trọng trong khu vực.
Trung Quốc đã xây dựng 10 đập thủy điện bao gồm đập Cảnh Hồng trên sông Lan Thương, vùng thượng nguồn của sông Mê Kông. Lào cũng đang xây dựng đập thủy điện Don Sahong trên sông Mê Kông ở đoạn gần với biên giới Campuchia. Có 7 dự án đập thủy điện nữa đang sắp triển khai gần hoặc trên con sông này giáp biên giới Thái Lan.
Với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Campuchia cũng lên kế hoạch xây dựng hai đập thủy điện trên sông Mê Kông ở đoạn chạy qua tỉnh Kratie và tỉnh Stung Treng. Tuy nhiên, giờ đây chính phủ Campuchia đang cân nhắc lại kế hoạch này.
Tại hội nghị Tầm nhìn Năng lượng do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức gần đây ở Phnom Penh, Keo Rattanak, Giám đốc Tổng Công ty điện lực Campuchia (EDC) cho biết, ông không muốn thúc đẩy triển khai hai đập thủy điện mới trên sông Mê Kông.
Trên toàn cầu, có 3.700 dự án đập thủy điện đang chờ triển khai nhưng các nghiên cứu cảnh báo chi phí xây dựng đập thủy điện thường đội cao hơn gấp đôi so với chi phí dự tính ban đầu và thời gian hoàn thành cũng kéo dài thêm 50% so với kế hoạch ban đầu nhưng công suất lại thường thấp hơn mức thiết kế.
Tại Thái Lan, sau khi đi vào hoạt động cách đây 25 năm, đập thủy điện Pak Mun của EGAT trên một nhánh sông Mê Kông đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 1.600 hộ dân. Đập Pak Mun đã hủy hoại ngành đánh bắt thủy sản ở địa phương sau khi các ý kiến phản đối của người dân địa phương và các tổ chức phi chính phủ bị gạt bỏ.
Marc Goichot, quản lý Chương trình nước khu vực Mê Kông thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) cho biết dự án đập thủy điện Sambor có chiều ngang 18km ở tỉnh Kratie, Campuchia là quá khổng lồ và sẽ làm ngưng trệ dòng chảy tự do ở hạ nguồn con sông này, gây tổn thất lớn cho nguồn lợi thủy sản và lưu lượng phù sa cần thiết ở các lưu vực sông tại Campuchia và Việt Nam.
“Campuchia là một trong những nước có ngành ngư nghiệp nội địa năng suất nhất thế giới, cung cấp protein giá rẻ cho tất cả người dân. Lưu lượng phù sa giảm sẽ làm vùng đồng bằng ở lưu vực sông Mê Kông sụt lún và bị thu hẹp, làm suy giảm khả năng chống chọi của 18 triệu người dân Việt Nam (ở đồng bằng sông Cửu Long) trước các cơn bão nhiệt đới, lũ lụt cũng như gây ra tình trạng xâm nhập mặn và giảm sự tiếp cận nguồn nước ngọt”, Goichot cảnh báo.
Trong khi đó, theo Trung Quốc các đập có thể giúp điều tiết mực nước trên sông Mê Kong bằng cách cung cấp thêm nước vào mùa khô và lưu trữ nước vào mùa mưa.
Pianporn Deetes, một điều phối viên của tổ chức phi chính phủ Sông ngòi quốc tế, nhận thấy đây là điều đáng lo ngại. Vì theo chu kỳ tự nhiên của con sông, các cơn lũ mùa mưa mang về phù sa và giúp các đàn cá di cư về hạ nguồn và mùa khô sẽ giúp lộ ra những khoảng đất để chim chóc sinh sản. Việc quản lý dòng chảy của sông thông qua các kế hoạch xả nước của các con đập có thể dẫn đến những biến động mực nước khó lường, đe dọa các phương kế mưu sinh của người dân ở hạ nguồn.
Theo Nikkei Asian Review, Reuters

Không có nhận xét nào: