Năng lượng tái tạo
Tiến thoái lưỡng nan
https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/... đăng ngày 23/08/2019, 22:03.
Bổ sung quy hoạch ồ ạt mà không tính tới lưới truyền tải khiến nhiều nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) xây dựng xong không phát được điện hay chuyện không biết đến bao giờ mới có giá mới cho điện mặt trời khi mà giá cũ đã hết hạn từ ngày 30-6-2019, đang buộc nhiều dự án NLTT rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
“Cháy lưới”
Sa thải phụ tải 30% - 40% - 50% thậm chí 70% là câu chuyện đang được các chủ đầu tư những dự án điện mặt trời (ĐMT) và điện gió tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngao ngán nói tới trong khoảng ba tháng nay và xem ra chưa biết đến bao giờ mới xử lý xong triệt để.
Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, trong quá trình xem xét bổ sung quy hoạch các dự án ĐMT tại hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, bộ này cũng đã xem xét bổ sung cả các dự án đường dây truyền tải, cấp 110 - 220 - 500 kV. Tuy nhiên, do các dự án ĐMT triển khai rất nhanh (với thời gian chỉ trong vòng sáu tháng, thậm chí bốn tháng), trong khi các dự án đường dây đầu tư lâu hơn, từ 2 đến 5 năm nên đã có chuyện không đồng bộ giữa đường dây truyền tải với các dự án ĐMT.
Dẫu buốt ruột với nhu cầu điện tăng cao, nguồn cung mới không có nhiều mà nguồn điện NLTT đã đầu tư xong, nhưng lại không thể huy động được, song Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hay Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - những đơn vị đang triển khai đầu tư đường truyền tải liên quan, cũng nói rõ thực tế “không dễ dàng để đẩy nhanh tiến độ thi công”.
Trạm biến áp 220 kV Phan Rí dù đã có nhà thầu xây lắp từ tháng 12-2018, nhưng vẫn chưa thi công được do gặp khó khăn vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Tới ngày 20-6, mới vận động người dân bàn giao được 4.508 m2 trong tổng số 39.619 m2 mặt bằng trạm để bắt đầu thi công”, ông Tô Văn Dần, Trưởng phòng đầu tư EVNNPT cho hay. Hay đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm, một điểm nóng về giải tỏa công suất khác, hiện có 55 trong số 176 vị trí móng cột điện đi qua rừng tự nhiên, phải báo cáo Thủ tướng để có quyết định chuyển đổi đất rừng. Nếu trong quý III này có quyết định thì tới giữa năm 2020 dự kiến mới xong đường dây!
Ngoài ra, tuy là cấp bách để giải tỏa công suất của NLTT tại khu vực này, nhưng có tới năm đường dây 220 kV và một trạm biến áp 500 kV được EVNNPT đề xuất xây dựng để chống quá tải mà hiện chưa được bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện quốc gia nên sẽ còn phải chờ các tháo gỡ về Luật Quy hoạch thì mới xong bước bổ sung để tiến tới triển khai dự án.
Quanh câu chuyện GPMB, hiện cũng nổi lên vấn đề, đã có hộ dân đưa ra yêu cầu 50 triệu đồng/m2 cho đất làm móng cột của đường dây truyền tải với các NĐT tư nhân về ĐMT. Dĩ nhiên, nếu các NĐT chấp nhận giá này sẽ hình thành mặt bằng giá đất mới trong các dự án sau này ở đây, nhưng nếu không trả thì chưa biết bao giờ có đường dây để tải điện. Ngay chính quyền địa phương cũng gặp thế khó, nếu tháo gỡ cho các dự án ĐMT, đồng nghĩa với tạo áp lực cho các dự án khác trên địa bàn sau này.
Như vậy, dù mốc thời gian năm 2020 được nhắc tới cho việc giải tỏa xong lưới truyền tải ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận nhưng với thực tế thi công hiện tại, mọi chuyện không dễ dàng như kế hoạch đã đề ra.
Bỏ cuộc?
Bao giờ sẽ có mức giá mua điện mới do Chính phủ ban hành là câu hỏi chưa có đáp án, vậy nên, nhiều NĐT đã chọn dừng triển khai dự án để nghe ngóng. Ông Lê Anh Tùng, một NĐT vào NLTT cho hay, việc chia giá mua ĐMT thành bốn vùng như đề xuất của Bộ Công thương giúp tạo điều kiện phát triển được nguồn NLTT ở nhiều nơi khác, trong khi giãn được mật độ tập trung vào một số địa phương vốn đang dày đặc các dự án ĐMT ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Quan điểm này cũng được nhiều nhà đầu tư ĐMT ủng hộ.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho hay, giá theo bốn vùng sẽ tốt hơn cho điều chỉnh chính sách vì nó thể hiện sự điều tiết về truyền tải. Thông điệp về giá bốn vùng là, trong ngắn hạn tới năm 2021, vùng bốn không có khả năng giải quyết vấn đề truyền tải, nên phải hạn chế đầu tư.
Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, phương án chia giá mua ĐMT thành hai vùng lại đang nhận được sự đồng ý của nhiều bộ, ngành. Theo đó, sáu tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đác Lắc, Phú Yên, Gia Lai, Khánh Hòa sẽ được gom thành một vùng và các tỉnh còn lại nằm trong vùng kia.
Trong khi NĐT và cơ quan quản lý còn có góc nhìn khác nhau về mức giá ĐMT, nhiều quỹ đầu tư NLTT đến từ bên ngoài đã lặng lẽ rút khỏi thị trường này. “Các nhà điều hành quỹ thấy không an tâm bởi giá điện cho giai đoạn mới còn mông lung, hợp đồng mua bán điện không rõ ràng, câu chuyện bị sa thải vì quá tải diễn ra nghiêm trọng và chưa rõ thời gian kết thúc…”, đại diện một quỹ NLTT có nguồn vốn từ Đức và Thụy Sĩ cho biết.
Ở một khía cạnh khác, giá điện bán lẻ bình quân hiện là 1.864,4 đồng/kWh, trong khi ĐMT được mua với giá 9,35 UScent/kWh (tương đương tầm 2.086 đồng/kWh-giá quy định tháng 4-2017, chưa tính biến động do tỷ giá thay đổi), khiến bên mua ĐMT và phát lên lưới bị lỗ khoảng 221,6 đồng/kWh. Với mức sản lượng ĐMT đang phát hiện nay khoảng 20 triệu kWh/ngày, riêng việc mua ĐMT và bán lại, thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải bù lỗ khoảng 4 tỷ đồng/ngày.
Chưa kể, càng mua nhiều ĐMT, lưới điện của hệ thống càng bất ổn và càng cần có nhiều nguồn dự phòng để bù đắp cho các nguồn NLTT khi bị suy giảm đột ngột bởi các yếu tố thời tiết, môi trường bên ngoài. Trên thực tế đã có những thời điểm hệ thống đang huy động 600 MWp công suất ĐMT tại một khu vực, nhưng khi đám mây đi qua, toàn bộ công suất ĐMT chỉ còn lại 200 MWp, và phải huy động nóng 200 MW công suất đang truyền tải trên đường dây sẵn có để bổ sung vào đoạn sụt giảm công suất này. Lẽ dĩ nhiên, hệ thống sẽ phải tính chi phí dự phòng cho ĐMT này vào chi phí sản xuất và giá thành sản xuất điện nói chung theo đó cũng bị đội lên.
Xét dài hạn, để giải quyết bài toán cung ứng điện năng, chúng ta phải tính đến nguồn NLTT. Nhưng ứng xử với NLTT thế nào để không lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” là bài học cần phải được nghiêm túc rút ra đối với quản lý nhà nước trong quy hoạch và phát triển nguồn - lưới điện.
Tính đến cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và ĐMT, với tổng công suất đạt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (chỉ 850 MW ĐMT vào năm 2020). Trong đó, riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, ĐMT, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12-2020, công suất điện gió và ĐMT ở hai tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Tổ chức chuyên đề:
VŨ MAI HOÀNG, LƯU HƯƠNG, LÊ ĐỨC NGHĨA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét