Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Ngày xưa Đà Lạt có một bài văn như thế!

Ngày xưa Đà Lạt có một bài văn như thế!

Copy từ https://thanhnien.vn/toi-viet/ngay-xua-da-lat-co-mot-bai-van-nhu-the-1117297.html , tác giả:
 Đoàn Duy Xuyên , đã đăng ngày 22/08/2019 11:19
Tình cờ đọc được một status thú vị trên Facebook, nói về việc người Pháp đã góp phần bảo vệ rừng cho Việt Nam như thế nào. Rừng, cụ thể nêu ra trong bài viết này, là ở Đà Lạt (Lâm Đồng) mộng mơ.




Ảnh của gia đình bác sĩ Phó Đức Mẫn /// Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ảnh của gia đình bác sĩ Phó Đức Mẫn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo đó, bác sĩ Phó Đức Mẫn, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, còn cất giữ 1 tấm ảnh của gia đình được chụp vào đầu thập niên 1950 tại Đà Lạt.
Trong một lần đi thăm lăng Nguyễn Hữu Hào, thân phụ của Nam Phương hoàng hậu, cả nhà dừng lại trước một tấm bảng dựng ở bìa rừng, trước khi leo bậc thang lên lăng. Tấm bảng cao ngang tầm người đứng, ghép lại bằng những tấm ván sơn trắng, trên đó có ghi một bài văn bằng tiếng Pháp với nhan đề Prière de la forêt chữ in đen. Bài văn ấy có nội dung như sau (theo bản dịch sang Việt ngữ của bác sĩ Phó Đức Mẫn):
Lời thỉnh nguyện của rừng
“Này con người - Ta là hơi nóng sưởi ấm gia đình ngươi những đêm đông lạnh giá, là bóng mát hiền hòa che nắng lửa trưa hè - Ta là khung kèo cột căn nhà ngươi đang ở, là mặt bàn ngươi ngồi ăn - Ta là cái giường giúp ngươi nằm nghỉ yên, là gỗ ván để ngươi đóng thuyền lướt sóng ra khơi, là cán cuốc ngươi vác ra đồng mỗi sáng, là ván cửa khép kín nhà ngươi hằng đêm - Ta là gỗ làm thành nôi ngươi nằm khi xưa bé và là ván hòm cho ngươi yên nghỉ sau này.
Hãy lắng nghe lời thỉnh cầu của ta: Hãy ngừng tay tàn phá ta!".
Cái hay của bài văn này là không dùng đến chữ "Cấm", như “Cấm phá rừng” mà ta thường thấy nhan nhãn ngày nay. Cái tâm của bài văn ấy là "Lời thỉnh cầu", được hiểu như một "Lời van xin" thiết nghĩ cũng không sai. Bài văn ấy nhắm vào tâm thức của mỗi người, rằng rừng quan trọng biết dường nào đến cuộc sốngcủa nhân loại nói chung và của cao nguyên Lâm Viên nói riêng, trong đó có Đà Lạt.
Nếu Đà Lạt không có rừng, nhất là cây thông, thì đó chẳng còn là Đà Lạt nữa. Như lời bài hát Đà Lạt hoàng hôn (Tác giả: Minh Kỳ - Dạ Cầm): "Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông/ Hàng cây thẫm màu đèn lên phố phường/ Giờ đây hơi sương giá buốt…/ Một người đi trong sương rơi…”. Bài hát này được sáng tác trước năm 1975, thời đó Đà Lạt được rừng thông bao phủ, khí hậu mát lạnh đến mức chẳng có ai nghĩ đến chuyện kinh doanh mặt hàng máy quạt và máy lạnh. Ấy vậy mà những năm gần đây hầu như tuần nào cũng thấy báo đài đăng tin bọn lâm tặc và những kẻ vô ý thức ngang nhiên chặt phá, đầu độc rừng thông (do Nhà nước quản lý) để hòng chiếm đất. Cộng với việc đô thị hóa một cách thiếu bài bản, đã biến Đà Lạt thành một đô thị chẳng còn “mộng mơ” được nữa, thậm chí gặp “ác mộng” vì bị… ngập lụt sau những cơn mưa lớn.
Nếu chúng ta bất lực trong quy hoạch đô thị, không thể khiến cho Đà Lạt tốt hơn, “quyến rũ” hơn, thì cũng đừng biến một “cô gái thanh xuân” thành “bà già bệnh tật”, điều đã và đang diễn ra ở thành phố ngàn hoa. Trở lại với “bài văn thỉnh cầu” bằng tiếng Pháp nêu trên, những người vô cảm có đọc được đi chăng nữa cũng chẳng ích gì.
Đọc bài văn năm xưa rồi nhìn Đà Lạt thời nay sao mà xót xa!
Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm tác giả, sống và làm việc tại TP.HCM.

Không có nhận xét nào: