Bão số 4 di chuyển nhanh, cường độ mạnh
(PLO)- Từ 17 giờ chiều nay một số tỉnh ở ven biển miền Trung bắt đầu lệnh cấm biển để chủ động phòng chống bão số 4.
Chiều nay (28-8), Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 4. Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Trịnh Đình Dũng điều hành cuộc họp.
Theo cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 28-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tuyệt đối không được chủ quan.
Dự báo đến 16 giờ ngày 30-8-19, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Về phương án phòng chống bão, Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng cho biết đến 10 giờ ngày 28-8 đã thông báo kiểm đếm và hướng dẫn cho 70.564 phương tiện/309.616 người biết hướng di chuyển của bão số 4, trong đó có 797 tàu/5.493 người đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm.
Về tình hình sạt lở đê, bờ biển, khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận có 24 điểm sạt lở/41,93km đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách; 237 vị trí đê xung yếu; 86 công trình đang thi công dang dở ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tại đầu cầu Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An cho biết để chủ động phòng chống bão số 4, tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển từ 17 giờ chiều 28-8. Hiện Nghệ An đang có 3.947 tàu thuyền/hơn 18.000 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 3.819 phương tiện/17.400 lao động đang neo đậu; chỉ có 36 phương tiện/49 lao động đang đánh bắt gần bờ...
Đánh giá về cơn bão số 4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bão số 4 có tốc độ tiếp cận vào bờ rất nhanh, càng vào gần bờ thì cường độ bão càng tăng, thời gian đi nhanh hơn. Đồng thời, cùng lúc này có tác động hình thái thiên tai ở miền Bắc, dù yếu nhưng vẫn phải hết sức đề phòng vấn đề vị trí bão đổ bộ sẽ bị chệch và hoàn lưu gây mưa.
Ngoài ra, ông Cường cũng đánh giá tính chất nguy hiểm của cơn bão này là hướng biển, phạm vi vùng nguy hiểm rộng với hơn 61.000 tàu thuyền hoạt động, hơn 25.000 lồng bè. Bão xảy ra đúng kỳ nghỉ dài ngày Quốc khánh 2-9, nên lưu lượng người tham gia du lịch ở các tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão này là rất lớn nên cần hết sức chú ý.
Thêm vào đó, đến giờ phút này, các thông tin dự báo khả năng đổ bộ của cơn bão sẽ vào chiều tối. Đồng thời, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng, trong khi đó, vừa qua các vùng miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên là những vùng vừa qua đã bị tổn thương rất lớn về lớp thượng bì, về cấu trúc vỏ làm mất cân bằng, nên nếu xảy ra mưa lớn thì cần hết sức đề phòng lũ cuốn, lũ quét.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tuyệt đối không được chủ quan. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão. Chủ động triển khai các phương án ứng phó, đặc biệt là phương châm bốn tại chỗ. Tránh chủ quan cho rằng bão không quá mạnh, vùng này đang hạn hán, thiếu nước mà không chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
Đối với trên biển, tất cả địa phương ven biển phối hợp cùng lực lượng biên phòng tuyến biển, ngành thủy sản đều phải chỉ đạo rà soát, kiểm đếm tàu thuyền chứ không chỉ các địa phương khu vực có nguy cơ bão ảnh hưởng trực tiếp.
Hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch, công trình hạ tầng và các hoạt động kinh tế - xã hội trên các đảo.
Đối với khu vực ven biển, chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu. Có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển. Gia cố bảo vệ đê điều, công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp nhà máy...
Đối với khu vực miền núi, trung du cần chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động bố trí lực lượng hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư. Triển khai đảm bảo an toàn hồ đập.
Triển khai lực lượng, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết khi mưa lũ lớn. "Việc này chúng ta đã nhắc nhiều nhưng đợt mưa lũ nào cũng xảy ra các trường hợp bị lũ cuốn trôi khi qua các ngầm tràn nên cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Ban chỉ huy PCTT và TKCN các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ.
AN HIỀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét