Cuối chiều thứ sáu ngày 17-4- 2015, nhà báo lão thành Hữu Thọ gọi cho tôi, giọng nhẹ và chậm: Sang tuần, lúc nào thu xếp được thời gian thì qua mình, ta bàn về "Bàn góp sự đời" một chút. Tầm chín giờ nhé!...
Dẫu biết dạo này ông đi lại không được dễ dàng như trước, nhưng ngay sau khi ông cúp máy, trong những suy đoán của tôi về cuộc gặp theo lời hẹn, tựu trung vẫn chỉ chuyện nghề. Bởi, cũng như các ấn phẩm khác của Báo Nhân Dân, ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần thường được ông quan tâm theo dõi và góp ý rất cụ thể.
Và buổi sáng đầu tuần trong lành ấy, vẫn nguyên vẹn nhiệt huyết từ mỗi câu ông nói về nghề, song lại nằm ngoài sự chuẩn bị của chúng tôi. Ông bảo: Đã đến lúc mình phải xin dừng chuyên mục "Bàn góp sự đời". Sức khỏe không cho phép nữa rồi...
Như đón một mệnh lệnh không mong muốn, mấy anh em chúng tôi nhìn nhau. Một cảm giác bất ngờ và hẫng hụt.
... Mình hiểu các bạn quý và tin mình - Ông nói tiếp, như tâm sự - Nhưng khác với việc viết một bài báo, người giữ chuyên mục cần một kỷ luật cao hơn. Đúng ngày ấy giờ ấy mà không có bài thì không được. Vả lại, dù cho không phải bài nào viết cũng hay, nhưng dứt khoát trong mỗi bài báo phải đưa ra được một vấn đề nào đó. Như thế mới tránh được cái sự nhạt. Mà muốn vậy, trước hết phải có sức. Sức sống và sức nghĩ. Thiếu sức nghĩ thì làm sao tìm được ý hay, làm sao thấy được vấn đề để viết...
Vẫn những lời gan ruột và giản dị ông nói như tự răn mình. Còn chúng tôi, như mọi khi, lại thêm một dịp để suy ngẫm. Nhưng cái buổi sáng trong lành ấy sao thật buồn, nhất là khi ông trao cho chúng tôi "chùm bản thảo cuối cùng cho chuyên mục Bàn góp sự đời" với ánh nhìn đầy chia sẻ. Rồi ông đặt nhẹ tay lên vai tôi: "Để mình lấy sách tặng". Cũng chính khoảnh khắc ông quay về phía tủ sách, như bất giác, mấy anh em cùng nhìn lên những tấm ảnh của ông trên bốn bức tường phòng khách nhỏ ấm áp vốn luôn là nơi lui tới của không ít anh chị em làm báo cả mấy thế hệ. Vẫn là những tấm ảnh đã trở nên thân thuộc bao nay mà chúng tôi từng có chung cảm nhận, rằng tấm ảnh nào ở ông cũng toát lên niềm đau đáu với đời, với nghề, vậy mà như có cái gì rất lạ...
Đoạn tôi nhận từ ông cuốn sách "Tình bút mực", ông nói, giọng chùng xuống: Đây cũng là lòng biết ơn của mình về những người thầy hết mực kính trọng, về những người bạn tri ân tri kỷ và những đồng nghiệp luôn chia sẻ, khích lệ...
Tôi vội lần giở cuốn sách, cố giấu đi xúc động. Nhưng nào hay, chính dòng đề tặng của ông lại khiến tôi không kìm được lòng mình. Vâng, sau chữ thân tặng là dòng chữ nặng tình của ông: Nhớ "Bàn góp sự đời"...
Chúng tôi rời khỏi phòng ông trong tiếng gió lao xao chặng cuối tiết giao mùa. Con đường Lê Thánh Tông bữa ấy lá rơi thật nhẹ.
Buổi chiều, nghe tôi báo cáo xong, phải một lát sau Tổng Biên tập Thuận Hữu mới nhắc tôi những việc cần làm, gương mặt thoáng ưu tư.
Những ngày sau đó, chúng tôi vẫn thường quan tâm đến sức khỏe của ông. Và thật vui khi thấy ông vẫn tham dự một số sự kiện quan trọng, gần nhất là Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam.
Thứ tư tuần trước, ngày 12-8, sau khi cùng anh em tổ chức xong số báo, tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông. Nghe giọng ông vẫn rành rọt và chắc, tôi bèn trình bày ý tưởng về số báo kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, rồi ngỏ ý mời ông viết bài cho. Ông bảo, vấn đề hay đấy, nếu thấy khỏe, mình sẽ viết...
Nhưng có ai ngờ chỉ sáng hôm sau thôi, ông đã đi thật xa. Bài báo ấy đã không bao giờ được viết ra nữa. Nhưng chúng tôi tin, ở nơi xa ấy, ông vẫn không nguôi "Bàn góp sự đời"...
Mở đầu chuyên mục "Bàn góp sự đời", với bút danh Nhân Nghĩa, nhà báo Hữu Thọ viết: "Đất nước đang đổi mới với những biến đổi nhanh chóng cả trong đời sống vật chất và tinh thần. Nhiều điều mới mẻ đang diễn ra, có lúc sáng sủa thẳng băng, có khi âm thầm, ngoắt ngoéo. Bàn cho ra lẽ sự đời để nhận diện cho đúng cái tốt cái xấu, cái thật cái giả là việc mà mọi người thường làm. Chuyên mục "Bàn góp sự đời" ra mắt bạn đọc để nhân ngày cuối tuần, góp một lời bàn về những việc đang diễn ra trong cuộc đời, cùng nhau vươn tới cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ; đấu tranh chống lại cái giả, cái ác, cái xấu, cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn".
Với quan niệm ấy, kể từ bài mở đầu (số 28 (650) 15-7-2001) cho đến bài cuối (số 21 (1371) 24-5-2015) khép lại một chuyên mục, "Bàn góp sự đời" đã trải qua 13 năm, 10 tháng với gần 700 bài và hầu hết đã được in thành sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét