Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang “tích cực quyến rũ” các nước nhỏ bé ở nam Thái Bình Dương nhằm tạo dựng chỗ đứng vững chắc hơn ở vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.
Hôm qua, ông Pompeo gặp lãnh đạo Micronesia, quần đảo Marshall và Palau - 3 quốc gia mà Mỹ vẫn duy trì thỏa thuận quốc phòng mang tên Hiệp ước liên kết tự do (COFA). 
Sau các cuộc gặp, ông Pompeo nói rằng Mỹ và các nước này đã bắt đầu đàm phán để làm mới thỏa thuận. Theo các điều khoản hiện tại, quân đội Mỹ được tiếp cận độc quyền không phận và hải phận của Micronesia, quần đảo Marshall và Palau. Đổi lại, các quốc đảo này được Mỹ hỗ trợ kinh tế. 
“Hôm nay, tôi ở đây để xác nhận rằng Mỹ sẽ giúp các bạn bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền được sống trong tự do và hòa bình”, ông Pompeo nói với các phóng viên tại Pohnpei, một bang của Micronesia.
“Tôi vui mừng thông báo rằng Mỹ đã bắt đầu đàm phán để gia hạn thỏa thuận nhằm duy trì dân chủ trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vẽ lại Thái Bình Dương”, ông Pompeo nói.
Palau và những phần khác của các nước thuộc COFA tạo thành cái mà Trung Quốc gọi là “chuỗi đảo thứ hai”, nghĩa là quyền kiểm soát vùng biển này đóng vai trò trung tâm trong chiến lược quốc phòng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. 
“Các nước thuộc COFA đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ”, SCMP dẫn lời ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Rand Corporation ở Washington DC. Chuyên gia này cho rằng quyền tiếp cận các nước này giúp Mỹ bảo đảm hiện diện trên biển Đông và xa hơn nữa. 
Phần của hiệp ước nói về hỗ trợ kinh tế của Mỹ cho các quốc gia COFA sẽ hết hạn vào năm 2023, và các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể đang quyến rũ những nước này để được quyền tiếp cận vùng biển của họ. 
Ông Grossman nói rằng việc Bắc Kinh tuần trước góp 2 triệu USD cho quỹ tín thác của Micronesia “cho thấy tính cạnh tranh trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở khu vực” và cũng nhằm làm giảm ý nghĩa chuyến thăm lần này của ông Pompeo. 
Tại Sydney hôm 4/8, ông Pompeo gắn kết kiểu làm thương mại “một chiều” của Trung Quốc với nỗ lực tăng cường sức mạnh quân đội. “Chớ có nhầm lẫn về điều đó, năng lực của Trung Quốc, năng lực của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc là kết quả trực tiếp của những quan hệ thương mại mà họ tạo nên”, ông Pompeo nói. 
Tuần trước, phái viên đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Dương Truyền Đường dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mironesia David Panuelo.
Năm 2018, đảo Chuuk thuộc Micronesia hoãn bỏ phiếu ly khai cho đến năm 2020. Đảo này có đầm phá sâu nhất ở Thái Bình Dương, giúp Mỹ có lợi thế chiến lược trước Nhật Bản trong Thế chiến 2. 
Nếu thực sự tách ra khỏi Mironesia, Chuuk sẽ không chịu ràng buộc theo hiệp ước giữa Mỹ với Micronesia và sẽ tự do hợp tác với Trung Quốc, ông Grossman cho biết. “Washington chắc chắn sẽ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận Chuuk và những vị trí địa chính trị quan trọng khác trên khắp châu Đại dương”, ông Grossman nói. 
Chính quyền Mỹ đang rất chú ý đến khu vực này. Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp các lãnh đạo các nước thuộc phạm vi COFA tại Nhà Trắng, và một vị trí mới chịu trách nhiệm “các vấn đề châu Đại dương” đã được tạo ra trong Hội đồng an ninh quốc gia của Mỹ.
Úc bác tin sắp tiếp nhận tên lửa Mỹ
Sau khi Mỹ tiết lộ mong muốn đưa tên lửa tầm trung đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm qua nói rằng các tên lửa Mỹ sẽ không được đưa đến Úc, Reuters đưa tin.
Các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Mỹ và Úc cuối tuần qua gặp nhau tại Sydney và đưa ra một tuyên bố chung, trong đó cam kết tăng cường hợp tác đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Mỹ và Úc đều ngày càng quan ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc. 
Nhân dịp dự cuộc gặp này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ triển khai các tên lửa đến châu Á - Thái Bình Dương trong những tháng tới, sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Mátxcơva.