Gỗ tạp đóng mảng gây khó khăn trên hồ thuỷ điện Lai Châu
http://cand.com.vn/... đăng ngày 21/08/2019 08:27.
Là công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia, Nhà máy thuỷ điện Lai Châu là một điểm nhấn vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đặc biệt là “cửa khẩu” tại thượng nguồn sông Đà.
- Nhà máy thuỷ điện Lai Châu: Công trình trọng điểm về an ninh quốc gia
- Nhiều hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu chuyển đến nơi ở mới
- Nỗ lực vì sự an toàn của công trình trọng điểm - Thủy điện Lai Châu
Nhà máy thuỷ điện Lai Châu nằm tại huyện Nậm Nhùn được đưa vào vận hành từ năm 2016. Đây là công trình lớn, hiện đại nhất tỉnh cho tới nay. Người dân tỉnh này tự hào hơn khi thuỷ điện được đưa vào công trình trọng điểm.
Đã 3 năm hoạt động, cán bộ và công nhân viên nhà máy đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn nhưng nhiều năm trở lại đây, vấn nạn gỗ tạp từ thượng nguồn trôi về đập thuỷ điện đang hết sức phức tạp bởi số lượng và đầu ra.
Đến nhà máy, ngay trên mặt đập có thể nhìn thấy bãi gỗ phía đằng sau. Những loại gỗ to bé khác nhau được xếp chồng lên thành núi. Các cán bộ nhà máy kể rằng, bãi gỗ này được “thành lập” từ khi xây dựng xong nhà máy, ngày trước khi chưa nắn, chặn dòng thì gỗ cứ trôi theo sông Đà về hạ nguồn, nhưng sau này gỗ bị chặn lại và việc vớt gỗ hoàn toàn phải thuê các doanh nghiệp thu mua. Nhiều gỗ như vậy nhưng chẳng dùng được vì toàn gỗ mục, nát, ruột rỗng tuếch.
Gỗ tạp trôi nổi trên lòng hồ thuỷ điện Lai Châu. |
Nhìn những mảng gỗ kết lại, tôi có cảm giác như mình có thể đi bộ được trên đó, có những thân cây to bằng vài người ôm nằm lập lờ trên nước, thi thoảng anh em trạm phải dùng chân dẹp bớt gỗ cho khỏi vướng vào chân vịt.
Trước đây, một số doanh nghiệp cũng tới thu mua về chế biến làm gỗ ép, làm giấy nhưng sau một thời gian họ thấy chất lượng gỗ kém nên ngừng tới mua hoặc mua rất ít, có chọn lọc. Bởi vậy, núi gỗ ở đây cứ lớn dần hàng ngày. Tôi có thắc mắc sao không để người dân vào lấy làm củi thì được cho biết, bãi gỗ này nằm trong khu vực bảo vệ của nhà máy nên hoàn toàn không thể để người dân tới lấy gỗ, tránh các sự cố liên quan đến an ninh khu vực bên trong.
Từ khi xây dựng nhà máy đến nay, gần như khu vực này chưa bao giờ xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng. Chỉ thi thoảng có người đi câu cá trộm bị phát hiện thì Công an huyện đến lập biên bản cảnh cáo…
Hiện nay việc đảm bảo an ninh, an toàn ở nhà máy được giao cho Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Lai Châu), Công an huyện Nậm Nhùn và Phòng bảo vệ nhà máy. Hằng ngày, lực lượng liên ngành của Công an huyện, phòng bảo vệ sẽ tuần tra các điểm chốt bảo vệ. Nhà máy hiện nay có tổng cộng 4 chốt bảo vệ nằm trên hồ thuỷ điện và dọc hai bên bờ.
Trao đổi với Đại tá Trần Văn Thành – Trưởng Công an huyện Nậm Nhùn, tôi mới biết được những khó khăn ở đây. Nậm Nhùn được tách ra từ huyện Mường Tè cũ vào năm 2013. Diện tích của thị trấn Nậm Nhùn hiện nay bằng cả tỉnh Hà Nam dưới xuôi, còn huyện Mường Tè cũ cũng là một trong những huyện lớn nhất cả nước, bằng tỉnh Thái Bình.
Cho đến tận năm 2016, người dân Nậm Nhùn mới được thấy ánh sáng của bóng đèn và sau này khi các xã như Mường Mô, Pa Kéo 2… được đưa lên khu tái định cư thì cuộc sống của người dân mới bớt khó khăn phần nào. Là huyện miền núi, dân tộc Thái chiếm phần lớn dân số ở đây, bà con chỉ trông chờ vào mấy nương lúa nhưng bây giờ, họ có thêm cả khu lòng hồ thuỷ điện để đánh bắt và nuôi thuỷ sản, tất nhiên trong khu vực được cho phép.
Số gỗ trôi nổi trên lòng hồ thuỷ điện được ngăn với cửa xả bởi một chiếc lưới trị giá 5 tỷ, chiếc lưới này vừa cản gỗ trôi vào cửa xả, vừa là “chiếc khiên” dưới nước bởi nó chống được thuỷ lôi và người nhái, không gì có thể cắt được mắt lưới này. Tuy nhiên, việc xử lý gỗ từ thượng nguồn về lại rất khó khăn.
“Sân bóng gỗ” trên lòng hồ thuỷ điện cho đến nay đã tồn tại được 1 năm nhưng để vớt được hết cũng mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Các cán bộ Trạm bảo vệ đường sông ở đây cho biết, gỗ nổi trên mặt nước là gỗ rỗng, bé nhưng từ mặt nước xuống khoảng 40-50 mét là dày đặc gỗ lớn…
Ước tính bề dày từ mặt nước xuống bên dưới phải tầm 60 mét nữa đều là gỗ. Nếu thuê người vớt thì theo giá hiện tại, cũng phải mất vài tỷ đồng. Vì lực lượng ít nên thi thoảng cán bộ trạm xuống vớt bớt để có thể cho tàu ra bên ngoài.
Gỗ trôi về nhiều bởi lũ cuốn từ thượng nguồn tận bên Trung Quốc và các vùng phụ cận thuỷ điện, nhưng cũng có thể thấy rõ đây là hậu quả từ việc phá rừng bừa bãi… Nếu không có biện pháp xử lý số gỗ này thì không những ảnh hưởng đến công tác tuần tra của lực lượng chức năng trên lòng hồ thuỷ điện mà nếu không may gỗ trôi vào kẹt cửa xả, không biết hậu quả sẽ lớn như thế nào?
Phong Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét