(TBKTSG Online) - Những ngày qua, mưa lũ đã khiến nhiều địa phương ngập trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề cho người và của; cuộc sống người dân bị đảo lộn với nhiều khó khăn.
|
Nước xả từ hồ thủy điện Đắk Kar gây xói lở, ngập lụt vùng hạ du. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Tại Phú Quốc (Kiên Giang) mưa lớn kéo dài đến chiều 9-8 khiến nhiều nơi nước ngập sâu 2-3m. Ðây là cơn lũ thứ hai xuất hiện trên đảo Phú Quốc chỉ trong một tuần do lượng mưa lớn kỷ lục diễn ra trong một thời gian ngắn lên đến 501,2 mm. Có 34 km đường trên đảo bị ngập sâu từ 0,6-1,5m, 3.874 căn nhà bị ngập, 14 nhà bị tốc mái, nhiều tài sản bị hư hỏng, một số cơ sở sản xuất bị thiệt hại nặng.
Do thời tiết xấu, đường băng bị ngập, sân bay Phú Quốc buộc phải tạm đóng cửa tới 1 giờ ngày 10-8, ảnh hưởng đến nhiều chuyến bay của các hãng hàng không.
Huyện đảo Phú Quốc đã huy động gần 700 người và nhiều phương tiện tham gia cứu hộ. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng đã chung tay với chính quyền và bộ đội trên đảo hỗ trợ người dân gặp cảnh lũ lụt.
Tối 9-8-19, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có Công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang và một số cơ quan thông tin đại chúng về việc ứng phó với mưa lũ trên đảo.
Tại tỉnh Bình Phước, mưa lớn cũng đã gây ra tình trạng sạt lở đất đá gây thiệt hại nặng nề tại công trình thủy điện Ðăk Sin 1, đặc biệt là sự cố tại đập thủy điện Ðăk Kar (Ðác Nông) khi xảy ra sự cố kẹt van xả đáy, khiến mực nước hồ dâng cao dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 4.000 người dân bốn xã Ðồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Ðăng Hà từ khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến nơi an toàn. Hiện sự cố tại đập thủy điện Ðăk Kar vẫn chưa được khắc phục xong. Tỉnh chủ động triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó sự cố.
Ðể bảo đảm người dân trong vùng bị ngập lụt tại huyện Ea Súp, Ðác Lắc, không bị thiếu đói, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 1.500 phần nhu yếu phẩm cho các hộ dân gặp khó khăn.
Không chỉ Kiên Giang, Bình Phước, Đồng Nai cũng là tỉnh chịu nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. Mưa lớn cộng với ảnh hưởng từ việc xả lũ của Thủy điện Ðồng Nai 5 và sự cố công trình Thủy điện Ðăk Kar, đã khiến khu vực ven sông Ðồng Nai thuộc địa bàn hai huyện Tân Phú, Ðịnh Quán bị ngập nặng, phải di dời 1.700 hộ dân.
Theo thống kê tính đến 10 giờ, ngày 10-8, do nước lũ từ thượng nguồn đổ về lớn làm ngập lụt tại nhiều xã thuộc hai huyện Tân Phú và Định Quán (Đồng Nai), buộc các cơ quan chức năng địa phương phải di dời 869 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; nước lũ làm ngập 1.590ha đất nông nghiệp; làm một người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy; trên 116.000 con gà bị chết; lũ cuốn trôi 99 bè cá của 14 hộ dân nuôi cá trên sông Đồng Nai.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, cho biết đang liên hệ chặt chẽ với tỉnh Bình Phước về công tác khắc phục sự cố thủy điện Đắk Kar để Đồng Nai chủ động các phương án ứng phó. Đối người dân di tản ngày hôm qua 9-8 tại các xã thuộc huyện Tân Phú và Định Quán, hiện chính quyền thông báo cho phép trở về nhà dọn dẹp vệ sinh, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động di dời đến nơi an toàn khi có thông báo của chính quyền địa phương.
Sáng 9-8-19 trên khu vực đèo Bảo Lộc (Lâm Ðồng) mưa lớn cũng gây sạt lở nhiều điểm, phương tiện lưu thông bị tắc nghẽn. Ðèo Bảo Lộc có tới sáu điểm sạt lở, lực lượng chức năng đã điều động nhiều xe máy xúc tới hiện trường và khắc phục cơ bản bốn điểm sạt lở. Tại TP Bảo Lộc, theo thống kê, có hơn 700 căn nhà bị ngập nước; ba căn nhà bị sập một phần; 50 ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; cầu số 3 thôn Tân Ninh, xã Lộc Châu và cầu thôn 7 Ðại Lào bị ngập nặng.
Ngoài các địa phương trên, trên cả nước vẫn còn nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề như Phan Thiết, Cà Mau, Bạc Liêu... Tình hình ngập lụt liên tục được các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến thiên tai và tình hình ngập lụt để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét