Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Bi kịch dưới núi Ngọc Linh

​Bi kịch dưới núi Ngọc Linh
Copy từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bi-kich-duoi-nui-ngoc-linh-20141018214248491.htm , đăng ngày 18/10/14, mục Thời sự trong nước.
Bởi trình độ dân trí thấp, nơi đây đã xảy ra nhiều câu chuyện hết sức đau lòng
Cách đây 3 năm, người dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bàng hoàng nghe chuyện nữ cán bộ Trạm Y tế xã Trà Cang cứu đứa trẻ suýt bị chôn sống cùng mẹ theo tập tục người Xê Đăng. Mới đây, nơi này lại chấn động trước thông tin ông Hồ Văn T. (SN 1954, người dân tộc Xê Đăng, ngụ thôn 7, xã Trà Cang) “quan hệ” với con gái ruột Hồ Thị Dăm (SN 1985) gần 15 năm và có với nhau 4 đứa con.
Vợ chồng ông Hồ Văn Suốt cùng 4 đứa cháu mồ côi cha mẹ (do tự tử bằng lá ngón) bên bữa cơm nghèo túng
Lấy con ruột làm vợ
Chúng tôi đến thôn 7, xã Trà Cang trong buổi chiều tà. Khi mặt trời sắp lặn, những nóc nhà tỏa khói nghi ngút thì chị Dăm mới lặn lội về nhà. Ở tuổi 29, người phụ nữ có 4 con trông hết sức khắc khổ, đôi mắt thâm quầng vì thức khuya dậy sớm và những đêm trắng khóc cạn nước mắt cho số phận bi tủi của mình. “Lúc đó còn nhỏ, có biết chi đâu, chỉ khi sinh đứa con đầu mới dần biết chuyện nhưng đành chấp nhận” - chị Dăm bắt đầu câu chuyện tội lỗi của người cha một cách dè dặt.
Ông Hồ Văn T. lấy bà Hồ Thị Niêm (SN 1960) làm vợ và sinh được 4 người con, trong đó Dăm là con gái đầu. Gia đình ông T. sống nhờ nương rẫy, cùng chen chúc trong căn nhà chật hẹp. Những lần ngủ chung với đứa con gái, ông T. nảy sinh dục vọng và đã nhiều lần “quan hệ” với chính con gái ruột của mình từ lúc cô mới 12 tuổi.
Dù nhiều lần chồng “ăn vụng” với con ruột nhưng bà Niêm vẫn không hề hay biết. Mãi đến khi Dăm mang thai thì mọi chuyện mới vỡ lở. Mẹ con bà Niêm khi ấy trở mặt thành thù, bà ghen với chính con gái của mình nên bỏ nhà đi và “bắt” Nguyễn Văn Cường (SN 1983) làm chồng. Bà Niêm sống với Cường ngay cạnh nhà ông T., có với nhau được một con trai. Về phần Dăm, vì không được chính mẹ ruột dạy dỗ nên cô bé ngày ấy không biết hành vi của cha vi phạm pháp luật, là trái với luân thường đạo lý. Đứa con đầu sinh ra chưa đầy một tháng thì tử vong, ông T. và Dăm tiếp tục mối quan hệ tủi hổ, nhơ nhuốc ấy và 3 đứa con khác lần lượt ra đời. Họ công khai sống như vợ chồng, hàng xóm cũng chẳng ai có ý kiến.
Điều đáng nói là nhà ông T. chỉ cách trung tâm hành chính huyện Nam Trà My chừng 5 km nhưng chuyện đau lòng diễn ra suốt nhiều năm liền mà chính quyền địa phương không hề hay biết. Mãi đến một ngày cuối tháng 12-2013, ông Nguyễn Văn Tùng (bố chồng mới của bà Niêm) làm đơn tố giác gửi chính quyền địa phương thì sự việc mới hé lộ. Tháng 3-2014, ông T. bị công an bắt giam, để lại Dăm và 3 đứa con thơ dại.
Từ lúc ông T. bị bắt, chị Dăm lại càng lâm vào hoàn cảnh bi đát. Khi chúng tôi đến, 3 đứa trẻ nhem nhuốc chơi đùa trong căn nhà gỗ chẳng có gì đáng giá, mái tóc vàng cháy nắng, áo quần lấm lem trông rất đáng thương. Đến nay, 2 đứa con đầu đều học lớp 4 nhưng do Dăm và ông T. không đăng ký kết hôn nên các cháu không có giấy khai sinh. Hiện nay, chị Dăm đi làm thuê mỗi ngày chỉ được 70.000 đồng để nuôi 3 đứa con nhỏ. Chia tay chúng tôi, chị nói trong nước mắt: “Mình em nuôi 3 đứa con, không biết cuộc sống sẽ thế nào đây”.
Sống chung với “thần chết - lá ngón”
Từ thôn 7, chúng tôi ngược dốc hướng về dãy núi Ngọc Linh, mất gần 3 giờ vật vã trên xe máy bởi con đường đá núi chông chênh và nhão nhoẹt bùn đất vì mưa rừng mới đến được nóc Măng Lâng (thôn 3, xã Trà Cang). Nép mình dưới chân dãy Ngọc Linh, nóc Măng Lâng có 56 hộ thì chừng đó là hộ nghèo. Những ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh trên triền đồi xơ xác, dường như chỉ có những dải sương trắng vắt ngang qua nóc nhà còn chút sinh hồn. “Nơi đây, không phải cái đói, cái nghèo mà lá ngón mới chính là nỗi ám ảnh đối với đồng bào người Xê Đăng. Người ta không chết vì đói bởi vì đã có củ sắn, củ măng, có rau rừng nhưng nhiều người chết vì lá ngón. Những cái chết vì lá ngón đôi lúc hết sức bí ẩn, nhiều người đang yên đang lành bỗng tìm đến lá ngón chết tức tưởi. Chính vì điều đó mà người ta tin rằng những người ăn lá ngón là do “con ma” bắt đi” - Nguyễn Văn Huy, một thanh niên hiếm hoi học đến THPT ở Măng Lâng, cho biết.
Cây lá ngón ra hoa vàng.
Nhắc đến lá ngón, người dân nơi đây chưa hết bàng hoàng trước cái chết của đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Thiên (SN 1984) và Hồ Thị Thôi (SN 1985). Ông Hồ Văn Suốt kể cuối tháng 5, con dâu ông (chị Thôi) đang yên lành bỗng ăn lá ngón tự tử. Người thân chưa hết đau buồn thì mười ngày sau, con trai ông là Hồ Văn Thiên cũng tìm đến lá ngón kết liễu cuộc đời. Già Suốt nói rằng cái chết của Thiên là do “con ma” bắt, bởi khi Thôi mất, Thiên đem tháo mất một nửa ngôi nhà nên “con ma” tức giận (!).
Từ lúc đôi vợ chồng trẻ chết đi, 4 đứa con nhỏ gồm Hồ Thị Vong (SN 2004), Hồ Văn Võ (SN 2006), Hồ Văn Vương (SN 2008) và Hồ Thị Vân (SN 2011) được già Suốt đem về nuôi trong căn nhà phên đã mục. Ông Suốt bảo rằng để có gạo rẫy cho 4 đứa cháu, vợ chồng ông chuyển qua ăn bắp và sắn nhiều tháng nay. “Hai vợ chồng nó bị ma rừng bắt đi rồi, vợ chồng tôi đã già sức khỏe không còn, mắt mờ, chân yếu chẳng biết có sống được để nuôi 4 đứa nhỏ nữa không đây” - già Suốt buồn nói.
Trước đó, tháng 4-2014, mẹ của Nguyễn Văn Huy là bà Lê Thị Thương cũng tự kết liễu cuộc đời bằng lá ngón. Huy nghẹn ngào kể: Hôm đó, cả làng cùng nhau phát rẫy để chuẩn bị trồng lúa mới. Mẹ Huy nói ở nhà nấu cơm đưa ra nhưng chờ mãi không thấy. Đến trưa, lũ trẻ trong làng chạy lên báo tin bà bị “thần núi” đánh ngã, nằm trên sàn nhà. Tức tốc chạy về, người thân phát hiện bà Thương đã tắt thở, thân hình tím tái. “Mẹ em chết rất bí ẩn, không có cãi cọ hay mâu thuẫn với ai nhưng không hiểu sao bà lại ăn lá ngón” - Huy rớm nước mắt. Cũng tại Măng Lâng, vào năm 2009, anh Hồ Văn Lập (SN 1985) đang khỏe mạnh, làm ăn siêng năng cũng tìm đến lá ngón.
Theo người dân, lá ngón rất độc, chỉ cần ăn 2 lá nhỏ thì toàn thân tím tái rồi tử vong. Cây ngón lại rất phổ biến, mọc ở khắp nơi. Dẫn chúng tôi ra trước nhà chỉ chưa đầy 20 m, Huy chỉ rất nhiều cây ngón đang nở sắc hoa vàng rực. Theo ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang, trong vòng 5 năm qua, trên địa bàn xã có gần 10 trường hợp tự tử bằng lá ngón khi tuổi đời còn rất trẻ. Dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền rất nhiều nhưng vì nhận thức kém cộng với việc lá ngón mọc đầy rẫy nên mỗi khi tuyệt vọng, người dân lại tìm đến loại lá độc này.
Rời Trà Cang. Những đôi mắt trẻ con, những khuôn mặt lấm lét cứ ám ảnh chúng tôi suốt quãng đường về. Con đường không còn chông chênh như lúc ngược dốc nhưng vòng xe như lăn chậm lại. Lòng nặng trĩu với những câu hỏi bao giờ nơi đây không còn những chuyện đau lòng; trẻ em ăn đủ no, mặc đủ ấm, bao giờ các em được học hành như những đứa trẻ khác?
Gian nan xóa nghèo
Ông Hồ Quang Bửu - nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam, người vừa nhận chức Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho rằng nghèo đói và trình độ dân trí thấp là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy đau lòng. Theo ông, Nam Trà My là huyện nghèo nhất nước với hơn 72,05% dân số thuộc hộ nghèo. Hằng năm, cứ đến mùa giáp hạt, nhà nước phải trợ cấp gạo cho hơn một nửa dân số huyện bị thiếu đói.
Ông Bửu cho biết thêm địa hình huyện Nam Trà My hết sức phức tạp, dân cư phân bố rải rác trên các đỉnh núi, việc đi lại hết sức khó khăn, nhiều nơi phải đi bộ vài giờ hoặc cả ngày mới đến vì không có đường giao thông nên việc giảm nghèo là điều hết sức nan giải. Tuy nhiên, với quyết tâm và những dự định của mình, ông Bửu hy vọng Nam Trà My sẽ khởi sắc trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Quang Vinh

Không có nhận xét nào: