Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Giáo sư Phạm Thiều, một phần duyên nghiệp của tôi 2

Giáo sư Phạm Thiều, một phần duyên nghiệp của tôi 2
Copy từ http://trucnhatphi.wordpress.com/2008/10/04/giao-s%C6%B0-ph%E1%BA%A1m-thi%E1%BB%81u-m%E1%BB%99t-ph%E1%BA%A7n-duyen-nghi%E1%BB%87p-c%E1%BB%A7a-toi/ , đăng ngày 04/10/2008, mục Uncategorized.
Bài viết của Cao Tự Thanh
GS Phạm Thiều và Phu nhân
Trên trang trucnhatphi.wordpress.com bài này đăng chỉ 1 kỳ. Ở đây tôi chia thành 2 phần. Đây là phần 2 - Xem bài 1 tại đây.
Hồi đó giống như phần đông cán bộ hưu trí, giáo sư Phạm Thiều sống rất vất vả. Về sau tôi được biết, chút ít tiền bạc gửi tiết kiệm ông dành dụm được suốt mấy mươi năm ở miền Bắc đã bị mất trắng ít nhất là chín phần mười sau lần đổi tiền năm 1985.
Lần Hội nghị Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre năm 1982, hôm cuối cùng tỉnh mời cơm, cơm hội nghị tự nhiên là linh đình, nhất là với hạng người ăn lương hành chính sự nghiệp và lãnh lương hưu lúc ấy. Tôi ngồi cạnh ông, ông ăn rất ít, đâu được hai chén thì chống đũa nhìn nhìn dĩa tôm rim mặn thở dài nói “Tao mà được ăn mỗi bữa nửa con tôm này chắc sẽ sống thêm được vài năm”. Lúc ấy tôi cũng hơi chạnh lòng, nhưng từ 1983 trở đi tôi có gia đình nên phải ráng làm sách để sống, mỗi năm cũng được năm bảy chục ngàn nhuận bút (hồi đó lương tôi chỉ có 73 đồng mỗi tháng), khá “phong lưu” so với nhiều người nên cũng mau chóng quên đi chuyện ấy. Người no khó biết lòng kẻ đói, nhất là khi người no còn trẻ mà kẻ đói đã già. Cho nên tôi đã xử sự có vẻ hay ho nhưng cực kỳ ngu xuẩn, chuyện này còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.
Thời bao cấp, nói chung bọn cán bộ nghiên cứu trẻ như tôi khổ cực trăm bề, lương thì không đủ sống, vào đời chưa lâu nên nói chung chưa thể dành dụm được gì, lại thêm nghề nghiệp chưa tinh, quan hệ chưa rộng nên khó kiếm thêm bằng chữ nghĩa. Lúc còn độc thân thường xuyên phải vay mượn nợ nần, nhờ vậy tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hỏi tiền bạn bè. Phải hỏi những đứa bạn thân có vợ nhưng chưa có con, có được cha hiền mẹ tốt trợ cấp hay bao cấp về kinh tế, năm mười đồng thì không sao nhưng trên số đó thì phải hỏi lúc có mặt cả hai vợ chồng, để bạn hiền có điều kiện liếc chủ tài khoản xem ý kiến thái độ thế nào cũng dễ ba mặt một lời, tránh được câu nói dỗi “trọng bạn hơn trọng vợ” và những xáo trộn rơm cỏ lãng nhách trong tổ uyên ương vì một con vịt trời đói khổ. Cho nên với niềm tự tin về kinh nghiệm sống khôn vặt không mấy vinh dự ấy, tôi đã lao sư động chúng dắt vợ tới thăm ông và bác gái, sắp sẵn một ngàn tiền mới, cũng lịch sự mua chút ít trái cây, soạn trước trong đầu một câu thoại để phối hợp với động tác “Bọn cháu tới thăm hai bác, cũng có chút chuyện. Hôm trước anh Minh Đức đưa nhuận bút cháu hơi sơ ý, bác tính lầm đưa thừa cháu một ngàn, hôm nay cháu tới gởi lại. Đã may mắn được tiếng làm sách chung với bác, thì chuyện tiền bạc càng không được quá phận”.
Nhưng bước đầu đã sai thì bước tiếp theo thế nào cũng sai.
Sau đoạn mở đầu đạt tình thấu lý đủ ý ít lời mà dày đặc uyển ngữ đầy ắp khiêm nhường ấy, tôi rút cái phong bì ra cầm hai tay đưa qua trước mặt ông nhẹ nhàng đặt xuống bàn, rồi vui vẻ quay qua hỏi thăm bác gái về con mèo cưng của bà, rắp tâm lờ luôn cho câu chuyện tự nhiên chìm xuồng theo thượng sách Bất chiến tự nhiên thành. Nhưng gừng già gừng cay, ông lập tức xua tay nói “Tao không nhận đâu. Chú mày làm nhiều thì hưởng nhiều, đây là nguyên tắc phân phối trong xã hội xã hội chủ nghĩa”. Trời ạ, cái lý luận công thức ấy người ta nói mà không làm đã lâu rồi ông già ơi, với lại xã hội chủ nghĩa cái gì mà một Lưỡng quốc Đại sứ, Hán học Giáo sư như ông lại phải tỵ hiềm một ngàn đồng bạc. Nhưng tình hình này đã nằm trong dự kiến, nên tôi giả ngẫm nghĩ giây lát rồi bật cassette phát ra câu thứ hai “Cố Tư nói cũng đúng, nhưng trong nghiên cứu thì lao động không đồng nghĩa với sản xuất, không phải viết ra nhiều chữ là có công hơn đâu”. Ông thong thả nhưng làm tôi bật ngửa “Thật ra tao chỉ là cái thằng cha đứng tên cho chú mày làm quyển sách này, chứ một mình chú mày cũng làm được đâu cần có tao và thằng Đức. Tao không nhận đâu”. Phải tinh đời và biết rõ về giáo sư Phạm Thiều mới hiểu được sự thẳng thắn trong câu nói đầy vẻ cay đắng mà cao ngạo ấy, nhưng rủi ro là tôi tuy không cậy vào gia thế nhưng thường lười suy nghĩ về các chú bác có quen biết ba mình, mặt khác cái nhìn xa vắng của ông lại làm tôi phóng đại khía cạnh mặc cảm ở một người già thiếu thốn nhưng tự trọng nên đã phán đoán sai lầm và xử sự ngu ngốc làm hỏng luôn cái trung sách Phản khách vi chủ. Lúc ấy nếu kiên quyết cứng cỏi nói “Con không cầm chỗ tiền này, nó là của cố. Cố tự trọng cũng nên chừa chỗ cho người khác tự trọng chứ” thì may ra có thể cứu vãn phần nào cái sai lầm là dắt vợ cùng đi. Nhưng tôi lại giả lả kiểu con cháu ăn vạ “Ông già thương con với, con mà nghĩ như cố nói thì đã không tới đây”. Cho nên không lạ gì mà ông càng chém đinh chặt sắt “Tao không nhận đâu”.
(Cần nhấn mạnh rằng vào những ngày tháng cuối đời mà cũng là những giờ phút cuối cùng của cái đêm dài bao cấp ấy giáo sư Phạm Thiều làm thơ khá nhiều, lời thơ cũng rất sống sít ít gọt giũa, và khác với nét chữ lít nhít mà đều đặn lúc bình thời, những dòng tâm tư nhiều khi có vẻ không đầu không đuôi ấy của ông được viết với một nét chữ nguệch ngoạc giống như những cơn cuồng nộ tràn ra trên mặt giấy. Sự trăn trở trước vận nước của một trí thức cách mạng lão thành nơi ông đã bị nhấn mạnh thêm bởi sự thiếu thốn trong đời sống riêng tư nhưng lại bị ức chế bởi ý thức tổ chức kỷ luật nơi nhiều đảng viên hưu trí thời ấy. Có lần giáo sư Trần Văn Giàu nói với tôi “Lúc ổng nghỉ hưu rồi tao cũng có tới thăm mấy lần, nhưng chỉ uống nước trà nói chuyện. Rồi về. Ổng kín mít, khó nói chuyện lắm”. Nhưng lúc ông còn sống thì hai vị giáo sư này đều thường dùng những từ như “thằng Giàu”, “thằng Thiều” khi nói về nhau, chỉ đặc biệt là giáo sư Trần Văn Giàu thường dùng đại từ “anh” còn giáo sư Phạm Thiều thường dùng đại từ “ông” khi nói về giáo sư Ca Văn Thỉnh. Sự thân tình ấy giữa hai người sau này dường như đã không còn được như trước, nhưng có lẽ đó là vì vào lúc cuối đời giáo sư Phạm Thiều đã co lại trong cái vỏ “Ông đồ Nghệ” vốn có, lấy đó làm tuyến phòng thủ cuối cùng để chống chọi với những khó khăn về tinh thần và vật chất của mình… Về khía cạnh này trong tính cách của giáo sư Phạm Thiều, gần đây giáo sư Nguyễn Công Bình cũng có lần nói với tôi qua điện thoại “Tao thương ông ấy lắm mày ơi. Lúc tao làm Viện trưởng, cơ quan hóa giá cho một bộ salon cũ vài mươi đồng mà ông ấy cứ ngại ngùng áy náy mãi, mà thật ra có đáng cái gì đâu”. Trong một thời gian dài tôi đã lầm tưởng sự kín đáo nhiều khi giống như cô ngạo và sự khắc kỷ nhiều khi giống như bất cận nhân tình ấy là những biến thái của thái độ An thời xử thuận trong học phái Lão Trang hay tinh thần Tố kỳ vị nhi hành của Nho gia chính thống, nhưng thật ra hoàn toàn không phải thế. Nhiệt tình với cuộc đời chưa hề nguội lạnh vì tuổi già và sự nhạy cảm trước tình hình xã hội của một người từng kiêm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền ở hai nước đã tô đậm cảm giác bất lực trước hiện thực đương thời và mặc cảm lão lai tài tận khiến ông ít nhiều bị đẩy tới chỗ bế tắc về tâm lý nên chua chát và đôi khi ác khẩu. Tôi mong mỏi sau này khi có điều kiện làm một bộ “Trí thức cách mạng ở Nam Bộ” viết về các trí thức cách mạng ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Nam Bộ như Ung Văn Khiêm, Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Nguyễn Văn Trấn…, các nhà nghiên cứu sẽ lưu ý đúng mức tới nguồn gốc xã hội của các biểu hiện tâm lý ít nhiều có vẻ cực đoan từ thời bao cấp đến thời mở cửa có khi rất khác nhau ở họ. Đừng thần thánh hóa họ để hô hào giáo dục suông nhưng cũng đừng vô tình đánh giá thấp họ vì chuyện này chuyện nọ. Đó là một phần tinh hoa sống của lịch sử, phải nhìn nhận họ từ góc độ của lịch sử ít nhất là trong thế kỷ trước để nhận chân trọn vẹn những giá trị tinh thần mà họ để lại cho các thế hệ sau, những giá trị nhiều khi còn quan trọng hơn cả những công lao của họ với dân với nước).
Tôi thành thật xin lỗi những người thân của giáo sư Phạm Thiều để nói ra ở đây một điều mà chắc là rất ít người quen ông sau 1945 biết tới, đó là giáo sư Phạm Thiều thật ra lại thuộc “nòi tình chủng”: ông rất đa tình. Những bài thơ tình trước 1945 hiện còn trong di cảo của ông ít nhất cũng nhắc tới vài cái tên người được gọi là “nàng”, và không khó khăn gì cũng đoán được rằng thuở thanh xuân ông đã phải hơn một lần im lặng vùi chôn những mối tình vô vọng. Kẻ đa tình thường nhạy cảm, và một người nhạy cảm mà tự trọng như ông không thể xử sự khác được trong hoàn cảnh có hai người phụ nữ đang cố tình say sưa nói chuyện chợ búa nội trợ ngay bên cạnh. Cuộc trò chuyện đi vào chỗ bế tắc giữa hai người đàn ông họ đều nghe rõ, nên bác gái vốn hay thương người liền gỡ bí cho tôi “Thôi con cháu nó đã có lòng, thì mình nhận đi ông ạ”. Ông có vẻ xiêu lòng, nhưng tôi chưa kịp thở phào đã lập tức đứng tim vì thấy bà đang đưa tay về phía cái phong bì. Bà già ơi, sai lầm rồi. Trong chớp mắt ấy tôi chợt nhớ tới sáu chữ Cùng tắc biến, biến tắc thông và quyết định dùng hạ sách Tốc chiến tốc quyết bá đạo không cần dè dặt nữa.
Quả nhiên sấm sét nổ ra.
Cố Tư đập bàn ầm một tiếng, lắp bắp gầm lên “Bà bỏ tay ra! Cái gì mà… cái gì mà… Tham!”. Bác gái thản nhiên rút tay lại, không nói câu nào. Có điều dáng vẻ thản nhiên chứ không phải nhẫn nhục của bà làm tôi chợt hiểu những cơn giận kiểu này đã nổ ra không phải chỉ một lần. Thưa cố Tư kính mến, thằng cháu nhìn ra đường lối rồi. Tôi suýt phì cười vì chợt thấy mình ranh mãnh hơn mình tưởng. Ứng dụng ngay bài học sau vụ Nguyễn Thông, tôi đập bàn không mạnh bằng nhưng chắc chắn là vang hơn ông, lớn tiếng “Cố Tư, cố quá đáng quá. Trước mặt con cháu mà cố xử sự như thế à?”. Ông thở hắt ra, im bặt như đột nhiên kiệt sức. Tôi khựng lại không nói tiếp, cũng vì sợ cái liệu pháp sốc này lại gây ra một vụ tai biến mạch máu não thì nguy to. Nhưng khoảng lặng rất khả nghi xét từ phương diện quy trình tức giận và nhất là dáng vẻ giận dữ còn chưa lão luyện của tôi lúc bấy giờ dĩ nhiên không đủ để qua mặt một người từng trải như ông, nên cố Tư lập tức gầm lên “Tao xé, xé…” rồi quờ tay chụp cái phong bì. Cám ơn cố Tư, chứ lưới đã giăng mà chim không vào thì vô lý lắm. Tôi nén cười chụp mu bàn tay ông, nắm vào lòng bàn tay rà xuống tới cổ tay thì lật lại kéo qua cho hơi xa cái phong bì xong mới buông ra trầm giọng nói “Xin lỗi cố Tư. Nếu cố không nhận số tiền này mà xé thì phải đền lại cho con. Nếu cố nhận số tiền này mà xé là hủy hoại đồng tiền của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội to đấy nhé”. Mu bàn tay ông lạnh ngắt mà lòng bàn tay thì nóng rực như đang sốt. Giả nhiệt chân hàn, ít ăn mất ngủ, nghĩ ngợi quá mức đây mà. Tôi bùi ngùi nhìn ông một lúc rồi thở dài, lần này thì hoàn toàn thật lòng, nói “Cố không được khỏe, bọn con xin phép về để cố nghỉ”. Ông khẽ gật đầu, im lặng nhìn tôi bước ra. Ánh mắt vừa đầy vẻ u uẩn vừa thoáng nét bơ vơ ấy đã đeo đẳng theo tôi gần nửa cuộc đời.
(Hôm sau ông nhờ anh Minh Đức chuyển một lá thư gọi tôi tới nhận lại tiền nhưng tôi lờ đi, hơn tuần sau mới mò tới cười hề hề sán vào nói chuyện mèo với bác gái, bà than thở là sợ lũ mèo con mới đẻ bị lạnh nên cho thêm giẻ lót vào ổ, con mèo mẹ lại cảnh giác càm lũ con đi mất, ông ngồi bên cạnh im lặng lắng nghe một lúc rồi cũng xen vào chế giễu bà không hiểu “tâm lý mèo”. Êm rồi. Nhưng khi bình tâm nhìn lại quá khứ, thường là chúng ta đột nhiên nhận ra một số hành động nào đó lại mang những ý nghĩa khác hẳn với những ý nghĩa mà xưa kia chúng ta đã lầm tưởng khi thực hiện… Cuộc đời và tháng năm đã làm tôi hiểu rõ sai lầm của mình dù rằng đã không thể nào sửa chữa, đó là nếu lúc ấy tôi nghĩ về ông và vì ông nhiều hơn, kỹ hơn thì có rất nhiều cách để đưa tiền, thậm chí cả ba ngàn đồng mà không làm ông tự ái hay tủi thân. Cho nên nói một cách nào đó thì có lẽ tôi cũng là một cái nghiệp của ông, cái nghiệp tới từ một gã thanh niên chưa hiểu người già mà hung hăng muốn làm người lớn).
Tôi ra tới cổng thì bác gái nhẹ nhàng bước theo ra, hạ giọng nói “Cháu Thanh chờ bác một tí”. Tôi im lặng nhìn bà, trong lòng nao nao. Người phụ nữ hiền hậu trầm lặng này chắc cũng giống tôi, duyên nhiều thì nghiệp lớn. Bà nói “Cháu đừng buồn bác trai, người già hay trái tính”. Tôi im lặng rất lâu mới lên tiếng, cân nhắc từng chữ “Bà già đừng bận tâm. Chuyện không có gì phải nói nhiều đâu. Bác trai không giận gì cháu, càng không phải trách móc gì bác, chỉ là nghĩ ngợi nhiều quá về chuyện đời mà lại quá buồn phiền nên hơi mất bình tĩnh. Nhưng ổng dám buông thả nổi giận như thế là vì cậy bác là vợ và thật lòng coi bọn cháu như người nhà, chuyện đó bọn cháu hiểu chứ”. Bà nói khẽ, tới mức gần như thì thào “Bác cảm ơn cháu”. Duyên hay nghiệp đây? Tôi cúi đầu, trong lòng ngổn ngang, không biết mình đang xử sự sai hay đúng. Bà ngần ngừ một lúc rồi quay qua cám ơn vợ tôi vài câu. Cái thông điệp ý ở ngoài lời giữa phụ nữ với nhau ấy tiếc là lúc bấy giờ tôi chưa có đủ học vấn và kinh nghiệm sống để cảm nhận một cách trọn vẹn. Nhưng điều bà và tôi cảm nhận về nhau hôm ấy luôn làm tôi ấm lòng mỗi khi nghĩ tới giáo sư Phạm Thiều và bà. Quên ta đi cho thấy nghiệp là duyên…
Nhiều năm qua tôi đã được nghe, được thấy không ít điều về nhiều trí thức khoa học xã hội ở thành phố cũng như nhiều nơi khác, những quan hệ nhiều khi cũng là duyên nghiệp song trùng ấy đã giúp tôi nhận chân được ý nghĩa của bốn chữ “có tài có đức”: kẻ sĩ thực sự không những cần có học thuật cao thâm, chí hướng viễn đại mà còn phải giữ được tâm thuật thiện lương đoan chính. Cho nên khi nhìn lại những suy nghĩ của mình lúc viết bài này, tôi đột nhiên thấu hiểu nguồn gốc sâu xa của nỗi bất an mà những duyên nghiệp với giáo sư Phạm Thiều đã tạo ra trong lòng mình sau khi ông mất. Nỗi bất an ấy không gì khác hơn là một sự phản tỉnh về nhân cách, vì mỗi khi đối diện với cái phần Phạm Thiều của mình trong quá khứ, lúc nào tôi cũng phải tự vấn lại mình về thái độ sống và trong cách làm người.
Tháng 12. 2003
Theo Cao Tự Thanh, Dâu bể mười năm, 2004
Hết phần 2.

Không có nhận xét nào: