Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Giáo sư Phạm Thiều, một phần duyên nghiệp của tôi 1

Giáo sư Phạm Thiều, một phần duyên nghiệp của tôi 1
Copy từ http://trucnhatphi.wordpress.com/2008/10/04/giao-s%C6%B0-ph%E1%BA%A1m-thi%E1%BB%81u-m%E1%BB%99t-ph%E1%BA%A7n-duyen-nghi%E1%BB%87p-c%E1%BB%A7a-toi/ , đăng ngày 04/10/2008, mục Uncategorized.
Bài viết của Cao Tự Thanh
Trên trang trucnhatphi.wordpress.com bài này đăng chỉ 1 kỳ. Ở đây tôi chia thành 2 phần. Đây là phần 1
GS Phạm Thiều (Trưởng Ban Hán Nôm 1970-1975)
Lẽ ra, bài viết này phải có mặt trong quyển Giáo sư Phạm Thiều (1904 – 1986) vừa được Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản tháng 4. 2004. Tuy nhiên, để giữ gìn tính thuần nhất về phong cách của quyển sách nên với tư cách người biên soạn, tôi thấy nên rút nó ra thì hay hơn. Nhưng sự cảm nhận của chúng ta về người khác cho dù không đúng thường cũng rất thật. Cho nên tôi đưa in bài này cuối quyển Dâu bể mười năm, cũng là để trả lời câu hỏi của nhiều bạn bè và người đọc “Sao anh biên soạn quyển Giáo sư Phạm Thiều mà không viết một bài về giáo sư Phạm Thiều?”.
Dĩ nhiên, tôi không có tham vọng coi đây là một hồi ký về giáo sư Phạm Thiều, cũng không có ảo tưởng coi nó là một bài nghiên cứu về ông. Bởi nói là hồi ký thì tôi không xứng đáng, còn nói là bài nghiên cứu thì nó không xứng đáng. Đây chỉ là một tập hợp có hệ thống hóa bước đầu các suy nghĩ về ông từ trước đến nay, các suy nghĩ nảy sinh từ nhưng điều tôi trực tiếp mắt thấy tai nghe về ông cũng như từ những tư liệu, di cảo của giáo sư Phạm Thiều mà hai nhà báo lão thành Túy Hạt và Lê Minh Đức đã tin cậy trao cho tôi để góp phần hoàn thành quyển Giáo sư Phạm Thiều (1904 – 1986) theo nguyện vọng của gia đình, bạn bè và học trò ông.
Năm nay tôi năm mươi tuổi, viết được khoảng chục quyển sách, sách dịch thì khoảng ba chục quyển, cũng được vài ba người anh em bạn thương mến coi là có chút tài năng. Nhưng nếu nói tài năng có phần do thiên phú và có phần do tao ngộ, thì trong trường hợp của tôi tao ngộ là phần quyết định. Sau 1977 tôi có cơ duyên được gặp gỡ và làm việc với nhiều trí thức khoa học xã hội tài giỏi, nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng ở cả hai miền nam bắc, cũng vương ác nghiệp phải đối đầu với không ít kẻ có học vấn mà tâm thuật bất chính. Nhưng sự đời lại không đơn giản, cơ duyên không chỉ là cơ duyên mà ác nghiệp cũng không chỉ là ác nghiệp, có khi duyên cũng là nghiệp mà có khi nghiệp lại là duyên. Mối quan hệ với giáo sư Phạm Thiều của tôi có thể nói là một trong những trường hợp duyên nghiệp song trùng.
Bắt đầu về già mà vẫn còn lận đận thì người ta thường nghĩ lại đời mình để tìm trong quá khứ một cái gì đó khả dĩ làm nhẹ lòng, nhưng hiện nay khi nhớ lại những cơ duyên và ác nghiệp trong đời, tôi lại cảm thấy cái phần Phạm Thiều thường đè nặng trong lòng dường như không hề vơi đi theo năm tháng. Nói ra cũng lạ, lúc ông còn sống tôi không hề bị bất cứ ai coi là đắc tội với ông, lại còn được cái tiếng là giúp ông làm quyển sách về Nguyễn Hữu Huân nên được bác gái và các anh chị con ông coi trọng và thương mến, sau khi ông mất thì được thừa hưởng phần sách vở chữ Hán mà ông thường nói với bác gái là sẽ để lại cho tôi, đến ngày giỗ hàng năm của ông nếu ở thành phố thế nào cũng phải tới thắp nhang nên còn được cái tiếng là hiếu nghĩa với thầy, thậm chí khi chị Túy Hạt và anh Lê Minh Đức bàn nhau làm quyển Giáo sư Phạm Thiều (1904 – 1986) để kỷ niệm người cha người thầy đáng kính của họ cũng tin tưởng giao cho tôi cái quyền quyết định, thế mà không biết vì sao cứ nghĩ tới ông thì từ tận đáy lòng mình tôi vẫn thấy gờn gợn một nỗi bất an.
Thời còn học Đại học ở miền Bắc trước 1975, thỉnh thoảng tôi cũng nghe các chú bác đồng hương nhắc tới ba giáo sư Trần Văn Giàu, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, nên cứ tưởng ông cũng là “con dân Nam Kỳ”. Đến khi tới gặp ông lần đầu để xin việc năm 1976 ở Thư viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi mới biết ông là người Nghệ Tĩnh. Hôm ấy sau khi hỏi han vài câu, ông đưa ra một quyển sách nghiên cứu Truyện Kiều bằng chữ Trung Quốc, chỉ vào một bài thơ Đường luật thất ngôn bảo tôi dịch thử. Bài thơ vịnh Kiều nên cũng dễ hiểu, có điều có từ Nê hồng (tức điển Hồng trảo tuyết nê trong thơ Tô Thức) thì tôi mù tịt. Năm 1975 tôi mới học xong năm thứ ba ngành Hán Nôm khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đã xin thôi học về nam, có bao nhiêu chữ nghĩa mà hiểu được Nê hồng là Vết hồng móng tuyết. Ông ân cần giải thích cho tôi rồi nói “Chữ Hán như của cháu thì nói là biết cũng được mà nói là không biết cũng được. Cháu nên ra Bắc học tiếp cho tốt nghiệp Đại học, bác dễ nhận mày hơn mà sau này lương hướng của cháu cũng không bị thiệt thòi. Còn nếu có khó khăn về thủ tục xin nhập học lại, bác có thể giới thiệu cháu là cộng tác viên không ăn lương của Tổ Hán Nôm ở đây thì có thể trường cùng dễ dãi hơn”. Tôi vừa xấu hổ vừa thầm biết ơn vì mấy chữ “nói là biết cũng được” mà ông nói để chu toàn thể diện cho tôi và cảm kích vì ông đối xử với tôi vừa thân tình vừa chu đáo. Sau đó quả nhiên ông có cho tôi một công văn giới thiệu để ra Hà Nội xin học lại. Buổi sơ ngộ duyên đã mang mầm nghiệp…
Sau khi tốt nghiệp, đầu 1978 tôi về nam làm thủ tục xin chuyển công tác qua Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ Viện không có nhu cầu tuyển biên chế mới, tôi lại bị tật chân, dĩ nhiên cơ quan nào cũng ngán ngại, nhưng tôi lại là con em gia đình cách mạng, từ chối thẳng thừng cũng kỳ nên Phòng Tổ chức của Viện và Vụ Tổ chức cán bộ của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam đã phải mất nhiều thời giờ để trao đổi về trường hợp của tôi, thậm chí còn phải liên hệ với Đại học Tổng hợp Hà Nội để tìm hiểu kết quả học tập, tư cách đạo đức… Mãi đến đầu 1990 lúc xin ra khỏi biên chế nhà nước, cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa Thông tin Long An trao lại hồ sơ cá nhân, tôi mới biết có câu chuyện nhiêu khê này.
Trong những tài liệu liên quan tới chuyện này có một phiếu đề xuất ý kiến của giáo sư Phạm Thiều với tư cách Giám đốc Thư viện kiêm Tổ trưởng Tổ Hán Nôm đề ngày 12. 02. 1978, trong đó ông không chú trọng tới các yếu tố gia đình, sức khỏe của tôi như bên tổ chức mà nhấn mạnh “Có thể nói đây là một cán bộ đầu tiên của Nam Bộ được đào tạo về Hán Nôm một cách có hệ thống. Tôi đề nghị Ủy ban ta ra quyết định điều anh Cao Tự Thanh về công tác tại Tổ Hán Nôm của Thư viện…”, với một thái độ được ông Nguyễn Công Tiếu Trưởng phòng tổ chức của Viện lúc bấy giờ tóm tắt trong một lá thư gửi ông Đinh Lư Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Ủy ban là “Cụ Phạm Thiều khẩn khoản muốn nhận trường hợp này”. Có lẽ ý kiến và thái độ của ông đã đóng vai trò không nhỏ khiến bên tổ chức dứt khoát trong việc nhận tôi. Cần nhấn mạnh rằng sau khi về hưu năm 1980 ông mới nói tới ba tôi, còn trong suốt thời gian làm nhân viên của ông tôi không bao giờ nghe ông nhắc tới ba tôi ở chỗ đông người cũng như lúc chỉ có hai bác cháu. May cho tôi là không có máu con ông cháu cha, nên cũng mau chóng hiểu được đó là cách ông nhắc nhở tôi hãy tự lập thân chứ đừng dựa vào gia thế. Tôi kể ra câu chuyện này là để nêu một ví dụ về cách nhìn người và xử thế của ông, cách nhìn người và xử thế xuất phát từ ý thức trách nhiệm với sự nghiệp chung và với một tầm nhìn xa rộng mà trong trường hợp của tôi là về Hán Nôm học ở Nam Bộ. Nhưng không nói tới một số đề tài có liên quan tới Hán Nôm học ở Nam Bộ chưa thực hiện được, ngay những tư liệu Hán Nôm mà ông cho tôi thừa hưởng vẫn còn nằm yên trong tủ sách suốt gần hai mươi năm nay! Cuộc luân hồi nghiệp vẫn lớn theo duyên…
Năm 1983 tôi bắt tay biên soạn một quyển sách về Nguyễn Thông. Tiến sĩ Đoàn Lê Giang lúc ấy vừa tốt nghiệp Đại học với một luận văn về Nguyễn Thông đã vui vẻ giúp đỡ các tư liệu mà anh sưu tầm được ở Bình Thuận và nhận lời cộng tác với tôi. Hai đứa thừa hùng tâm nhưng thiếu học vấn và kinh nghiệm, chỉ biết làm hết sức mình. Khi bản thảo hoàn thành, tôi biết thân nên tới nhà giáo sư Phạm Thiều nhờ ông đọc lại và hiệu đính phần dịch chữ Hán. Không ngờ vừa dứt lời thì ông từ chối phắt “Chú mày nhờ người khác đi, tao không làm đâu”. Tôi sững sờ, gượng gạo năn nỉ thêm vài câu rồi bẽn lẽn chào về, tự thề phải làm bằng được quyển sách với chất lượng ít nhất không phải mất mặt với Đoàn Lê Giang. Bò ra đọc lại ngày đêm, chịu đủ nỗi nhọc nhằn thì cũng thôi, lại còn bị một số người xấu bụng trong cơ quan hành hạ. Nhưng chuyện làm tôi cay đắng nhất là thái độ của giáo sư Phạm Thiều. May mà phần thì tôi còn tỉnh táo để cảm thấy kỳ lạ, phần thì vì sĩ diện không dám nói ra vì sợ những người vẫn hành hạ mình có đề bài để làm văn, rêu rao ầm lên thì mất mặt, nên im như thóc. Năm 1984 sau khi quyển sách in xong nghe nói ông rất khen ngợi, tôi cũng thản nhiên không vui mừng không hả hê, càng không nói lại chuyện trước với ai, chỉ nghĩ mình xử sự như thế đủ để nhìn mặt người lớn rồi. Sau đó có lần ba tôi sai mời ông và bác gái tới nhà ăn cơm, tôi mới tới gặp ông thưa lại, nhưng hôm ấy không về phụ ba tôi tiếp khách. Tôi cũng ngại ba tôi thương con mà nghĩ khác về ông nên cũng không kể lại chuyện ấy, mãi đến 1994 đúng lúc tôi đang định bổ sung quyển Nho giáo ở Gia Định bằng một phần “Những dấu vết Nho giáo trong xã hội Nam Bộ thời gian 1930 – 1975” và suy nghĩ nhiều về lớp trí thức tân học có chịu ảnh hưởng Nho học tham gia cách mạng như Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Trần Văn Giàu, ba tôi mới kể chính là ông chủ động gọi điện nói với ba tôi về chuyện ấy, hai người mới tính nhân bữa cơm để ông nói lại cho tôi biết, “không ngờ chú im lặng không nói gì mà vẫn còn giận lẫy không chịu về ăn cơm với bác Tư”. Tôi ứa nước mắt, nhớ lại lần đầu tiên gặp ông. Còn biện biệt duyên còn mang dáng nghiệp…
Cứ tưởng cơ duyên giữa ông và tôi tới vụ Nguyễn Thông là thôi, nào ngờ khoảng cuối 1985 anh Lê Minh Đức ghé tôi nói “Cố Tư đang nằm bệnh viện muốn gặp chú, lúc nào chú đi được thì hẹn để tôi tới chở”. Thật tình tôi không biết ông bị bệnh, nhưng nằm bệnh viện mà gọi người không phải trong gia đình vào gặp cũng là chuyện kỳ lạ. Tôi hỏi riết tới, anh mới nói chuyện quyển Nguyễn Hữu Huân. Tôi hẹn qua hôm sau sẽ theo anh vào bệnh viện thăm ông, còn chuyện sách vở thì để tôi xem lại. Đêm ấy tôi thức trắng đêm đọc lại tư liệu riêng thấy có vài điều mới có thể nói về Nguyễn Hữu Huân, nên hôm sau vào bệnh viện mới dám nhận lời cộng tác với ông, có điều đọc xong dàn bài ông đưa thì tôi ngần ngừ.
(Không biết nói thế này về bậc tiền bối có quá phận không, nhưng thật tình theo chủ quan tôi thấy trong hoạt động nghiên cứu giáo sư Phạm Thiều không phải là người vượt trội so với lứa đồng bối, ít nhất là vào lúc tôi được quen ông. Phải nói ngay rằng ông không kém họ về phần tài hoa – những thơ phú hiện còn trong Di cảo cho thấy ông làm chủ được tất cả các thể loại văn vần trong văn học viết Việt Nam, kể cả những kỹ xảo rắc rối nhất mà sự tiếp xúc với văn chương Pháp đã đưa vào văn học hiện đại Việt Nam trước 1945 (theo gia đình kể lại, trước 1945 một nhà tư sản ở Sài Gòn mến mộ giáo sư Phạm Thiều đã tài trợ để xuất bản một tập thơ của ông) cũng như sự sâu lắng trong suy nghĩ mà bài Tâm sự di thần từ 1942 đã ít nhiều thể hiện. Cái điều giống như nghịch lý này có bốn lý do.
Thứ nhất là suốt từ 1945 đến 1964, ông phải làm nhiều nhiệm vụ khác nên không có thời giờ nghiên cứu để học tập và tích lũy. Thứ hai, hoàn cảnh thời chiến trước 1975 và hoàn cảnh bao cấp không chỉ về kinh tế mà còn cả về tư tưởng, học thuật… sau 1975 đã hạn chế rất lớn sự mạnh dạn sáng tạo của những người làm khoa học, chẳng hạn khoảng 1963 giáo sư Ca Văn Thỉnh từng tỏ ý băn khoăn về việc đánh giá Phan Thanh Giản nhưng vì ý thức tổ chức kỷ luật nên phải chấp hành…
Thứ ba là từ 1965 khi về làm việc ở Viện Văn học và đặc biệt sau khi phụ trách Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam năm 1970 thì ông lại phải lo chuyện tổ chức, xây dựng bộ máy, đào tạo cán bộ… trong hoàn cảnh vừa sơ tán vừa làm việc lúc Mỹ đang tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, còn từ 1975 trở đi thì lại bận rộn việc quản lý Thư viện khoa học xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh với đủ chuyện phức tạp về tổ chức và nhân sự lúc mới giải phóng, không có nhiều thời giờ để đầu tư vào hoạt động khoa học và vì vậy cũng ít nhiều chưa hội nhập được trọn vẹn vào với các động thái mới trong hoạt động nghiên cứu sau 1975.
Lý do thứ tư thì không chỉ liên quan tới riêng ông mà còn chi phối hoạt động của tất cả những người nghiên cứu Hán Nôm ở Nam Bộ: qua ba mươi năm chiến tranh, tư liệu Hán Nôm trên địa bàn này đã thêm một lần bị hủy diệt, thất tán. Sau 1975 giới Hán Nôm học ở vùng này không thể lấy Hán Nôm làm đối tượng nghiên cứu như trước 1945 mà chỉ có thể dùng Hán Nôm chủ yếu như một công cụ để nghiên cứu các vấn đề văn hóa – lịch sử địa phương mà thôi. Tinh lực và sự tài hoa của ông đã bị dàn trải ra nhiều lãnh vực khác nhau, lại bị cơ chế bao cấp hạn chế rất lớn nên không thể phát huy hết sức mạnh và hiệu quả có thể có trong hoạt động nghiên cứu (chẳng hạn quyển Thơ đi sứ do ông chủ biên trước 1975 mãi đến 1993 mới được xuất bản), mà lịch sử còn tai ác giáng một đòn nặng vào cuộc đời nghiên cứu của giáo sư Phạm Thiều đúng lúc ông đã về già: kinh nghiệm về Hán Nôm học trước 1945 của ông đã không còn phù hợp với thực tế tư liệu và khuynh hướng phát triển của Hán Nôm học ở Nam Bộ sau 1975 nữa.
Chính vì vậy mà tuy giáo sư Phạm Thiều giỏi Hán ngữ trong đó nổi bật là cổ văn, nhưng cái sở trường ấy lại không phát huy được trong bối cảnh học thuật ở Nam Bộ sau 1975 nên ít nhiều lại trở thành giống như sở đoản. Không lạ gì mà trong phong cách học nghiệp, ông không có nét trầm hùng như giáo sư Cao Xuân Huy, không có nét nhã hùng như giáo sư Đặng Thai Mai, không có nét hào hùng như giáo sư Trần Huy Liệu, không có nét kiêu hùng như giáo sư Văn Tân… Các phần Sổ tay ngoại giao, ghi chép công việc, kế hoạch cá nhân… hiện còn trong Di cảo của ông nói chung đều khá chi tiết rõ ràng, phần 1 phần 2, mục a mục b rất chặt chẽ, nhưng trong các công trình nghiên cứu cần vận dụng phương pháp liên ngành thì dàn bài càng chi tiết càng vướng víu chân tay mà khó có chỗ đột phá.
Năm 1984 – 1985 lúc đặt bài Văn học Hán Nôm ở Gia Định và Nho giáo ở Gia Định trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Trần Văn Giàu chỉ gọi tôi tới nói qua mấy câu, tôi cũng chỉ hỏi kỹ lại vài điểm, không có đề cương dàn bài gì cả, mà rồi cũng xong, chuyện này thì giáo sư Phạm Thiều có biết. Thật ra về sau tôi mới hiểu đó còn là do đặc trưng của mỗi ngành, sử học thì chú trọng vào phương hướng kết luận, còn Hán Nôm học phải lưu ý tới quá trình chứng minh. Nhưng dù sao thì Nguyễn Hữu Huân cũng là một vấn đề sử học đan xen với Hán Nôm học, nên nhiều khi tôi nghĩ có lẽ vì biết tôi đã ít nhiều nắm được phương pháp liên ngành nên ông mới gọi tôi cộng tác, chứ không phải nhờ tôi biết chữ Hán).
Sau vài hôm tính toán, tôi lại theo anh Minh Đức vào bệnh viện thăm ông, đề nghị được viết theo dàn bài của tôi, đơn giản nên ít tốn tư liệu hơn, vì tư liệu về Nguyễn Hữu Huân rất ít. Không ngờ ông chấp thuận ngay. Đến khi sách in xong tôi cầm một quyển tới xin ông ký cho một chữ làm kỷ niệm, ông nói “Chú mày có tương lai lắm, cố mà học hành làm việc. Tao nói với thằng Đức là tao cũng nghĩ về Nguyễn Hữu Huân như thế nhưng viết ra là rơi vào khuôn sáo cũ chứ không diễn đạt được như chú mày đâu”. Lúc ấy tôi vẫn còn hơi ấm ức chuyện Nguyễn Thông, nên nửa đùa nửa thật nói “Con không biết có giúp được cố cái gì không, nhưng chắc chắn đã bỏ ra nửa năm vì quyển Nguyễn Hữu Huân của cố, còn cố thì lúc con vừa tập tành viết sách lại làm hiểm không chịu dạy cho con cháu bớt ngu”. Ông ngập ngừng rồi nhìn qua chỗ khác nói “Thật ra chuyện đó không phải tao tiếc với chú mày, mà vì có một đứa cũng viết sách về Nguyễn Thông nhờ tao hiệu đính, tao không thích kiểu làm sách của nó nên từ chối, nhưng nếu nhận lời giúp chú mày lại thành ra hẹp hòi với nó, nên phải từ chối chú mày cho công bằng. Lần đó chú mày về được vài hôm thì nó lại tới nhờ, tao nói với nó Thằng Thanh là đứa học trò tinh thần của tôi cũng nhờ mà tôi còn không giúp được, làm sao tôi giúp chú, chuyện khó xử như thế mày đừng giận bác. Còn mấy bài thơ dịch của tao là nó xin để tham khảo rồi tự ý đưa vào, không phải tao đưa nó đâu”.
Tôi giật nảy mình vì không ngờ làm người lớn phải giải thích biện hộ với mình, mà tệ hơn là lại giống như mình kể công để “đay nghiến” ông. Bởi vì dáng vẻ và thái độ của ông lúc bấy giờ, nói xin lỗi chứ quả thật là giống hệt một đứa trẻ thấy mình có lỗi. Cái tín niệm “Quân tử chí công” (Người quân tử rất công bằng) và nhất là sự trong sáng ấy làm tôi áy náy đến tận bây giờ. Từ đó trở đi khi có va chạm bất mãn với một số chú bác lớn tuổi mà mình kính trọng là tôi lại cố tình gây ra một cái lỗi nhỏ trong ứng xử kiểu con cháu cậy được cưng chiều nên vô lễ. Thà bị chú bác tức giận, thiên hạ chê trách còn hơn là nhìn thấy bậc trưởng thượng ngập ngừng lúng túng trước mặt mình để rồi suốt đời phải day dứt xót xa.
Nhưng vụ Nguyễn Hữu Huân còn đoạn cuối là chuyện nhuận bút, đây là điều làm tôi đau lòng nhất trong quan hệ với ông. Sau khi nhận sách biếu một thời gian, anh Minh Đức tới nhà tôi đưa ba ngàn đồng nói “Tất cả nhuận bút được năm ngàn, cố Tư nói tôi nhận một ngàn, chú lấy một ngàn, chú Thanh làm nhiều nhất lấy ba ngàn. Thật ra phải trừ hai trăm tiền tạm ứng, nên cố Tư chỉ còn tám trăm”. Tôi hỏi �� �Anh lấy một ngàn thấy đủ không?”, anh Minh Đức đáp ngay “Nói thật tôi nhận một ngàn là quá”. Tôi nói “Vậy thì phần anh xong. Thanh có gởi chụp tư liệu ở Hà Nội và nhờ viết chữ Hán vài trăm nên xin lấy hai ngàn, anh cầm một ngàn đưa lại cho cố Tư giùm Thanh”. Anh chối phắt “Chú tới ông già mà đưa, tôi không làm chuyện đó đâu”. Quả thật lúc ấy tôi cũng “vật chất thấp hèn”, thấy tiền mà thiếu cảnh giác, chứ lẽ ra phải suy nghĩ kỹ và tìm hiểu nhiều về thái độ của anh. Thật tình cho đến lúc viết những dòng này tôi vẫn nghi ngờ là thật ra anh Minh Đức không cầm đồng nào mà đã dùng một cách thức tinh vi nào đó đẩy được hết qua cố Tư, nhưng tôi biết có chém chết anh cũng không chịu nói ra nên trước nay không hề hỏi tới.
Hết phần 1, xin mời xem tiếp phần 2 tại đây.

Không có nhận xét nào: