Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Gừng gió

Gừng gió
Copy từ báo Thuốc & Sức khỏe số 468 , đăng ngày 15/01/13 , trang 11.
Gừng gió còn có tên Ngải xanh, Ngải mặt trời, Gừng rừng, Phong khương. Tên khoa học: Zingiber zerumbet (L) Sm hoặc Zingiber zerumbet J.E.Sm. Họ Gừng (Zingiberaceae).
Tại Đông Nam Á, năm 1996, Thailade dựa vào đặc điểm cụm hoa đã mô tả và sắp xếp những dạng khác nhau của loài Gừng gió (Zingiber zerumbet) vào các thứ: var. amaricans (Blume) Thailade, var. aromaticum (valeton) Thailade, var. zerumbet, var.littorale (Valeton) Thailade.
Cây gừng gió cao từ 1m đến 1,7m. Thân rễ phân nhiều nhánh. Lá mọc so le, không cuống, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông thưa. Cụm hoa hình trụ hay hình trứng, trên cán dài 10 - 30cm mọc từ thân rễ, có nhiều lớp vẩy xếp lợp lên nhau bao quanh. Lá bắc gần hình trứng, lúc non màu xanh lục, khi già màu đỏ. Hoa mọc ở kẽ mỗi lá bắc, đài hình ống dài 5 - 5,5cm màu vàng chanh, có 3 thùy hình mác dài, thùy phía lưng lớn hơn, 2 thùy bên nhỏ, môi dài 5cm mép có răng tròn,màu trắng hoặc vàng. Quả nang hình trụ hay bầu dục, bầu 3 ô, dài 1,5cm, khi chín có màu đỏ. Hạt màu đen, áo hạt màu trắng. Cây ra hoa quả hàng năm. Mùa hoa quả: tháng 7 đến tháng 9. Chưa thấy cây mọc từ hạt.
Gừng gió là loài cây có nguồn gen đa dạng, sinh trưởng nhanh, chống chịu khỏe. Ở Niệt Nam, Gừng gió mọc hoang rải rác ở các tỉnh trung du và núi thấp ( chưa thấy ở vùng cao như cây Gừng vàng). Hiện nay được trồng ở nhiều nơi như Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc (theo Văn Ngọc Hương: Gừng gió ở đây có chất lượng tốt nhất) và các tỉnh Bình Trị Thiên. Trên thế giới, Gừng gió chỉ có ở các nước Đông Nam Á và Nam Á như: Việt Nam, miền nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ.
Mature cones of Zingiber zerumbet ... Trái Gừng gió, Gừng dại đã chín đỏ ....
Mature cones of Zingiber zerumbet ... Trái Gừng gió, Gừng dại đã chín đỏ ....
Bộ phận dùng:
Thân rễ (thường gọi là củ) thu hoạch vào mùa Đông dùng tươi hoặcphơi sấy khô.
Thành phần hóa học:
Củ Gừng gió chứa tinh dầu, dầu béo, nhựa dầu và một ít flavonoid (0,02 - 0,04%). Tỷ lệ tinh dầu trong củ tươi từ 0,45 đến 0,75%, zerumbon là thành phần chủ yếu. Tinh dầu Gừng gió Bình Trị Thiên có 16 chất khác nhạu trong đó zerumbon 72,3%, các nơi khác có tỉ lệ zerumbon là 50 đến 85%.
Tác dụng dược lý của zerumbon
Trước kia người ta mới biết nó có tác dụng ức chế tụ cầu vàng và trực khuẩn lao. Hai mươi năm gần đây người ta mới phát hiện và đặc biệt quan tâm nghiên cứu tác dụng chống nhiều loại ung thư, chống viêm, chống oxy hóa, chống gốc tự do của zerumbon. Các kết quả nghiên cứu ( cả in vivo và in vitro) của các nhà khoa học ở nhiều nước khác nhau đều khẳng định zerumbon là chất chống ung thư mạnh . Nó ức chế có hiệu quả sự phát triển 10 loại ung thư khác nhau trên người (ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư máu, ung thư xương, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư tụy, ung thư da). Trần Công Yên và cộng sự khi nghiên cứu trên chuột bạch đã phát hiện zerumbon không chỉ kéo dài cuộc sống của chuột bị gây ung thư mà còn phòng ngừa tái phát ung thư sau phẩu thuật.
Cơ chế chống ung thư của zerumbon:
Cơ chế chống ung thư của zerumbon là kìm hãm hay loại trừ tác nhân gây ung thư NF-kB hoạt động, thúc đẩy có chọn lọc sự tự chết (apoptosis) của tế bào ung thư bằng nhiều cách khác nhau, hoặc rút ngắn cuộc sống của tế bào ung thư làm cho ung thư không phát triển được.
Siddig Ibrahim Abdalwahab và cộng sự khi so sánh tính chống ung thư cổ tử cung (HeLa) và ung thư buồng trứng (Caov-3) của zerumbon với cisplatin (thuốc chống ung thư) đã khẳng định: zerumbon không những thúc đẩy sự tự chết của tế bào ung thư mạnh hơn cisplatin mà còn không gây độc hại và các tác dụng phụ với các tế bào thường (nhất là tế bào) như cisplatin.
Các flavonoid trong củ Gừng gió có hàm lượng 0,02 - 0,04% với 16 flavonoid dưới dạng glycosid có nhân campheron, có tác dụng chống oxy hóa, lợi tiểu, chống viêm và ức chế một số enzym.
Để tạo điều kiện chiết tách zerumbon từ Gừng gió để làm thuốc chống ung thư ở Việt nam, năm 2009 Bộ Công Thương đã có quyết định phê duyệt danh mục đề tài, trong đó có đề tài:" Nghiên cứu công nghệ chiết tách zerumbon từ cây Gừng Gió làm thuốc chống ung thư" thời gian nghiên cứu là 36 tháng. Mục tiêu đạt được là sản xuất được 1 kg zerumbon có hàm lượng trên 99%, thử độc tính cấp, độc tính trường diễn và độ ổn định của sản phẩm.
Báo Thuốc & Sức khỏe số 468 (15/01/13)

Không có nhận xét nào: