Học trò trường huyện và lời mời từ 11 trường ĐH quốc tế |
Copy từ https://vn.news.yahoo.com/ho-c-tro-tr%C6%B0%C6%A1-ng-huy%C3%AA-n-va-002000214.html, báo Tuổi Trẻ đăng lúc 7:20 ngày 03 th07/2014 , mục Giáo Dục . |
Đằng sau những ước mơ:
|
TT - Kết thúc ba năm học tại trường trung học hàng đầu New Zealand với thành tích hạng nhì khối, Huỳnh Ngọc Phương Thảo (19 tuổi, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) được 11 trường đại học quốc tế mời vào học ngành y sinh học. |
|
Huỳnh Ngọc Phương Thảo (phải) nhận giải thưởng hạng nhì khối tại Trường trung học quốc tế Auckland - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Trong môi trường giáo dục hiện đại tại Trường trung học quốc tế Auckland (Auckland International College), cái tên Huỳnh Ngọc Phương Thảo không ít lần được vinh danh với những thành tích nổi trội |
Bảng vàng thành tích
|
Tháng 7-2011, Thảo theo học chương trình tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate-IB) tại Trường Auckland. Thảo cho biết với ước mơ được đi du học, ngay từ nhỏ Thảo đã xây dựng cho mình những nền tảng kiến thức cần thiết. Thảo xác định phải xin được học bổng vì nếu tự túc thì chắc chắn gia đình sẽ không kham nổi. Cô học trò trường huyện đã thi đỗ vào lớp chuyên hóa Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM). Sau đó Thảo chọn Trường phổ thông Năng khiếu để theo học. Học được một năm, Thảo đăng ký và được chọn theo học chương trình IB tại New Zealand với học bổng 80% học phí mỗi năm. |
Cách học hiện đại kèm theo sự chuyên cần đã giúp Thảo gặt hái được nhiều thành công trong ba năm qua. Năm đầu tiên em tham gia cuộc thi về khoa học thần kinh của đảo Bắc New Zealand. Thảo là học sinh quốc tế duy nhất trong 150 học sinh vào vòng chung kết và kết quả Thảo được vào top 4. Năm sau Thảo được giải xuất sắc khi tham gia cuộc thi Hóa học Hoàng gia Úc. Trong cuộc thi chọn lựa cho đội tuyển Olympic hóa học của New Zealand, Thảo là một trong 28 học sinh trên toàn New Zealand được chọn vào đội tuyển. Em cũng là học sinh đầu tiên của Trường Auckland vào top này ở môn hóa và là học sinh quốc tế duy nhất vượt qua ba vòng thi để vào đội tuyển. |
Cuối năm, Thảo đoạt giải nhất môn hóa toàn khối và thắng giải thưởng dành cho học sinh toàn diện nhất của chủ nhiệm khối. Năm học cuối cùng là năm thành công nhất khi Thảo xếp hạng nhì toàn khối và chiếc cúp có khắc tên cô học trò này vinh dự được lưu lại trong phòng lưu niệm của nhà trường. Thảo còn đứng nhất toàn khối ở bốn môn trong số sáu môn học. |
Muốn đóng góp cho y sinh học thế giới
|
Thảo quyết định chọn học ngành y sinh học Trường đại học East Anglia ở Norwich (Anh). Thảo chia sẻ trong 11 trường trúng tuyển, có những trường hàng đầu châu Á như Đại học Hong Kong, Đại học Tokyo đã gửi giấy báo và hỗ trợ 100% học phí nhưng Thảo chọn Đại học East Anglia ở Anh. Thảo nói: “Em thích học ở Anh vì môi trường học ở đó tạo điều kiện cho sinh viên tập trung ngay vào chuyên ngành mình muốn học mà cụ thể đối với em là ngành y sinh học”. |
Thảo cũng chia sẻ từng một thời ước mơ trở thành bác sĩ nhưng rồi mọi thứ lại thay đổi. Trong bài luận gửi cho trường này bằng tiếng Anh, Thảo viết: “Kể từ năm 2004, em đã có hai người ông họ hàng mất vì bệnh ung thư mặc dù chỉ ngoài 50 tuổi. Từ đó, em khao khát cố gắng thật nhiều để giúp người dân quê hương em nhận được sự chẩn đoán, khám và chữa bệnh tốt hơn và phần nào cải thiện chất lượng cuộc sống. Do đó, em đã quyết định nộp vào ngành y sinh học ở các đại học để có thể ứng dụng những kiến thức của sinh học và khoa học tự nhiên vào thực tiễn lâm sàng và nghiên cứu y học”. |
Thảo mong mỏi được giúp đất nước mình bào chế và sản xuất được thuốc và văcxin chuẩn quốc tế nhưng phù hợp với túi tiền người dân. Những tiến bộ như thế còn có thể mở đường cho việc chẩn đoán và điều trị giá rẻ cho các nước bạn như Lào và Campuchia hay những nước kém phát triển ở châu Phi. |
Ba lần được xướng tên trong lễ tốt nghiệp
|
Trong ngày lễ tốt nghiệp của Thảo, ông Huỳnh Ngọc Vinh (cha Thảo) đã có mặt để chia sẻ niềm vui cùng con gái. Ông Vinh cho biết niềm hạnh phúc lớn nhất của ông những ngày ở New Zealand chính là cái tên Huỳnh Ngọc Phương Thảo luôn được mọi người trân trọng. “Mọi người gọi cháu là Thảo chứ không phải “Thao” hay một cái tên tiếng Anh nào khác. Nhất là vào ngày tốt nghiệp, trong hội trường trang trọng ấy, cái tên Huỳnh Ngọc Phương Thảo được xướng lên thật đầy đủ và trọn vẹn ba lần” - ông Vinh tự hào nói. |
Thúy Hằng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét