Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Nhìn lại “giấc mơ Mộc Bài” (kỳ 2)

Nhìn lại “giấc mơ Mộc Bài” (kỳ 2)
Copy từ http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&p=&id=521600, đăng ngày 17/07/14, mục Phóng sự điều tra.
Từ chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho các khu kinh tế cửa khẩu, giai đoạn 2004 - 2006 hàng loạt chủ đầu tư đã “đổ bộ” lên Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mang theo nhiều dự án thương mại tầm cỡ triệu đô. Nhưng do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện nay đề án về một thành phố với định hướng phát triển thương mại dịch vụ gần như đã bị “khai tử”.
Kỳ 2: Hệ thống siêu thị miễn thuế lâm cảnh đìu hiu
Các gian hàng vắng khách
Phải đến năm 2006 Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mới thực sự “bừng sáng” khi công trình đầu tiên là Trung tâm thương mại Hiệp Thành do Công ty TNHH xuất nhập khẩu - thương mại N.P (trụ sở tại TPHCM) làm chủ đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tổng diện tích 48ha, trung tâm này đăng ký vốn lên đến gần 400 tỷ đồng (thời điểm trên), với chức năng thương mại - dịch vụ, khu mua sắm hiện đại gồm 104 cửa hàng cùng khu bán hàng tương tự được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, còn có siêu thị rộng 8.000m2 và nhà hàng Hương Việt có sức chứa 5.000 chỗ ngồi. Và với tham vọng góp phần phát triển khu vực thương mại đặc biệt này thành địa điểm thu hút mua sắm lớn nhất nhì Đông Nam Á, Công ty N.P còn đề xuất kế hoạch xây dựng con đường chạy thẳng sang Campuchia để phía nước bạn có thể sang mua sắm dễ dàng.
Cách đó không xa, Siêu thị miễn thuế Thế Kỷ Vàng diện tích hơn 20.000m2 do ông Jonathan H. Ng. (một Việt kiều khá nổi tiếng tại Việt Nam) đầu tư cũng được xem là hiện tượng lạc quan cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Công ty TNHH V.T (đóng tại TPHCM) cũng đầu tư siêu thị mini với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Công trình chợ đường biên do Công ty TNHH một thành viên xây dựng B.M làm chủ đầu tư cũng một thời “làm mưa làm gió” khi mỗi ngày thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, mua sắm. Riêng hệ thống siêu thị miễn thuế Hiệp Thành và Thế Kỷ Vàng mỗi tháng thu về khoảng 40 tỷ, con số được cho là khủng ở thời điểm ấy. Ngoài việc góp phần làm tăng mãi lực mua sắm, thu hút các nhà đầu tư, hệ thống siêu thị miễn thuế và chợ đường biên với gần 50.000 mặt hàng từ trong nước đến nhập khẩu, từng được xem là giải quyết việc làm ổn định đồng thời nâng cao thu nhập cho gần 1.000 lao động địa phương.
Thế nhưng, thời hoàng kim ấy nhanh chóng qua đi. Bắt đầu từ việc chống gian lận thương mại khi chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho khu kinh tế này từ mỗi người được mua hàng miễn thuế 500.000 đồng/ngày/lần bị hạn chế thành 500.000 đồng/tuần khiến các cửa hàng, siêu thị lâm cảnh đìu hiu, lượng khách tham quan, mua sắm giảm rõ rệt. Tiếp đó, Quyết định 72/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-1-2014 quy định các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (bia, rượu, thuốc lá...) không được bán miễn thuế cho khách nội địa Việt Nam, đã đẩy các doanh nghiệp (DN) hoạt động tại khu kinh tế cửa khẩu này lâm cảnh nan giải. Để cứu vãn tình thế, quy định mới nâng cao giá trị mua hàng miễn thuế của khách nội địa từ 500.000 đồng được nâng lên 1 triệu đồng/người/ngày kể từ 15-1-2014 được ban hành nhưng cũng không thể vực dậy lượng khách. Vợ chồng anh Hoàng (ngụ quận 10, “tín đồ” của các siêu thị Mộc Bài) nói thẳng: “Chúng tôi từ TPHCM lên đây để mua hàng giá rẻ cuối tuần. Về chủng loại thì hàng hóa ở các siêu thị tại đây làm sao đa dạng bằng TPHCM, mà giá bia, rượu lại tương đương thì rinh về làm gì cho mệt, lại tốn tiền xăng xe”.
Rảo một vòng quanh khu vực, trước mắt chúng tôi là Siêu thị miễn thuế T.L nằm ngay cổng ra vào. Khu nhà rộng lớn từng là nơi trưng bày hàng chục ngàn mặt hàng miễn thuế giờ “cửa đóng then cài”. Phía sau những cánh cửa sổ bị gió quật tả tơi chẳng ai màng sửa. “Hiện giờ siêu thị này đã ngưng hoạt động, được cho thuê rồi”, một nhân viên bảo vệ cho biết. Hệ thống siêu thị miễn thuế Hiệp Thành thì xem như đã “khai tử” từ lâu. Khu vực chợ đường biên cũng không thoát cảnh chợ chiều tương tự. Cả Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài giờ chỉ còn mỗi Siêu thị miễn thuế Thế Kỷ Vàng cầm cự nổi, tuy vậy nhân viên giảm chỉ còn 1/3 với chưa đầy 100 người, trong khi hàng hóa thưa thớt. Riêng rượu bia, thuốc lá... chỉ còn nằm gọn trong tủ để trưng bày! Đảo một vòng xung quanh, chúng tôi đếm được cả siêu thị thênh thang có chưa đến 50 khách tham quan, mua sắm!
Chọn một hộp chocolate, chỉ rẻ vài chục ngàn so với các siêu thị ở TPHCM nhưng khi tính tiền chúng tôi cũng phải xuất trình CMND, điều này khiến khách thêm chán nản. Một nhân viên thu ngân “bật mí”: “Trước đây mỗi ngày một quầy của tụi em thu trung bình 200 triệu, còn hiện nay được 3-4 triệu là nhiều lắm rồi”. Sự lụi tàn nhanh chóng khiến nhiều DN đầu tư siêu thị miễn thuế “bỏ của chạy lấy người” khi vốn đầu tư chưa kịp thu hồi nay lại bị chính sách gần như “bít” cửa tiêu thụ hàng hóa. Vì vậy, nhiều DN đành chọn phương án dành ưu đãi lớn để mời gọi đối tác xuất hàng sang Campuchia. Theo thống kê, không ít DN đã nộp đơn xin tạm dừng hoạt động vì kinh doanh ế ẩm.
Phân tích nguyên nhân trên, nhiều nhà kinh tế cho rằng chính vì chính sách phi thuế quan không phù hợp cộng với sự thiếu nhất quán trong kêu gọi đầu tư và áp thuế khiến cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chết yểu. Tuy nhiên, để đánh giá đúng bản chất vấn đề, nguyên nhân chính theo các nhà đầu tư là do chính sách định hướng phát triển không rõ ràng của các nhà hoạch định. Ban đầu, họ chọn gắn thương mại, du lịch với phát triển đô thị; nhưng sau đó điều chỉnh ưu thế mũi nhọn là phát triển công nghiệp khiến không ít nhà đầu tư quan ngại, dẫn đến việc cả chủ lẫn khách không còn mặn mà với hệ thống siêu thị miễn thuế tại đây.
(Còn tiếp)
Nguyễn Vinh - Ngọc Huy

Không có nhận xét nào: